Ứng dụng công nghệ, tăng sức hút cho du lịch TP.HCM
Ngoài các sản phẩm du lịch truyền thống, ngành “công nghiệp không khói” của TP.HCM đang có sự phục hồi mạnh mẽ nhờ tận dụng lợi thế công nghệ. Với hạ tầng đô thị thông minh sẵn có, chi phí cạnh tranh và sản phẩm đa dạng, TPHCM đang ưu tiên đầu tư mạnh mẽ cho loại hình du lịch này.
Những bảo tàng “số”
Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ là bảo tàng đầu tiên tại TP.HCM kết hợp máy Hologram trong không gian trưng bày. Hình ảnh hiện vật và các nhân vật lịch sử qua máy Hologram thể hiện 3D, kết hợp phần mềm tương tác 360 độ và công nghệ thực tế ảo (VR), giúp khách tham quan có thể cảm nhận hiện vật như trong không gian thực với nhiều góc độ khác nhau.
Học sinh hào hứng với với việc ứng dụng công nghệ halogram 3D xoay 360° trong trưng bày tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ
Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh tái hiện về 5 nhà tù lớn ở miền Nam Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ trong một container mô phỏng đặt ngoài trời. Không chỉ sử dụng các công nghệ 3D, tại đây còn kết hợp cả các công nghệ ánh sáng, nhiệt độ, âm thanh… nhằm thể hiện phần nào tính chân thật của các nhà tù xưa. Bà Đinh Ngọc Hằng, phó giám đốc Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, cho biết: "Diện tích trưng bày không lớn nên áp dụng các công nghệ sẽ giúp khách tham quan tiếp cận thêm được nhiều hiện vật, mô hình chưa được trưng bày, cung cấp cho họ nhiều thông tin hơn".
Bảo tàng Lịch sử TP.HCM thử nghiệm mô hình đưa robot vào phục vụ công chúng khi tham quan Bảo tàng
Ngay vào thời điểm dịch bệnh bắt đầu căng thẳng (tháng 6/2021), Bảo tàng Lịch sử TP.HCM đã triển khai thử nghiệm dự án “Bảo tàng tương tác thông minh 3D/360” phục vụ khách tham quan từ xa. Và mới đây nhất, bảo tàng này cũng bắt đầu đưa vào thử nghiệm mô hình Robot Sanbot ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để hướng dẫn khách tham quan, với các tính năng ban đầu như: trình chiếu hình ảnh, video giới thiệu về bảo tàng, hiện vật, các phòng trưng bày…
TS Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử TP.HCM, cho biết: "Một hệ thống màn hình chạm ở bảo tàng chúng tôi với đường truyền tốc độ cao luôn sẵn sàng đưa du khách "liên kết văn hóa" đến hiện vật và những thông tin liên quan: từ nguồn gốc, quá trình phát hiện, khai quật, kết quả nghiên cứu khoa học…, cho tới nơi hiện vật hiện hữu. Mọi thứ đều đa chiều. Hiện chúng tôi đang trình hai dự án lớn là Số hóa tiếp tục hiện vật bảo tàng và Đổi mới hệ thống trưng bày hiện đại theo hướng kết hợp công nghệ và thiết kế mỹ thuật mới, đang chờ cấp trên duyệt để bắt tay thực hiện ngay".
Số hóa thúc đẩy du lịch TP.HCM phát triển
Việc hội nhập và phát triển song hành với xu hướng chuyển đổi số được xem như chìa khóa giải quyết bài toán phát triển du lịch bền vững hơn, nâng tầm trải nghiệm cho du khách thông qua điện thoại thông minh.
Ông Nguyễn Hữu Y Yên, Tổng Giám đốc Lữ hành Saigontourist, nhìn nhận, khách có xu hướng tìm hiểu thông tin điểm đến khá kỹ trước khi quyết định lựa chọn sản phẩm. Do đó, chuyển đổi số đã trở thành hướng đi quan trọng của ngành du lịch, không chỉ phục hồi phát triển sau dịch COVID-19, mà còn hỗ trợ hình thành các chiến lược mạnh mẽ trong tương lai.
Ứng dụng công nghệ 3D trong quảng bá du lịch tại TP.HCM
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM, cho rằng thời điểm hiện nay, nhu cầu và xu hướng du lịch của du khách ngày càng thay đổi, nhất là nhóm khách trẻ. Trước thực tế này, ngành du lịch TP.HCM cũng nỗ lực chuyển mình với mục tiêu tiến tới hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh gắn kết các chủ thể từ khách du lịch, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ và cơ quan quản lý nhà nước.
“Một trong những thành công nổi bật trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động quảng bá du lịch của TP.HCM có thể kể đến là việc thực hiện Ứng dụng công nghệ 3D trong thông tin, quảng bá du lịch”, bà Hoa cho biết.
Ứng dụng gồm: ứng dụng công nghệ cao quét 3D tái hiện không gian một phần thành phố từ trên cao và Bản đồ tương tác thông minh 3D/360 TP. Hồ Chí Minh đã đem lại hiệu quả đáng kể. Ứng dụng này còn tích hợp thêm thông tin, hình ảnh 3D, 2D của các khu du lịch, di tích lịch sử, điểm du lịch. Thông qua công nghệ thực tế ảo Virtual Reality (VR), ứng dụng cho phép du khách trải nghiệm cảm giác bay trong không gian ảo trên bầu trời TP.HCM và tham quan thành phố nhìn từ trên cao.
“Trong thời gian tới, Sở Du lịch TP.HCM sẽ xây dựng Booth tra cứu thông tin du lịch và tham quan thực tế ảo. Song song đó là triển khai hệ thống chatbot, nâng cấp hệ thống ứng dụng QR code trong thông tin, giới thiệu tại các điểm tham quan công nghệ RFID; xây dựng trung tâm điều hành du lịch thông minh IOC. Ngoài ra, ngành du lịch TP.HCM sẽ phối hợp với các công ty công nghệ triển khai kết nối dữ liệu khi các dự án xây dựng cơ sở dữ liệu về du lịch được hoàn thành”, bà Hoa cho biết thêm.