Chợ nổi lênh đênh

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Chợ nổi cùng đời sống của những ghe thương hồ hào sảng từ lâu đã trở thành nét đặc trưng của miền Tây mênh mông sông nước. Nhưng, nhiều chợ nổi đang có nguy cơ “chìm”, dù kết hợp 2 chức năng kinh tế với du lịch.

Chợ nổi lênh đênh - 1

Chợ nổi gắn liền sự phát triển giao thông đường thủy ở Nam Bộ, nhất là ghe thương hồ buôn bán với phương thức “mua tận gốc bán tận ngọn. Ảnh: Shutterstock

1. Một trong những loại hình kinh tế - văn hóa độc đáo, hấp dẫn mang giá trị cao của “tài nguyên bản địa” vùng sông nước Nam Bộ là chợ nổi. Xuất hiện tại những tuyến giao thông đường thủy chính, một số chợ nổi được nhiều người biết đến là chợ Cái Bè (Tiền Giang); Cái Răng, Phong Điền (Cần Thơ); Ngã Bảy Phụng Hiệp (Hậu Giang); Trà Ôn (Vĩnh Long), Ngã Năm (Sóc Trăng), Long Xuyên, Châu Đốc (An Giang); Năm Căn (Cà Mau), Vĩnh Thuận (Kiên Giang)… Nhưng, xã hội phát triển, vận tải đường bộ thay thế dần đường thủy dọc ngang, những trung tâm mua sắm, siêu thị hiện đại ra đời, khiến chợ nổi vốn tồn tại hàng trăm năm nay đang dần biến mất. 

Để chợ nổi có thể duy trì được sức hấp dẫn về văn hóa và giữ được vai trò kinh tế, cần thiết nhìn nhận được những đặc điểm - tức là các giá trị “bản địa” của nó.

Chợ nổi hình thành và phát triển ở vùng sông nước miền Tây Nam bộ. Đây là đồng bằng thấp trũng, sông rạch dày đặc đan xen chằng chịt cùng mạng lưới kênh đào phát triển mạnh từ thời nhà Nguyễn. Sông rạch hay kênh đào có chức năng đưa nước ngọt, phù sa về đồng bằng, thoát nước vào mùa nước nổi, là đường giao thông thuận tiện và rộng khắp, nguồn thức ăn tôm cá cua ốc… quanh năm.

Chợ nổi gắn liền sự phát triển giao thông đường thủy ở Nam Bộ, nhất là ghe thương hồ buôn bán với phương thức “mua tận gốc bán tận ngọn”, có khi trao đổi hai chiều mang hàng tiêu dùng đổi/bán rồi mua nông sản. Tính “chuyên nghiệp” của chợ nổi thông qua “sự phân công lao động hợp lý”, nhằm chia sẻ lợi nhuận trên nguồn vốn bỏ ra nhưng vẫn có sự tương trợ giúp đỡ lẫn nhau khi rủi ro, giữa người sản xuất và người lưu thông hàng hóa.

Chợ nổi lênh đênh - 2

Vận tải đường bộ thay thế dần đường thủy dọc ngang, những trung tâm mua sắm, siêu thị hiện đại ra đời, chợ nổi  đang dần biến mất.  Ảnh: Shutterstock

Do ảnh hưởng chế độ “bán nhật triều không đều” (cả về thời gian và lưu lượng) của vùng biển Tây Nam Bộ, nên hệ thống sông, kênh rạch ở đây ngày hai lần nước lớn nước ròng.

Tùy từng nơi mà chợ nổi hình thành ở vị trí khác nhau nhưng phần lớn tại các vàm sông (nơi có các dòng chảy gặp nhau tạo ra ngã ba, ngã tư… ngã bảy). Vàm sông có địa hình rộng rãi và tỏa đi nhiều hướng, là nơi “giáp nước, nước đứng” khi nước ròng nước lớn ngược chiều gặp nhau, tùy theo ngày âm lịch mà giờ giấc khác nhau chút ít. Do phương tiện xuồng bơi ghe chèo nên đi thuận con nước, để ít tốn công sức mà lại nhanh.

Trong khoảng thời gian “nước đứng” ngắn ngủi ấy, ghe xuồng neo đậu nghỉ ngơi nấu ăn, sửa chữa, lên xuống hàng hóa, giao tiếp với bạn hàng, chờ con nước thuận mà tiếp tục ngược xuôi. Từ đó, hình thành các chợ nổi xưa. Tại đây, trên bờ cũng hình thành các bến chợ, điểm tụ cư làm “dịch vụ” như bán thức ăn, đồ dùng thiết yếu, cơ sở sửa chữa ghe tàu, các dịch vụ khác… dần dần trở thành các thị tứ. Nhà lồng chợ được xây dựng và trở thành trung tâm thị tứ.

2. Một điều bất ngờ và thú vị là trong cuốn hồi ký xứ Đông Dương thuộc Pháp của Paul Doumer, toàn quyền Đông Dương (1897 - 1902) đã nói đến vai trò của chợ nhà lồng trong các làng ở Nam Kỳ vào cuối thế kỷ XIX. Trong đó, Paul Doumer xác nhận rằng ở Nam Kỳ chưa có khu chợ nào có mái che trước khi người Pháp đến. Ngày xưa chợ họp ngay trong làng hoặc trên mảnh đất rìa làng; sau đó những người bán hàng ở chợ đã được ngồi bên dưới một công trình có mái che như ở Pháp, nhưng bốn phía thông thống để gió vào, rất thích hợp với khí hậu ở Nam Kỳ.

Chợ nổi lênh đênh - 3

 Nhiều chợ nổi đang có nguy cơ “chìm”, dù kết hợp 2 chức năng kinh tế với du lịch. Ảnh: Shutterstock

Theo Paul Doumer, một trong những cơ sở quan trọng nhất của một làng ở Nam Kỳ hiện đại là chợ, và làng nào cũng tự hào về chợ làng mình chẳng khác gì tự hào về đình làng vậy. Tuy nhiên lợi ích quan trọng nhất của chợ là làng thu được từ chợ một khoản thuế lớn để làm công quỹ.

Như vậy, chợ nhà lồng ra đời không chỉ là sự thay đổi về hình thức của “chợ quê” mà còn là sự thay đổi một cách thức buôn bán: trong số những người đến chợ mua bán theo kiểu tự cung tự cấp có những người trở thành “chuyên nghiệp” vì buôn bán thường xuyên và cố định trong nhà lồng, họ có nghĩa vụ đóng thuế - chính thức hóa nghề nghiệp. Và nguồn thu từ thuế chợ trở thành một nguồn kinh phí cho hoạt động công ích của làng xã.

Hiện nay rất đáng tiếc là nhiều nơi ở Nam Bộ đã phá chợ nhà lồng mà xây nên những “trung tâm thương mại” hoành tráng mà vô hồn, chỉ còn lại một số ít ngôi chợ nhà lồng cổ xưa.

Bên cạnh việc bảo tồn chợ nổi trên sông nước như một nét độc đáo của văn hóa và du lịch miền Tây, chợ nhà lồng cũng cần được bảo tồn và duy trì hoạt động vì đã lưu giữ nét “văn hóa thương nghiệp” độc đáo của các thị tứ Nam Bộ. Với giá trị lịch sử như vậy chợ nhà lồng hoàn toàn xứng đáng được coi là di sản văn hóa của Nam Bộ, cả ngôi nhà lồng và những sinh hoạt chợ truyền thống ở đó.

Chợ nổi lênh đênh - 4

Chợ nổi cùng đời sống của những ghe thương hồ hào sảng từ lâu đã trở thành nét đặc trưng của miền Tây mênh mông sông nước. Ảnh: Shutterstock

Những lần có dịp đi Pháp làm việc hay du lịch, tôi thường bắt gặp trong nhiều làng cổ ở Pháp ngôi chợ “nhà lồng” cũng ở trung tâm của làng, hay khu vực dân cư tập trung đông. Làng nào cũng có hai công trình công cộng, là nhà thờ và chợ, nhưng chợ thì không xây dựng trước nhà thờ hoặc gần các công trình tôn giáo.

Việc bảo tồn những công trình cổ ở đây rất tốt, không chỉ gìn giữ lại phần vật chất, thực thể của công trình mà còn duy trì, nuôi sống được cái hồn của mỗi công trình cổ.  Những ngôi chợ cổ ở Pháp hiện nay chủ yếu hoạt động trong các ngày lễ hội, cuối tuần và phục vụ trong những thời gian đông du khách như mùa hè.

Xưa đây là nơi nhộn nhịp và sinh động nhất trong cuộc sống của người dân tại làng quê Pháp thì nay là nơi họ trưng bày, giới thiệu và bán những sản phẩm thủ công mỹ nghệ hay ẩm thực độc đáo - niềm tự hào của làng quê. Chợ hoạt động phục vụ nhu cầu của dân bản địa và khách du lịch. Loại hình chợ này rất thuận tiện cho mọi người có nhu cầu tham quan, mua sắm thoải mái.

3. Hiện nay, điều kiện tự nhiên, kinh tế và xã hội đã khác xưa, văn hóa, lối sống của cộng đồng dân cư có nhiều biến động. Việc duy trì hoạt động của chợ nổi nói riêng và chợ truyền thống nói chung khó khăn, nếu thêm chức năng “du lịch” càng khó hơn nếu không tạo ra những yếu tố mới, hoạt động mới.

Chợ nổi lênh đênh - 5

Để chợ nổi có thể duy trì được sức hấp dẫn về văn hóa và giữ được vai trò kinh tế, cần thiết nhìn nhận được những đặc điểm - tức là các giá trị “bản địa” của nó. Ảnh: Shutterstock

Chợ truyền thông muốn trở thành một sản phẩm độc đáo trong chuỗi sản phẩm của “du lịch văn hóa sông nước” không thể chỉ dựa vào, ăn theo “vốn xã hội cũ” mà cần tạo ra “vốn xã hội mới” để hình thành những giá trị mới.

Một đúc kết từ thực tiễn mà hiện nay đã trở thành phương châm của các nhà sản xuất: khách hàng tiếp nhận sản phẩm là tiếp nhận các yếu tố: sự trải nghiệm về tính độc đáo của sản phẩm, giải pháp sử dụng sản phẩm và hành vi tiêu dùng sản phẩm.

Theo đó, sản phẩm du lịch chợ nổi/chợ truyền thống cần đáp ứng nhu cầu mua bán sản phẩm đặc trưng của địa phương là nông sản, ẩm thực với cách thức phù hợp; tạo ra và đáp ứng nhu cầu trải nghiệm được “mua bán” ở chợ truyền thống dù chỉ trong một khoảng thời gian ngắn.

Giống như trong bảo tàng có không gian “khám phá” dành cho du khách tự mình tham gia vào một sự kiện lịch sử giả định, chợ truyền thống cũng cần tổ chức cho du khách được một lần trải nghiệm, với vai trò người bán người mua trong không gian văn hóa địa phương, giữa một cộng đồng có lối ứng xử giản dị, chân thành, niềm nở với du khách sẽ tạo ra ấn tượng tốt đẹp. Tất cả hoạt động trên đều cần sự hợp tác và tham gia của cư dân địa phương, tức là tạo cho cộng đồng một sinh kế mới từ “nguồn vốn văn hóa bản địa”.

Khi hoạt động du lịch coi trọng giá trị tài nguyên bản địa của văn hóa truyền thống, coi trọng vai trò của cộng đồng chủ thể văn hóa ấy, thì du lịch mới có thể góp phần tích cực bảo tồn di sản văn hóa, từ đó có thể khai thác và phát triển văn hóa truyền thống bằng những sản phẩm mới, với một sức sống mới.

Sài Gòn 12/2022

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Nguyễn Thị Hậu