'Tự bạch' của một nhà báo nghiệp dư

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Kể ra dù làm báo nghiệp dư, làm Tổng biên tập không thẻ nhà báo nhưng tôi thường xuyên được mời dự họp giao ban báo chí của thành phố, lại còn được giải báo chí hẳn hoi.

1. Từ khoảng hơn 20 năm trước thỉnh thoảng tôi có bài tạp bút, tản văn được đăng báo, nhưng đó chưa phải là "báo chí". Có lẽ bắt đầu vào năm 2012 khi tôi được bổ nhiệm làm Tổng biên tập Tạp chí của Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM (một Tổng biên tập không có thẻ nhà báo cho đến khi về hưu). Do công việc nên tôi được một số tờ báo đặt viết về việc bảo tồn, di sản văn hóa và một số vấn đề xã hội đô thị. Từ đó, tôi có nhiều bài báo về việc di sản đô thị Sài Gòn đang bị hư hỏng, phá hủy và biến mất do quá trình đô thị hóa - hiện đại hóa quá “nóng” ở TP.HCM.

'Tự bạch' của một nhà báo nghiệp dư - 1

TS Nguyễn Thị Hậu. Ảnh: NVCC

Thời gian làm nhà báo nghiệp dư tuy ngắn ngủi nhưng tôi may mắn có nhiều bạn bè trong giới báo chí, trong đó có những nhà báo nổi tiếng, có tâm có tài. Những lần trò chuyện với họ đã giúp cho tôi nhìn ra cách tiếp cận một vấn đề xã hội từ góc nhìn báo chí để có thể viết bài cho phù hợp, nhưng lồng ghép trong đó kiến thức từ việc nghiên cứu khảo cổ, văn hóa.

Nhìn lại, từ công việc “tay trái” này tôi nhận ra vài điều hữu ích cho bản thân.

Điều thích nhất: viết báo là có nơi để bày tỏ chính kiến về vấn đề mình quan tâm, đồng thời chuyển tải những kiến thức chuyên môn đến với công chúng rộng rãi. Ngoài ra có... nhuận bút để cà phê với bạn bè thì càng vui.

Điều sợ nhất: khi báo đặt bài “phản ứng nhanh” lại quy định số chữ, phải viết đúng hạn và trình bày ngắn gọn, đúng trọng tâm nội dung. Ngoài ra còn ngại làm phiền các anh chị biên tập, đều là bạn bè, nếu như bài phải sửa nhiều!

Điều vui nhất: là được đăng thường xuyên, nếu có bài không đăng được thì không phải vì chất lượng của bài, mà vì lý do nào đó. Ngoài ra, được các anh chị biên tập tôn trọng hỏi ý kiến nếu cần chỉnh sửa.

Điều buồn nhất: là khi những vấn đề mình viết hoài nói hoài mà rồi báo vẫn đặt viết tiếp, như đề tài bảo tồn di sản văn hóa. Ngoài ra, khi đặt bài nhưng lại không đăng, cũng không được giải thích, phản hồi (cũng may, hiếm khi như vậy).

Tôi thường đọc những tờ báo mà qua các bài báo của họ, tôi thấy được tiếng nói của người dân và tiếng nói ấy được - trước hết là báo chí - tôn trọng. Tôi ít đọc và không thích những tờ báo, nhà báo, phóng viên viết những bài báo mà qua đó người ta chỉ thấy “quyền lực thứ tư” được coi là quyền lực của người làm báo! Là người đọc tôi nghĩ báo in không mất đi mặc dù báo mạng phát triển. Vấn đề là báo in cần thay đổi, thay đổi bản thân tờ báo và cả điều kiện để báo chí hoạt động.

Kể ra dù làm báo nghiệp dư, làm Tổng biên tập không thẻ nhà báo nhưng tôi thường xuyên được mời dự họp giao ban báo chí của thành phố, lại còn được giải báo chí hẳn hoi. Với giải báo chí TP.HCM thì tôi có duyên với báo Người Lao Động. Năm 2016 là giải A cho loạt bài “Sài Gòn tình nghĩa”, còn năm nay là giải Nhì cho tác phẩm "Xây bản sắc văn hóa đô thị TP.HCM" và giải Ba cho tác phẩm "Bay lên từ ngày đại thắng". Các tác phẩm này đều do một nhóm tác giả viết, và điều rất vui là tôi “mở hàng” cho loạt bài nào cũng đều được đánh giá tốt.

'Tự bạch' của một nhà báo nghiệp dư - 2

TS Nguyễn Thị Hậu (thứ hai từ phải sang) cùng các tác giả Lê Minh Quốc, Cát Vũ nhận giải Nhì giải báo chí TP.HCM với tác phẩm "Xây bản sắc văn hóa đô thị TP.HCM". Ảnh: Hoàng Triều/NLĐ

Ngoài ra, tôi còn được Giải Ba báo chí nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội (2010) trong loạt bài “Viết về người Hà Nội” của báo Thể Thao &Văn Hóa, sau đó là Giải “Bông Sen Bạc” cho phim “Trăng 14 Hội An” của TFS mà tôi viết lời bình cho phim (năm 2011). Một người viết báo nghiệp dư như tôi được giải báo chí như vậy là quá vinh dự rồi!

Tuy nhiên, nhiều năm quan tâm đến Giải báo chí quốc gia, giải báo chí thành phố, trước đây vì công việc sau vì thói quen và có nhiều bạn bè làm báo… tôi luôn thấy thấy tiếc cho lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa (vật thể và phi vật thể) vì hình như chưa bao giờ có bài nào được giải thưởng?

Có lẽ vấn đề bảo tồn di sản văn hóa chưa phải là “nóng bỏng”, “thời sự, chính trị” hay cần thiết như “cơm áo gạo tiền”… Phải chăng vì thế mà các báo đài chưa nhìn nhận đúng tầm quan trọng nên ít tổ chức tuyến bài có “sức nặng” để gửi dự thi, dù khá nhiều bài có tác động lớn đến xã hội, nhiều nhà báo phóng viên luôn đồng hành cùng ý kiến các nhà chuyên môn và tiếng nói của cộng đồng.

'Tự bạch' của một nhà báo nghiệp dư - 3

"Nhà báo nghiệp dư" Nguyễn Thị Hậu với nhiều tác phẩm báo chí về bảo tồn di sản văn hóa đô thị

“Đành lòng vậy cầm lòng vậy”, khi không được quan tâm đúng mức thì di sản văn hóa vật thể bị phá hủy, văn hóa phi vật thể bị biến dạng sẽ còn là “chuyện thường ngày” ở mọi nơi.

2. Vài năm gần đây cứ đến ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam là thế nào cũng có những bài viết nói về vai trò trách nhiệm của nhà báo và báo chí, thế nào cũng có những khó khăn hiện nay mà báo chí phải đối mặt, thế nào cũng có một thực trạng “báo chí đang phải cạnh tranh với mạng xã hội”, “Báo chí đối đầu với mạng xã hội”... Năm nay, chuyện này còn “nóng” sớm hơn với hiện tượng một nữ đại gia “lập kỷ lục” số lượng người xem “khủng” trên kênh youtube của mình chỉ sau vài buổi livestream.

Khi viết bài này tôi gõ từ khóa "báo chí và mạng xã hội" chỉ trong 0,46 giây ra đến hơn 104 triệu kết quả, phần lớn nói về sự cạnh tranh, đối đầu, thách thức, đánh bại... Nhưng có phải là mạng xã hội là đối thủ và báo chí đang cạnh tranh với nó?

Báo chí ra đời và phát triển sớm hơn mạng xã hội rất lâu. Trong quá trình hình thành và phát triển, tính chuyên nghiệp trong tổ chức bộ máy và chất lượng sản phẩm báo chí ngày càng cao, rất nhiều người làm nghề báo tài năng và được đào tạo bài bản. Kỹ thuật và vật chất phục vụ việc “làm báo” tiến bộ trên nền tảng kỹ thuật. Chủ trương, tôn chỉ mục đích của một tờ báo được xác định rõ ràng, đối tượng độc giả cũng vậy.

Do đó, nội dung của tờ báo đó mang nét độc đáo, sự canh tranh nếu có chính là ở việc bảo đảm cho tờ báo giữ được tính riêng biệt trong thị trường báo chí ngày càng đa dạng, phong phú.

Còn mạng xã hội mới ra đời khoảng hơn hai mươi năm trên nền tảng công nghệ internet. Bản chất mạng xã hội là các quan hệ và thông tin xã hội được thể hiện ở một “môi trường ảo”, tính chất “dư luận”, phiếm chỉ, tùy tiện... ở mạng xã hội phổ biến như (và ngày càng hơn) ngoài đời thực. Tính tương tác ngay và luôn kích thích nhu cầu thể hiện tính cá nhân cao hơn. Tuy nhiên, trách nhiệm chỉ là của cá nhân, không đại diện cho một tập thể hay tầng lớp nào như tòa soạn báo chí đại diện và phản ánh cho một bộ phận độc giả.

'Tự bạch' của một nhà báo nghiệp dư - 4

Tản văn của TS Nguyễn Thị Hậu đăng trên Tạp chí Du lịch TP.HCM số tháng 6/2021

Truyền thông nói chung có vai trò quan trọng bởi thông tin mà nó mang lại chứ không phải bản thân thiết chế báo chí, truyền hình hay đài phát thanh hay mạng xã hội…. Quyền lực của cơ quan truyền thông là ở quyền có thông tin và đưa thông tin nhanh chóng, chính xác, khách quan và đa chiều. Điều này báo chí có ưu thế vì tính chuyên nghiệp và sự “chính danh” - theo nghĩa đây là chức năng mà xã hội phân công cho nghề nghiệp ấy.

Xã hội càng phát triển, thông tin ngày càng nhiều và cần sự chia sẻ mạnh hơn. Mạng xã hội đã tận dụng, sử dụng đặc điểm này để phát triển và lan tỏa. Do tính chất cá nhân “dư luận, truyền miệng” làm cho thông tin ở mạng xã hội “linh tinh lang tang” nhưng không hoàn toàn vô ích, trong mọi sự kiện xã hội người tham gia có thể tự do bày tỏ quan điểm, nhận xét, suy nghĩ, đánh giá... tính đa chiều là một lợi thế của mạng xã hội.

Hiện nay, cả báo chí và mạng xã hội đều dựa trên nền tảng công nghệ internet và truyền thông đa phương tiện, cùng hướng đến mục đích quan trọng nhất là thông tin nhanh và thu hút sự tương tác của cộng đồng, bên cạnh những mục đích khác.

Thực trạng của sự “cạnh tranh” - theo tôi - là khi báo chí biến thành mạng xã hội với tin tức “hầm bà lằng” từ nội dung đến hình thức (trình bày, ngôn ngữ, nhận xét, đánh giá...), nhưng thiếu sự đa chiều thể hiện tính khách quan, công bằng. Khi báo chí không làm tròn vai trò của mình thì mạng xã hội sẽ thay thế vai trò đó. Trong một xã hội không minh bạch và bình đẳng về thông tin thì điều đó có lợi cho người đọc/xem.

Đây chỉ là vài suy nghĩ của tôi - một nhà báo nghiệp dư có thói quen xem báo (in, online, hình) vài chục năm và một người dùng mạng xã hội “chuyên nghiệp” gần hai mươi năm. Phân biệt báo chí và mạng xã hội là hai “trường thông tin” của hai phương thức truyền thông đã giúp tôi chọn lọc thông tin, có trách nhiệm hơn khi tham gia tiếp nhận và lan tỏa thông tin.

Sài Gòn, nhân ngày 21.6.2021

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

TS Nguyễn Thị Hậu

CLIP HOT

'Chuẩn nghèo' của bà nội gây 'bão' mạng
'Chuẩn nghèo' của bà nội gây 'bão' mạng

Cư dân mạng đang truyền tay nhau đoạn clip ghi lại cảnh người cháu đưa tiền bà nội, nhưng bà nhất quyết không nhận vì cho rằng cháu "còn nghèo", mà theo định nghĩa của bà: "còn nghèo" là ... chưa vợ!