Chẳng ai đi du lịch nếu phải cách ly và test liên tục

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Nếu mở cửa du lịch mà cứ làm khó nhau thì các doanh nghiệp càng lỗ nặng hơn, vì khi hoạt động trở lại, mất chi phí đầu tư nhưng chính sách khó khăn khiến không có khách, càng lỗ hơn.

Tại tọa đàm Giải pháp thu hút khách du lịch quốc tế đến TP.HCM năm 2022 do Sở Du lịch TP.HCM tổ chức ngày 3/3, ông Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng Tư vấn Du lịch, cho rằng hơn 5 tháng thí điểm tại 5 địa phương, chỉ có 3 địa phương là đón khách nhiều, 2 địa phương còn lại lượng khách rất thấp.

"Chúng ta phải thú thực là chương trình thí điểm không thành công. Vì điều kiện quá khó, khó với hàng không, doanh nghiệp du lịch và cả du khách, khó với tất cả mọi người", ông nói.

Thời gian thí điểm với các chính sách khó khăn như vậy, gây thêm mệt mỏi, tốn kém cho các doanh nghiệp vì chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng rồi chỉ ngồi trông chờ khách. “Theo quan điểm cá nhân của tôi, chúng ta không nên thí điểm như vậy nữa. Nếu đón khách thì phải mở cửa hoàn toàn một cách tự tin, dứt khoát”, ông Nam nói.

Chẳng ai đi du lịch nếu phải cách ly và test liên tục - 1

Ông Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng Tư vấn Du lịch

Vị này cũng chia sẻ, ông bàng hoàng trước phúc đáp mới đây của Bộ Y tế về dự thảo "Phương án mở cửa hoạt động du lịch" của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Với các điều kiện đề xuất như vậy thì chúng ta sẽ không có khách, kế hoạch bị bỏ ngang

“Theo quan điểm của tôi, điều kiện cần thiết chỉ là tiêm chủng đủ mũi và kết quả xét nghiệm âm tính 72 giờ, còn một khi họ đặt chân vào nước ta, bước qua cửa khẩu, thì phải đối xử với họ như người trong nước, ta đối xử với khách nội địa như thế nào thì cũng phải làm tương tự với họ”, ông nói.

Ông Nam cũng chia sẻ câu chuyện, khách nội địa ở Nha Trang đi ăn, đi chơi thoải mái, trong khi nhóm khách Nga đến phải cách ly 3 tuần, suốt 21 ngày ngồi yên trong khách sạn ăn buffet. Chúng ta không thể phân biệt đối xử được, không thể người Việt Nam thì ta phục vụ thế này mà khách nước ngoài phục vụ thế kia, như vậy sẽ không kinh doanh du lịch được.

Nếu mở cửa du lịch mà cứ làm khó nhau, thì các doanh nghiệp càng lỗ nặng hơn, vì khi hoạt động trở lại, phải đầu tư bao nhiêu chi phí nhưng chính sách khó khăn khiến không có khách, càng lỗ hơn.

Về chính sách visa, ông Nam cho biết, Hội đồng Tư vấn Du lịch cùng đồng thuận quan điểm là bắt buộc phải khôi phục toàn bộ chính sách visa như trước Covid. Trước dịch, chúng ta miễn visa đơn phương cho 13 nước và song phương cho 11 nước, tổng cộng là 24 nước. Đây là một con số rất nhỏ và kém cạnh tranh so với các nước trong khu vực. Thái Lan miễn visa cho 64 nước, Malaysia, Singapore miễn visa cho từ 120 đến khoảng 130 nước, Indonesia hơn 150 nước...

Ông Nam cho rằng cần phải miễn visa cho toàn bộ các quốc gia EU, chẳng hạn sắp tới Bamboo có đường bay đến CH Czech nhưng ta chưa miễn visa cho nước này thì rất khó có khách. Bên cạnh đó, Úc và New Zealand hoàn toàn có thể đưa vào danh sách miễn visa. Đối với các quốc gia mà vấn đề cấp visa khá nhạy cảm, thì có thể cân nhắc chính sách cấp visa có thời hạn, chẳng hạn người Việt Nam được Canada cấp visa thời hạn 10 năm, còn Hàn Quốc là 5 năm.

“Tóm lại, chúng ta cần phải có một chính sách visa cởi mở, ít nhất cũng được như Thái Lan, nếu cứ mãi trói nhau bằng visa thì ta sẽ có phát triển được du lịch. Tôi mong các sở, ngành kiến nghị lên Chính phủ với tiếng nói mạnh mẽ hơn, để chính sách visa được cởi mở”, ông Nam khẳng định.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Linh Linh

CLIP HOT