Cảm ơn du khách Việt

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Sau đại dịch, dù chỉ xếp thứ 14 thế giới về phục hồi kinh tế, du lịch nội địa Việt Nam thuộc nhóm dẫn đầu. Du khách Việt đã giúp du lịch nước nhà tăng trưởng ấn tượng.

Du lịch là một phần tất yếu của cuộc sống; được hình thành từ khi con người có nhu cầu đi lại, vui chơi, giải trí, nghỉ ngơi; nghĩa là từ thời cổ đại. Tuy nhiên, đến năm 1841, du lich mới chính thức hoạt động với sự ra đời công ty Thomas Cook & Son Travel Inc. do Thomas Cook (1808 – 1892, người Anh) sáng lập.

Cảm ơn du khách Việt - 1

Du lịch nội địa Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ sau dịch. Ảnh: VG.

Từ đó, du lich không ngừng phát triển, trở thành ngành kinh tế tổng hợp và trọng điểm. “Tổ chức Du lịch Thế giới” (WTO) thành lập từ 1946 nhưng đến ngày 27/9/1970 mới có điều lệ. Từ năm 1980, ngày 27/9 được chọn là “Ngày Du lịch Thế giới”. Bất chấp chiến tranh thế giới và dịch bệnh toàn cầu, du lịch chỉ ngưng trệ, gián đoạn chứ không chết.

Du lịch Việt Nam sinh sau, đẻ muộn; dù rất nỗ lực vẫn chưa thể gia nhập top 3 của Đông Nam Á, nói chi châu Á và thế giới. Năm 2019 thời điểm trước dịch Covid-19, du lịch Việt Nam tăng trưởng ngoạn mục với hơn 18 triệu khách nước ngoài, trên 85 triệu khách nội địa, tổng doanh thu ước đạt 720 ngàn tỷ đồng, vào top 10 quốc gia tăng trưởng ấn tượng.

Dẫu vậy nếu xét về mặt hiệu quả trên quy mô dân số, năm 2019 du lịch Việt Nam (18 triệu khách/98 triệu người) kém cả Campuchia (6,6 triệu/16 triệu) và Lào (4,8 triệu/7,5 triệu), dù Lào không có biển. Tỷ lệ này của Singapore là 19 triệu/6 triệu; Malaysia là 29 triệu/33 triệu. Thái Lan xếp thứ 10 thế giới về lượng khách quốc tế (39,8 triệu) nhưng tổng doanh thu xếp thứ 4 (60,521 tỷ USD), dẫn đầu châu Á. Lượng khách quốc tế vào Trung Quốc xếp thứ 4 (65,7 triệu) nhưng doanh thu chỉ xếp thứ 10 (35,832 tỷ USD).

Đại dịch Covid-19 và các biến thể hủy hoại nền kinh tế toàn cầu, làm đảo lộn trật tự thế giới. Hoạt động du lịch đóng băng hơn 2 năm (từ 1/2020 đến 3/2022). Từ ngày 15/3/2022, Việt Nam mở cửa, du lịch “bung” mạnh như lò xo lâu ngày bị nén. Dù chỉ xếp thứ 14 thế giới về khả năng phục hồi kinh tế hậu dịch, du lịch nội địa Việt Nam thuộc nhóm dẫn đầu thế giới.

Cảm ơn du khách Việt - 2

Dù không đón được lượng khách quốc tế theo kế hoạch, nhưng du lịch trong nước được đánh giá thuộc nhóm hàng đầu thế giới. Ảnh: Quang Tám.

Trong vòng nửa năm (từ 15/3 đến 15/9) tổng khách du lịch nội địa đạt khoảng 79,8 triệu lượt; vượt xa mục tiêu năm 2022 (60 triệu); gần bằng năm 2019 (85 triệu). Tổng doanh thu ước đạt 356,6 ngàn tỷ đồng. Du lịch nội địa không chỉ hồi phục mà còn vượt đỉnh 2019. Những con số không thể ấn tượng hơn, là mơ ước của nhiều quốc gia khác.

Du khách quốc tế vào Việt Nam khiêm tốn hơn. Chỉ đạt 1,44 triệu lượt người; giảm 87,3% so với cùng kỳ năm 2019. Mục tiêu đón 5 triệu lượt khách xem ra rất khó hoàn thành. Sắp vào mùa cao điểm inbound nhưng nhiều cơ sở dịch vụ văn hóa, thủ công mỹ nghệ, shopping, giải trí,... vẫn đóng cửa hoặc giải thể vì kiệt lực. Việc này rất cần sự tiếp sức của nhà nước, đặc biệt là các chính sách ưu đãi về thuế, bảo hiểm xã hội, nguồn vốn,...

Du lịch nội địa tăng trưởng nóng, đặc biêt là dịp hè 2022. Nhiều người lo xa, sợ du lịch nội địa “lên nhanh, xuống lẹ”, “bạo phát, bạo tàn”. Hết hè, nguồn khách nội địa ít hơn nhưng lượng khách vẫn tương đối. Bù lại là nguồn khách outbound khi các nước cạnh tranh, tung nhiều gói khuyên mãi hấp dẫn. Du lịch outbound chưa được như kỳ vọng nhưng kết quả rất đáng khích lệ.

Cảm ơn du khách Việt - 3

TP.HCM có nhiều sản phẩm du lịch thu hút du khách trong và ngoài nước. Ảnh: Sở Du lịch TP.HCM.

Đại dịch đã làm thay đổi thói quen du lịch của người Việt, nhất là du lịch nội địa. Du khách sử dụng dịch vụ cao hơn, chi tiêu đầu khách tăng gần gấp đôi. Việc chọn tour và đơn vị tổ chức bài bản hơn. Hình thức đấu thầu, hồ sơ nộp online, xét thầu công khai,... ngày càng phổ biến.

Các dịp lễ chủ yếu là khách tự đi, ít thấy đoàn đông. Các công ty lữ hành không phải chạy “sấp mặt” như trước dịch. Quá tải, giá tăng, phục vụ kém hơn dẫn tới nhiều hệ lụy khác nên xu hướng tránh các dịp cao điểm ngày càng nhiều. Dạng mua tour một phần (Free Easy Tour) ngày càng được nhiều nhóm khách chọn lựa.

Du lịch các nước thường có 3 dạng chuyên biệt, có giấy phép từng lĩnh vực. Mạnh nhất là inbound, thứ đến outbound và sau cùng là nội địa. Ở Việt Nam thường gộp chung và nội địa là mạnh nhất. Những công ty chuyên inbuond chưa thể phục hồi; outbound mới gượng dậy; còn nội địa “bung” mạnh như lò xo bị nén.

Cảm ơn du khách Việt - 4

Du khách thích thú trải nghiệm đồng lúa, miệt vườn ở huyện Củ Chi. Ảnh: Sở Du lịch TP.HCM.

Đại dịch đã tái khẳng định nguyên lý “Làm kinh tế nói chung và du lịch nói riêng, phải bắt đầu từ nội địa rồi mới ra nước ngoài. Đi bằng hai chân hoặc bay bằng hai cánh mới bền vững”. Ngoài “nhất nghệ tinh” cần có thêm vài nghề tay trái, mới “thân vinh” khi có chiến tranh, dịch bệnh. Làm kinh tế cũng cần những thị trường phụ và phương án dự phòng.

Nhiều nước hầu như không có du lịch nội địa. Campuchia miễn vé tham quan khách trong nước, người dân ai cũng có xe hơi riêng. Du lịch nội địa, cả nhà tự lái xe, mang theo đồ ăn, nước uống. Lào cũng vậy. Đi các nước, không gặp những đoàn khách nội địa, có khi gần trăm xe như Việt Nam.

Năm 1993, khi trình dự án thành lập Trung tâm Lửa Việt, nhiều anh chị trong ngành khuyên “Nên đón khách nước ngoài. Làm một tour đủ sống mấy tháng”. Tôi trộm nghĩ, nếu ai cũng làm du lịch quốc tế thì ai làm nội địa. Trước khi bơi ra biển, phải bơi ra ao, ra sông thành thạo. Đi tắt, đón đầu; rủi ro khó lường; chỉ những người có tiềm lực mạnh, cả tài chính lẫn nhân sự mới dám mạo hiểm.

Cảm ơn du khách Việt - 5

Ông Nguyễn Văn Mỹ - Chủ tịch Lửa Việt Tours, Ủy viên BCH Hiệp hội Lữ hành Việt Nam.

Gần 30 năm làm du lịch, tôi nghiệm ra sự lựa chọn của mình là đúng; không chỉ lữ hành mà các lĩnh vực du lịch khác. Từ phát triển chợ đêm, kinh tế đêm đến giữ vệ sinh, bảo vệ môi trường, mở rộng dịch vụ, nâng cấp hạ tầng,... Trước hết vì nhu cầu cuộc sống của người dân, sau đó là nhu cầu trải nghiệm của du khách. Dĩ nhiên, có những việc đặc thù.

Nhân ngày Du lịch Thế giới 27/9, qua bài viết này, tôi muốn gởi lời cảm ơn chân thành, lòng biết ơn sâu sắc đến tất cả du khách, giới truyền thông; đặc biệt là du khách Việt; đã giúp du lịch nội địa Việt Nam hậu dịch tăng trưởng cực kỳ ấn tượng. Mong rằng, tinh thần này được tiếp tục duy trì để du lich Việt Nam tăng tốc, rút ngắn khoảng cách, gia nhập top đầu của ASEAN và châu Á.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Nguyễn Văn Mỹ (Chủ tịch Lửa Việt Tours, Ủy viên BCH Hiệp hội Lữ hành Việt Nam)

CLIP HOT

'Chuẩn nghèo' của bà nội gây 'bão' mạng
'Chuẩn nghèo' của bà nội gây 'bão' mạng

Cư dân mạng đang truyền tay nhau đoạn clip ghi lại cảnh người cháu đưa tiền bà nội, nhưng bà nhất quyết không nhận vì cho rằng cháu "còn nghèo", mà theo định nghĩa của bà: "còn nghèo" là ... chưa vợ!