“Cà phê hông?” – người Sài Gòn vẫn thường hỏi nhau như vậy. Đó là câu cửa miệng, là cái cớ để rủ rê bạn bè, hay đơn giản chỉ như một thói quen với mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi. Và chỉ với một cái gật đầu, ly cà phê trở thành thứ nối kết giữa hai hoặc nhiều con người với nhau ngay tức khắc.
Với tôi, Sài Gòn là một mảnh đất kỳ lạ. Đôi lúc ồn ào, hỗn tạp nhưng thi thoảng lại bình yên nhẹ nhàng. Khi xa hoa lộng lẫy nhưng lắm lúc cũng lại rất đỗi giản dị, chân thành. Sống ở thành phố này lâu ngày, người ta thường thấy tha thiết với nó dẫu hằng ngày kêu than nắng nôi, kẹt xe hay giá cả đắt đỏ đủ điều. Nếu bạn từng đọc qua, Sài Gòn trong sách của Phạm Công Luận chính là một nơi đầy những sắc màu xưa cũ. Người ta vẫn thường nói “Ẩm thực Sài Gòn thiếu bản sắc, nhưng không thể chối cãi rằng món ngon khắp nơi thích tụ về Sài Gòn để tồn tại và phát triển trong một hành trình riêng của nó, để làm nên một khuôn mặt đa sắc cho đời sống ẩm thực Sài Gòn”.
Tôi - một người trẻ chỉ với vài năm lẻ sống với Sài Gòn, thì còn quá ngắn ngủi so với bề dày lịch sử và những câu chuyện ngồn ngộn của xứ này. Tôi cho rằng sự đa sắc trong đời sống ẩm thực đó chính là mặt biểu hiện tiêu biểu nhất cho sự hào sảng và bao dung của đất Sài Gòn. Dường như khi hỏi bất kỳ một người Sài Gòn nào về một cái tên “đặc sản” của Sài Gòn, bạn sẽ nhận về được muôn vàn đáp án. Bởi vì trong tim mỗi người, cái “vị Sài Thành" đó sẽ là mỗi một cảm nhận khác nhau. Với riêng tôi, Bạc Xỉu chính là linh hồn của một Sài Gòn xưa cũ, khiến bất kỳ ai một lần nếm thử đều sẽ “nặng tình” mãi không thôi.
Thời kỳ đầu của cà phê Sài Gòn, người ta gọi cà phê là “cà phé”. Bây giờ, nếu tình cờ vào một tiệm nước nào đó, thỉnh thoảng bạn sẽ thấp thoáng nghe thấy từ “phé nại” (tức là cà phê có thêm sữa). Có lẽ, trong vô vàn những món ăn, thức uống được cho là đặc trưng của Sài Gòn, “Bạc Xỉu” chính là món khiến tôi ấn tượng nhất. Không chỉ bởi hương vị thơm ngon khó quên, mà còn bởi những câu chuyện đậm chất đời gắn liền với nó.
“Bạc Xỉu” - Từ đâu???
Bạc xỉu (hay “Pạc sỉu”) và “pánh pao” (nói theo giọng Quảng Đông) là bộ đôi bữa sáng phổ biến rất được ưa chuộng ở những tiệm nước, quán cóc vỉa hè xưa. Bạc xỉu vì thế cũng mang vị bình dân, không chút cao sang nào và hoàn toàn “made in Saigon”.
Bạc xỉu là một loại thức uống được pha chế từ cà phê và sữa đặc, trong đó lấy sữa là nền, với sữa đặc được pha cùng sữa tươi, “dặm” thêm tí cà phê lên trên để tăng hương vị. Tên gọi của món này xuất phát từ tiếng Quảng Đông, với "bạc" nghĩa là màu trắng, "tẩy" nghĩa là chiếc ly, "xỉu" nghĩa là một ít, "phé" nghĩa là cà phê.
Lí giải tên gọi Bạc xỉu
Theo nhiều nguồn kể lại, bạc xỉu ra đời vào những năm 50-60, khi Sài Gòn còn là một thành phố nhỏ bé, nhộn nhịp. Lúc ấy, cà phê là thức uống phổ biến của người dân, nhưng sữa tươi lại khá đắt đỏ. Vì vậy, người ta đã thay thế sữa tươi bằng sữa đặc để pha chế cà phê. Tuy nhiên, nếu sữa đặc pha với nước nóng có mùi hơi khó uống, nên người ta đã cho thêm một chút cà phê vào để tạo ra sự “vừa vặn” trong hương vị, làm nên một phiên bản ngọt ngào hơn của ccà phê sữa, chính là bạc xỉu. Từ đó, bạc xỉu ra đời và trở thành món đồ uống quen thuộc của nhiều người cho đến nay.
Sự khác biệt giữa Bạc xỉu và Cà phê sữa
Bạc xỉu có thể được uống nóng hoặc lạnh, tùy theo sở thích của mỗi người. Nhưng dù uống nóng hay lạnh, thì bạc xỉu vẫn mang một hương vị đặc trưng, khó lẫn với bất kỳ loại thức uống nào khác. Vị cà phê đắng nhẹ, hòa quyện với vị ngọt thanh của sữa đặc, tạo nên một hương vị vô cùng hài hòa, hấp dẫn.
Bạc xỉu không chỉ là một thức uống ngon, mà còn là một món gắn liền với những mẩu chuyện “đậm chất đời" của người Sài Gòn.
Là một gen-Z thích dành thời gian thăm thú hàng quán, bản thân tôi rất ít khi bước chân vào những cửa hàng cà phê chuỗi nổi tiếng hay lui đến một quán quen quá nhiều lần. Thay vào đó, tôi sẽ muốn trải nghiệm những quán cà phê “cổ" lâu năm với không gian xưa, hay đơn giản là những xe đẩy bán bạc xỉu xuất hiện ở những con hẻm nhỏ. Nơi mà mọi tầng lớp đều có thể tìm thấy một ly bạc xỉu thơm ngon để thưởng thức cho riêng mình.
Tôi nhớ có lần, tôi đi dạo trên đường phố Sài Gòn, thấy một người đàn ông trung niên ngồi một mình ở quán cà phê, tay cầm ly bạc xỉu, nhìn xa xăm. Tôi ngồi xuống bên cạnh, gọi một ly bạc xỉu và bắt chuyện với ông. Ông kể cho tôi nghe về cuộc đời của mình, về những khó khăn, vất vả mà ông đã phải trải qua. Nhưng mỗi lần nhấm nháp ly bạc xỉu, ông vẫn luôn lạc quan, yêu đời và yêu Sài Gòn. Có lẽ, người Sài Gòn yêu bạc xỉu vì bạc xỉu là tấm gương phản chiếu của người Sài Gòn. Bạc xỉu là sự kết hợp của “nâu đá” và sự ngọt ngào của người Sài Gòn, giống như cái cách “Sài Gòn bên ngoài nhộn nhịp, sôi động là vậy, nhưng bên trong lại là một tâm hồn thiếu nữ thơ mộng, ngọt ngào.”
Đó là chuyện phiếm thế thái nhân tình ngoài kia. Còn với riêng tôi, bạc xỉu đôi lúc sẽ giống như tình yêu vậy. Giống ở chỗ vị ngọt pha lẫn chút đắng. Tình yêu có khi hờn giận, có lúc tràn ngập niềm vui, khi ngọt ngào nhưng cũng có cả những đoạn đắng ngắt. Ai cũng có thể thử, ai cũng có thể uống một cách bình thản, không cần phải chậm rãi, sâu lắng,.. Bạc xỉu có chất thơm vừa vặn của café và sữa, có vị của ngọt và và vị của đắng, có cái lạnh lẽo đến tê buốt nhưng cuối cùng, khi uống cạn một ly bạc xỉu, cái vị ngọt ngào sẽ đọng lại nơi đầu lưỡi, nơi đầu môi…
Vậy đó, thật ra có thể nhiều người nghĩ rằng “Vị Sài Thành" không riêng món nào có thể miêu tả được, vì nó là vị của ký ức, của không gian, của tất thảy những âm hưởng giao thoa nơi chốn phố thị quen thuộc này.
Ngẫm cũng đúng thôi, nhưng với tôi, chỉ cần là Bạc xỉu Sài Gòn, ở đất Sài Gòn, sẽ cho ta một cảm giác rất rất riêng mà không thể tìm được ở một nơi nào khác. Chắc chắn sẽ là thứ khiến ta nhớ mãi về một “vị Sài Thành’ trong ký ức, trong tim.