Gà đốt lá chúc - món ngon "danh bất hư truyền" ở hồ Ô Thum
An Giang - xứ sở thốt nốt nổi tiếng với các địa điểm du lịch tâm linh. Ẩm thực nơi đây cũng rất đa dạng, mang đặc trưng sông nước miền Tây, trong đó không thể không nhắc đến món gà đốt lá chúc hồ Ô Thum.
Vốn là người ưa xê dịch, trong một lần tình cờ được bạn bè cho xem vài hình ảnh sơn thuỷ hữu tình ở hồ Ô Thum, tôi thực sự đã bị cuốn hút. Không chần chừ, vài bữa sau, tôi quyết định “xách ba lô lên và đi”.
Có thể nói, chuyến đi tới hồ Ô Thum vừa qua là một trong những trải nghiệm tuyệt vời của tôi. Hồ Ô Thum thuộc địa phận xã Ô Lâm, huyện Tri Tôn, An Giang. Hồ nước nằm về hướng tây của núi Cô Tô và hướng đông của đồi Tức Dụp. Đúng như những gì “thiên hạ” đồn, nơi đây thật sự rất đẹp.
(Ảnh: V.T)
Trước khi trở thành điểm đến tham quan nổi tiếng, hồ Ô Thum vốn được hình thành với mục đích ngăn nước để sản xuất nông nghiệp. Tuy hồ này có diện tích không lớn nhưng nhờ vị trí đặc biệt đã tạo nên điểm nhấn của hồ.
Nằm tựa triền núi, mặt hồ phẳng lặng, xanh biếc tạo nên cảnh non nước hữu tình. Ven hồ là những hàng cây thốt nốt, loài cây đặc trưng của vùng đất An Giang. Ngay từ phía xa bạn đã có thể “bấm máy” ghi lại hình ảnh những hàng cây như đang lơ lửng, in bóng xuốn mặt hồ đầy ấn tượng.
Khung cảnh yên bình ở hồ Ô Thum. (Ảnh: V.T)
Nếu có dịp đến hồ Ô Thum vào đúng mùa mưa, khi nước trong hồ mênh mông, khung cảnh trông càng nên thơ. Tới đây, du khách còn có dịp thưởng thước món gà đốt lá chúc trứ danh. Hiện nay, xung quanh hồ có khá nhiều quán phục vụ món ăn này nên thực khách muốn ăn là có ngay.
Hồ Ô Thum một chiều hoàng hôn. (Ảnh: Hoàng Dũng).
Không phải ngẫu nhiên mà gà đốt lá chúc Ô Thum lại trở thành món ăn "danh bất hư truyền", khiến du khách đến An Giang nhất định phải thử qua ít nhất một lần.
Gà đốt Ô Thum được làm từ loại gà ngon, chắc thịt. Người dân An Giang thường chọn gà đồi hay giống gà ta, mỗi con có trọng lượng chỉ từ 1,3kg đến 1,8kg.
Ngoài ra, người ta còn dùng lá chúc để làm gia vị cho món ăn. Cây chúc được xem là đặc sản của vùng Bảy Núi, An Giang. Loài cây này được trồng nhiều ở hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên. Nhìn qua, nhiều người thường nhầm lẫn với lá chanh. Nhưng lá cây chúc có vị the, thơm nồng hơn và không bị đắng.
Điều tạo nên vị ngon của món gà đốt này không chỉ nằm ở nguyên liệu mà nằm ở cách chế biến công phu và “bí quyết” riêng của người nấu.
Cây chúc đặc sản của vùng Bảy Núi, An Giang. (Ảnh: V.T).
Món gà đốt lá chúc Ô Thum trứ danh. (Ảnh: V.T)
Để làm ra món gà đốt lá chúc Ô Thum, không thể thiếu các loại gia vị thường thấy như tỏi, ớt, sả,… Kết hợp với lá chúc, chúng được trộn đều, ướp kỹ lên mình gà và cả bên trong. Gà ướp xong sẽ để ít nhất trong khoảng 25 - 30 phút cho thấm đều, sau đó mang đi đốt.
(Ảnh: V.T)
(Ảnh: V.T)
Gà được đốt chín, da chuyển sang màu vàng hấp dẫn, hòa quyện với mùi thơm của lá chúc. Món gà đốt Ô Thum "ăn ngon đã miệng" là vì vẫn giữ nguyên được vị ngọt của thịt gà dù đã qua chế biến. Thịt gà dai dai, thấm vị vừa ăn lại không bị khô.
Để tăng hương vị của món ăn, người ta còn ăn kèm với muối ớt chanh hoặc nước mắm làm từ lá chúc. Thêm vào đó là một đĩa gỏi hay tỏi nướng làm cho món ăn trở nên hoàn hảo hơn.
Thật tuyệt cho một chuyến đi về vùng đất Bảy Núi, vừa thưởng thức món ăn ngon, lại còn được ngắm cảnh non nước hữu tình. Rời khỏi Ô Thum mà lòng vẫn hoài vương vấn mùi vị gà đốt lá chúc...
Cái tên chíp chíp nghe đã dễ thương, mà hương vị cũng ngon đặc biệt. Trời mưa được xì xụp chén cháo, tô chíp chíp hấp...