Xu hướng "Going green" trong ngành lưu trú tại Việt Nam

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Trong những năm trở lại đây, “Going green” đã trở thành một đề tài thu hút và được cả những nhà quản lý khách sạn lẫn du khách quan tâm. Vậy tổng quan thực trạng “Going green” trong khách sạn tại Việt Nam hiện ra sao?

Du lịch có trách nhiệm với môi trường đang dần trở nên phổ biến, 70% du khách quốc tế nói rằng mặc dù không có chủ đích tìm kiếm một khách sạn “xanh” nhưng vẫn sẵn sàng đặt phòng nếu biết đó là khách sạn thân thiện với môi trường (Booking.com, 2019). Số lượng du khách có ý thức bảo vệ môi trường ngày càng tăng và vì thế, yếu tố thân thiện với môi trường trở thành điều kiện tiên quyết cho các khách sạn trên thế giới cũng như tại Việt Nam.

Việc áp dụng các biện pháp thực hành “xanh” trong khách sạn ở Việt Nam không phải là một đề tài mới, tuy nhiên, mỗi phân khúc khách sạn đều có cách áp dụng khác nhau dựa trên cơ sở vật chất và cách thức vận hành riêng của mình.

[caption id="attachment_29962" align="alignnone" width="696"]Xu hướng "Going green" trong ngành lưu trú tại Việt Nam - 1 Các khách sạn tại Việt Nam trong những năm gần đây đang dần được phủ xanh. (Ảnh: Khu vực hồ bơi của khách sạn Grand Sài Gòn)[/caption]

Động lực "Going green" của các khách sạn tại Việt Nam

Hiện nay, “Going green” không còn là xu hướng các khách sạn dùng để quảng cáo hay đánh bóng tên tuổi của mình mà đã trở thành một phong cách sống thật sự. Bên cạnh sự thay đổi từ du khách theo hướng trách nhiệm hơn với môi trường, các chủ khách sạn và nhà quản lý cũng bắt đầu thay đổi nhận thức của mình, từng bước tham gia bảo vệ môi trường một cách có trách nhiệm và bền vững vững. Chính vì vậy, các khách sạn ngày càng sáng tạo trong việc tìm kiếm những cách thức bảo vệ môi trường.

Khách sạn tại Việt Nam áp dụng các biện pháp thực hành xanh còn vì muốn trở nên có trách nhiệm hơn với cộng đồng địa phương. Ngoài áp dụng, khách sạn còn tổ chức các chiến dịch nâng cao ý thức cộng đồng trong việc giúp môi trường địa phương xanh hơn, tốt đẹp hơn cho thế hệ tương lai.

[caption id="attachment_29964" align="alignnone" width="696"]Xu hướng "Going green" trong ngành lưu trú tại Việt Nam - 2 Các sản phẩm từ nhựa như ống hút, ly nhựa... đang dần được thay thế bằng các chất liệu thân thiện môi trường. (Ảnh: Ống hút bằng giấy được khách sạn Grand Sài Gòn đưa vào phục vụ thực khách)[/caption]

Thực trạng việc áp dụng thực hành xanh tại các khách sạn tại Việt Nam

Các thực hành xanh tại Việt Nam cũng như trên thế giới đã không còn chỉ gói gọn trong những hành động phổ biến và quen thuộc. Nhờ thay đổi nhận thức và trở nên có trách nhiệm hơn với môi trường, các khách sạn tại Việt Nam cũng dần chủ động áp dụng thực hành xanh với nhiều cách thức khác nhau phù hợp với từng giai đoạn: từ ý tưởng xây dựng khách sạn theo cách “xanh” nhất cho đến sử dụng những vật liệu thân thiện với môi trường trong quá trình vận hành.

[caption id="attachment_29965" align="alignnone" width="696"]Xu hướng "Going green" trong ngành lưu trú tại Việt Nam - 3 Phòng ngủ được thiết kế thoáng đãng, tận dụng ánh sáng ngoài trời và tạo cảm giác tươi mát nhờ được bao phủ bởi nhiều cây xanh xung quanh. (Ảnh: Không gian phòng ngủ tại khách sạn Park Hyatt)[/caption]

Bên cạnh đó, các nhà quản lý ở Việt Nam cũng hiểu rõ nếu không có sự đồng hành của nhân viên, khách sạn sẽ không thể “Going green”. Họ cho rằng tầm quan trọng của việc áp dụng thực hành xanh nằm ở những người trực tiếp thực hiện chúng – tức mọi nhân viên thuộc mọi bộ phận. Vì vậy, họ tạo ra văn hóa xanh trong khách sạn của mình nhằm nâng cao nhận thức của toàn bộ nhân viên về bảo vệ môi trường, giúp nhân viên có thói quen áp dụng thực hành xanh trong tất cả các hoạt động hằng ngày.

Rào cản khi áp dụng thực hành xanh của các khách sạn

Tuy rằng các khách sạn tại Việt Nam đang thay đổi nhận thức và chủ động hơn trong việc bảo vệ môi trường, vẫn còn một số rào cản, khó khăn trong việc áp dụng thực hành xanh triệt để do không đủ chi phí đầu tư ban đầu, vị trí khách sạn không thuận lợi, thiếu các quy chuẩn xanh chính thống từ cơ quan quản lý có thẩm quyền, lệ thuộc vào mức độ hài lòng của khách hàng và biến động nhân sự lớn.

Chi phí lên ý tưởng, xây dựng và đầu tư cơ sở vật chất để tạo nên khách sạn “xanh” sẽ cao hơn so với xây dựng khách sạn theo tiêu chuẩn thông thường. Vì vậy, các nhà đầu tư sẽ phải chờ rất lâu trước khi thu hồi lại vốn của mình.

[caption id="attachment_29966" align="alignnone" width="696"]Xu hướng "Going green" trong ngành lưu trú tại Việt Nam - 4 Chi phí lên ý tưởng, xây dựng và đầu tư cơ sở vật chất để tạo nên khách sạn “xanh” sẽ cao hơn so với xây dựng khách sạn theo tiêu chuẩn thông thường. (Ảnh: Khu vực nhà hàng của khách sạn Park Hyatt)[/caption]

Tiếp đó, địa điểm cũng là một rào cản khiến khách sạn ở khu vực thành thị khó xây dựng các công trình xanh. Tại Việt Nam, chưa có một quy chuẩn xanh chính thống nào, khiến các khách sạn chưa thể xây dựng và áp dụng các thực hành sao cho có hệ thống và hiệu quả nhất.

Bên cạnh đó, du khách lựa chọn các khách sạn 3-5 sao sẽ có những mong đợi nhất định tương ứng với số tiền mình bỏ ra và điều này thường ngược lại với các thực hành xanh. Rào cản cuối cùng là về vòng xoay nhân viên: nhân sự tại các khách sạn thay đổi thường xuyên khiến việc đào tạo cho nhân viên mới các thói quen và ý thức bảo vệ môi trường trở nên khó khăn và tốn kém.

Lời kết

Sau đại dịch COVID-19, trong tương lai gần, các khách sạn đang và sẽ phải đối mặt với bài toán lớn về việc thắt chặt chi tiêu nhằm cắt giảm chi phí vận hành để duy trì hoạt động. Đây sẽ là bài toán khó cho các nhà quản lý vì lựa chọn những yếu tố cần cắt giảm là điều không hề dễ dàng.

Đặc biệt, các khách sạn đang áp dụng thực hành xanh nên duy trì thực hiện những biện pháp này vì đây là xu hướng lâu dài mà du khách sẽ ngày càng quan tâm và có khả năng trở thành yếu tố ảnh hưởng đến quyết định của du khách. Bên cạnh đó, việc áp dụng các thực hành xanh một cách lâu dài còn giúp khách sạn tiết kiệm các chi phí vận hành (điện, nước, chất tẩy rửa...).

“Going green” đã và đang trở thành một xu hướng toàn cầu tại nhiều  quốc gia và các ngành kinh tế đều đang thay đổi nhận thức về việc áp dụng các thực hành xanh, đặc biệt là ngành dịch vụ lưu trú. Việt Nam nói chung và ngành khách sạn tại Việt Nam nói riêng cũng không nằm ngoài xu hướng phát triển này. Vì vậy, việc tập trung phát triển khách sạn theo định hướng xanh trong tương lai là rất quan trọng, quyết định đến sự phát triển bền vững của khách sạn sau này.

(*) Các kết luận và thông tin trong bài viết được trích từ báo cáo Xu hướng "Going green" trong các khách sạn tại Việt Nam (Outbox Consulting & Informa Markets (Vietnam), tháng 6/2020).

Gia Khang (Theo Tạp chí Du lịch số 178 - 179)

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Tạp Chí Du Lịch

CLIP HOT

'Chuẩn nghèo' của bà nội gây 'bão' mạng
'Chuẩn nghèo' của bà nội gây 'bão' mạng

Cư dân mạng đang truyền tay nhau đoạn clip ghi lại cảnh người cháu đưa tiền bà nội, nhưng bà nhất quyết không nhận vì cho rằng cháu "còn nghèo", mà theo định nghĩa của bà: "còn nghèo" là ... chưa vợ!