Nhớ hương vị ruốc quê nhà
Tháng Giêng về, vùng biển Quảng Ngãi xanh trong, ruốc cũng đã vào mùa. Người dân lại tất bật ra khơi, đánh bắt những mẻ ruốc đầu năm tươi rói.
Xóm chài mộc mạc bên bãi bờ hoang sơ cùng nguồn cá tôm thiên nhiên ban tặng.
Mùa ruốc về nhộn nhịp kẻ gánh, người gồng từ sớm hôm đến tối mịt.
Từng tốp ngư dân cùng bạn hàng, người xe rộn ràng chuyển từng rổ, khênh (khay hộc) ăm ắp ruốc tươi, tỏa về khắp xóm thôn, sạp chợ.
Biển Lệ Thủy hay còn gọi là vịnh Vĩnh Thanh những ngày này tất bật kẻ gánh, người khiêng, xe chở lộc cộc, thuyền thúng ra vào không ngớt.
Từ sáng sớm, ngư dân đã lên thuyền ra khơi đánh bắt. Được mẻ ruốc tươi là chuyển ngay xuống thúng chở vội vào bờ; rồi chuyển lên xe ba gác hoặc được các cô, các chị gánh đi bán. Ruốc này bán ở các chợ gần để ăn khi còn tươi, số khác đem đi phơi khô làm mắm.
Đặc biệt, ruốc ở biển Lệ Thủy đánh bắt gần bờ, được mẻ nào là chở ngay vào bãi nên lúc nào cũng tươi nguyên. Ruốc tươi có màu hồng nhẹ, trong veo, hai mắt vẫn còn xanh biếc; thoảng mùi đặc trưng hương vị biển chứ không tanh nồng do phải ướp đá hay hóa chất bảo quản.
Biển chiều miên man sóng vỗ, đưa những chiếc thúng chở đầy con ruốc vào bờ.
Kéo thúng lên bãi, mọi người quây quần xung quanh xúc đầy vào khênh (khay), rổ chuyển lên.
Mỗi người một tay chuyền nhau bưng lên, nhanh gọn lẹ làng.
Lưới được mẻ nào là chở ngay vào bờ, người dân và du khách có thể ra tận bãi mua về chế biến.
Con ruốc miền biển Lệ Thủy lúc nào cũng tươi nguyên, hai mắt xanh biếc trong veo.
Bác Kiệt, người con xứ Quảng sành ẩm thực dân dã miền quê, hứng khởi nói: “Mùa ruốc về thật đúng lúc, vừa xong cái Tết cổ truyền ê hề, ngất ngư với thịt, cá… thì con ruốc mua ngay tại bãi tươi ngon, đem về xào với ít hành củ xắt lát, nêm nếm thêm chút gia vị rồi đem ra xúc bánh tráng, thiệt là miếng ngon cứ lâng lâng trong miệng”.
Hoặc cũng với thứ ruốc xào này đem ra nấu canh rau tần ô với cải, cà chua; hoặc đem trộn giấm gạo với rau xà lách thì già trẻ, gái trai, ai cũng đưa đũa gắp lia, gắp lịa, chan nhanh, chan nhiều vào chén. "Món đơn giản, dân dã vậy mà ngon, ai cũng thích, cũng ưa", bác Kiệt hào hứng chia sẻ.
“Còn tui lại khoái món canh cải - ruốc tươi, chỉ cần hai thứ đơn giản này nấu chung với nhau thì nó ngọt nước thôi rồi, húp tới lủng nồi, xong tối thẳng giò, thẳng cẳng tới sáng”, chú Sáu góp lời.
Khay ruốc ăm ắp, phải hai người chung tay bưng lên, chất đầy xe ba bánh.
Từng khay ruốc xếp đều trên xe tỏa về khắp xóm thôn, sạp chợ và cả gian bếp nhỏ nghi ngút khói cho mâm cơm chiều xôm tụ cùng gia đình, người thân.
Tính ra mỗi chiếc thúng lặc lè vào bờ, chất lên xe cũng 2 - 3 chuyến mới hết.
Quả thực con ruốc đầu mùa tháng Giêng mang hương vị biển cả, thơm ngon khó lòng cưỡng lại. Thảo nào ai cũng náo nức khi được thưởng thức con ruốc tươi, cũng là niềm vui mở đầu một mùa biển bội thu của người dân nơi đây.
Ngư dân đi mành ruốc khi đánh được mẻ nào chở vào bờ rồi lại quay ra tiếp tục đánh bắt. Cứ ra lại vào liên tục như thế từ sáng sớm đến chiều chạng vạng. Mấy cô, mấy chị cũng tất bật cả ngày nhưng lúc nào cũng vui như hội, tay bưng miệng nói tía lia không ngớt.
Từng khay ruốc xếp gọn gàng trên xe chuyển về các chợ hoặc đem phơi khô.
Chiều muộn, từng chiếc thúng đầy ắp, gối sóng vào bờ. Xa trong tầm mắt, đoàn thuyền ngư dân vẫn rùng rùng nhả khói.
Má Bảy nhìn cảnh người tấp nập cũng vui lây, hắng giọng: “Đầu năm được mùa ruốc, người bưng, kẻ hốt nhìn dzui bay. Tui cũng xuống mua một ít về xào cà chua xanh, xúc bánh tráng nướng, ăn cho đã ghiền”.
Thế đấy, người dân vùng biển Lệ Thủy chân chất, dễ thương dễ gần. Cuộc sống gắn liền với biển nên lúc nào cũng vui sướng khi được mùa bội thu, nụ cười giòn tan khi con ruốc tháng Giêng vào mùa rôm rả. Bởi vậy, những người con xa xứ, dù đi bất cứ nơi đâu cũng đều da diết nhớ hương vị ruốc quê nhà.