Đến TP.HCM nghe những câu chuyện phủ đầy lớp bụi thời gian

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Nào cần đi đâu xa tìm kiếm, ngay tại TP.HCM, ngành du lịch đã làm sống dậy những câu chuyện tích xưa, những di tích đã tồn tại từ rất lâu, thậm chí hàng trăm năm.

Đến TP.HCM nghe những câu chuyện phủ đầy lớp bụi thời gian - 1

Phù Châu Miếu – Ngôi miếu có tuổi đời gần 300 năm trên dòng sông Vàm Thuật

Rất nhiều các giá trị văn hóa lịch sử truyền thống của địa phương, các công trình kiến trúc tôn giáo đặc sắc ở TP.HCM đã "xuất lộ" với du khách, nhờ có chủ trương “Mỗi quận/huyện có ít nhất một sản phẩm du lịch đặc trưng” của Sở Du lịch TP.HCM.

Chương trình này yêu cầu mỗi địa phương phải tìm cho mình điểm "đặc trưng" riêng. Có ai rành nơi mình ở hơn người địa phương, vậy là hàng loạt sản phẩm du lịch độc đáo - từ trước đến nay chủ yếu người dân nơi đó mới biết - đã được công bố rộng rãi, truyền thông đi khắp cả nước.

Có ai ngờ rằng, giữa đô thị hiện đại, phồn hoa như TP.HCM lại có những di tích cổ ẩn mình hàng trăm năm, bây giờ mới được ngành du lịch đánh thức, để kể lại những câu chuyện phủ đầy lớp bụi thời gian khiến cho du khách phải ngẩn ngơ.

Làm "sống dậy" những sản phẩm du lịch độc đáo

Văn hóa “Trên bến, dưới thuyền” của khu vực Bến Bình Đông (quận 8) vốn đã quen thuộc với người dân Sài Gòn – Gia Định – TP.HCM hàng trăm năm, nhưng vẫn chưa được phổ biến rộng rãi.

Đến ngày 28/5/2022, khi Tuần lễ trái cây “Trên bến, dưới thuyền” quận 8 lần thứ nhất được tổ chức thì nét văn hóa độc đáo này mới được "kể lại", phổ biến rầm rộ thông qua chương trình “Thành phố Hồ Chí Minh chào đón bạn - Welcome to Ho Chi Minh City” và chương trình “Mỗi quận/huyện có ít nhất một sản phẩm du lịch đặc trưng”.

Đến TP.HCM nghe những câu chuyện phủ đầy lớp bụi thời gian - 2

Văn hóa “Trên bến, dưới thuyền” ở quận 8 

Tuần lễ có sự tham gia của 180 gian hàng, trong đó 10 gian hàng mây tre lá trưng bày, giới thiệu sản phẩm và 170 gian hàng nhà bạt kinh doanh “Trên bến, dưới thuyền”, thu hút rất đông du khách đến tham quan, mua sắm.

Đến TP.HCM nghe những câu chuyện phủ đầy lớp bụi thời gian - 3

Tuần lễ thu hút rất đông du khách đến tham quan, mua sắm

Qua hoạt động này đã quảng bá tiềm năng điểm đến du lịch của quận 8, từng bước nâng tầm quy mô thành Lễ hội trái cây truyền thống “Trên bến, dưới thuyền”, trở thành một trong những sự kiện lễ hội văn hóa của TP.HCM được duy trì tổ chức hàng năm.

Nghệ thuật biểu diễn lân sư rồng danh tiếng của Chợ Lớn đã có từ hàng trăm năm nay. Nếu như trước đây, chỉ vào mỗi dịp lễ tết, hay các ngày hội, khai trương... du khách và người dân mới có cơ hội xem các chương trình lân sư rồng, thì nay đã có chương trình "Về Chợ Lớn xem múa Lân" định kì vào mỗi cuối tuần thứ 2 của tháng tại quảng trường The Garden Mall.

Đây là sản phẩm du lịch mới nhất của quận 5, TP.HCM nhằm giới thiệu, quảng bá nét văn hóa truyền thống danh tiếng của Chợ Lớn. 

Ông Nguyễn Võ Xuân Kỳ, Phó Chủ tịch UBND Q.5 cho biết: “Hoạt động du lịch của quận đón tiếp hàng ngàn lượt khách mỗi ngày đến với các di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật và tinh hoa văn hóa ẩm thực. Tuy nhiên, quận 5 vẫn còn nhiều điều hấp dẫn khác mà khi đến đây du khách không thể nào bỏ lỡ, một trong số đó chính là nghệ thuật biểu diễn lân sư rồng danh tiếng của Chợ Lớn đã có từ hàng trăm năm nay. Đây không chỉ là môn nghệ thuật, võ thuật, mà còn đem đến điềm lành, may mắn, bình an cho mọi người".

Đến TP.HCM nghe những câu chuyện phủ đầy lớp bụi thời gian - 4

Nhiều du khách rất thích xem biểu diễn lân sư rồng

Với sân khấu cố định tại quảng trường The Garden Mall, chương trình nghệ thuật đặc sắc này càng đến gần hơn với người dân và du khách.

Bên cạnh đó, tour du lịch mới của quận 5 "Ký ức Sài Gòn - Chợ Lớn" sẽ giúp du khách ngược dòng thời gian tìm về những ký ức lịch sử vẫn còn lưu giữ được đến ngày nay. 

Trong lịch trình, du khách sẽ được đến tham quan những điểm đến mang dấu ấn lịch sử, lần đầu tiên được đưa vào khai thác tour du lịch. Đặc biệt nhất là di tích Lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh – nơi Bác Hồ đã ở trước khi ra đi tìm đường cứu nước. Đó là căn nhà số 5 đường Châu Văn Liêm (căn nhà số 1-2-3 Bến Testard mà Bác đã ở từ tháng 9/1910 đến tháng 6/1911).

Cùng đó, du khách sẽ tham quan và được nghe kể lại lịch sử tại Di tích Khu trại giam Bệnh viện Chợ Quán (nay là Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới).

"Lộ diện" những công trình kiến trúc cổ trăm năm

Nhiều người dân TP.HCM, thậm chí người sinh sống tại Gò Vấp cũng chưa biết tại đây có những công trình kiến trúc cổ hàng trăm năm.

Những công trình này vừa được đưa vào tour du lịch trải nghiệm mới: "Gò Vấp trăm năm tìm lại dấu xưa", khiến cho du khách ngỡ ngàng vì không ngờ quận Gò Vấp cũng có các điểm tham quan, các nơi tổ chức du lịch tuyệt vời đến thế.

Đó là Phù Châu Miếu – Ngôi miếu có tuổi đời gần 300 năm trên dòng sông Vàm Thuật, là một di tích kiến trúc nghệ thuật đã được xếp hạng. Trước năm 1975, miếu là một trong những địa điểm hành hương nổi tiếng của người dân Sài Gòn - Gia Định. 

Từ năm 1992 đến nay, sau nhiều lần trùng tu, miếu Nổi đã trở thành một ngôi miếu khang trang bằng vật liệu hiện đại, nhưng vẫn theo kết cấu kiến trúc cổ kính mang đậm nét văn hóa Việt - Hoa. Mái lợp ngói âm dương tráng men xanh ngọc, gồm hai tầng chồng khít lên nhau. Toàn bộ kiến trúc trong miếu được trang trí bằng nghệ thuật khảm gốm, cẩn sứ hình rồng, phượng… rất tinh xảo, có tính nghệ thuật cao.

Đến TP.HCM nghe những câu chuyện phủ đầy lớp bụi thời gian - 5

Nét cổ kính của Đình Thông Tây Hội

Tiếp theo là Đình Thông Tây Hội – Di tích lịch sử văn hoá quốc gia, là  ngôi đình cổ nhất của vùng đất Gia Định xưa và của miệt đất phương nam còn tồn tại đến nay.

Đình Thông Tây Hội còn lưu giữ hiện vật quí gồm các tác phẩm chạm khắc nghệ thuật như bao lam, hoành phi, câu đối và trang thờ… Đặc biệt, có một số bức hoành phi được xếp vào những bức hoành phi tiêu biểu trong các di tích kiến trúc nghệ thuật ở TP.HCM, như: bức hoành phí “Kính như tại” (cung kính như thần có tại chỗ) niên đại 1881 và “Chung linh dục tú” (linh khí hội tụ) niên đại 1906; bức hoành phi “Quốc thái dân an” (nước thịnh dân mạnh)....

Điểm du lịch thứ ba trong tour là nhà thờ Hạnh Thông Tây, do ông Denis Lê Phát An (cậu ruột của Hoàng hậu Nam Phương) cho xây dựng theo phong cách kiến trúc Byzantine của châu Âu rất độc đáo. Trong Nhà thờ còn có 2 ngôi mộ vợ chồng ông Lê Phát An là cách để tưởng nhớ công của ông bà đã đóng góp cho giáo dân nơi đây, là một đặc ân đặc biệt hiếm có trong Công giáo.

Đến TP.HCM nghe những câu chuyện phủ đầy lớp bụi thời gian - 6

Nhà thờ Hạnh Thông Tây có kiến trúc rất độc đáo

Tồn tại và phát triển gần 100 năm, Nhà thờ  Hạnh Thông Tây vẫn còn lưu giữ những giá trị kiến trúc ban đầu, góp phần bảo tồn sự phong phú di sản kiến trúc cổ đô thị tại TP.HCM.

Tạo "đường đi" mới cho du khách đến khám phá

Theo Phó chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng, các chuyến khảo sát của lãnh đạo TP, Sở Du lịch TP.HCM cùng các doanh nghiệp lữ hành, đã phát hiện tiềm năng phát triển du lịch của từng quận, huyện rất phong phú, dựa trên nguồn tài nguyên sẵn có. Tuy nhiên, để đánh thức các tài nguyên này vẫn cần thêm giải pháp để khơi gợi đúng lúc, cho ra những câu chuyện riêng. 

Những chuyến khảo sát đã thôi thúc lãnh đạo các quận, huyện quan tâm nhiều hơn nữa đến du lịch, cùng chung tay phục hồi ngành công nghiệp không khói quan trọng này.

Các doanh nghiệp ngành du lịch rất vui mừng với chủ trương “Mỗi quận/huyện có ít nhất một sản phẩm du lịch đặc trưng” của Sở Du lịch TP.HCM ", vì các tour nội thành mới này góp phần rất lớn trong việc tạo "đường đi" cho du khách đến khám phá, những điểm đến này từ trước đến nay chưa từng có nguồn khách du lịch đúng nghĩa. Tuy nhiên, bước tiếp theo để những tour này phát huy được giá trị là doanh nghiệp phải tìm được đối tượng khách của mình. 

Muốn vậy, phải tạo được những điểm đến có giá trị bằng cách xây dựng thêm những câu chuyện có duyên, khả thi và thêm trải nghiệm mà chỉ có các doanh nghiệp lữ hành mới kể được, mang đến cho du khách cảm xúc.  

Đến TP.HCM nghe những câu chuyện phủ đầy lớp bụi thời gian - 7

Lãnh đạo TP.HCM và Sở Du lịch TP.HCM đi khảo sát tuyến du lịch ở Gò Vấp

Tuy chỉ mới có 50% quận, huyện có sản phẩm du lịch đặc trưng, nhưng du lịch TP.HCM đã có những bước tiến mới, những bước tiến thần tốc sau đại dịch COVID - 19. Gần 70% doanh nghiệp lữ hành quay trở lại thị trường. Hàng tháng có khoảng 20 doanh nghiệp xin cấp mới giấy phép kinh doanh lữ hành. Riêng trong tháng 5, 6/2022 không có doanh nghiệp rút giấy phép.

TP.HCM hứa hẹn là một "điểm đến" hấp dẫn chứ không chỉ còn là nơi cung cấp "nguồn du khách" cho các địa phương khác nữa. Quyết tâm "lội ngược dòng" này đã được bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM nỗ lực thực hiện ngay sau khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Anh Thư