Cơm hến: Món ăn dân dã mà đậm đà hương vị cả một vùng thơ
Với người dân xứ Huế, từ bao đời nay hến dùng làm thức ăn dân dã hàng ngày, hến có thể chế biến làm nhiều món: cháo hến, canh hến, hến xào, hến trộn… Nhưng đặc biệt hơn cả phải kể đến món cơm hến bình dân, thanh đạm mà đầy hương vị Huế.
Bữa mô mời bạn vô chơi Huế
Cồn Hến buồm giăng ngược bến Tuần
(Tố Hữu)
Cồn Hến ở Huế là một bãi đất phù sa tự nhiên rộng lớn khoảng hơn 20 ha nổi lên giữa dòng sông Hương nằm phía dưới cầu Trường Tiền. Cùng với cồn Dã Viên nằm phía trên cầu Bạch Hổ, cồn Hến được chọn làm biểu tượng, tượng trưng cho hai con vật oai linh nhất: Tả thanh long, hữu bạch hổ. Cồn Hến biểu tượng của rồng xanh hợp với dải đất mượt mà xanh tốt giữa dòng Hương, cồn Dã Viên biểu tượng của hổ trắng. Nơi đây được thiên nhiên ưu đãi ban tặng cả một “vương quốc” hến - một loại hàu nước ngọt nhỏ li ti. Có lẽ vì thế mà người dân gọi tên vùng đất này là cồn Hến.
Ngày trước hến được đánh bắt để làm món ăn với cơm trong bữa ăn hàng ngày. Sau này người ta dùng nước hến, con hến và thêm vào các gia vị để làm nên món cơm hến rất đặc biệt ngày nay. Vốn ưa thích món ăn giản dị mà rất đỗi đặc biệt này, người Huế đặt cho cơm hến Huế một cái tên mới nghe thôi cũng thấy sang trọng, cao sang “Cao Lầu Cồn”. Thoạt nghe người ta dễ nhầm tưởng đó là một món ăn sang của các tiệm ăn Tàu, nếu như người tìm tới không phải là người Huế, hoặc chưa đến Huế bao giờ.
Tô cơm hến tuy nhỏ, nhưng có không biết bao nhiêu vị, tô điểm cho nhau, tạo nên sự hòa hợp nhẹ nhàng, như thể chúng được sinh ra chỉ để làm cơm hến
Những con hến xúc dưới sông lên, được chế biến luộc cho ra vỏ, thịt hến lẫn vào nước hến được lọc riêng ra làm hai vị chính trong món cơm hến. Tuy nhiên, cơm hến ngon không phải do hến quyết định hoàn toàn, nó là một thành phần trong tổ hợp nhiều thành phần để tạo thành cơm hến. Đó là các loại rau thơm, ớt, bắp chuối, cọng bạc hà xắt nhỏ, tương ớt, mắm, muối, mè, đậu phộng giã mịn, nước mắm tỏi, tóp mỡ, cơm trắng để nguội. Đặc biệt cơm hến Huế không thể thiếu món ruốc sống, cơm hến ngon, quyến rũ cũng nhờ vị ruốc này nhiều lắm. Nếu thiếu đi một hoặc không có những thành phần trên thì cơm hến trở nên rất đỗi bình thường, chỉ là cơm thông thường ăn với hến mà thôi. Có một điều khá quan trọng trong gánh cơm hến là bếp lúc nào cũng đỏ lửa, để khi thực khách ăn người ta múc nước hến nóng hổi chan lên cơm mới có vị ngọt đậm đà.
Để mỗi buổi sớm mai trên những gánh hàng “Cao lầu Cồn” người ta lại thấy các bà, các mệ, các O mặc áo dài tỏa đi các khắp các ngả đường trong thành phố, rao lên những tiếng “cơm hến khô…ng dài và ngọt. Khách ăn không chỉ thích thưởng thức một món ăn dân dã, mà còn thích được cô hàng cơm hến chăm sóc tỉ mẩn múc từng món, mỗi món một chút, cho vào tô cơm hến. Người ăn có cảm giác mình được cô nàng quan tâm cho riêng mình mà thôi. Ăn cơm hến phải cay xuýt xoa mới ngon. Tô cơm hến tuy nhỏ, nhưng có không biết bao nhiêu vị, tô điểm cho nhau, tạo nên sự hòa hợp nhẹ nhàng, như thể chúng được sinh ra chỉ để làm cơm hến.
Chị Hoài An một du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: “Huế không chỉ có các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh nổi tiếng để tìm hiểu, tham quan. Mà ẩm thực xứ Huế cũng góp phần níu chân du khách bởi các món ăn ngon, từ ẩm thực cung đình đến bình dân, trong đó cơm hến Huế là món ăn dân dã mang đến cho người thưởng thức nhiều điều thú vị, ăn rồi lại muốn ăn nữa để cảm nhận hết cái vị “liêu trai” của cơm hến”.
Một tô cơm hến chỉ có giá từ 7.000 đồng đến 10.000 đồng, nên được nhiều người thưởng thức bởi món ngon lại vừa rẻ. Người ta gọi đùa là “Cao lầu Cồn” cũng bởi lẽ nó ngon trong thú vui dân dã, bình dị nhưng không kém phần hứng thú khi được thưởng thức các món ngon ở các cao lầu sang trọng. Hơn nữa “Cao lầu Cồn” phù hợp với mọi túi tiền, kẻ sang, người nghèo đều tìm thấy ở đó một hương vị ngọt ngào của sông nước Hương Giang, một tâm tình bình dị của người sáng tạo ra món ăn và của cô nàng bán cơm hến.
Với bạn bè phương xa đến Huế, người ta mời nhau đi ăn “Cao lầu Cồn” còn để giới thiệu với bạn bè cái tài chế biến món ăn dân dã thật tinh tế, chỉ từ những sản vật bình thường mà ngon không đâu giống Huế. Những người Huế xa quê, tìm đến gánh cơm hến để nhớ hương vị quê nhà mà trong những ngày sống ly hương, họ từng khắc khoải nhớ về cái mùi vị cay nồng, ấm nóng như là ngõ sau để ngó về quê mẹ, nơi nặng tình sông nước hương giang. Cơm hến là kết tinh, là niềm tự hào của biết bao thế hệ đã tạo nên món cơm hến dân dã mà đậm đà hương vị cả một vùng thơ.
Vùng đất Tây Ninh đầy nắng và gió lôi cuốn du khách không chỉ bởi những điểm đến linh thiêng như núi Bà Đen, tòa thánh...