Vắng du khách, cá voi Alaska hạnh phúc hơn bao giờ hết
Đại dịch khiến du lịch ở Alaska (Mỹ) gần như ngừng hoạt động, giúp cá voi lưng gù "dễ thở" hơn. Điều gì sẽ xảy ra với chúng khi con người trở lại?
Christine Gabriele ngồi ở bàn làm việc tại Công viên Quốc gia Vịnh Glacier, Gustavus, Alaska, và lắng nghe âm thanh của vịnh biển. Đây là khu bảo tồn với hệ động vật đa dạng, trong đó có cá voi lưng gù - loài đến Alaska vào mùa hè từ những vùng biển quanh Hawaii.
Điều đặc biệt là trong 18 tháng qua, cô ít thấy tiếng động cơ. Bình thường, trong những tháng mùa hè, vịnh Glacier tràn ngập tàu thuyền đủ cỡ, từ du thuyền nghìn tấn đến tàu ngắm cá voi nhỏ hơn. Tất cả là một phần của ngành công nghiệp du lịch khổng lồ ở Nam Alaska.
Đại dịch Covid-19 khiến tất cả ngừng lại đột ngột. Năm 2019, hơn 1,3 triệu người đến Alaska trên du thuyền. Năm 2020, con số này là 40.
Bình yên ở vịnh biển
Mật độ giao thông đường thủy ở vịnh Glacier giảm đến 40%. Theo nghiên cứu của Gabriele và Michelle Fournet (Đại học Cornell), lượng âm thanh do con người tạo ra tại đây đã giảm mạnh so với năm 2018, nhất là ở tần số thấp (do động cơ của du thuyền tạo ra). Mức âm thanh cao nhất đã giảm xuống gần một nửa.
Những điều này cho các nhà nghiên cứu cơ hội để tìm hiểu hành vi của cá voi trong môi trường yên tĩnh - điều kiện không tồn tại ở khu vực này trong suốt hơn một thế kỷ qua.
Bằng cách phân tích dữ liệu từ hydrophone (thiết bị thu âm thanh dưới nước), cũng như dùng thuyền nhỏ của nhân viên khu bảo tồn vào vịnh 3 lần/tuần để chụp ảnh và phân biệt những con cá voi, Gabriele nhận thấy sự thay đổi rõ rệt.
Cô so sánh hoạt động của cá voi trong thời gian trước đại dịch như con người ở một quán bar quá đông. Họ nói to hơn, ở sát nhau hơn, và nói chuyện đơn giản.
Giờ đây, những con cá voi lưng gù tản ra trên một diện tích rộng hơn. Chúng có thể nghe thấy nhau ở khoảng cách 2,3 km, thay vì 200 m như trước đó. Điều này cho phép cá mẹ để con lại chơi với nhau và đi kiếm mồi. Một số còn ngủ. Và những "bài hát" của chúng - vốn dùng để giao tiếp - trở nên đa dạng hơn.
Những con cá voi tản ra xa hơn, với những "bài hát" đa dạng hơn. Ảnh: BBC.
Ở trên thuyền giữa vịnh Glacier, ai cũng có thể thấy vì sao nơi này hút khách đến thế: Mặt biển xanh biếc, ba bên là vách núi hùng vĩ, thác nước từ sông băng và các đỉnh núi phủ tuyết. Bản thân những con cá voi cũng là một điều ngoạn mục. Chúng phun nước khi trồi lên để thở, và rồi để lộ chiếc đuôi - không con nào giống con nào, như vân tay ở người vậy - trước khi lặn xuống.
Nếu may mắn, du khách có thể chứng kiến cảnh cá voi lao hoàn toàn ra khỏi mặt nước trước khi rơi xuống. Chỉ khi đó, bạn mới có thể hình dung được kích cỡ ấn tượng của loài vật này.
Tất cả cảnh này có thể được nhìn thấy từ thuyền ngắm cá voi hay các du thuyền hạng sang, nơi du khách thưởng thức bữa ăn cầu kỳ trong lúc "khách sạn nổi" đi qua vùng nước sâu của vịnh đến rìa sông băng khổng lồ.
Gabriele biết rằng sự giảm sút do Covid-19 trong ngành du lịch chỉ là tạm thời. Cô hy vọng nghiên cứu của mình cùng nỗ lực quản lý tàu thuyền ở vịnh Glacier sẽ tạo ra sự cân bằng giữa môi trường và mong muốn được chiêm ngưỡng thiên nhiên kỳ diệu của con người.
Không chỉ cá voi được thư giãn hơn ở môi trường yên tĩnh và bình lặng, con người cũng vậy. Karla Hart sống ở Juneau, thủ phủ bang và trung tâm ngành du thuyền của Alaska, cách vịnh Glacier khoảng 25 phút theo đường thủy phi cơ.
Trong mùa du lịch điển hình, khi các du thuyền cập bến thả xuống hàng chục nghìn khách, trực thăng ngắm cảnh bay qua liên tục khiến ngay cả việc trò chuyện trong nhà cũng khó. Theo bà, đợt phong tỏa cho thấy Juneau có thể trở thành thế nào, khi con người có thể bước ra ngoài cửa và tận hưởng sự tĩnh lặng của tự nhiên.
Bài toán cân bằng môi trường và kinh tế
Khi hoạt động du lịch ngừng trệ vào năm 2020, Hart và một vài người bạn nghĩ đây sẽ là thời điểm thích hợp để thu thập chữ ký ủng hộ ban hành luật giới hạn số ngày, số lần và kích cỡ của các du thuyền có thể cập bến Juneau sau khi đại dịch qua đi. Điều này đồng nghĩa với cuộc sống ở thành phố này và các vùng biển có cá voi quanh đó sẽ yên tĩnh hơn.
Nỗ lực của Hart vấp phải sự phản đối nhanh chóng và mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp Juneau - vốn phụ thuộc vào nguồn thu nhập từ các du thuyền chở đầy du khách, nhất là trong thời điểm hàng quán phải đóng cửa do thiếu tiền từ du lịch.
Laura Martinson, chủ hàng lưu niệm đối diện ga du thuyền ở Juneau, nói: "Những người đó lẽ ra nên hỗ trợ chúng tôi, cố gắng giúp chúng tôi vượt qua 15 tháng khó khăn nhất cuộc đời. Tất cả cần có cơ hội để thành công trong cộng đồng, không phải chỉ một số đã làm được, nghỉ hưu và thấy bất tiện vì số còn lại".
Cuối cùng, cuộc vận động của Hart thất bại, cùng với việc chưa có chính sách pháp lý nào, các hãng du thuyền lớn đã lên kế hoạch bắt đầu trở lại Nam Alaska theo lịch trình ngắn hạn trong năm 2021. Chiếc đầu tiên của Royal Caribbean - Serenade of the Sea - chở theo 2.580 hành khách đến đây vào tháng 7. Holland America, Celebrity, Princess, Norwegian và Carnival đều đã lên lịch cho các tuần tiếp, chở theo tổng cộng hàng chục nghìn du khách trong tháng 8.
Du thuyền đưa hàng nghìn du khách đến Juneau trước đại dịch Covid-19. Ảnh: Juneau Empire.
Martinson đã chuẩn bị bóng bay để phát cho du khách. Với những doanh nghiệp khác, mùa du lịch ngắn ngủi có thể là chưa đủ.
Holly Johnson sở hữu công ty thủy phi cơ, đưa du khách từ trung tâm Juneau đến một khu nghỉ dưỡng gần đồng băng khổng lồ. Vào mùa hè, thông thường, cô có khoảng 9 chuyến bay, chở 50 người mỗi ngày. Năm nay, cô quyết định rằng chi phí bảo hiểm cũng như nguy cơ hủy chuyến do thời tiết là quá lớn để vận hành theo lịch trình cắt ngắn.
Năm sau, công ty của Johnson sẽ hoạt động, nhưng việc phải đóng cửa trở thành nỗi ám ảnh. Cô nói: "Nền kinh tế của chúng tôi biến mất, công việc kinh doanh của chúng tôi - đem lại lợi nhuận và tiền lương cho nhân viên - cũng biến mất. Thật không thể tưởng tượng nổi".
Các tàu ngắm cá voi sẽ trở lại nhanh hơn. Hiện tại, 70 tàu đang hoạt động ở Juneau, mỗi tàu có thể chở tối đa 100 hành khách, với khoảng 10-15 tàu vây quanh một con hay một nhóm cá voi vào bất cứ thời điểm nào.
Dù các tàu không được phép lại gần con cá voi quá 90 m, số lượng tàu trên mặt nước khiến việc chúng đôi khi lại gần là khó tránh khỏi. Đồng thời, quy định này chỉ mang tính tự nguyện.
Một thuyền ngắm cá voi đến quá gần. Ảnh: Alaska.
Heidi Pearson, giáo sư sinh vật biển tại Đại học Alaska Southeast - cách Juneau vài cây số, nhận định: "Đây là một vấn đề thường gặp. Tôi không muốn tước đi cơ hội được thấy cá voi lưng gù của bất cứ ai, nhưng tôi nghĩ điều này cần được thực hiện một cách cẩn thận và bền vững".
Pearson cũng đang thực hiện nghiên cứu về tình trạng sức khỏe của cá voi quanh Juneau trước, trong và sau đợt tàu thuyền ngừng hoạt động vì Covid-19. Cô lấy mẫu và phân tích lượng cortisol (hormone giảm stress) trong máu của chúng. Báo cáo của Pearson dự kiến được công bố vào tháng 12 và có thể trở thành luận điểm bổ trợ cho nghiên cứu của Gabriele về môi trường âm thanh biển ở Alaska.
Điều này đem lại chứng cứ thực tế về tác động của ngành du lịch lên cá voi, và có lẽ sẽ là lời cảnh báo về những nguy cơ mà con người tạo ra cho động vật có vú lớn nhất trên Trái Đất.
"Du lịch rất quan trọng với kinh tế của Juneau, và chúng tôi muốn chia sẻ nơi này với những người khác. Nhưng điều này không tốt cho tất cả - từ những con cá voi, công ty cung cấp dịch vụ ngắm cá voi đến các nhà bảo tồn - nếu chúng cảm thấy quá áp lực và quyết định bỏ đi" - Pearson nhấn mạnh.
Vườn thú Khao Kheow cho tình nguyện viên chơi nhạc sống giúp các con vật thư giãn và bớt cô đơn hơn trong thời gian vắng...