Các lò ở Huế đang đỏ lửa làm ra món ngon ngày Tết
Những ngày giáp Tết, các lò mứt gừng ở xứ Huế đỏ lửa làm ra món ngon không thể thiếu khi Tết đến Xuân về.
Cách không xa ngôi chùa Thiên Mụ nổi tiếng, những ngày cuối tháng Chạp, dạo quanh các con đường ở phường Kim Long (TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế), người ta dễ dàng nhận ra mùi thơm thoang thoảng trong không trung như báo hiệu cái Tết đang về.
Mứt gừng Kim Long.
Lần mò theo mùi thơm quen thuộc ấy, hóa ra, chúng được tỏa ra từ các lò làm mứt gừng Tết. Bên trong lò mứt đỏ lửa ngày đêm của ông Nguyễn Văn Dân (ở đường Phạm Thị Liên), một người phụ nữ đứng tuổi nhanh tay đảo đôi đũa to trên 4 nồi mứt gừng sôi sùng sục để rim gừng.
Quanh nhà ông Dân, mỗi người mỗi công đoạn làm nên miếng mứt gừng thơm ngon. Người rửa gừng, người cạo vỏ gừng, người bào gừng... Ai cũng bộn rộn với công việc của mình để làm món ngon không thể thiếu trong những ngày Tết cổ truyền của dân tộc.
Nhà ông Dân là một trong những hộ gia đình làm mứt gừng thủ công còn sót lại ở đất Cố đô Huế. “Vào đầu tháng Chạp, chúng tôi mua củ gừng, cạo vỏ, bào… để làm ra mứt gừng phục vụ dịp Tết. Trong dịp Tết này, gia đình tôi sản xuất khoảng 2 tấn gừng thành phẩm”, ông Dân, có kinh nghiệm 30 năm làm mứt gừng, nói.
Người đàn ông 63 tuổi này cần mẫn cùng các thành viên trong gia đình thực hiện các công đoạn làm mứt.
Từ bao đời nay, mứt gừng Kim Long được người tiêu dùng khắp nơi biết đến là nghề truyền thống lâu đời. Mứt ở đây được làm bằng thủ công, không chất bảo quản cũng như không có phẩm màu.
Ở đâu cũng có làm mứt gừng, nhưng ở Kim Long nổi tiếng món mứt gừng, vì đây là làng ven sông, củ gừng mua từ ngôi làng vùng thượng nguồn sông Hương - làng Bãng Lãng, ngã ba Tuần.
Tuy nhỏ nhắn nhưng củ gừng Tuần thơm, ấm, cay... Nhờ vậy, mứt gừng Huế luôn có hương vị “chẳng nơi nào có được”. Vị cay ấm của gừng, vị ngọt thanh từ đường, lát gừng nhỏ nhắn, sẫm màu tạo nên hương vị khó quên.
Để mứt gừng ngon và cay, người làm mứt gừng Kim Long có bí quyết riêng từ tỉ lệ đường cho đến thời gian nấu. Do vậy, tạo nên miếng gừng mỏng vừa phải, vàng tự nhiên, giòn giòn, cay cay, ngọt ngọt.
Nghề làm mứt thủ công vất vả, trong khi mang lại thu nhập thấp. Đó là lý do trước đây ở Kim Long có gần 30 hộ dân làm mứt gừng thủ công, giờ chỉ còn 6-7 hộ dân. Họ gắn bó với nghề để lưu giữ nghề truyền thống của cha ông để lại.
Công đoạn rim gừng.
Ông Dân cho biết, công việc làm mứt gừng dịp Tết có nhiều vất vả, cực nhọc nhưng mang lại công ăn việc làm, có thêm thu nhập tiêu Tết.
Càng gần Tết, nhiều lò ở các gia đình đỏ lửa rim mứt gừng, làm ra món ngon kích thích vị giác khi Tết đến. Mỗi người mỗi công đoạn, những người làm mứt gừng ở Kim Long thức khuya dậy sớm sản xuất ra biết bao mẻ mứt, phục vụ thị trường dịp Tết Nguyên đán 2023.
Từ củ gừng tạo ra món ngon ngày Tết.
Công đoạn bào gừng.
Bào gừng để làm ra món ngon ngày Tết.
Những nồi gừng vừa được bào xong.
Cho đường vào gừng chuẩn bị rim.
Rim gừng.
Đỏ lửa rim những mẻ gừng thơm ngon.
Người dân Kim Long có những bí quyết riêng để tạo nên món mứt gừng.
Những miếng mứt gừng hòa quyện cùng đường trên bếp lửa tạo nên món mứt gừng thơm thơm, cay cay...
Một mẻ mứt gừng vừa được mang trên bếp xuống.
Chờ gừng khô để mang đi đóng gói.
Đóng gói mứt gừng. Một kg mứt gừng dao động khoảng 60.000 - 65.000 đồng.
Từ mảnh đất Kim Long, mứt gừng được bán khắp các tỉnh thành, mang đến cái Tết ấm cúng bên tách trà ngày Xuân về...
Vào dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, khi vào Hoàng cung Huế, du khách được hoà mình trong nhiều chương trình nghệ thuật đầy...