‘Chúng tôi trưởng thành từ những chỉ dẫn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng’

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Những chuyến thăm, bài viết, lời dặn dò, chỉ bảo của Tổng Bí thư là bài học quý báu giúp cán bộ, phóng viên và biên tập viên của Tạp chí Cộng sản từng bước trưởng thành.

Hơn 29 năm công tác ở Tạp chí Cộng sản, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trưởng thành từ một biên tập viên đến Tổng Biên tập. Sau này, dù đang giữ những cương vị cao nhất của Đảng và Nhà nước, đồng chí vẫn luôn dành tình cảm đặc biệt cho Tạp chí Cộng sản thông qua những chuyến thăm, bài viết, lời dặn dò, chỉ bảo... là bài học quý báu giúp chúng tôi từng bước trưởng thành.

Cách đây gần 15 năm, tôi chuyển công tác từ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy của một địa phương ở miền Trung về Tạp chí Cộng sản - Cơ quan lý luận chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Với bề dày truyền thống gần một thế kỷ, được làm việc ở Tạp chí Cộng sản là niềm vinh dự của mỗi phóng viên, biên tập viên trẻ.

Chính vì thế, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, tôi luôn ý thức sâu sắc vai trò, trách nhiệm của mình, noi gương các thế hệ đi trước, không ngừng nỗ lực, khắc phục khó khăn, cố gắng vươn lên trong học tập, rèn luyện bản thân để đáp ứng nhiệm vụ được giao. Mặc dù vậy, tôi vẫn gặp không ít khó khăn, thử thách trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình. Để khắc phục những điểm yếu đó, tôi vừa chủ động trao đổi với những đồng nghiệp đi trước, vừa tìm tòi các bài viết “đinh” để đọc, để học, để tự trau dồi nhận thức và kỹ năng.

‘Chúng tôi trưởng thành từ những chỉ dẫn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng’ - 1

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm việc với Ban Biên tập Tạp chí Cộng sản ngày 9/6/2012. Ảnh: Tạp chí Cộng sản

Thật may mắn, khi anh đồng nghiệp đưa tôi cho cuốn Tạp chí Cộng sản số 22+23 phát hành tháng 8/2003, tại trang 22 có bài viết “Đôi điều suy nghĩ về làm tạp chí lý luận chính trị của Đảng” của tác giả GS, TS. Nguyễn Phú Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản.

Bài viết đã nhấn mạnh rằng: “Nghề báo thật sự là một nghề cao quý, một nghề cực kỳ quan trọng trong xã hội”, nhưng để xứng đáng với nghề cao quý đó, “nhà báo trước hết phải hiểu đúng và nắm bắt rất vững chức năng, nhiệm vụ của tờ báo mà mình phụng sự, cộng tác”. Còn đối với “những người làm ở tạp chí lý luận chính trị phải có cố gắng lớn, quyết tâm cao và thật sự có lòng say mê, yêu nghề, ham học hỏi” và “cần xây dựng cho mình một phương pháp thích hợp”...

Cùng với đó, bài viết còn phân tích làm rõ tính chất lý luận, tính chính trị và mối quan hệ biện chứng giữa chúng để người viết, người làm công tác biên tập, hiểu, vận dụng để hoàn thiện làm sao bài viết đăng trên tạp chí có sức thuyết phục bằng sự soi sáng của lý luận đồng thời đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ chính trị trong từng giai đoạn, thời kỳ lịch sử nhất định.

Hay nói cách khác, những vấn đề lý luận thể hiện trong các bài viết trên Tạp chí Cộng sản không phải lý luận kinh viện, sách vở, giáo điều, máy móc; mà là lý luận được kết hợp chặt chẽ, sắc bén giữa đường lối chính trị và thực tiễn cách mạng nước ta. Lý luận đó thể hiện được sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cũng như nắm vững đường lối, quan điểm của Đảng, vừa phải làm tốt công tác nghiên cứu thực tiễn, lấy tổng kết thực tiễn cuộc sống để chứng minh lý luận, bổ sung, khái quát và phát triển lý luận.

Nói một cách chung nhất, vấn đề cốt lõi và quyết định để có những bài viết bảo đảm chất lượng tốt, mỗi biên tập viên của Tạp chí Cộng sản không chỉ giàu kinh nghiệm thực tiễn, mà phải biết kết hợp chặt chẽ giữa lý luận và thực tiễn một cách nhuần nhuyễn.

‘Chúng tôi trưởng thành từ những chỉ dẫn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng’ - 2

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản viết lưu bút tại Phòng truyền thống Tạp chí Cộng sản, ngày 9/6/2012. Ảnh: Tạp chí Cộng sản

Trong bài phát biểu khi về thăm, làm việc với cán bộ, phóng viên và biên tập viên của Tạp chí Cộng sản nhân kỷ niệm 87 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2012) và 82 năm Ngày Tạp chí Cộng sản xuất bản số đầu tiên (5/8/1930 – 5/8/2012), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc nhở anh, chị, em biên tập viên chúng tôi phải thật sự yêu nghề, say mê công việc, ngày đêm lo toan, trăn trở, ăn không ngon, ngủ không yên về một bài viết do mình phụ trách, chứ nếu cứ chàng màng, lớt phớt thì khó có được bài hay, bài sâu sắc, “nhân nào thì quả ấy”. Tổng Bí thư còn lưu ý, muốn có bài viết thật sự bảo đảm chất lượng, sâu sắc, đòi hỏi người viết, người biên tập phải công phu lắm, tỉ mỉ lắm, gian khổ lắm...

‘Chúng tôi trưởng thành từ những chỉ dẫn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng’ - 3

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các thế hệ cán bộ Tạp chí Cộng sản tại Lễ kỷ niệm 85 năm Ngày Tạp chí Cộng sản ra số đầu và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ hai. Ảnh: Tạp chí Cộng sản

Trong thời đại thông tin, số hóa hiện nay, người ta đọc trên mạng nhiều hơn là đọc trên sách in. Vì vậy cần tập trung làm cho tốt các ấn phẩm cho có chất lượng; biên tập bài cho thật kỹ, cố gắng không để xảy ra sai sót. Anh chị em phóng viên, cán bộ biên tập của Tạp chí phải rèn luyện cho mình thói quen cẩn thận, tỉ mỉ này, vì Tạp chí Cộng sản được coi là chuẩn mực. Không nên coi đó chỉ là kỹ thuật, vì nhiều khi “sai một ly, đi một dặm”.

Soi chiếu chỉ dẫn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào những công việc mà đội ngũ biên tập viên chúng tôi đã thực hiện suốt chặng đường thời gian qua không chỉ là những bài học quý giá giúp chúng tôi ngày càng trưởng thành, mà còn cho tôi nhận thức sâu sắc về tính đặc thù, bản sắc của tạp chí lý luận hàng đầu của nước ta.

Nhớ lại những chỉ dẫn, lời dặn dò của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, bản thân tôi tự nhắc nhở bản thân phải luôn có lập trường tư tưởng kiên định, quan điểm chính trị rõ ràng; tin tưởng vào đường lối, sự lãnh đạo của Đảng, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của dân tộc.

Bên cạnh đó, phải hiểu rõ rằng trình độ hiểu biết, năng lực chuyên môn không phải tự nhiên mà có, mà nó có được từ việc học tập, rèn luyện nghiêm túc, khoa học của mỗi người cầm bút, do vậy, bản thân không ngừng chủ động nâng cao trình độ hiểu biết, trình độ lý luận nhất định... để mỗi khi cầm bút sẽ giải quyết thấu đáo câu hỏi: Viết cái gì? Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết như thế nào?...

Những lời dặn dò rất tâm huyết và quý báu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không chỉ đúng với vai trò, trách nhiệm của những người làm báo chí cách mạng trước yêu cầu mới, mà còn nhắc nhở đội ngũ làm tạp chí lý luận chính trị như chúng tôi phải luôn giữ vững tâm thế, thể hiện trọng trách, góp phần xây dựng Tạp chí Cộng sản - Cơ quan lý luận chính trị của Trung ương Đảng mãi xứng đáng là ngọn cờ tư tưởng chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

TS Trương Đức Thuận - Tạp chí Cộng sản