Đồ ăn nấu trong đền thờ - đẳng cấp ẩm thực Ấn Độ

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Nhiều đầu bếp nổi tiếng tại Ấn Độ đã cố gắng nấu món ăn như trong những ngôi đền ở các nhà hàng cao cấp của họ, nhưng không thành công.

Bất kỳ ngôi đền nào ở Ấn Độ, dù thành phố hay làng quê, đều có nhà bếp riêng. Đây là nơi cung cấp đồ ăn cho người dân, những người hành hương từ phương xa và cả du khách. Chỉ cần đến đây, bạn sẽ được thưởng thức những bữa ăn lành mạnh, bổ dưỡng và miễn phí mỗi ngày. Nếu tính phí thì giá của chúng cũng rất nhỏ.

Đây không phải là những bữa ăn bình thường. Điều làm nên sự khác biệt của ẩm thực trong đền, chùa chính là hương vị riêng của chúng. Và hương vị này, rất khó để bắt chước khi nấu tại các nhà hàng.

Đồ ăn nấu trong đền thờ - đẳng cấp ẩm thực Ấn Độ - 1

Các đầu bếp đang làm món Laddu, một món ăn truyền thống thường được dâng cúng trong các ngôi đền Ấn Độ. Ảnh: Rupak De Chowdhuri/Reuters

Trên thực tế, nhiều đầu bếp nổi tiếng tại Ấn đã cố gắng phục vụ món ăn giống trong những ngôi đền tại các nhà hàng cao cấp của họ. Nhưng cuối cùng, không ai có thể tạo ra được hương vị "đúng chuẩn".

Sandeep Pande, bếp trưởng của JW Marriot ở New Delhi, giải thích: "Đồ ăn trong đền thờ có từ rất lâu, và được chế biến bởi những đầu bếp đặc biệt, được gọi là Khanshamas (đầu bếp nam). Họ là những người trong một gia đình. Do vậy, không thể mô phỏng được đúng hương vị đó trong các nhà hàng, dù đó có là các đầu bếp được đào tạo bài bản".

Một trong những món ăn nổi tiếng, có hương vị khó có thể bắt chước là puttu, được làm từ bột gạo, dừa và đường thốt nốt rồi hấp chín. Du khách có thể dễ dàng tìm thấy puttu tại đền Meenakshi ở phía nam bang Tamil Nadu.

Các món trong đền thờ ở Ấn Độ được chế biến theo phương pháp nấu ăn truyền thống: nấu bằng nồi đất trên bếp củi, than. Các đầu bếp chỉ dùng nguyên liệu địa phương, gia vị truyền thống. Một số đền thậm chí chỉ sử dụng nước để nấu ăn từ một con suối hoặc giếng trong khuôn viên và các trang trại gần đó theo truyền thống sẽ cúng tiến một phần các sản phẩm họ thu hoạch được.`

Truyền thống nấu ăn này bắt nguồn từ một câu chuyện thần thoại cổ, trong đó đấng Vishnu thực hiện một chuyến hành hương dài ngày. Ngài đã ngâm mình trong làn nước ở đền Rameshwaram bên bờ biển ở miền Nam, thiền định tại đền Badrinath ở phía Bắc, thăm đền Dwarka ở phía Tây và dùng bữa tại đền Jagannath ở bờ biển phía Đông. Đồ ăn mà đấng Vishnu dùng được nấu bởi vợ ông, nữ thần Lakshmi. Từ đó, các ngôi đền ở Ấn Độ xuất hiện nghi lễ nấu ăn thờ cúng các vị thần được thờ cúng và phân phát đồ ăn cho các tín đồ.

Quy mô nấu các bữa ăn này cũng rất lớn, khi các ngôi đền có thể phục vụ hàng nghìn lượt khách trong một ngày. Ví dụ đền Shri Saibaba ở thành phố Shirdi, mỗi ngày phục vụ tới 40.000 bữa ăn một ngày và 365 ngày một năm. Chùa Vàng ở bang Punjab, miền Bắc đất nước, thậm chí còn cung cấp 100.000 suất ăn miễn phí mỗi ngày.

Đồ ăn nấu trong đền thờ - đẳng cấp ẩm thực Ấn Độ - 2

Một tình nguyện viên đang nấu đồ ăn phục vụ các tín đồ hành hương tại chùa Vàng. Ảnh: Lucas Vallecillos/AP

Một trong những ngôi đền nổi tiếng về việc cung cấp đồ ăn ngon cho các tín đồ là Jagannath, nằm ở bang Odisha, miền Đông đất nước. Mỗi ngày, nơi đây cung cấp 25.000 suất ăn và con số này có thể tăng lên đến hàng triệu vào các ngày diễn ra lễ hội.

Ngôi đền được xây dựng từ thế kỷ 12, cung cấp 56 món ăn với 40 món rau khác nhau, 6 món cơm và 10 món ngọt truyền thống. Và những món ăn này được nấu trong những gian nhà bếp lớn. Các đầu bếp ở đây nấu đồ ăn theo một phương pháp truyền thống, khi thực phẩm được nấu chậm trong các nồi đất xếp chồng lên nhau. Tương truyền, nữ thần Lakshmi đã nấu các món ăn này chứ không phải con người, và các món ăn chỉ tỏa ra mùi thơm cho đến khi nó được dâng lên các vị thần.

Ngày nay, đền Jagannath nhận được rất nhiều thực phẩm từ người dân, chủ yếu sống trong các ngôi làng quanh đó, dâng cúng, Jagabandhu Pradhan, một hướng dẫn viên của đền cho biết. Trên thực tế, nhiều nông dân đã dành hẳn một phần đất để trồng trọt và dâng cúng các sản phẩm trên mảnh đất đó cho ngôi đền.

Hadubhaina, một người sống trong đền, cho biết việc nấu nướng bắt đầu từ sáng sớm, và phải hoàn thành trước 14h vì "chúng tôi không sử dụng bất kỳ ánh sáng nhân tạo nào trong nhà bếp". Điều đó có nghĩa là mọi người nấu nướng dựa vào ánh sáng mặt trời, thay vì đèn điện. Khi đã vào trong bếp, đầu bếp không thể ra ngoài trước khi bữa ăn hoàn thành. Trong suốt quá trình nấu, đầu bếp hầu như không nói chuyện, mũi và miệng đều được che kín.

Thức ăn khi nấu xong được đưa qua một hành lang dài để dâng cúng trong một khu vực linh thiêng của đền. Sau đó, đồ ăn được phân phối đến một khu vực khác. Tại đây, các tín đồ có thể mua chúng với giá rẻ.

Tại đền Tirupati Balaji nằm ở bang Andhra Pradesh, miền nam đất nước, mỗi ngày gần 80.000 suất ăn được nấu để phục vụ khách hành hương, du khách. Nơi đây có hơn 200 đầu bếp để chuẩn bị món Tirupati laddu, một loại bánh ngọt hình tròn làm từ bột đậu xanh, cùng 15 món ăn khác. Người dân tin rằng, Vakula Devi, mẹ nuôi của thần Venkateswara, vẫn giám sát việc nấu ăn trong đền cho đến ngày nay. Do vậy, gian bếp ở đền có một lỗ nhỏ được khoét trên tường. Người dân tin rằng, Vakula Devi vẫn đang trông coi mọi thứ trong gian bếp từ lỗ hổng này.

Những bữa ăn miễn phí này được gọi là langar, được phục vụ tại mọi ngôi đền thuộc đạo Sikh không chỉ ở Ấn Độ, mà trên toàn thế giới. Truyền thống này thể hiện sự phục vụ quên mình vì cộng đồng của đạo. Và bất kỳ ai đến đây, dù giàu hay nghèo và thuộc mọi tín ngưỡng khác nhau, đều nhận được những bữa cơm đơn sơ nhưng nóng hổi, được phát bởi các tình nguyện viên.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Anh Minh (Theo CNN) (Vnexpress)

CLIP HOT

Về 'đất tổ' nghề phở, thưởng thức chuẩn vị xưa
Về 'đất tổ' nghề phở, thưởng thức chuẩn vị xưa

Ăn một miếng phở Vân Cù, người sành ăn sẽ nhận ra thứ hương vị, bánh phở không giống với bất cứ một loại phở nào. Vị ngọt đậm, béo nhưng thanh của nước dùng “quyện” trong từng sợi phở dai, giòn, bóng mướt.