Cơm cháy - món ngon đời người...
Một trong những món ăn khoái khẩu của đời tôi chính là… cơm cháy.
Đó là lớp cơm cháy vàng ruộm dưới đáy nồi. Cắn nhai nghe giòn rùm rụm, thơm phức. Trời thương nên cho tôi một bộ răng rất tốt, đủ 32 chiếc không hư hỏng chiếc nào. Vậy nên nhai cơm cháy “vô tư”.
Ngày nhỏ nhà nấu cơm củi, muốn có cơm cháy ngon củi phải to để khi lửa tàn còn lại bếp than hồng đượm. Đun củi vụn hoặc nấu nhiều món luân phiên trên một bếp thì khó bề có được miếng cháy ngon. Nồi đồng, nồi nhôm thân dày cũng là những thứ nồi “ưu điểm” để vừa nấu được cơm ngon vừa tạo ra cơm cháy.
Vậy nhưng nhà tôi nghèo, chỉ mua nổi mấy cái nồi gang, nồi nhôm rẻ tiền mỏng dính, thêm nỗi cơm nấu từ củi vụn, cứ ít lửa thì cơm sống còn nhiều lửa là cơm khê, lớp cháy đen thui.
Ấy là nói chuyện “tay nghề” nấu cơm của chị em tôi thôi, chứ mẹ tôi nấu khéo lắm. Bữa nào mẹ vào bếp thì yên chí: Không biết củi lửa cách nào mà miếng cháy của mẹ tróc lên luôn vàng ươm. Vậy là chí chóe giành nhau: Tôi, chị Tư, anh Năm. Mẹ phải dàn hòa: bẻ, chia đều ba miếng. Nói “chia đều” chứ miếng của tôi đường nào cũng to nhất. Chị Tư, anh Năm có cự nự lập tức bị mẹ la: “Nó là em út, tị nạnh chi!”.
Lớn lên, ra phố trọ học, tôi ăn cơm với nhà chủ. Bà chủ nhà nấu cơm bằng bếp than nên lớp cháy vừa to vừa dày; phủ hết đáy nồi chưa chịu, còn “ôm” lên thành nồi vàng rực. Tôi luôn được ăn cơm cháy đã miệng bởi nhà chủ ai cũng yếu răng, không xơi nổi. Bà chủ vui lắm: “Vậy mà xưa giờ cơm cháy nhà không ai ăn được, cứ phải bỏ cho heo, phí quá chừng!”.
Câu nói của bà chủ nhà khiến tôi sửng sốt. Cơm cháy ở nhà tôi, anh em phải tranh giành, không ngờ có nơi người ta đem bỏ cho heo. Tự dưng tôi thấy hơi tủi thân, nghĩ mình cũng giống... heo.
Vậy là, ba năm trời trung học phổ thông, tôi nhai cơm cháy đến mòn răng. May mà răng tôi cứng, hàm tôi khỏe nên kết thúc ba năm trọ học “bộ nhá” vẫn không hề gì.
… Giờ thì những chuyện ấy đã thành rất xưa. Vài mươi năm rồi, tính từ lúc những làng quê bắt đầu chính thức được “điện khí hóa” cái nồi cơm. Xa lắc rồi cái cảnh đi làm về phải lui hui nhóm bếp khói cay xè mắt mũi. Tuổi tác, vật đổi sao dời khiến nhiều sở thích, thói quen cũng thay đổi, riêng cái nỗi mê cơm cháy nơi tôi thì gần như bất biến: Nồi cơm điện vừa chín, tôi vẫn nhấn đi nhấn lại vài lần nút “cook” (nấu) để lớp cơm dưới đáy sém vàng.
Khi ăn, nói ra thì khó tin, nhưng món “khai vị” của tôi thường là một… miếng cháy. Miếng cháy vừa tróc đáy nồi nóng hổi, vàng ươm, cho vào chén, rưới lên trên tí mắm ngon dằm ớt. Tôi cắn từng miếng cháy một và nhai rào rạo, tận hưởng cái vị bùi, thơm, mặn mà lẫn nồng cay quyện lẫn nhau, hương vị vẫn tuyệt vời như thuở ấu thơ.
Có điều, bây giờ răng tôi yếu theo tuổi tác. Đi khám, cô nha sĩ dễ thương cảnh báo: “Chú tránh nhai đồ dai, đồ cứng nhé”. Ừ, thì tránh, nhưng riêng món cơm cháy phải cho tôi “ngoại lệ”, bởi nó ngon quá chừng…
Phở là một món ăn quen thuộc của người Việt Nam. Phở Tráng Kìm không chỉ ngon, hấp dẫn mà còn thú vị, “lạ“ trong cách...