TP.HCM giãn cách, nhớ nồi cá rô kho tộ bông điên điển miền quê của mẹ

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Nhớ da diết những chùm bông điên điển trĩu nặng vàng ươm, cái nồi đất đen bóng mẹ dùng để kho tộ mớ cá rô mề.

Hôm nay, sau khi làm việc xong, tôi ngồi đọc báo theo dõi tình hình dịch bệnh ở Sài Gòn, số ca nhiễm hằng ngày vẫn còn cao, đời sống người dân ngày càng khó khăn, nghĩ mà buồn! Hơn 2 tháng giãn cách xã hội, ngồi nhà bó gối chẳng đi đâu được, hàng quán đóng cửa, thực phẩm thì khan hiếm, bất chợt làm tôi nhớ đến món cá rô mề kho tộ, ăn kèm với bông điên điển lúc còn ở quê mẹ hay nấu cho tôi ăn. 

TP.HCM giãn cách, nhớ nồi cá rô kho tộ bông điên điển miền quê của mẹ - 1

Nồi cá rô mề kho thật hấp dẫn với mùi thơm của tiêu đen, hành lá, cá thấm gia vị

Mẹ nói muốn ngon nhất định phải lựa loại cá rô mề cỡ vừa ăn bằng nửa bàn tay. Khác hẳn với con cá rô nuôi bằng thức ăn công nghiệp thịt rất bở và nhạt nhẽo, cá rô mề thịt chắc và thơm ngon hơn rất nhiều. 

Không biết tên “mề” bắt nguồn từ đâu nhưng nghe lạ thiệt. Nghe hoài thành quen, ai cũng kêu vậy, mấy dì hàng xóm đi chợ cũng phải kiếm mua cho được con cá rô mề về kho tiêu. Hỏi chữ “mề” có nghĩa gì, người ta vò đầu trả lời: “Tao nghe ông bà xưa kêu sao thì mình kêu theo thôi chứ có biết nghĩa gì đâu, bây hỏi khó quá à!”.

Mẹ thường sơ chế cá rô bằng cách mổ bỏ ruột, rửa sạch, để cho ráo nước rồi đem nướng vàng trên bếp than hồng để cá không bị tanh lại có mùi thơm. Nướng đến khi nào thấy cá chín vàng đủ độ, tỏa mùi thơm lừng thì dùng dao cạo nhẹ lớp cháy đen bên ngoài da cá rồi mới đem kho. 

Trước khi kho thì đem con cá rô đã nướng thơm ướp với nước màu dừa, xếp cá vào niêu rồi đổ nước xâm xấp cá, thêm chút gia vị, hạt nêm, đường, rắc vài lát ớt vào nồi. Xong xuôi, thêm chút tóp mỡ để khi cá chín thịt béo và thơm hơn. Lúc kho nếu lửa lớn quá cá rất dễ cháy khét, niêu sành cũng dễ bể do bị lửa táp. Phải để lửa liu riu kho cá mới ngon, thấm đều gia vị.

Kho độ mười lăm phút khi thấy thịt cá rô da nhăn díu lại thì cá đã chín, bớt lửa thật nhỏ để giữ nóng và múc ra dĩa ăn kèm với bông điên điển và cơm nóng. Giẽ một miếng thịt cá rô thơm phức cuộn kèm mớ bông điên điển vàng tươi, chấm với nước mắm dầm ớt cay nồng rồi lùa thêm cơm nóng nữa thì phải gọi là trên cả tuyệt vời. 

Ngoài ra, món cá kho rô kho tộ cũng có thể ăn kèm với nhiều loại rau khác để chấm nước kho. Rau mới hái lên, còn giữ nguyên chất tươi xanh. Nhiều thứ rau lạ, mọc hoang ở bờ bụi, nhưng sao vẫn thấy ngon miệng. Nào rau chóc, rau dừa, lá hẹ, đọt váng mọc ở bờ ruộng, rau mọc ở đìa như rau nhúc, rau muống, đến rau trồng trong vườn như các loại rau thơm, rau húng...  nhưng ấn tượng nhất vẫn là bông điên điển, chỉ là món phụ nhưng nếu thiếu sẽ cảm thấy bữa cơm nhạt đi phần nào. 

Tuy rằng hình thức đơn giản, chế biến không quá cầu kỳ nhưng món cá rô mề kho tộ mang đậm nét đặc trưng ẩm thực của miền Tây sông nước.

TP.HCM giãn cách, nhớ nồi cá rô kho tộ bông điên điển miền quê của mẹ - 2

Dĩa bông điên điển tươi rói, vàng ươm sẽ tăng thêm phần ngon miệng cho món cá rô mề kho tộ

Mong mau hết dịch để tôi còn có thể về quê ăn nồi cá rô mề mẹ kho. 

Sài Gòn ơi, cố lên!

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Tấn An

CLIP HOT

Về 'đất tổ' nghề phở, thưởng thức chuẩn vị xưa
Về 'đất tổ' nghề phở, thưởng thức chuẩn vị xưa

Ăn một miếng phở Vân Cù, người sành ăn sẽ nhận ra thứ hương vị, bánh phở không giống với bất cứ một loại phở nào. Vị ngọt đậm, béo nhưng thanh của nước dùng “quyện” trong từng sợi phở dai, giòn, bóng mướt.