Hành trình của tôi tại Ý không chỉ là đi tìm những góc ảnh đẹp, mà là một cuộc gặp gỡ với lịch sử, nơi sự hùng vĩ và những lỗi lầm đáng yêu cùng tồn tại song song.
Có những vùng đất chỉ cần nghe tên đã gợi lên cả một nền văn minh. Ý là một nơi như thế! Quốc gia này sở hữu nhiều công trình "đắt giá", vang vọng những thanh âm cũ kỹ, dù cho đã đọc về nó hàng trăm lần, xem hình ảnh cả ngàn lần, nhưng chỉ khi thật sự đứng giữa nắng vàng và bầu trời trong veo, bạn mới cảm nhận hết sự kỳ vĩ của nó.
Khải hoàn môn Constantine, một công trình được xây dựng từ thời Đế quốc La Mã (27 TCN – 476 SCN).
Đấu trường La Mã Colosseum – Tiếng vọng bất tử
Tôi may mắn đến Rome vào một ngày trời trong vắt và nắng vàng óng như mật. Dưới ánh mặt trời Địa Trung Hải, từng vòm đá cổ của Colosseum không còn là một màu xám lạnh lẽo, mà bừng lên một sắc vàng ấm áp, như thể đang kể lại câu chuyện huy hoàng của chính nó. Đi vòng quanh công trình vĩ đại, tôi cảm nhận được không chỉ là những viên đá câm lặng, mà là lịch sử đang thì thầm trong gió.
"Check-in" bên ngoài đấu trường Colosseum.
Colosseum được khởi công vào năm 72 sau Công nguyên dưới thời hoàng đế Vespasian và hoàn thành chỉ sau 8 năm – một tốc độ xây dựng đáng kinh ngạc với quy mô thời bấy giờ. Với sức chứa lên tới 80.000 người và 80 cổng ra vào, toàn bộ khán giả có thể rời khỏi đấu trường chỉ trong vòng 10 phút. Nhưng điều khiến nơi đây trở thành huyền thoại không chỉ nằm ở kiến trúc, mà ở những gì đã diễn ra bên trong.
Đấu trường Colosseum nhìn từ trên cao. Đây là địa điểm du lịch nổi tiếng của Rome, được du khách quốc tế yêu thích.
Hãy thử tưởng tượng, bạn đang ngồi trên một bậc đá, giữa tiếng hò reo của hàng chục ngàn con người, dưới chân là lớp cát vàng thấm đẫm mồ hôi và cả máu của những võ sĩ giác đấu. Tại đây đã từng diễn ra các trận chiến sinh tử, những cuộc săn thú hoang tàn khốc, và cả những vụ tử hình công khai. Người La Mã thậm chí còn làm ngập nước toàn bộ sân đấu để mô phỏng các trận thủy chiến. Về kiến trúc, đây là một kiệt tác kết hợp giữa đá Travertine và bê tông La Mã, được chống đỡ bởi hệ thống vòm cung cực kỳ tinh xảo, tạo nên một kết cấu vững chắc trường tồn gần 2.000 năm.
Những hàng vòm cung kiên cố vươn mình dưới nền trời xanh lốm đốm mây trắng, gợi nhớ về một thời kỳ lịch sử xa xưa và những câu chuyện đẫm máu.
Lực lượng cứu hỏa Ý đang thực hiện việc kiểm tra định kỳ tình trạng của cấu trúc, tìm kiếm các viên đá hoặc mảng vữa có nguy cơ rơi xuống để bảo đảm an toàn cho du khách bên dưới.
Đông đảo du khách từ khắp nơi trên thế giới đang tham quan, chiêm ngưỡng vẻ đẹp kỳ vĩ của đấu trường La Mã Colosseum.
Đứng giữa lòng đấu trường trong cái nắng nhẹ của Rome, tôi nghe được một tiếng vọng từ quá khứ – không chỉ là sự hùng tráng của một đế chế, mà còn là bài học sâu sắc về vinh quang và sự tàn khốc của lịch sử. Colosseum là nơi người ta xây nên huyền thoại bằng máu và đá, để rồi ngàn năm sau vẫn khiến bất cứ ai đứng giữa lòng Rome phải lặng người.
Mặc dù đã qua hơn 2.000 năm, các hàng cột và vòm đá nơi đấu trường vẫn bền bỉ với thời gian.
Tháp nghiêng Pisa – Khi lỗi lầm trở thành di sản
Rời Rome, tôi đến Pisa vào một buổi chiều nắng đẹp như tranh. Và kia, giữa quảng trường rộng lớn, ngọn tháp trắng muốt nổi bật trên nền trời xanh ngắt như một dấu chấm than kiêu hãnh.
Tháp nghiêng Pisa độc đáo của nước Ý.
Ngọn tháp này là một phần của quần thể kiến trúc tôn giáo tráng lệ Piazza dei Miracoli, hay "Quảng trường Phép lạ". Sở dĩ nơi đây có tên gọi đó là bởi sự hội tụ của 4 công trình kiến trúc bằng đá cẩm thạch trắng muốt tuyệt đẹp: nhà thờ Chính tòa Pisa, nhà rửa tội, nghĩa trang Campo Santo và tháp chuông (chính là tháp nghiêng Pisa). Tất cả cùng nổi bật trên nền cỏ xanh mướt, tạo nên một khung cảnh hài hòa đến siêu thực.
Toàn cảnh "Quảng trường Phép lạ" nhìn từ trên cao.
Tháp nghiêng Pisa huyền thoại soi mình bên cạnh những đường nét tinh xảo của cụm tượng thiên thần trên đài phun nước Fontana dei Putti.
Công trình bắt đầu được xây dựng từ năm 1173. Ban đầu, nó được thiết kế để đứng thẳng một cách hoàn hảo. Thế nhưng, khi các kỹ sư xây đến tầng thứ ba, nền đất yếu đã khiến ngọn tháp cao 54m bắt đầu nghiêng về một bên. Điều thú vị là người ta đã mất gần 200 năm để hoàn thành nó, một quá trình vừa xây vừa tìm cách cân chỉnh để ngọn tháp nghiêng mà không đổ. Sau đợt gia cố lớn từ năm 1990 đến 2001, độ nghiêng của tháp được giữ ổn định ở mức gần 4 độ, bảo đảm an toàn cho du khách và giữ nguyên vẹn dáng vẻ đặc trưng đã làm nên tên tuổi của nó.
Người Ý xưa đã tốn gần 2 thế kỷ để hoàn thành công trình. Sau đợt gia cố lớn từ năm 1990 đến 2001, độ nghiêng của tháp được giữ ổn định.
Không khí quanh tháp lúc nào cũng vui vẻ, nhộn nhịp. Ai cũng thi nhau tạo dáng, sáng tạo ra những bức ảnh "đẩy tháp", "ôm tháp" đầy hài hước. Nhìn ngọn tháp duyên dáng trong sự không hoàn hảo của nó, tôi chợt nhận ra: có những cái nghiêng không cần phải sửa, bởi chính sự xiên vẹo đó lại làm nên một câu chuyện đặc biệt. Pisa là nơi người ta xây sai... mà thành biểu tượng.
Du khách tạo dáng trước tháp nghiêng Pisa.
Rời nước Ý, tôi mang theo một suy ngẫm giản dị. Đấu trường Colosseum đứng đó, một huyền thoại được tạc nên từ vinh quang và sắt đá. Tháp Pisa nghiêng đó, một biểu tượng ra đời từ sai sót. Đời người có thể có lúc vững chãi như đấu trường, cũng có lúc nghiêng ngả như ngọn tháp kia. Vững vàng hay chao đảo đôi khi không quan trọng bằng việc chúng ta vẫn đứng đó, bằng một cách rất riêng, để lại một dấu ấn không thể trộn lẫn trong dòng chảy thời gian.
Hè này, nếu bạn có ý định du lịch nước Ý xinh đẹp để "check-in" cùng đấu trường Colosseum hoặc tháp Pisa, thì có thể chọn cách bay thẳng không tốn kém từ Thủ đô Hà Nội đến thành phố Milan của Ý. Đây là chuyến bay được hãng Vietnam Airlines khai thác, với tần suất 3 chuyến khứ hồi mỗi tuần vào thứ Ba, thứ Sáu và thứ Bảy.