Ngành Du lịch TP. Hồ Chí Minh: 35 năm phấn đấu & trưởng thành!

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Ngành Du lịch TP. Hồ Chí Minh: 35 năm phấn đấu & trưởng thành! - 1Ngày 1.8.1975, Công ty Du lịch Sài Gòn – SaigonTourist ra đời, đây là một sự kiện có ý nghĩa và đặt nền móng quan trọng cho những bước phát triển về chất lượng và số lượng của Ngành Du lịch TPHCM trong suốt 35 năm qua

Việt Nam – Điểm đến của bạn

Ngành Du lịch TP. Hồ Chí Minh

35 năm phấn đấu & trưởng thành!

Ngành Du lịch TP. Hồ Chí Minh: 35 năm phấn đấu & trưởng thành! - 2

Ngày 1.8.1975, Công ty Du lịch Sài Gòn – SaigonTourist ra đời, đây là một sự kiện có ý nghĩa và đặt nền móng quan trọng cho những bước phát triển về chất lượng và số lượng của Ngành Du lịch TPHCM trong suốt 35 năm qua. Một ngành kinh tế dịch vụ mũi nhọn tổng hợp trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế.

  • Những thành tựu trong 35 năm qua

Dưới sự chỉ đạo của Thành uỷ, UBND TPHCM, hoạt động của Công ty Du lịch Sài Gòn – SaigonTourist đã từng bước được xây dựng và trưởng thành, đây là một ngành kinh tế được đầu tư về nhân lực, cơ sở vật chất, đầu tư kinh phí, mặt bằng,... Để tự tạo nguồn nhân lực, ngôi trường đào tạo mang tên Trung học Nghiệp vụ Du lịch Khách sạn thuộc SaigonTourist ra đời, đã kịp thời đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực cho Ngành Du lịch TPHCM và các tỉnh bạn.

Khoảng 5 năm sau, một số Công ty Du lịch các ngành, quận được ra đời, tạo thêm nét đa dạng của hoạt động du lịch tại TPHCM. Dưới ánh sáng của Nghị quyết Đại hội Đảng CSVN lần thứ VI, đồng thời với sự chỉ đạo của Thành uỷ, UBND TPHCM, Ngành Du lịch TPHCM đã có cơ hội phát triển nhanh chóng với hàng loạt các Công ty Du lịch như: Vietravel, Fiditourist, Bến Thành Tourist, Thanh niên Xung Phong, Du lịch Thanh Niên, Festival, Chợ Lớn, Hòa Bình,... Trong bối cảnh đó, đơn vị Công ty Du lịch Sài Gòn đã trở thành Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ với khoảng 40 đơn vị trực thuộc, thực sự là lá cờ đầu của Ngành Du lịch TPHCM.

Về lĩnh vực khách sạn, những khách sạn cũ (trước 1975) nay đã được trùng tu, nâng cấp phục vụ du khách quốc tế như: Caravelle, Majestic, Rex, Continental,... Nếu trước đây, người dân TPHCM chỉ chiêm ngưỡng tòa nhà Imexco (Nguyễn Huệ, Q.1) với 11 tầng là thấy... “quá đã”! Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, sự ngưỡng mộ dành cho những toà nhà cao tầng lại “hoành tráng” hơn như khách sạn 5 sao Sheraton cao 23 tầng, và 12 khách sạn 5 sao tiêu chuẩn quốc tế như New World, Sofitel, Park Hyatt, Legend, Equatorial... 8 khách sạn 4 sao, 35 khách sạn 3 sao, 147 khách sạn 2 sao, 473 khách sạn 1 sao và hơn 700 cơ sở lưu trú du lịch khác tạo thành một hệ thống cơ sở lưu trú du lịch đứng đầu cả nước về quy mô lẫn chất lượng phục vụ. Đặc biệt, Ngành Du lịch TPHCM còn có một hệ thống các Dịch vụ Du lịch Đạt chuẩn, phục vụ mua sắm và ăn uống cho khách du lịch.

Nguồn nhân lực du lịch trong xu thế đổi mới của đất nước đã mở ra những triển vọng mới. Hàng loạt Khoa Du lịch đã mở cửa chào đón sinh viên, đó là các trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn TPHCM, Đại học Dân lập Hồng Bàng, Văn Lang, Hùng Vương, Văn Hiến, Đại học Kinh tế TPHCM, Đại học Mở, Đại học Ngoại ngữ – Tin học, Đại học Công nghệ Sài Gòn,... Bên cạnh đó là các trường trung cấp Dạy nghề Du lịch...

Trước tình hình phát triển đa dạng của Ngành Du lịch TPHCM, một lĩnh vực kinh tế quan trọng trong tổng thu nhập GDP của TPHCM, Thành uỷ – UBND TPHCM đã thành lập Sở Du lịch TPHCM trong năm 1993. Tính đến tháng 8.2009, đã có 5 đời nữ giám đốc trực tiếp quản lý Sở Du lịch TPHCM là các đồng chí Kha Quỳnh Dung, Nguyễn Thị Thảo, Trương Ngọc Thủy, Nguyễn Thị Lập Quốc và Đổng Thị Kim Vui. Từ tháng 8.2009 đến nay, Ngành Du lịch TPHCM đã hợp nhất với Ngành Văn hóa và Thể thao hình thành Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TPHCM. Người được phân công đảm nhiệm, phụ trách lĩnh vực Du lịch là đồng chí Lã Quốc Khánh – Phó Giám đốc Sở VHTTDL TPHCM.

Ngành Du lịch TP. Hồ Chí Minh: 35 năm phấn đấu & trưởng thành! - 3

  • Những con số ấn tượng

Tiêu biểu nhất, có thể kể đến là Lễ hội Đường hoa Nguyễn Huệ (Q.1, TPHCM) đã 7 lần đón Tết Nguyên đán của dân tộc. Từ những ý tưởng ban đầu, được sự chỉ đạo và định hướng của Thành ủy, UBND TPHCM, nội dung, tính chất của Đường hoa Nguyễn Huệ đã trở thành một thương hiệu ấn tượng phục vụ hàng triệu lượt du khách mỗi dịp xuân về, do Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn là chủ đầu tư và các đối tác kinh tế khác hỗ trợ kinh phí.

Trong khoảng 3 năm trở lại đây, một dạng sản phẩm cao cấp du lịch - MICE dành cho du khách quốc tế đến TPHCM bằng đường biển, thành công nhất là Công ty Du lịch Lữ hành thuộc SaigonTourist. Đồng thời, loại hình du lịch MICE (phục vụ các đoàn du khách quốc tế tham gia hội thảo, hội nghị, khen thưởng, hội chợ,...) đã trở nên rất hấp dẫn, khá nhiều Công ty đã tổ chức thành công và có tiếng vang đối với du khách sau khi tham dự tại TPHCM.

Ông Nguyễn Hữu Thọ – Tổng Giám đốc Tổng Công ty SaigonTourist, nhớ lại: Trong khó khăn và khủng hoảng của năm 2009, những kịch bản xấu nhất đã được chúng tôi đặt ra và đã đưa ra những chiến thuật ứng phó. Theo đó, hệ thống SaigonTourist đưa ra sản phẩm, dịch vụ với các chương trình khuyến mãi hấp dẫn, mức khuyến mãi từ 5% đến 73% trên giá công bố đối với các sản phẩm phòng ngủ, ăn uống, tour, vui chơi giải trí. Trong năm 2009, chúng tôi đã tiếp tục thực hiện chương trình “Thương hiệu – Chất lượng – Hiệu quả – Hội nhập”, cùng việc thực hiện 4 nhóm giải pháp, 6 chương trình, 7 nhiệm vụ trọng tâm. Kết quả kinh doanh năm 2009 của SaigonTourist cũng đạt nhiều khả quan: Tổng lượng lượt khách ước tính đón tiếp và phục vụ 2.027.070 lượt khách. Tổng doanh thu ước tính đạt 7.960 tỷ đồng, tăng 3,8% so với năm 2008. Tổng lãi toàn Tổng Công ty ước thực hiện được 2.567 tỷ đồng, tăng 2,4% so với thực hiện năm 2008. Tổng nộp ngân sách Tổng Công ty ước thực hiện 1.065 tỷ đồng, tăng 0,9% so với kế hoạch năm 2008.

Sở VHTTDL TPHCM hiện là đơn vị quản lý Ngành Du lịch, hiện nay số Hướng dẫn viên quốc tế được cấp Thẻ Hành nghề là 1.650 người. Về doanh nghiệp lữ hành có 634 công ty, trong đó doanh nghiệp lữ hành quốc tế là 300, doanh nghiệp lữ hành nội địa là 320 Công ty và 7 văn phòng đại diện người nước ngoài ở TPHCM. Về doanh nghiệp lưu trú có 1.350 cơ sở lưu trú du lịch với 31. 591 phòng.

Trong năm 2009, tổng lượng khách du lịch quốc tế đến TPHCM đạt 2.600.000 lượt, giảm 7% so với năm 2008, đạt 87% kế hoạch năm 2009 (3.000.000 lượt du khách/năm 2009). Trong đó, 10 thị trường khách hành đầu theo thứ tự là: Mỹ, Nhật, Đài Loan, Hàn Quốc, Úc, Trung Quốc, Malaysia, Singapore, Pháp, Anh. Về vận chuyển, khách quốc tế đến bằng sân bay Tân Sơn Nhất ước đạt 1.800.000 lượt người, giảm 6% so với năm 2008. Khách quốc tế đến bằng các đường khác ước đạt 800.000 lượt, tăng 20% so với năm 2008. Khách quốc tế đến bằng đường biển ước đạt 130.000 lượt, tăng 10% so với năm 2008. Khách quốc tế đến bằng đường bộ ước đạt 670.000 lượt, tăng 3% so với năm 2008.

Năm qua, khách du lịch Việt Nam đi nước ngoài ước đạt 780.000 lượt khách TPHCM và các tỉnh đi nước ngoài qua cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất, tăng 7% so với năm 2008. Đặc biệt, khách du lịch nội địa do các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn TPHCM phục vụ ước tăng 30% so với năm 2008, phản ánh Ngành Du lịch TPHCM thực hiện có kết quả chương trình kích cầu du lịch nội địa. Tổng doanh thu toàn Ngành Du lịch TPHCM ước thực hiện trong năm 2009 là 35.000 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2008, đạt 103% kế hoạch năm 2009.

Ông Lã Quốc Khánh – Phó Giám đốc Sở VHTTDL TPHCM, cho biết: Năm 2010, Ngành Du lịch TPHCM phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu như: khách du lịch quốc tế đạt 2.800.000 lượt người, tăng 7% so với năm 2009. Khách du lịch nội địa tăng 30% so với năm 2009. Tổng doanh thu toàn Ngành ước đạt 40.000 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2009. Ngoài việc tổ chức các sự kiện du lịch mới trong năm 2010, Ngành tiếp tục phát động thị trường du lịch nội địa, thực hiện chương trình nâng cao và chuẩn hóa chất lượng dịch vụ du lịch “Thành phố Hồ Chí Minh – 100 điều thú vị”. Đặc biệt, Ngành Du lịch TPHCM ủng hộ và cổ động cho chiến dịch kích cầu của Tổng Cục Du lịch năm 2010 “Việt Nam – Điểm đến của bạn”.

Ngành Du lịch TP. Hồ Chí Minh: 35 năm phấn đấu & trưởng thành! - 4

  • Tiềm năng và thế mạnh của Du lịch TPHCM

Có thể nói, trong 35 năm qua, Ngành Du lịch TPHCM đã liên tục phấn đấu và đã đạt được những thành tích cần được ghi nhận, đó là thương hiệu du lịch Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh đã tạo được ấn tượng tốt đẹp với du khách quốc tế, du khách Việt Kiều và du khách nội địa. Những cơ sở vật chất khách sạn, nhà hàng hoành tráng, quy mô, với kiến trúc nghệ thuật vừa truyền thống vừa hiện đại. Đội ngũ Hướng dẫn viên du lịch có tay nghề, giỏi ngoại ngữ, những tour tuyến liên vùng, liên khu vực và đặc biệt là những tour du lịch quốc tế,...

Ở tầm nhìn 2010-2015, tiềm năng du lịch TPHCM cần sáng tạo hơn nữa với việc khai thác du lịch đường sông. TPHCM về địa lý có hệ thống sông rạch có khả năng khai thác vận chuyển khoảng 975km. Đã đến lúc cần có Nhà quản lý và quy hoạch để xây dựng những bến tàu cho thuyền, tàu, thuyền buồm cùng du khách ngược xuôi từ Bến Bạch Đằng đến Củ Chi, xuôi Đồng Nai về Nhà Bè, mở cửa cho những tour du lịch đường sông đến với Long An, Tiền Giang, Cần Thơ, Châu Đốc và theo dòng Mêkông đến Phnompênh – Campuchia.

Về Lễ hội, Festival, nếu như Huế có Festival Huế (2 năm 1 lần), Nha  Trang có Festival Biển, Bình Định có Festival Võ dân tộc, Bình Thuận có Festival Nắng vàng - Biển xanh, Đà Lạt có Festival Hoa Đà Lạt, Buôn Mê Thuột có Festival Cà phê, Bình Phước có Festival Quả Điều Vàng,... Ngành Du lịch TPHCM đã từng tổ chức thành công những sự kiện, lễ hội như: Ngày hội Du lịch TPHCM, Hội chợ Triển lãm Du lịch Quốc tế (ITE HCMC), Festival Trái cây Nam Bộ (Suối Tiên), Festival Ẩm thực món ngon các nước,...

Hiện nay, một người bạn đồng hành cùng Ngành Du lịch TPHCM là Hiệp hội Du lịch TPHCM, hiện có 117 Hội viên là lãnh đạo các Công ty Lữ hành, Khách sạn, Khu Du lịch,... nòng cốt tham gia, đã góp thêm sức trẻ và nét mới cho các mặt hoạt động kinh doanh lữ hành, khách sạn, tour tuyến du lịch nội địa và du lịch quốc tế... Sự phát triển về số lượng và chất lượng Hội viên trong thời gian tới là những việc phải làm ngay của Ban Chấp hành Hiệp hội Du lịch TPHCM.

Đặc biệt trong 6 năm qua, một người bạn đồng hành cùng Ngành Du lịch TPHCM là Tạp Chí Du lịch TPHCM cơ quan trực thuộc Sở VHTT&DL TPHCM (Website: www.tcdulichtphcm.vn, Email: tapchidulichtphcm@yahoo.com.vn), đã luôn phấn đấu về nghiệp vụ báo chí, hoạt động đúng tôn chỉ – mục đích theo Luật Báo chí, để trở thành Tiếng nói của Ngành Du lịch TPHCM, đã kịp thời phản ánh các mặt hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn TPHCM, thông tin đa dạng các hoạt động của Ngành Du lịch các tỉnh: Quảng Ninh, Hà Giang, Thái Nguyên, Hải Phòng, Hà Nội, Ninh Bình, Quảng Bình, Quảng, Trị, Huế, Đà Nẵng, Bình Định, Khánh Hòa, Tiền Giang, An Giang... Đồng thời, Tạp chí đã tổ chức thành công những hoạt động văn nghệ quần chúng phục vụ CB, CNV như: Liên hoan Giọng hát Vàng Ngành Du lịch TPHCM, (6 năm liền), Cuộc thi Văn – Thơ “TPHCM – Nét đẹp tiềm ẩn”, Cuộc thi Nhiếp ảnh – Báo chí (3 năm liền). Đặc biệt, trong năm 2009 đã thành lập Câu lạc bộ Nhiếp ảnh Du lịch TPHCM và đã tổ chức triển lãm 200 ảnh màu chủ đề “Mùa xuân – TPHCM hướng về 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, Nét đẹp TPHCM” tại Hội Nhà báo TPHCM trong dịp phục vụ du khách trong và ngoài nước đón xuân Canh Dần 2010.

Ngành Du lịch TP. Hồ Chí Minh: 35 năm phấn đấu & trưởng thành! - 5

Ông Nguyễn Chánh Lộc – Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ Du lịch Phú Thọ, tâm đắc: Để Ngành Du lịch TPHCM và Du lịch Việt Nam trở thành “Ngành công nghiệp không khói” của Việt Nam trong hội nhập kinh tế quốc tế, theo nhận định của tôi cần quan tâm một số mặt:

- Hạ tầng cơ sở, cảnh quan môi trường và nếp sống văn minh: Đây là vấn đề mà trong những năm qua TPHCM đã và đang có những chuyển biến tích cực với việc mở rộng đường sá, cải tạo hệ thống cấp thoát nước, chống ngập, cảnh quan môi trường TPHCM ngày càng trở nên xanh, sạch, đẹp.

- Đầu tư xây dựng thêm các khách sạn từ  3 sao trở lên, để phục vụ cho khách lưu trú tại TPHCM, đặc biệt là khách Du lịch thương nhân, Du lịch MICE.

- Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực Ngành Du lịch TPHCM vững nghiệp vụ, giỏi tin học và thông thạo ngoại ngữ. Nguồn nhân lực là một nhân tố quyết định sự thành công, chất lượng và sự phát triển của những doanh nghiệp du lịch TPHCM.

- An toàn cho du khách, bảo đảm an ninh, chính trị, xã hội... Đây là một vấn đề rất thu hút sự quan tâm của du khách. Trong những năm qua, Việt Nam và TPHCM luôn nhận được sự đánh giá cao và lựa chọn của du khách quốc tế bởi yếu tố này.

- Đẩy mạnh hơn nữa công tác xúc tiến và quảng bá Du lịch Việt Nam – Du lịch TPHCM ra nước ngoài.

- Bảo vệ các Di sản Văn hóa, Di tích Văn hóa. Trong thời gian qua, một số Di sản và Di tích Văn hóa bị cải tạo, khai thác một cách tùy tiện, làm ảnh hưởng ý nghĩa và nét đẹp vốn có của những Di sản, Di tích văn hóa này.

- Phát triển thêm các tour mới, khai thác thế mạnh về các bãi biển, hải đảo đẹp, các thắng cảnh, các Di tích Văn hóa và các Di sản Văn hóa phi vật thể...

Tin rằng dưới sự chỉ đạo, đầu tư của Thành ủy – UBND TPHCM, sự định hướng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Tổng Cục Du lịch Việt Nam, hoạt động đa dạng, đặc sắc và độc đáo của Ngành Du lịch TPHCM sẽ gặt hái nhiều thành tựu hơn nữa trong tương lai!

V.T.C

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT