'Ai bánh giò nóng đây': Tiếng rao thân thương nhắc món ngon khó cưỡng
Không biết từ bao giờ lời rao “Ai bánh giò nóng đây” đã đi vào tiềm thức của mỗi người dân Hà Thành. Thứ bánh ăn chơi với vị mềm mịn của vỏ bánh, đậm đà của nhân thịt và thơm ngát từ lá chuối đã khiến bao thực khách vỡ òa vì sung sướng.
Bánh giò là món ăn vặt khá phổ biến của người dân miền Bắc, nhưng xét về độ ngon, cũng giống như phở, khó ở đâu ngon bằng Hà Nội. Có lẽ, với người dân Thủ đô, bánh giò là một trong những niềm tự hào.
Bánh giò, món ngon của người Hà Nội.
Bánh có dạng hình chóp như kim tự tháp được gói bằng lá chuối, bên trong là vỏ bột bằng gạo tẻ, phần nhân được làm từ thịt băm, mộc nhĩ, hạt tiêu và chút hành khô phi thơm.
Nghe có vẻ đơn giản, nhưng thực tế, để có được những chiếc bánh giò thơm ngon, khâu làm bánh khá cầu kỳ, nhất là việc chuẩn bị bột bánh. Với những vị khách có khẩu vị tinh tế, chỉ cần bóc lớp lá, nhìn phần bột là đã có thể biết chất lượng bánh thế nào.
Vỏ bánh giò màu trắng vừa mềm, vừa thơm mùi gạo tẻ.
Theo những người làm bánh giò lâu năm ở đất Hà Thành, bánh giò được làm từ bột gạo tẻ thơm. Gạo xay thành bột hòa với nước để lọc cặn và tạp chất giúp vỏ bánh mềm, mịn, không bị rỗ, sau đó bắc lên bếp và đảo đều tay để bột nở đều, nếu đảo không đều tay, bột sẽ bị vón. Khi bột chín khoảng 70% thì tắt bếp và đảo tiếp cho bột vừa mịn vừa sánh.
Nhân bánh gồm hành phi, nấm hương, mộc nhĩ và thịt lợn phần nạc vai. Nhân phải được làm chín tái trước khi gói để tránh tình trạng nhân bánh còn sống khi hấp.
Nhân bánh giò được làm từ thịt, mọc nhĩ, hạt tiêu thơm lừng.
Lá chuối là thành phần không thể thiếu của bánh giò. Lá chuối rửa sạch trần qua nước sôi cho dễ gói. Múc 1 thìa bột cho vào trong lá rồi cho nhân vào, sau đó, cho một thìa bột nữa phủ lên phía trên, dàn đều để lấp kín phần nhân bánh.
Bánh giò sau khi gói xong.
Người gói bánh phải rất chắc tay, tập gói rất nhiều mới có thể cho ra một chiếc bánh góc cạnh đúng hình kim tự tháp. Khi gói thành hình xong, người gói sẽ dùng lạt tre để buộc cố định khung bánh lại rồi sau đó đem đi hấp trong khoảng 40 phút để đảm bảo bánh vừa chín tới.
Bánh giò thành phẩm nhìn thôi đã muốn ăn.
Bánh giò Hà Nội ngon nhất là ăn nóng. Khi bóc bánh ra, lớp vỏ bằng bột gạo phải trắng mịn, mềm nhưng vẫn đứng khung, bao được hết lớp nhân bên trong đấy mới là bánh ngon. Mùi thơm của bột gạo tẻ, của lá chuối hòa quyện trong lớp nhân thơm lừng mùi thịt, mùi hành tím, hạt tiêu như đánh thức mọi giác quan.
Bánh giò có thể ăn kèm với nhiều loại topping để tăng hương vị.
Người Hà Nội tinh tế nên nghĩ ra rất nhiều cách ăn bánh giò. Nhiều người thích ăn bánh giò cùng với dưa góp, rau thơm và nước mắm ớt, để tăng thêm hương vị và độ ngon của bánh. Ngoài ra, để tăng chất lượng dinh dưỡng có thể ăn kèm bánh giò với chả quế, giò lụa, xúc xích hoặc pate. Tuy nhiên, bánh giò nguyên bản sẽ không ăn kèm với topping mà chỉ ăn không, để cảm nhận hết độ mềm của bột tan trong khoang miệng và vị thơm mát đậm đà của nhân bánh.
Bánh giò vừa ngon, bổ lại rẻ.
Có lẽ vì là món ngon nên từ món ăn chơi chơi, qua năm tháng, bánh giò trở thành món ăn được người Hà Nội ăn bất kể vào thời điểm nào trong ngày. Buổi sáng có thể bắt đầu bằng một đĩa bánh giò ăn nóng hôi hổi. Buổi trưa vội vội cũng có thể ăn nhanh bánh giò kèm topping để đảm bảo dinh dưỡng, hay một đĩa bánh giò nóng cũng có thể là lựa chọn khôn ngoan cho bữa xế lúc tan tầm.
Người dân có thể mua bánh giò ở bất cứ đâu, từ những chiếc xe rong với tiếng rao “Ai bánh giò nóng đây” đầy quen thuộc, đến những quán ăn vỉa hè hay những cửa hàng chuyên bán bánh giò. Những nơi bán bánh giò nổi tiếng đất Hà Nội đã trở thành thương hiệu nổi tiếng như bánh giò Thụy Khuê, bánh giò Đông Các, bánh giò Đào Duy Từ, bánh giò Nguyễn Công Trứ… Mỗi nơi lại có hương vị và sự biến tấu riêng, nhưng ở bất cứ đâu bánh giò cũng có một điểm chung đó là ngon bổ rẻ.