Tiệm hủ tiếu Nam Vang hơn 40 năm ở Quận 10, đông nghìn nghịt khách mỗi sáng
Nước dùng ngọt thanh, topping đa dạng nhưng không có tôm, hay câu chuyện của chủ quán…Tất cả đã tạo nên điều đặc biệt của quán hủ tiếu Nam Vang ở Quận 10, TP.HCM.
Sự hòa quyện tinh tế
Từ sáng sớm, quán hủ tiếu Nam Vang ở Quận 10, TP.HCM đã nườm nượp khách. Từ chủ quán đến nhân viên liên tục trong các khâu để đảm bảo có tô hủ tiếu ngon nhất cho khách.
Quán hủ tiếu Nam Vang ở Quận 10 đông khách từ sáng sớm
Điểm khác biệt cơ bản nhất của hủ tiếu Nam Vang so với các loại hủ tiếu khác của Việt Nam là món thịt heo bằm nhuyễn, được cho thẳng vào tô cùng với thịt heo xắt lát, xà lách, giá sống, tỏi phi.
Phần topping đa dạng
Hương vị của hủ tiếu tại quán này có thể được miêu tả là một sự hòa quyện tinh tế giữa các thành phần chính như nước dùng, thịt và rau.
Phần topping cũng rất đa dạng, bao gồm xương ống, thịt heo băm, gan heo, và trứng cút... Mỗi loại nguyên liệu đều góp phần tạo nên một lớp hương vị riêng biệt. Thịt heo băm mềm mại, gan heo béo ngậy và trứng cút bùi bùi khiến cho món ăn thêm phần hấp dẫn.
Không thể thiếu trong hủ tiếu là các loại rau sống như giá đỗ, hẹ, rau thơm và cần tây
Không thể thiếu trong hủ tiếu nơi đây là các loại rau sống như giá đỗ, hẹ, rau thơm và cần tây. Những loại rau này không chỉ làm tăng thêm độ tươi mát mà còn giúp cân bằng hương vị của món ăn, tạo nên sự hài hòa giữa vị ngọt, vị mặn và vị thanh mát.
Không dùng bột ngọt
Chủ quán hủ tiếu nam vang này là cô Ngô Liêm Giàu (67 tuổi). Thuở sinh thời, mẹ của cô Giàu từng bán hủ tiếu ở Phnom Penh (Thủ đô của Vương quốc Campuchia). Sau khi di cư sang Việt Nam vào thập niên 1970 thế kỷ trước, bà truyền lại công thức nấu hủ tiếu cho cô Giàu mở tiệm cho đến ngày hôm nay.
Cô Ngô Liêm Giàu (67 tuổi).
“Nước dùng hủ tiếu là yếu tố quyết định phải chuẩn ngọt thanh không dùng bột ngọt. Ngoài đường tôi còn dùng xương heo, tôm khô và mực để tạo nên vị ngọt thanh, đậm đà cho nước dùng. Trong tô hủ tiếu tôi bán cũng không có tôm tươi, đơn giản từ xưa giờ đã như vậy, cũng như muốn tạo một điểm nhấn cho quán...”, cô Giàu chia sẻ.
Nước dùng trong và ngọt thanh
Ít ai biết rằng, hiện cô Giàu ở Bình Dương (ở đây thờ ông bà), đều đặn mỗi ngày vào tờ mờ sáng cô di chuyển lên TP.HCM để bán hủ tiếu. “Hiện tại, con và cháu của tôi ở Quận 10. Họ sẽ phụ nấu vào sáng sớm. Khoảng 3,4 giờ sáng tôi bắt đầu xuất phát và ghé chợ đầu mối mua thịt, rau, xương… để đem về quán hầm, chế biến nguyên liệu. Tôi làm riết rồi quen, dù sao thì món hủ tiếu gia truyền này cũng cần người gìn giữ. Tôi chỉ mong mọi người đến ủng hộ nhiều hơn”, cô Giàu tâm sự.
Khách hàng quán cô Giàu rất đa dạng, từ sinh viên, công nhân, đến những người làm văn phòng. Món ăn này không chỉ giúp họ lấp đầy bụng đói, mà còn mang lại sự thoải mái, ấm áp trong bầu không khí thân thiện của góc đường.
Tô hủ tíu Nam Vang hấp dẫn của cô Giàu
Anh Nguyễn Hoài Thêm (34 tuổi, ngụ Quận 10, TP.HCM) rất thường xuyên ghé quan hủ tiếu của cô Giàu để ăn sáng. “Tôi thấy vị hủ tiếu ở đây đậm đà, nước dùng ngọt thanh. Đặc biệt là hủ tiếu khô, từ thịt đến nước dùng, rau, sụn, hành vi, phèo… hòa quyện vào nhau, tạo nên hương vị đặc biệt tại quán”, anh Hoài Thêm nói.
Quán hủ tiếu Nam Vang của cô Giàu nằm ở chợ hoa Hồ Thị Kỷ (Phường 1, Quận 10, TP.HCM). Bán từ sáng sớm đến trưa, giá dao động từ 44.000 - 55.000 đồng/phần.