Nở rộ trào lưu cà phê 'sống ảo' tại TP.HCM

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Không chỉ thịnh hành tại các điểm du lịch nổi tiếng, mô hình 'cà phê sống ảo' hiện cũng nở rộ tại TP HCM, chủ yếu cho giới trẻ đến chụp ảnh.

“Giật mình” phí chụp hình tại quán cà phê

Mới đây, mạng xã hội chia sẻ thông tin một quán cà phê tại TP HCM bị khách hàng tố thu phí chụp ảnh đến 1,5 triệu đồng cho một giờ chụp ảnh tại quán. Nhiều khách hàng bức xúc cho rằng, quán cà phê trang trí đẹp là để thu hút khách đến uống nước, chụp ảnh. Khách đã trả tiền nước tại sao còn phải thanh toán cả tiền chụp ảnh với giá “trên trời”?

Thậm chí, sau khi lên án mức phí chụp ảnh quá cao và quy định khắt khe tại quán cà phê mang tên Đá Bào Concept ở quận 3 này, nhiều bạn trẻ còn kêu gọi “tẩy chay” cách làm ăn như trên.

Nở rộ trào lưu cà phê 'sống ảo' tại TP.HCM - 1

Tuy nhiên, Minh Khuê, quản lý quán cà phê Đá Bào Concept giải thích về quy định của quán: Cho đến nay quán chưa hề thu phí chụp ảnh trên khách đến thưởng thức nước uống thông thường. Đối tượng bị thu phí là những nhóm thực hiện việc chụp hình thương mại, các bộ ảnh chuyên nghiệp, quay MV...

“Chúng tôi đã có quy định rõ, đặt bảng tại nhiều nơi trong quán để mọi người biết và chủ động lựa chọn. Khách đến uống nước, chụp ảnh lưu niệm dĩ nhiên chỉ tốn tiền nước. Còn khách đến thành từng nhóm, mang theo vali đựng quần áo, đồ trang điểm, máy móc chuyên nghiệp thì chúng tôi sẽ thu phí. Mục đích không phải là để kiếm tiền từ dịch vụ chụp ảnh tại quán mà chúng tôi chỉ nhằm hạn chế việc chụp hình quy mô, thời gian kéo dài, gây ảnh hưởng đến đông đảo khách hàng”, Minh Khuê chia sẻ.

Tương tự, nhiều quán cà phê có bối cảnh đẹp, nổi tiếng trên mạng xã hội cũng cho rằng, việc thu phí chụp ảnh cho một số đối tượng đến quán là hoàn toàn hợp lý. Tại các quán cà phê “sống ảo” nói trên, lượng khách đến mỗi ngày rất nhiều, nếu khách nào cũng dùng nhiều thời gian để chụp ảnh cùng cả ekip, sức chứa của quán sẽ giảm sút, đồng thời cũng gây ảnh hưởng đến cảm nhận của khách uống cà phê thực thụ.

Anh Tuấn Trần, chủ quán cà phê Memory ở Bình Thạnh chia sẻ, ban đầu quán không có dự định thu phí người chụp ảnh, nhưng sau một thời gian hoạt động, quán thu hút một lượng khách đến đông đúc. Trong đó, nhiều bạn trẻ chủ yếu đến để chụp ảnh, chạy nhốn nháo để tìm những góc đẹp, gây ồn ào. Nhiều nhóm bạn trẻ mang theo đủ loại phục trang, đồ trang điểm, liên tục thay đồ, “chiếm dụng” nhà vệ sinh và các khu vực trang trí đẹp, khiến khách uống cà phê khó chịu. Từ đó, quán mới đặt ra quy định thu phí chụp ảnh theo giờ với giá 600 ngàn đồng/giờ.

“Sống ảo” có được lâu dài?

Thời gian gần đây, mô hình cà phê “sống ảo” liên tục nở rộ tại TP HCM, xuất phát từ mong muốn được đến uống cà phê và chụp những bức ảnh đẹp đăng lên mạng xã hội, còn gọi là nhu cầu “check in” của các bạn trẻ.

Có mặt tại O'Palm Cafe, một quán cà phê mang phong cách Địa Trung Hải tại đường Ngô Thì Nhiệm, quận 1, Nguyễn Lan Chi, nhân viên văn phòng một công ty vận chuyển nhanh tại quận 1 cho biết, vào mỗi cuối tuần, cô và nhóm bạn có thói quen đến “check in” tại một quán cà phê đang “nổi” ở thành phố Hồ Chí Minh để chụp một bộ ảnh “sống ảo”. Lan Chi cho biết, thời gian qua nhóm của cô đã “check in” tầm hơn 10 quán cà phê nổi tiếng có khung cảnh lên ảnh đẹp ở thành phố, như Okkio, Haan Saigon, Hiên Cúc Trắng, Soo Kafe... “Cứ nghe “review” ở đâu có quán “check in” đẹp là cả hội lại lên kế hoạch rủ nhau đi làm bộ ảnh để đăng Facebook. Uống nước là phụ, chủ yếu là trang điểm đẹp, mang theo vài bộ quần áo để thay đổi, chụp hình”, Lan Chi cho biết. Cô cũng chia sẻ, cả nhóm chỉ đến những quán cho phép khách thay đồ chụp ảnh, còn quán có thu phí thì không đến vì sợ tốn kém.

Nở rộ trào lưu cà phê 'sống ảo' tại TP.HCM - 2

Thực tế, với nhiều quán cà phê “check in”, nước uống hay phục vụ chỉ là yếu tố phụ. Tâm điểm vẫn là đầu tư vào bối cảnh sao cho đẹp, lạ so với thị trường. Nhiều quán, để tiết kiệm chi phí đầu tư, trang trí đơn giản ở vài góc, sao cho lên hình trông thật bắt mắt, nhưng sự thật bên ngoài lại khác hẳn, thậm chí xập xệ. Các quán cà phê này thường đầu tư nhiều cho chi phí marketing bằng cách chụp những góc “sống ảo” thật đẹp rồi chạy quảng cáo, hoặc thuê một vài “kols” đến để chụp bộ ảnh, “review” cho quán nhằm tạo hiệu ứng đám đông, hút khách.

Cà phê “sống ảo” thường không tồn tại được lâu, bởi sức cạnh tranh cao. Khách đến không để thưởng thức mà chủ yếu chụp ảnh, nhưng lượng khách đến “check in” cũng vơi đi theo thời gian. Khi “cơn sốt” đi qua, cơ sở vật chất xuống cấp, cảnh quan cũ kỹ, cộng với nhiều quán khác mới mẻ nổi lên, quán cũ sẽ nhanh chóng rơi vào cảnh “chợ chiều”, buộc lòng phải làm mới, phải có những chiêu trò mới mẻ hút khách hoặc thay đổi mô hình.

Cà phê “sống ảo” là một mô hình dựa trên trào lưu “check in” của giới trẻ. Nhiều ý kiến cho rằng, có thể gọi đó là “điểm đến check in” thì chính xác hơn là “quán cà phê”, bởi nó không mang ý nghĩa thưởng thức. Và bởi là “trào lưu”, nên nó cũng “sớm nở tối tàn” như cách mà người trẻ thành phố thay cũ đổi mới với những thú giải trí thoáng qua.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Ngọc Mai (BPL)