Chiều mưa, nhớ hương chuối nướng Sài thành
Chuối bọc nếp rồi cuốn thêm lá chuối và nướng trên bếp than hồng. Khi ăn cùng nước cốt dừa, đậu phộng có vị "giòn, dẻo, nóng hổi và thơm".
Sài thành là một thành phố sôi động và đa dạng văn hóa, không chỉ là trung tâm kinh tế lớn mà còn là thiên đường ẩm thực với những món ăn ngon độc đáo. Đặc trưng của ẩm thực Sài thành là sự kết hợp tinh tế giữa hương vị truyền thống và sự sáng tạo hiện đại.
Trong hàng trăm hương vị của Sài thành, một ngày nọ, tôi bắt gặp hình ảnh những cụ bà cao tuổi bán chuối nướng tại ngã ba hẻm 23, chợ Hồ Thị Kỷ. Được làm từ những trái chuối xiêm vừa chín tới, món ăn dân dã này không chỉ ngon miệng mà còn chứa đựng những câu chuyện đằng sau.
Những quả chuối xiêm được bọc nếp rồi cuốn thêm lá chuối và nướng trên bếp than
Những cụ bà, với đôi bàn tay điêu luyện, đã trải qua nhiều thăng trầm của cuộc sống để trở thành những “nghệ nhân” nướng chuối. Mỗi chiều, khi bà cụ đưa ra cái máng bằng tôn, chiều ngang chỉ khoảng 15 phân, chiều dài 80 phân, sâu 10 phân, không chỉ là việc nướng chuối, mà còn là cách họ truyền đam mê và niềm hạnh phúc của mình cho thực khách.
Hương vị chuối nướng ấy, đến từ giống chuối xiêm, những trái nhỏ nhắn, bắt đầu chín tới. Lột vỏ, phơi nắng đúng cách để khi nướng, chuối trở nên dẻo, ngọt, bùi và thơm ngon. Mỗi chiều, cả con phố nhỏ ngập tràn mùi hương hấp dẫn từ những quả chuối nướng thơm lừng ấy.
Để có món chuối nướng thơm ngon, người chế biến phải làm thật đều tay. Đối với loại chuối nướng có bọc xôi bên ngoài và gói bằng lá chuối. Chuối bóc vỏ xong, bọc bên ngoài là cơm nếp nấu chín trộn dừa cán mỏng, sau đó lấy lá chuối bọc tiếp thêm hai lớp dọc và ngang bên ngoài.
Chuối nướng sém vàng, thơm lừng góc phố
Người khéo tay và “bọc” quen để nếp bó xung quanh quả chuối không quá dày ăn dễ ngán, cũng không quá mỏng, ăn không đủ “đô”, mà lại phải bọc cho thật đều. Khi nướng phải trở đều tay, thấy nếp hơi se mặt, vàng và giòn là được. Món này ăn tại chỗ sẽ ngon hơn, gỡ lớp lá chuối còn nóng hổi ra, chan nước cốt dừa vào, rắc thêm ít đậu phộng rang giã nhỏ lên mặt.
Nước cốt dừa bột báng ăn chuối phải cô hơi sền sệt, có vị hơi mặn một chút và không ngọt lắm thì khi ăn vào mới thấy được vị béo nhưng không ngán. Hương chuối nướng hòa quyện với dừa tỏa ra thơm ngát, khiến khách qua đường cũng phải ngập ngừng chân bước không đành, thôi thì cứ “xơi” cho đỡ cơn thèm.
Chuối nếp nướng có lớp vỏ xôi nếp đã nướng bên ngoài dai dẻo, vàng giòn. Món này ăn tại chỗ sẽ ngon hơn, gỡ lớp lá chuối còn nóng hổi ra, cắt thành các miếng vừa ăn cho vào chén (hay ly) và chan lên nước cốt dừa sền sệt được nấu với chút đường và chút muối cho vị mặn ngọt thật hoà quyện. Có nơi còn ăn kèm thêm chút hạt bột báng dai dai. Cuối cùng, người ta rắc lên trên đậu phộng rang, có nơi còn rắc thêm dừa nạo, bột vani cho bùi, béo và thơm.
Dùng thìa múc một miếng chuối bọc nếp cộng thêm nước cốt dừa trong chén (hay ly) đưa vào miệng, nếp nướng giòn tan, chuối ngọt mềm, đậu phộng rang giã dập, nước cốt dừa thơm béo đã đánh thức vị giác của bao người.
Hương vị khó quên từ những trái chuối nướng, khi được cắt mở lớp lá chuối nóng hổi, chan nước dừa, rắc thêm đậu phộng rang giã nhỏ, tạo nên một bức tranh ẩm thực tuyệt vời. Quả không có gì phải bàn cãi khi mới đây, CNN bình chọn chuối bọc nếp nướng của Việt Nam là một trong 9 món tráng miệng được yêu thích nhất trên thế giới bên cạnh các món tráng miệng độc đáo của Brazil, Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ, Ý, Ấn Độ...
Lâu lắm rồi, tôi không quay trở lại con phố nhỏ Hồ Thị Kỷ. Nhưng mỗi khi trời trở mùa mưa rét như ở quê tôi lúc này, tôi lại thao thiết nhớ về mùi thơm lừng của chuối nướng, những dư vị ngọt ngào của ngày xưa lại có dịp bùng lên. Chuối nướng Sài thành không chỉ là một món ăn, mà là một bức tranh, một câu chuyện, là sự kết nối giữa con người và hương vị quen thuộc của đất đai Sài thành xưa và nay.