Mùa nóng, ra biển hốt 'lộc trời' kiếm vài triệu mỗi ngày

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Thuyền của mỗi gia đình đi 3 - 4 chuyến/ngày, mỗi chuyến được chừng gần 1 tấn sứa tươi, mang về cho họ từ 3 - 5 triệu đồng...

Mùa nóng, ra biển hốt 'lộc trời' kiếm vài triệu mỗi ngày - 1

Mùa khai thác sứa biển đã bắt đầu từ tháng giêng

Những ngày này, dọc bờ biển miền Trung, bà con ngư dân liên tục trúng đậm sứa biển. Cứ vào khoảng 4 -5 giờ sáng mỗi ngày, người dân dong thuyền ra khơi cách bờ từ 1 - 2 hải lý để khai thác; đến 8 -10 giờ cùng ngày, thuyền cập bờ mang theo đầy sứa biển.

Ngư cụ để bắt sứa hết sức đơn giản, chỉ cần rải lưới hoặc dùng vợt dài để vớt những con sứa trôi trên mặt biển, nhưng lại đòi hỏi sức khỏe dẻo dai. Sứa biển tươi đánh bắt được bao nhiêu thì các chủ cơ sở thu mua và chế biến hải sản đều thu mua hết, không lo ế hàng nên bà con ngư dân yên tâm đầu ra.

Sứa biển được ngư dân ở một số vùng ví von như “vàng trắng” của biển. Mùa sứa thường bắt đầu từ tháng Giêng nhưng chính vụ vào tháng 2 và đặc biệt vào tháng 3, 4 khi thời tiết tăng nhiệt, nắng nóng. Khi mùa hè bắt đầu và xuất hiện những cơn mưa kéo theo sấm chớp trên mặt biển, sứa có hiện tượng “teo” dần và chết.

Bắt sứa phải đi thuyền ra khơi cách bờ khoảng 1-2 hải lý thì thả lưới dài 300m xuống biển. Sứa thường nổi lưng chừng trên mặt nước thì bị mắc; con nào nổi lên mặt thì dùng vợt để vớt.

Mùa nóng, ra biển hốt 'lộc trời' kiếm vài triệu mỗi ngày - 2

Khai thác được nhiều sứa, ngư dân phải dùng cả máy xúc để vận chuyển.

Sứa biển là loài nhuyễn thể được dùng làm thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, bổ mát vào mùa hè. Toàn bộ cơ thể sứa đều có thể chế biến thành thức ăn, trong đó phần chân sứa là có giá trị cao nhất. Hiện nay, một kg sứa chân có giá từ 50.000 đồng. Ngoài bán cho thương lái, một số hộ dân cũng sơ chế sứa ngay trên bãi biển để đem ra chợ bán.

Đánh bắt sứa vất vả hơn đánh bắt cá trích, tép biển vì thân sứa nặng, trong khi phải đảm bảo sứa được giữ cho lành lặn, nguyên con. Đổi lại với việc cực nhọc thì nhu cầu tiêu thụ sứa vào mùa hè lớn, bán chạy nên người làm nghề biển rất vui.

Mùa nóng, ra biển hốt 'lộc trời' kiếm vài triệu mỗi ngày - 3

Sứa biển tươi sau khi thu mua được thương lái rửa sạch, sơ chế ban đầu tại bờ biển. Sau đó, họ đưa về nhà tiếp tục thực hiện thêm 4 - 5 công đoạn ngâm, muối, chế biến thành sản phẩm hoàn chỉnh rồi mới đưa đi tiêu thụ tại các đầu mối, các nhà hàng hải sản.

Sau khi đánh bắt về sứa được sơ chế tách từng phần chân, tay, thân; tiếp đó dùng hệ thống máy khuấy đánh từ 8-9 tiếng cho sạch nhớt, sau đó ngâm trong bể muối từ 7-10 ngày. Khi độ mặn đạt khoảng 20% là đạt yêu cầu để cho ra miếng sứa sạch, trong, khi chế biến món ăn sẽ dai, giòn. Sứa không chỉ được tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu, đặc biệt thị trường Trung Quốc rất ưa chuộng.

Mùa nóng, ra biển hốt 'lộc trời' kiếm vài triệu mỗi ngày - 4

Sứa biển thơm ngon được ngư dân chế biến phục vụ thực khách.

Sứa sau khi được cắt thành miếng nhỏ đem rửa sạch với nước biển thì được trộn với lá lấu để loại bỏ vị tanh nhớt và làm deo sứa; sau đó trộn với lá dung để có màu vàng, thơm, giòn tự nhiên.

Mùa nóng, ra biển hốt 'lộc trời' kiếm vài triệu mỗi ngày - 5

Sứa sau khi đã trải qua các công đoạn xử lý, chế biến thành sản phẩm hoàn chỉnh, món ăn sứa biển có thể dùng với mắm ruốc kèm rau thơm hoặc làm nộm ăn cùng bánh đa ăn vừa giòn vừa mát. Hương vị rất đặc biệt lại dễ chế biến thành nhiều món ăn ngon nên sứa biển luôn được nhiều thực khách ưa thích, lựa chọn vào mùa hè.

Lúc này là mùa sứa biển nên người dân tập trung đánh bắt, chế biến để kịp phục vụ nhu cầu thị trường. Sứa lá dung truyền thống được thực khách gần xa ưa chuộng và rất “được giá”, tạo thêm nguồn thu nhập khá cho nhiều hộ dân của địa phương.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

N.Nguyệt

CLIP HOT

Về 'đất tổ' nghề phở, thưởng thức chuẩn vị xưa
Về 'đất tổ' nghề phở, thưởng thức chuẩn vị xưa

Ăn một miếng phở Vân Cù, người sành ăn sẽ nhận ra thứ hương vị, bánh phở không giống với bất cứ một loại phở nào. Vị ngọt đậm, béo nhưng thanh của nước dùng “quyện” trong từng sợi phở dai, giòn, bóng mướt.