Ẩm thực Nhật Bản: Khi Kawaii không phải là "Cute"

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Ẩm thực Nhật Bản không chỉ tỉ mỉ, tinh tế mà còn... đáng yêu. Và họ có hẳn một cái tên cho xu hướng làm "đáng yêu hóa" các món ăn này, gọi là "kawaii".

Dạo một vòng quanh các thành phố lớn như Tokyo, bạn có thể dễ dàng tìm thấy các quán cà phê - nhà hàng nhỏ với tông màu pastel, có nội thất được trang trí ruy băng, nơ và các nhân vật hoạt hình đáng yêu cùng màu sắc bắt mắt.

Đến cả văn hoá cơm hộp bento của Nhật Bản có từ thời xa xưa cũng phải chia ra một nhánh mang âm hưởng hiện đại là Kyaraben - Character bento, bao gồm những hộp cơm được tạo hình theo nhân vật hoạt hình dễ thương. Xuyên suốt các quán ăn, nhà hàng, tiệm bánh, quán cà phê dành cho giới trẻ, bạn có thể dễ dàng tìm thấy những chiếc bánh choux cream hình Totoro, món cơm omurice hình Pikachu hay các món bánh pudding hình mèo Pusheen, Moomin, Hello Kitty...

Ẩm thực Nhật Bản: Khi Kawaii không phải là "Cute" - 1

Sự dễ thương từ những cốc cà phê

Có thể thấy, ẩm thực "kawaii" là xu hướng được yêu thích rộng khắp, không phân biệt độ tuổi, từ người lớn đến trẻ con. Xu hướng này có lẽ là kết quả từ sự hiện đại hoá kết hợp với truyền thống "ăn bằng mắt" vốn có từ xa xưa của người dân xứ hoa anh đào.

Kawaii không phải là “Cute”

Ngày nay, kawaii đã trở thành cụm từ cửa miệng của các thanh thiếu niên Nhật Bản. Ka có nghĩa là khả, waii có nghĩa là ái - ghép lại với nhau thành khả ái, đáng yêu, đáng mến. Trong ngôn ngữ truyền thống, kawaii thường gắn liền với hình ảnh các loài động vật đáng yêu hoặc trẻ em - biểu tượng cho nét đẹp thuần khiết và tự nhiên nhất trong tâm thức người Nhật.

Do cụm từ này mang trong mình lịch sử lâu đời, quan niệm truyền thống của Nhật Bản, nên dù vẫn được hiểu là đáng yêu, đáng mến và sử dụng giống như một lời khen hoặc cảm thán, nhưng từ kawaii không thể có chung nghĩa với các từ thể hiện sự dễ thương trong các ngôn ngữ khác. Ví dụ như trước giờ người ta vẫn thường dịch kawaii như "cute" hay "lovely" của tiếng Anh, cách dịch này tuy không sai nhưng không lột tả hết được sắc thái và ý nghĩa của chữ kawaii.

Ẩm thực Nhật Bản: Khi Kawaii không phải là "Cute" - 2

"Kawaii" thường gắn liền với hình ảnh các loài động vật đáng yêu hoặc trẻ em - biểu tượng cho nét đẹp thuần khiết và tự nhiên nhất

Kawaii đang dần phổ biến toàn cầu và trở thành một hiện tượng văn hóa và xu hướng thẩm mỹ đặc trưng của người Nhật. Sự bùng nổ của văn hóa kawaii được thể hiện trong thói quen sử dụng ngôn ngữ hàng ngày, khi gặp bất kì sự vật dù là xinh xắn, hay chỉ đẹp hoặc ấn tượng, người Nhật cũng thốt lên: Kawaii! Thêm vào đó, các đồ dùng sinh hoạt như mỹ phẩm, đồ công nghệ, thời trang… đều được khoác lên mình những màu sắc tươi tắn, vui nhộn như hồng, cam, vàng cùng các chi tiết nhỏ nhưng đắt giá như ren, đăng ten…

Các sản phẩm “ăn theo” nhân vật hoạt hình ngộ nghĩnh được tiêu thụ với mức độ chóng mặt, các nghệ sĩ với hình tượng búp bê đầy màu sắc như bước ra từ Manga được công chúng yêu thích nồng nhiệt… phản ánh sự phổ biến của “kawaii” trong đời sống Nhật hiện đại. Cùng với đó, sự tồn tại của yếu tố dễ thương trong ẩm thực Nhật Bản là minh chứng cho thực tế rằng văn hóa kawaii đã bao trùm lên mọi khía cạnh xã hội nước này.

Ẩm thực Nhật Bản “kawaii” từ khi nào?

Người Nhật đặt sự quan tâm bậc nhất lên mỹ cảm trong cách trình bày món ăn. Thậm chí, sự vui thú khi nhìn một món ăn đẹp mắt có khi cũng quan trọng không kém việc thưởng thức hương vị thực sự của nó. Nhìn qua một loạt những yêu cầu sắp đặt trong trường phái Moritsuke (nghệ thuật sắp đặt bàn ăn Nhật Bản) sẽ thấy người dân xứ này để ý đến hình dạng món ăn, màu sắc, chất liệu của bát đĩa cho đến tỷ lệ khoảng trống trên đĩa. Đây có lẽ chính là tiền đề cho nghệ thuật bày trí món ăn mang phong cách đáng yêu sau này của họ.

Ẩm thực Nhật Bản: Khi Kawaii không phải là "Cute" - 3

Kẹo đường Amezaiku truyền thống của Nhật Bản

Sự "kawaii" và mối liên kết của nó với chuyện ăn uống đã được đề cập trong văn học Nhật Bản từ rất lâu: khoảng 1000 năm về trước, tác giả Sei Shonagon đã viết về sự đáng yêu của ẩm thực trong quyển tuỳ bút lừng danh Châm Thảo Tử (Sách Gối Đầu), nhắc đến gương mặt dễ thương của trẻ con được vẽ trên một quả dưa hấu. Đến giữa thời kì Edo (1603-1867), sự đáng yêu đã bắt đầu xuất hiện rộng rãi trong ẩm thực. Lấy món kẹo đường Amezaiku làm ví dụ, chỉ là một món ăn đường phố, nhưng chính quá trình kéo, nắn các viên kẹo đầy màu sắc thành hình dạng dễ thương, xinh đẹp là điều thu hút người xem tụ tập đông đúc.

Sau thế chiến thứ hai, văn hoá kawaii trở lên hùng mạnh và mang theo định nghĩa rõ ràng hơn, cùng với sự xuất hiện và phát triển của truyện tranh Manga, Anime và các nhân vật hoạt hình như Hello Kitty, Doraemon, Pikachu... Văn hoá kawaii phủ sóng rộng khắp Nhật Bản, từ những linh vật được thiết kế cho mỗi ga tàu điện ngầm cho đến các hộp cơm trưa bento. 

Ẩm thực Nhật Bản: Khi Kawaii không phải là "Cute" - 4

Ẩm thực Nhật Bản: Khi Kawaii không phải là "Cute" - 5

Ẩm thực Nhật Bản: Khi Kawaii không phải là "Cute" - 6

Những hộp cơm bento đáng yêu như vậy, làm sao mà lỡ ăn?

Ngay đến món bánh ngọt wagashi - tinh hoa của ẩm thực truyền thống Nhật Bản, cũng mang trong mình những nét đặc trưng của văn hóa kawaii khi chủ yếu mang hình dạng của các loài thực vật ngộ nghĩnh với tạo hình mềm mại, màu sắc phối theo tông pastel vừa rực rỡ lại vừa mỏng mảnh, đáng yêu.

Bên cạnh đó, văn hóa kawaii còn cho thấy sức ảnh hưởng sâu rộng khi hàng loạt các dịch vụ ẩm thực ăn theo xu hướng này xuất hiện ngày càng nhiều. Những hàng quán với phông nền dễ thương gắn liền với một chủ đề thống nhất nào đó như café Hello Kitty; dãy cửa hàng fastfood có hình trăm nhân vật hư cấu nổi tiếng của Sanri, hay quán cà phê được phục vụ bởi những cô hầu gái mặc trang phục Lolita cùng giọng nói tươi vui, lảnh lót…

Ẩm thực Nhật Bản: Khi Kawaii không phải là "Cute" - 7

Tại các quán café chủ đề Hello Kitty, bạn có thể thấy nhân vật này ở mọi ngóc ngách

Hơn cả xu thế, là một khái niệm đề cao giá trị tinh thần

Kawaii tuy là khái niệm sinh sau đẻ muộn thuộc về văn hoá đại chúng hiện đại, nhưng nó cũng có chiều sâu và bổ trợ cho những giá trị có sẵn trong người dân xứ hoa anh đào. Nhật Bản là đất nước yêu cái đẹp và có thể tìm thấy cái đẹp trong hầu hết mọi thứ, dù là một khu vườn cát khô cằn, một nhánh cây quắt queo giữa trời đông lạnh giá (mỹ cảm từ sự xót xa cho những thứ mỏng manh không tồn tại lâu). Họ tin rằng cái đẹp có thể hướng tâm trí con người tới những điều tốt đẹp hơn và sự duy mỹ này thể hiện sâu sắc qua văn hoá ăn uống, từ truyền thống đến hiện đại.

Ẩm thực Nhật Bản: Khi Kawaii không phải là "Cute" - 8

Tình yêu gói trong những hộp cơm trưa xinh xắn

Mặt khác, kawaii cũng là cách để thể hiện tình yêu, qua việc những bà mẹ cẩn thận tỉa rong biển, cắt rau củ và ngồi suy nghĩ, thiết kế cho con cái một hộp cơm xinh xắn để chúng có một bữa ăn vui vẻ ngay cả với những món không yêu thích. Nó cũng thể hiện qua cái cách mà hội con gái tỉ mẩn làm những viên kẹo socola đáng yêu vào ngày Valentine để tặng cho "crush", bạn trai hay cả bạn bè, gia đình.

Bên cạnh luồng tâm thức luôn hướng về cái đẹp ưu nhã, vô thường, văn hóa Nhật Bản nói chung và ẩm thực nói riêng vẫn tồn tại một dòng chảy tươi vui, đáng yêu và rực rỡ của những yếu tố kawaii lấy cảm hứng từ đời sống vui vẻ, thuần khiết của trẻ thơ. Và không thể phủ nhận, văn hóa kawaii trong ẩm thực cũng góp phần không nhỏ trong việc mang đến những cảm xúc tươi trẻ, hồn nhiên đằng sau những áp lực của cuộc sống hàng ngày.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Huyền Châu (Travellive+)

CLIP HOT

Hotgirl triệu view và hành trình đưa văn hóa, đặc sản vùng cao ra thế giới
Hotgirl triệu view và hành trình đưa văn hóa, đặc sản vùng cao ra thế giới

Cuộc sống hàng ngày gắn liền với cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, các lễ hội, trang phục truyền thống và đặc sản địa phương, thay vì chỉ giữ những điều đó cho riêng mình, cô gái trẻ quyết định bước ra khỏi vùng an toàn, dùng mạng xã hội để chia sẻ những nét đẹp của người Hà Nhì với thế giới.