Sức bật ngành du lịch từ các công trình điện gió

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Khoảng đầu năm 2021, các dự án điện gió bắt đầu hình thành tại Gia Lai. Đây không chỉ là “đòn bẩy” phát triển kinh tế-xã hội mà còn tạo động lực cho ngành du lịch của tỉnh Gia Lai “cất cánh”.

Sức bật ngành du lịch từ các công trình điện gió - 1

Cánh đồng điện gió ở xã Trang (huyện Đak Đoa) là địa điểm tham quan thú vị cho du khách. Ảnh:baogialai.com.vn

Cách trung tâm thành phố Pleiku khoảng 25km, xuôi theo hướng về xã Trang, huyện Đak Đoa, ngay từ xa mọi người đã có thể nhìn thấy những trụ tua bin điện gió khổng lồ trắng xóa sừng sững giữa trời. Dù mới hoàn thành được khoảng 7 trụ nhưng trang trại điện gió thuộc dự án Nhà máy điện gió Ia Pết-Đak Đoa 1 do Công ty cổ phần Phong điện Ia Pết Đak Đoa số 1 đầu tư thuộc địa bàn xã Trang, Ia Pết, Glar và A Dơk (huyện Đak Đoa) đã thu hút hàng trăm lượt du khách trong tỉnh đến tham quan và chụp ảnh.

Giữa mênh mông màu xanh ngát của khoai lang, trụ điện gió trắng toát nổi lên giữa nền trời trong veo khiến khung cảnh đẹp tựa trời Âu. Nhiều du khách đến đây không khỏi thích thú với khung cảnh rất Tây này. Chị Trần Thị Ngọc Thúy, thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa, cho biết: “Mình vẫn theo dõi thông tin về tiến độ của các công trình điện gió đang triển khai và đặc biệt ấn tượng bởi kích thước khổng lồ của trụ tháp cũng như cánh quạt. Khi có thêm quạt gió trên cánh đồng rộng lớn, mình cảm thấy nơi này trở nên hiện đại hơn, có sức sống hơn và cũng mang vẻ đẹp không kém phần thơ mộng”.

Nếu cánh đồng điện gió ở huyện Đak Đoa hấp dẫn bởi hàng trụ tua bin nằm trên cánh đồng mênh mông rộng lớn thì trang trại điện gió ở khu vực xã Chư Don, huyện Chư Pưh, những cánh quạt gió in lên nền xanh thẫm của núi rừng trùng điệp. Đây là công trình điện gió thuộc dự án Nhà máy điện gió Nhơn Hòa 2 do Công ty cổ phần Điện gió Nhơn Hòa 2 đầu tư với 12 bộ tua bin gió có tổng công suất 50MW trên diện tích 32,2ha. Tại đây đã có 6 cột tua bin gió hoàn thành, trở thành điểm đến tham quan của nhiều du khách gần xa. Chị Bạch Thị Ngọc Dung, thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh, cho hay trước giờ chị chỉ thấy các cột điện gió qua ti vi hay xem trên điện thoại. Vì thế, khi biết địa phương có công trình điện gió, chị cùng bạn đến tận nơi để nhìn ngắm và chụp ảnh kỷ niệm. Từ công trình điện gió này, quê hương mình sẽ phát triển giàu mạnh hơn và được nhiều du khách biết đến nhiều hơn.

Các công trình điện gió vẫn đang được tiếp tục đầu tư, hoàn thiện. Hiệu quả kinh tế từ các dự án này là điều mà ai cũng dễ dàng nhận thấy. Cùng với đó, các công trình năng lượng sạch này cũng hứa hẹn đem lại “luồng gió mới” cho ngành du lịch. Đặc biệt khi phần lớn công trình được xây dựng gần với các điểm đến nổi tiếng của nhiều địa phương. Đây là điều kiện thuận lợi trên hành trình kết nối du lịch trong tỉnh Gia Lai.

X

Bà Kiều Thu Hương, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Đak Đoa cho biết, công trình điện gió sẽ là một điểm nhấn đáng chú ý để thu hút du khách đến với Đak Đoa. Đặc biệt, công trình điện gió đang thi công nằm trên tuyến đường dẫn đến nhiều điểm đến hấp dẫn của huyện như đồi thông Glar (xã Glar), thác Đôi và ruộng bậc thang (xã Trang) hay hồ Ia Băng (xã Ia Băng)… Đó sẽ là hành trình khám phá lý thú cho du khách.

Nắm bắt được tiềm năng du lịch mà các công trình điện gió đem lại, Đảng ủy xã Chư Don, huyện Chư Pưh, đã nhanh chóng xây dựng dự thảo Nghị quyết chuyên đề về xây dựng và phát triển du lịch trên địa bàn giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó có nội dung chú ý đến việc kết nối các công trình điện gió với các thắng cảnh trên địa bàn.

Ông Đặng Lê Minh, Bí thư Đảng ủy xã Chư Don chia sẻ, xã Chư Don được thiên nhiên ưu đãi hình thành nên các cảnh quan đẹp như hồ thủy lợi Plei Thơ Ga, núi Chư Don, thác Ia Nhí, Hòn đá chồng và các công trình điện gió đang dần hoàn thành… Đây là những những lợi thế to lớn, là cơ sở để tạo động lực phát triển du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế trọng điểm tạo nguồn thu cho địa phương, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội. Xã đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 hình thành các điểm du lịch và có từ 2-3 điểm du lịch đón du khách đến tham quan, trong đó có địa điểm điện gió; đến năm 2030 du lịch trở thành ngành kinh tế chính của xã.

Toàn tỉnh Gia Lai hiện có 163 dự án điện gió và điện mặt trời; trong đó có 17 dự án điện gió đã được phê duyệt. Đến nay, 16 dự án đang được đầu tư, thi công tại 6 huyện, thị xã gồm: Ia Grai, Đak Đoa, Chư Prông, Kông Chro, Chư Pưh và thị xã An Khê.

Gia Lai chỗ nào chẳng… đá
Gia Lai chỗ nào chẳng… đá

Té ra, Gia Lai không chỉ có những bãi đá cổ mới phát hiện này, mà nơi nào cũng có đá. Đá lạ, đá đẹp,...

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Quang Thái (TTXVN)

CLIP HOT