Khám phá món mì phố cổ sánh vai với phở lọt top xuất sắc nhất châu Á
Danh sách top các món ăn làm từ sợi mì gạo có sức hút nhất Châu Á chưa bao giờ vắng mặt những tên tuổi như phở hay bún, ngoài ra cao lầu cũng được vinh danh bởi hương vị truyền thống, đậm đà bản sắc văn hóa
Trước đây đã có rất nhiều bài viết ca ngợi một trong những món ăn độc đáo nhất trong kho tàng ẩm thực phong phú của Việt Nam là Cao Lầu.
Món ăn đến từ đô thị cổ Hội An đã để lại dấu ấn đặc biệt trong lòng mỗi thực khách khi ghé thăm nơi đây. Món mì này có sợi mì màu vàng, được dùng với tôm, thịt heo, các loại rau sống và rất ít nước dùng.
Sợi mì để làm món Cao Lầu là tâm điểm và cũng là thành phần chính để tạo nên sự độc đáo cho món ăn. Và câu chuyện ly kỳ về công thức chế biến cũng như bí quyết của mỗi nhà đã tạo ra sự hấp dẫn kỳ lạ cho món ăn độc đáo này của Hội An.
Các thức tạo ra sợi mì Cao Lầu theo phương thức truyền miệng phổ biến nhất là gạo thơm đem ngâm vào nước tro, mà phải là tro nấu củi lấy ở tận Cù lao Chàm, đảo cách Hội An 16 km, khi ngâm mới tạo ra được sợi mì có độ giòn, dẻo, và khô. Sau đó lọc kỹ, xay thành bột; nước xay gạo phải là nước ở giếng Bá Lễ do người Chăm làm cách đây cả ngàn năm, mới được nước ngọt, không bị phèn và mát lạnh.
Giếng nước Bá Lễ
Tiếp tục dùng vải bòng nhiều lần cho bột dẻo, khô, cán thành miếng vừa cô, xắt thành từng sợi, đem hấp nhiều lần rồi phơi khô để làm sợi mì. Qua nhiều lần xử lý như vậy cho dù sợi mì cao lầu có để qua đêm cũng không sợ ôi thiu.
Nhiều người cũng có tham vọng làm cao lầu ở nơi khác, nhưng tất cả đều thất bại. Có người nói rằng chính nước giếng Bá Lễ và tro của cù lao Chàm và rau sống Trà Quế mới làm nên món ẩm thực đặc trưng này.
Ngoài sợi mì độc đáo thì miếng thịt xá xíu cũng đặc biệt không kém khi là thành phần không thể thiếu của món Cao Lầu.
Để làm thịt xíu người ta chọn thịt đùi heo nạc, ướp gia vị và ngũ vị hương để lâu cho đủ ngấm, rồi chiên vàng hai mặt trên lửa nhỏ, sau đó đổ nước ướp thịt vào sên cho đến khi miếng thịt thấm, nhưng nước vẫn không cạn hẳn. Nước thịt xíu được dùng làm nước xốt cho tô cao lầu.
Một đặc trưng khác của cao lầu là muốn ăn món này phải leo lên lầu cao của quán. Khi xưa các doanh nhân buôn bán nơi phố cảng vì muốn trông coi hàng hóa của mình nên thường leo lên lầu cao của quán. Điều này có thế thấy ở các quán cao lầu Hội An. Ngồi trên lầu cao ngắm cảnh đẹp và thưởng thức món ngon, đây có thể là xuất phát của tên gọi cao lầu.
Nhưng dù ngày nay món Cao Lầu có được chế biến từ nước giếng cổ và tro Chàm hay không đã không còn quá quan trọng. Sự hấp dẫn nhất của món ăn này chính là vẫn giữ được hương vị truyền thống, đậm đà bản sắc văn hóa của một đô thị cổ.
Hè này đến Hội An, bên cạnh tham quan phố cổ, hãy thử ra ngoại ô thưởng thức cà phê giữa không gian khoáng đạt của...