Bỏ du lịch cưỡi voi để cứu đàn voi nhà

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Ngày 2/3, UBND tỉnh Đắk Lắk đã có văn bản chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thành phương án mô hình sản phẩm "du lịch thân thiện với voi" ngay trong năm 2022, dần loại bỏ loại hình "du lịch cưỡi voi".

Voi đang bị "vắt" kiệt sức

Nhìn đàn voi gầy gò, lông đuôi bị nhổ trơ trụi đang xích tại khu du lịch Bản Đôn (huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk), ông Y Sương Huynh (một nài voi) xót xa cho biết, thời gian gần đây, do voi thiếu thức ăn, lại phải liên tục cõng du khách để phục vụ du lịch nên voi không thể béo lên được. Không chỉ bị vắt kiệt sức, hầu hết các chú voi nơi đây đã bị nhổ trụi lông đuôi.

Bỏ du lịch cưỡi voi để cứu đàn voi nhà - 1

Đàn voi nhà ngày càng suy giảm số lượng và chất lượng.

"Lợi dụng voi nhà được thả vào rừng để đi ăn vào ban đêm và bị xích chân, không thể đi xa, phản kháng lại nên một số đối tượng xấu đã tìm cách tiếp cận nhổ trụi lông đuôi đem bán. Một số du khách còn tin vào chuyện đeo nhẫn lông đuôi voi sẽ mang lại may mắn, có sức khỏe nên sẵn sàng bỏ nhiều tiền để mua. Những người hám lợi vì vậy mà tìm đủ mọi cách để bẫy, nhổ lông đuôi voi đem bán kiếm tiền", ông Huynh chua xót nói.

Cùng chung tâm trạng, nài voi ông Y Khu cho rằng, chính không gian rừng ngày càng bị thu hẹp đã khiến đàn voi nhà Đắk Lắk "mất đi sức mạnh". "Khi còn nhỏ, mình từng chứng kiến những con voi lực lưỡng được buôn làng dùng vào công việc kéo gỗ, kéo đá để dựng nhà cửa. Sau những ngày làm việc phục vụ, voi được thả vào rừng để kiếm thức ăn, kiếm cây thuốc để tự trị vết thương.

Voi vào rừng, có khi cả tuần, nửa tháng nài voi mới đi tìm về. Trong không gian rộng lớn của rừng nguyên sinh, những cặp voi nhà tìm hiểu, quấn quýt và yêu nhau, tạo ra thế hệ voi khỏe mạnh tiếp theo cho buôn làng", ông Y Khu nhớ lại.

Thế nhưng hơn 30 năm nay, chưa hề có một "chú voi con" nào được sinh ra. Nguồn thức ăn chủ yếu của voi là vài cây chuối, khúc mía do khách tặng, lại phải phục vụ du lịch hầu như cả ngày nên "khỏe như voi cũng kiệt sức".

Ăn ít, làm việc cả ngày, thiếu không gian núi rừng, những con voi đực và voi cái không thể gặp nhau, thụ thai để sinh nở. "Đàn voi dần già đi, 15 - 20 năm nữa đàn voi nhà Đắk Lắk sợ sẽ không còn. Đàn voi Đắk Lắk đã kiệt sức rồi, cần có nơi cho chúng nghỉ ngơi, sinh trưởng", ông Y Khu buồn bã nói.

Sẽ thay thế hình thức "du lịch cưỡi voi"

Từ năm 2009, tỉnh Đắk Lắk đã thành lập Trung tâm bảo tồn voi. Thế nhưng đàn voi nhà vẫn suy giảm, những hỗ trợ phúc lợi cho voi chưa thật sự rõ rệt.

Để góp thêm các giải pháp bảo vệ, phát triển đàn voi, ngày 15-12-2021, tỉnh Đắk Lắk và Tổ chức AAF đã lễ ký kết thỏa thuận hợp tác chống bạo hành, triển khai mô hình du lịch thân thiện với voi. Hai bên bàn bạc, tìm giải pháp để hướng tới không tổ chức các cuộc thi như: voi đá bóng, thi chạy, diễu hành nhiều giờ trên đường nhựa hoặc bê tông bỏng rát...

Ông Tuấn Bendixsen, Trưởng đại diện AAF tại Việt Nam cho biết, nhiều năm qua đơn vị đã hỗ trợ rất nhiều trong việc bảo vệ đàn gấu, bảo tồn voi và động vật nuôi trong nhà. "Tuy nhiên, tại sao hơn 30 năm nay, đàn voi nhà Đắk Lắk không hề sinh sản, trong khi vẫn thấy voi con xuất hiện trong các đàn voi hoang dã.

Chương trình của chúng tôi muốn đưa tất cả đàn voi nhà vào một chương trình du lịch thân thiện để chúng được chăm sóc đúng cách, tạo điều kiện tinh thần, thể chất để có thể sinh sản, khôi phục đàn voi nhà. Tổ chức sẽ chi trả tương đương kinh phí chủ voi thu được, tất cả các nài voi sẽ được đưa vào chương trình để tập huấn cách chăm sóc voi, được trả lương xứng đáng", ông Tuấn nói.

AAF sẽ tiếp tục tập huấn kỹ thuật cho cán bộ tại Trung tâm bảo tồn voi, Vườn Quốc gia Yok Đôn để đảm bảo có một chương trình du lịch thân thiện với voi nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho du khách.

"Chúng tôi đã đề xuất, UBND tỉnh Đắk Lắk cũng thống nhất về chủ trương sẽ hướng tới không tổ chức các lễ hội có các hoạt động như voi đá bóng, bơi vượt sông hoặc đứng, chạy thời gian dài trên nền đường nhựa, sân bêtông bỏng rát", ông Tuấn thông tin.

Ông Đỗ Xuân Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk thừa nhận, đàn voi nhà Đắk Lắk ngày càng suy giảm dù tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ. "Trước mắt, tỉnh thống nhất sẽ giảm các hoạt động gây ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh sản của voi và tạo điều kiện để AAF, các doanh nghiệp, người dân hợp tác, đưa ra mô hình du lịch thân thiện với voi. Tỉnh cũng tiếp tục đôn đốc, tạo thêm những không gian rừng rộng lớn để chăn thả, giúp voi có không gian giao phối và sinh sản", ông Dũng nói.

UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo Sở phối hợp với các đơn vị liên quan thống kê số lượng voi nhà và hộ có voi trên địa bàn tỉnh nhằm báo cáo, đề xuất UBND tỉnh về phương án hỗ trợ kinh phí cho người dân (theo hằng tháng, quý, năm) để hạn chế tối đa và hướng tới không tổ chức dịch vụ "du lịch cưỡi voi"; giao UBND các huyện Lắk, Buôn Đôn, Hiệp hội Du lịch Đắk Lắk, Trung tâm bảo tồn voi, các tổ chức, cá nhân có voi và sử dụng dịch vụ voi, tổ chức xây dựng các sản phẩm dịch vụ mới liên quan đến voi có thu phí phục vụ khách du lịch.

"Ngoài ra, UBND huyện Buôn Đôn và huyện Lắk (2 huyện có voi nhà) triển khai cho các tổ chức, cá nhân có sử dụng voi trong hoạt động kinh doanh du lịch ký cam kết và tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghiêm các quy định của tỉnh trong việc quản lý và sử dụng voi nhà trong hoạt động kinh doanh du lịch, văn hóa.

Các lực lượng chức năng tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, ngăn chặn việc mua bán hàng hóa, đồ lưu niệm, đồ trang sức, đồ mỹ nghệ liên quan đến động vật hoang dã, trong đó có voi tại các khu, điểm du lịch và trên địa bàn tỉnh…", ông Dũng thông tin thêm.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Văn Thành (Báo Công An Nhân Dân)

CLIP HOT

'Chuẩn nghèo' của bà nội gây 'bão' mạng
'Chuẩn nghèo' của bà nội gây 'bão' mạng

Cư dân mạng đang truyền tay nhau đoạn clip ghi lại cảnh người cháu đưa tiền bà nội, nhưng bà nhất quyết không nhận vì cho rằng cháu "còn nghèo", mà theo định nghĩa của bà: "còn nghèo" là ... chưa vợ!