Tục “Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi” bắt nguồn từ đâu?

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

“Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi” là một câu thành ngữ chỉ một tục của người Việt từ xa xưa được duy trì cho đến ngày nay đó là: mua muối vào dịp đầu năm (ngay sáng mùng 1 Tết) và mua vôi vào những ngày cuối năm.

Trong cuốn Bách khoa thư làng Việt cổ truyền, PGS.TS Bùi Xuân Đính cho biết, từ trước đến nay, có nhiều giải thích về nguồn gốc câu thành ngữ và tục lệ dân gian này.

Theo cách giải thích của dân gian, “Đầu năm mua muối cuối năm mua vôi” vừa là một tục, vừa là một lời nhắc nhau, trước hết là giữa những người trong gia đình, cần lưu ý mua hai mặt hàng này dịp Tết, song ở hai thời điểm khác nhau: muối mua ngày đầu năm, còn vôi phải mua cuối năm, vì đặc điểm của hai sản phẩm này có ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình trong năm.

Trong tâm thức dân gian muối là biểu tượng của tình cảm, mặn nồng, gắn kết, no đủ. Hạt muối có sự kết tinh cao, màu trắng trong tượng trưng cho sạch sẽ và tinh khiết, cũng là biểu tượng cho sự tốt đẹp. Tục mua muối đầu năm với ý nghĩa cầu mong cho sự đậm đà trong tình cảm gia đình, sự hòa thuận vợ chồng, gắn bó con cái.

Theo quan niệm của người xưa, muối là thứ gia vị có chất liệu mặn, chống được xú uế, có thể xua đuổi tà ma và đem lại nhiều may mắn trong gia đình. Hơn thế, muối còn là sự mặn mà, tình thân thiết quanh năm trong các quan hệ họ hàng, làng xó và quan hệ làm ăn. Vì thế, ngày vào sáng mùng 1 Tết, có nhiều người bán muối dạo khắp các ngõ phố, đường làng và ai cũng vui vẻ mua một túi muối nhỏ để lấy may mắn cho cả năm.

Còn “Cuối năm mua vôi” thì dùng vào các việc như:

Quét lại tường (vách) nhà cho trắng, sáng, mới hơn, tạo cảm giác được xóa đi những điều không hay trong năm cũ, để chuẩn bị đón một một năm mới.

Rắc vôi bột ở bốn góc vườn, cổng nhà, hoặc quanh cây nêu vào những ngày giáp Tết nhằm ngăn ma quỷ về quấy nhiễu. Trong cuốn Hội hè lễ Tết của người Việt, học giả Nguyễn Văn Huyên cho rằng vôi là thứ có tác dụng trừ tà, ngăn ma quỷ. Mua vôi bột về rắc xung quanh nhà với ý nghĩa xua đuổi ma quỷ ra khỏi lãnh thổ của gia đình mình, cũng là xua đuổi những rủi ro, đen đủi của năm cũ.

Mua vôi còn là để tiếp thêm vào ông bình vôi dùng để ăn trầu trong những ngày Tết và các tháng tiếp theo.

Tuy nhiên, người xưa cũng quan niệm, vôi biểu tượng cho sự bạc bẽo (bạc như vôi). Vì thế đầu năm không nên mua loại nguyên liệu này, nhằm tránh những điều không hay trong quan hệ gia đình, bạn bè và việc làm ăn trong năm mới.Tục “Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi” bắt nguồn từ đâu? - 1

Bên cạnh quan niệm của dân gian, cũng có ý kiến cho rằng, “Đầu năm mua muối” có ý là nhắc nhở cha mẹ đối với con cái là “ăn dè, ăn nhịn” tiết kiệm để dành tiền “Cuối năm mua vôi” để xây nhà.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Bùi Xuân Đính cách giải thích trên đây mới chỉ nhìn từ quan niệm của người xưa về đặc điểm, giá trị của muối và vôi, chưa xuất phát từ góc độ tiêu dùng và đặc điểm mua bán ở nông thôn (và đô thị) vào dịp cuối năm và ngày Tết.

Trong những ngày Tết, nhu cầu về muối rất lớn, phải nấu nhiều món, lượng muối mua dự trữ trước Tết của nhiều gia đình cạn. Từ ngày mùng 1 trở đi, nhu cầu này càng gia tăng. Nắm bắt điều này, nên nhiều người đã tranh thủ mang muối đi bán.

Còn mua vôi cuối năm phục vụ việc sửa sang nhà cửa cũng không phải là nguyên nhân chính để người trong gia đình nhắc nhau, vì xưa kia, đa số dân trong làng nhà tranh vách đất, thường phải cách năm (hoặc hơn) mới quét vôi, trang hoàng lại một lần. Mặt khác, rất nhiều gia đình khốn khó, trong khi các nhu cầu về gạo ăn, bánh chưng, thực phẩm, quần áo mới cho cả nhà ngày Tết còn bức thiết hơn việc trang hoàng nhà cửa.

Theo PGS.TS Bùi Xuân Đính, “Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi” xuất phát điểm chỉ là lời nhắc (hoặc tự nhắc) người đi chợ nhớ mua và mua đủ các mặt hàng thiết yếu cho việc chi dùng trong những ngày Tết, trong đó có hai mặt hàng thiết yếu là muối và vôi. Dần dần, nó trở thành một quan niệm trong dân gian, được tuân theo, duy trì như một tục lệ.

Ở một góc nhìn khác, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Huỳnh Ngọc Trảng thì lại cho rằng, câu thành ngữ này phải được hiểu là “Đầu năm buôn muối, cuối năm buôn vôi”.

Theo ông, đây là kinh nghiệm của những người làm ăn, buôn bán. Đầu năm, người ta buôn muối bởi nhu cầu mua muối sử dụng vào trong sinh hoạt rất lớn, như muối dưa, muối cá, muối thịt… nên muối bán đắt. Còn cuối năm buôn vôi là bởi nhiều người có nhu cầu quét tường, sửa nhà, sửa cửa, làm cho nhà cửa mới mẻ, tươi tắn, nên vôi bán rất chạy, nhà nghiên cứu cho biết.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Minh Châu

CLIP HOT

'Chuẩn nghèo' của bà nội gây 'bão' mạng
'Chuẩn nghèo' của bà nội gây 'bão' mạng

Cư dân mạng đang truyền tay nhau đoạn clip ghi lại cảnh người cháu đưa tiền bà nội, nhưng bà nhất quyết không nhận vì cho rằng cháu "còn nghèo", mà theo định nghĩa của bà: "còn nghèo" là ... chưa vợ!