Trải nghiệm Điện Biên - nơi của nhiều món ăn đặc sản độc đáo
Sau khi trải qua một trận ốm khiến cơ thể rệu rã, mệt mỏi bởi Covid-19, mình đã quyết định đặt vé lên Điện Biên Phủ. Qua chuyến đi được sống chan hoà với thiên nhiên, với núi rừng và ăn uống đủ đầy đã giúp mình hồi phục cơ thể một cách tốt nhất.
Sau trận ốm Covid-19, tôi quyết định thưởng cho mình một chuyến đi nghỉ dưỡng và không ngần ngại đã chọn Điện Biên, nơi mảnh đất tạo nên cơn địa chấn, chiến thắng lẫy lừng - Điên Biên Phủ. Và cũng nhân tiện chuyến đi, mình muốn lên thăm nhà cô bạn thân ở đây.
Điện Biên nơi của những món ăn ngon mang đậm hương vị Tây Bắc, phong cảnh núi rừng hùng vĩ và những cô gái Thái trong trang phục áo Cóm truyền thống thướt tha, duyên dáng. Ảnh: Nhật Hà
Tháng 4 khi Hà Nội vẫn còn vương vấn những cơn lạnh phiêu phất cuối đông còn sót lại, mọi người ra đường vẫn phải mặc áo khoác. Thì ngay khi đặt chân xuống Cảng hàng không Điện Biên Phủ lúc 2 giờ chiều, mình đã cảm nhận thấy cái nắng nóng như mùa ập tới, bỏng rát. Hoá ra, Điên Biên thuộc vùng Tây Bắc, có biên giới giáp với nước bạn Lào, và nằm trong khu vực lòng chảo nên khí hậu khác biệt so với miền Bắc.
Là dân thổ địa của Điện Biên nên mình đã được cô bạn thân đưa đi thưởng thức các món ăn đặc sản ở đây. Ngay bữa tối hôm đầu tiên, cô bạn chiêu đãi mình món nộm hoa ban, lúc đấy Điện Biên đang vào mùa hoa ban.
Chúng mình chạy xe khoảng 2km từ nhà ở tới chợ Mường Thanh, chọn đúng quán nộm ngon của cô bán hàng là người dân tộc Thái. Cô ấy tự tay làm rất nhiều món nộm trong đó món ngon nhất và được nhiều người dân tìm tới mua nhất là nộm hoa ban và nộm da trâu với cà thái lát.
Nộm hoa ban, măng đắng luộc, nộm da trâu cà thái lát là những món ăn đặc sản của Điện Biên. Ảnh: Nhật Hà
Theo chia sẻ của chị bán hàng, để làm món nộm hoa ban với măng đắng ngon cần chuẩn bị hoa ban, măng đắng, gia vị muối, lá tỏi tươi, riềng, tỏi khô và ớt. Ngoài măng đắng được luộc kỹ, thì công đoạn quan trọng nhất chính là luộc hoa ban.
Hoa ban mang về, nhặt cánh và nhụy đem rửa qua rồi chần với nước nóng. Sau khi ráo nước, hoa được vò nát. Còn măng sau khi thắt nhỏ ngâm nước muối loãng cũng được luộc qua rồi để ráo.
Để chọn được hoa ban ngon, những người phụ nữ dân tộc Thái phải vào rừng từ sớm, lúc mặt trời chưa mọc để chọn những bông hoa còn ướt sương đêm mang về để chế biến thành món nộm hoa ban, xôi hoa ban ... Ảnh: Nhật Hà
Để món ăn thêm đậm đà không thể thiếu thành phần cá suối nướng. Cá suối tươi ngon được nướng trên than củi rồi gỡ lấy thịt. Sau đó pha hỗn hợp nước trộn chanh, tỏi, ớt, rau húng và rau mùi đã thái nhỏ.
Cuối cùng trộn nhẹ nhàng đều tay măng, hoa ban, cá và nước trộn. Tất cả được đảo đều với nhau, chờ chừng 20 phút cho nguyên liệu ngấm gia vị là dùng được.
Ngô nếp tím Điện Biên khi luộc có hương vị thơm ngọt, rất dẻo. Đặc biệt nước luộc của loại ngô này rất thơm. Ảnh: Nhật Hà
Tất cả hòa quyện tạo nên một hương vị đặc trưng của núi rừng, gắp từng miếng nộm bạn sẽ cảm nhận được vị đậm đà, thơm nồng của cá nướng, vị bùi bùi, ngầy ngậy của hoa ban, và vị đăng đắng của măng tươi.
Món ăn tiếp theo mà mình được thưởng thức vào ngày hôm sau là món cá nướng Pa Pỉnh Tộp.
Pa Pỉnh Tộp - món ăn trứ danh tỉnh Điện Biên, được ướp với 10 loại gia vị lá cây rừng, mang lại cho món ăn này hương vị thơm ngon cùng thịt cá săn chắc. Ảnh: Nhật Hà
Pa Pỉnh Tộp là món ăn đặc sản của người Thái. Pa theo tiếng Thái có nghĩa là "cá suối", Pa Pỉnh Tộp có nghĩa là cá gập nướng, thường được làm từ những con cá suối, cá chép, cá trôi, cá trắm… sống ở vùng suối núi. Sở dĩ có tên gọi là cá gập nướng là dựa vào hình dáng của con cá khi đem đi nướng, người thái mổ sạch, tẩm ướp rồi gập đôi con cá để nướng nên bà con dân tộc mới đặt tên như vậy.
Nguyên liệu không thể thiếu trong món Pa Pỉnh Tộp chính là hạt mắc khén. Hạt mắc khén là một loại gia vị đặc trưng của người Thái ở Tây Bắc.
Bữa cơm thịnh soạn ngày cuối ở Điện Biên, món măng đắng luộc và xôi tím rất nổi bật, và ngon. Tới Điện Biện bạn đừng quên thử những đặc sản này. Ảnh: Nhật Hà
Hạt mắc khén sau khi rang, xay nhỏ thì có mùi thơm như mùi vỏ bưởi và nhìn bên ngoài thì gần giống hạt tiêu ở miền xuôi (tuy nhiên, vị thì hoàn toàn khác), chính vì vậy, hạt mắc khén còn được gọi là hạt tiêu rừng.
Cá nướng Pa Pỉnh Tộp xong phải khô, thơm, có đủ hương vị chua, cay, ngọt, mặn, đắng của các gia vị.
Người Thái bảo, ngon nhất là ăn Pa Pỉnh Tộp cùng với xôi nếp chấm cùng với chẩm chéo, uống cùng rượu ngô.
Ngày cuối ở Điện Biên mình lại chiêu đãi một mâm cơm thịnh soạn với đầy đủ những món do ăn Tây Bắc do chính bạn mình vào bếp trong đó có món măng đắng luộc, xôi tím là món mình yêu thích nhất.
Ngoài ra còn rất nhiều món ăn đặc sản của Điện Biên như sâu tre rang lá chanh, thịt trâu gác bếp mang hương vị đậm đà của núi rừng Tây Bắc.
Cánh đồng Mương Thanh, Điện Biên - Cánh đồng lớn nhất Tây Bắc. Ảnh: Nhật Hà
Đây là lần thứ 2 mình trở lại Điện Biên sau 8 năm. Chuyến đi đã cho mình biết thêm nhiều địa danh mới, những con người mới đầy thú vị, người dân bản địa chân chất, thân thiện và những món ăn đặc sản núi rừng Tây Bắc. Cũng chính chuyến đi đã giúp mình cân bằng lại cuộc sống, nạp thêm năng lượng để trở về Hà Nội lao động, làm việc hăng say hơn. Đặc biệt, những ngày được sống gần với thiên nhiên, với núi rừng đã giúp mình hồi phục sức khoẻ hiệu quả hơn sau khi nhiễm Covid-19.
Hang động Khó Chua La thuộc xã Xá Nhè (huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên) được công nhận Di tích Danh lam thắng cảnh cấp...