Chuyên gia nói về đề xuất bỏ cách ly F1, cho F0 làm việc

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Sau 5 tháng không cách ly F1, số ca nặng và tử vong tại Singapore vẫn ở mức thấp. Chuyên gia cho rằng Việt Nam nên bỏ cách ly F1 và tán đồng nhiều đề xuất tiến bộ của Bộ Y tế.

“Xét nghiệm Covid-19 dương tính? Phục hồi tại nhà nếu bạn có nguy cơ thấp và triệu chứng nhẹ hoặc không có. Tự cách ly ít nhất 72 giờ. Không cần gặp bác sĩ. Bạn có thể tự xét nghiệm nhanh kháng nguyên 72 giờ sau đó và tiếp tục sinh hoạt bình thường nếu âm tính, không cần bác sĩ xác nhận để trở lại làm việc/đi học. Nếu bạn có nguy cơ cao hoặc cao tuổi, hãy gặp bác sĩ ngay cả khi bạn cảm thấy khỏe”.

Đó là tin nhắn mà gia đình ông Lê Hữu Huy (Giám đốc Công ty tư vấn Vietnam Global Network, Singapore) cũng như mọi người dân Singapore nhận được khi quốc đảo này chuyển qua giai đoạn sống chung với Covid-19 và không còn cách ly F1 từ tháng 10/2021.

Trong khi đó, Bộ Y tế Việt Nam vừa có đề xuất bỏ cách ly F1, cho F0 không có triệu chứng làm việc trực tuyến và dừng công bố ca mắc Covid-19 hàng ngày.

Nhìn lại quá trình "sống chung" của quê hương, ông Lê Hữu Huy cho rằng Việt Nam có thể nhìn vào bài học của Singapore và mạnh dạn tháo bỏ thêm nhiều rào cản để phục hồi kinh tế.

Đồng ý không cách ly F1, cân nhắc cho F0 làm việc

Nhiều tháng qua, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế Công cộng, Đại học Y dược TP.HCM, kiên trì thể hiện quan điểm Việt Nam nên bỏ quy định cách ly F1, dù ông chưa ủng hộ việc coi Covid-19 là bệnh đặc hữu như Singapore.

Trước đây, quy định cách ly F1 được đặt ra khi Việt Nam vẫn còn tư duy "Zero Covid" và truy vết các ca nghi nhiễm. Tuy nhiên, khi thay đổi tư duy sang thích ứng, việc cách ly F1 không hiệu quả và ảnh hưởng nhiều đến hiệu suất lao động của xã hội.

"Một người nhiễm, cả nhà nghỉ hết thì xã hội làm sao phục hồi được", ông nói.

Các F1 cũng dễ dàng lẩn tránh khai báo vì hiện chúng ta không còn truy vết; việc cách ly F1 không hiệu quả bởi không có người theo dõi, xử phạt. Do đó, ông Dũng cho rằng nếu F1 được xác định âm tính thì có thể sinh hoạt bình thường.

Còn với đề xuất cho F0 làm việc, ông Dũng cho rằng kiến nghị này xuất phát từ cách làm của Mỹ - quốc gia cho phép nhân viên y tế là F0 được đi làm khi có tình trạng khủng hoảng. Lập luận của Mỹ là nếu xảy ra tình trạng thiếu nhân lực y tế thì có thể để F0 (nhân viên y tế) chăm sóc F0 (bệnh nhân).

Theo kiến nghị của Bộ Y tế, các đơn vị có thể cho phép F0 không triệu chứng làm việc trực tuyến; hoặc tham gia chăm sóc, điều trị người nhiễm SARS-CoV-2 trong gia đình, cơ sở lưu trú hoặc điều trị Covid-19. F0 hỗ trợ tại cơ sở điều trị Covid-19 được di chuyển bằng phương tiện cá nhân đến nơi làm việc, đảm bảo không tiếp xúc với người xung quanh.

Bác sĩ Dũng cho rằng đề xuất này hiện chưa phù hợp với Việt Nam. Nguyên nhân là rất khó kiểm soát việc tuân thủ quy định. Nếu kiểm soát không hiệu quả thì không có ý nghĩa. Ông không phản đối việc để F0 làm việc trực tuyến nếu đủ sức khỏe, nhưng đề nghị chỉ nên để F0 đi làm trực tiếp nếu Việt Nam công bố Covid-19 là bệnh đặc hữu. Như vậy, người dân không bắt buộc phải tuân thủ quy định chống dịch như hiện nay.

Chuyên gia nói về đề xuất bỏ cách ly F1, cho F0 làm việc - 1

Người dân TP.HCM tuân thủ việc đeo khẩu trang, giữ khoảng cách để phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: Duy Hiệu.

Tại Singapore, dù tiến tới coi Covid-19 là bệnh đặc hữu (endemic), quốc gia này nhấn mạnh không thể coi nó như cúm mùa, theo giáo sư Leo Yee Sin, Giám đốc điều hành của Trung tâm Quốc gia về các bệnh truyền nhiễm (NCID), Singapore.

"Trong khi kiến thức về cúm mùa đã được xây dựng qua nhiều thập kỷ nghiên cứu khoa học thì Covid-19 vẫn còn rất mới và chưa thể lường hết bất ngờ trong tương lai", ông nói với The Straits Times.

Hiện, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vẫn giữ cảnh báo chưa nên coi Covid-19 là bệnh đặc hữu, đặc biệt khi biến thể Omicron chưa ổn định. Đây là một trong những yếu tố khiến không ít quốc gia phân vân.

Giáo sư Teo Yik Ying, Hiệu trưởng Trường Y tế công cộng Saw Swee Hock thuộc Đại học Quốc gia Singapore (NUS), phân tích WHO đưa ra cảnh báo này bởi hầu hết các nước chưa sẵn sàng chung sống với SARS-CoV-2. Hiện, chỉ một số ít quốc gia phát triển có khả năng bảo vệ người dân chống lại virus.

“WHO lo ngại các quốc gia quyết định bắt chước cách làm này và gỡ bỏ hầu hết biện pháp hạn chế lây nhiễm trước khi việc tiêm chủng và nguồn lực bệnh viện sẵn sàng. Điều này dẫn đến tình trạng nhiễm bệnh nhiều hơn và tử vong nhiều hơn", giáo sư Teo nêu quan điểm.

Với sự sẵn sàng của hệ thống y tế, Singapore hiện kiên định theo đuổi con đường sống chung với Covid-19 và coi đây là bệnh đặc hữu.

5 tháng không cách ly F1, Singapore vẫn bình yên

Quyết định chuyển đổi phương pháp tiếp cận từ "Zero Covid" sang chung sống khởi nguồn từ việc Chính phủ Singapore nhận ra rằng không thể quá tin tưởng vào khả năng giảm lây nhiễm của vaccine. Họ chấp nhận sự gia tăng ca nhiễm, tiến tới tình trạng virus lưu hành, nhưng tránh để người có nguy cơ cao phải nhập viện và chết vì virus.

7 giải pháp tiến tới sống chung với Covid-19 của Singapore

- Người chưa tiêm vaccine không được vào nhà hàng, quán ăn, cà phê, điểm tham quan, trung tâm mua sắm, trừ siêu thị.

- Người tiếp xúc gần với bệnh nhân Covid-19 không phải cách ly nếu âm tính.

- Người mắc Covid-19 tự phục hồi tại nhà.

- Xét nghiệm rRT-PCR chỉ dành cho người có triệu chứng nặng.

- Tiêm vaccine cho trẻ dưới 12 tuổi.

- Tiêm vaccine mũi tăng cường cho người dân.

- Singapore mất 3-6 tháng để đạt mức “sống chung với Covid-19”.

(Theo Channel News Asia và Ministry of Health Singapore)

Hiện, cuộc sống của ông Lê Hữu Huy ở Singapore gần như trở lại bình thường dù Chính phủ vạch ra một số giới hạn nhất định để hạn chế nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng. Từ tháng 10/2021 và đến nay, tình hình dịch nơi đây vẫn bình yên, trong tầm kiểm soát.

Người dân phải tự bảo vệ bản thân bằng cách đeo khẩu trang nơi công cộng, giữ khoảng cách 1 m, không ngồi quá 5 người/bàn tại nhà hàng, quán cà phê... F1 không cần cách ly; F0 tự cách ly, điều trị tại nhà. Người chưa tiêm đủ liều vaccine cũng bị hạn chế tham gia nhiều hoạt động. Nhà nước có những hình phạt nghiêm khắc với cá nhân, tổ chức vi phạm.

“Hiện ở Singapore một ngày có tới 20.000-30.000 ca nhiễm (với số dân chưa bằng một nửa TP.HCM - PV). Ai cũng có thể bị nhiễm, nhưng vì đã tiêm vaccine nên không lo nữa, coi như bệnh bình thường. Hệ thống y tế chưa quá tải. Việt Nam nên tiến tới coi Covid-19 là bệnh đặc hữu như Singapore và thay đổi cách sống chung”, ông nêu quan điểm.

Số ca nhiễm và ca bệnh phải hỗ trợ y tế của Singapore trong một tháng qua phân theo nhóm tuổi (Dữ liệu: data.gov.sg)

Từ đầu tháng 12/2021, Singapore dừng thông báo số ca mắc Covid-19 hàng ngày đến người dân. Tuy nhiên, dữ liệu về tình trạng ca nhiễm vẫn được Bộ Y tế nước này thu thập đầy đủ và phân loại theo nhóm tuổi, tình trạng tiêm vaccine... để dễ dàng phân tích, đánh giá tình hình. Người dân có thể dễ dàng truy cập dữ liệu này nếu muốn.

Qua dữ liệu từ bảng trên có thể thấy, số ca nhiễm tại quốc gia này liên tục tăng trong tháng qua do sự xuất hiện của biến chủng Omicron. Tuy nhiên, tỷ lệ ca bệnh phải can thiệp y tế và tử vong ở mức thấp, chủ yếu rơi vào nhóm người trên 70 tuổi và chưa tiêm đủ liều vaccine.

Tại Việt Nam, dữ liệu trong 3 tháng qua cho thấy xu hướng tương tự. Dù số ca mắc tăng "thẳng đứng", số ca tử vong tương đối ổn định, thậm chí có xu hướng giảm.

Ngày 5/3, Bộ Y tế có văn bản gửi Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đề xuất cho F0 và F1 không có triệu chứng làm việc cũng như dừng công bố ca mắc Covid-19 hàng ngày. Theo Bộ Y tế, việc dừng công bố số ca mắc là để tránh gây hoang mang vì đó chỉ là 1 trong 8 chỉ số để đánh giá cấp độ dịch, chưa phản ánh đúng bản chất tình hình dịch bệnh...

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết sẽ tiếp tục theo dõi tình hình, cập nhật sự biến đổi của virus SARS-CoV-2 để có thể coi Covid-19 là "bệnh lưu hành" (hay bệnh đặc hữu) khi thời điểm thích hợp.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Thu Hằng (Zing News)