Phóng viên ngược vào tâm dịch, nhóm lên những 'đốm lửa' niềm tin

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

“Đồng hành cùng các y, bác sĩ, chúng tôi ngược vào tâm dịch. Ở đó, có sự hy sinh thầm lặng của những chiến sĩ tuyến đầu, sự sẻ chia của người dân nơi ‘đầu sóng ngọn gió’… Những đốm lửa niềm tin nhóm lên, bóng đêm đại dịch sẽ đẩy lùi”.

So với những đợt dịch trước, đợt dịch thứ 4 bùng phát tại TP.HCM “nóng” hơn nhiều. Số ca bệnh COVID-19 mới được phát hiện tại thành phố đã… vượt mặt cả nước. Đỉnh điểm có những ngày thành phố có gần trăm ca bệnh được công bố.

Dịch bệnh phức tạp, người dân được khuyến cáo ở trong nhà, không ra ngoài nếu không cần thiết. Toàn ngành y tế được huy động lao vào tâm dịch. Đồng hành với nhân viên y tế, những phóng viên cũng ngược vào các “điểm nóng”, dốc lực chống dịch trên mặt trận truyền thông.

Không chỉ truyền tin mà “truyền lửa”

Là phóng viên báo Sức khoẻ & Đời sống của Bộ Y tế, Hoài Thương cho biết, từ khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, những phóng viên mảng y tế như cô hầu như đi sớm về khuya, thậm chí ‘xuyên đêm’ là chuyện thường.

Ngoài đảm bảo thông tin thời sự về biện pháp chống dịch của thành phố thì “bám” hiện trường là việc thường trực của Thương. Tuân thủ khuyến cáo về phòng chống dịch bệnh của Bộ Y tế khi tác nghiệp, Thương cùng đồng nghiệp toả đi khắp các “điểm nóng” như: khu vực phong toả, khu cách ly tập trung, bệnh viện điều trị COVID-19, các điểm lấy mẫu SARS-CoV-2 hay các chốt chặn phòng chống dịch bệnh tại cửa ngõ thành phố…

Phóng viên ngược vào tâm dịch, nhóm lên những 'đốm lửa' niềm tin - 1

Hoài Thương tác nghiệp tại 1 khu vực đang bị phong tỏa. Ảnh: NVCC

Thương kể, có hôm cô đi từ sáng sớm lấy tin ở một khu chung cư bị phong tỏa vì phát hiện chuỗi ca bệnh COVID-19, sau đó theo chân đội lấy mẫu của Trung tâm y tế TP Thủ Đức, lấy mẫu trong khu dân cư, sau đó sang lấy mẫu cho công nhân thuộc Khu chế xuất Linh Trung 2.

Đến tối khuya, cô tiếp tục đến chốt kiểm dịch cầu vượt Sóng Thần rồi di chuyển sang chốt cầu Vĩnh Bình. Lúc đó đã hơn 1 giờ sáng, chỉ còn một mình Thương là phóng viên nữ. Về đến nhà hơn 3 giờ sáng. Nghĩ đến lời trêu chọc của các đồng nghiệp nam “đi tác nghiệp thế này chồng con giận thì làm sao”, Thương chỉ cười và thấy… may mắn vì mình còn độc thân.

“Quả thật là may mắn vì còn độc thân. Nếu không, chắc em đã bị chồng… cấm cửa vì đi đêm về hôm”, Thương bật cười chia sẻ.

Phóng viên ngược vào tâm dịch, nhóm lên những 'đốm lửa' niềm tin - 2

Thương kể, từ khi dịch bệnh diễn biến phức tạp những phóng viên mảng y tế như cô hầu như đi sớm về khuya, thậm chí ‘xuyên đêm’ là chuyện thường. Ảnh: NVCC

Đằng sau những chuyến gian nan ngược vào “tâm dịch” để tác nghiệp, đồng hành cùng nhân viên y tế nơi tuyến đầu trắng đêm chống dịch, điều Thương và các đồng nghiệp mong muốn không chỉ truyền tin mà còn “truyền lửa”.

“Tác nghiệp ở các điểm nóng, ở đó có những sự hy sinh của đội ngũ tuyến đầu, những bất cập, khó khăn, và cả những sẻ chia cần được ghi nhận. Chúng tôi muốn khắc hoạ những câu chuyện có thật, những hình ảnh mướt mồ hôi sau bộ đồ bảo hộ, y bác sĩ bơ phờ tựa lưng vào tường sau ca trực… Chúng tôi mong rằng lan toả những điểm sáng, đốm lửa niềm tin, người dân và ngành y tế chung lòng cùng cả nước chiến thắng dịch bệnh”, Thương bày tỏ.

Đằng sau những bài viết là khoảnh khắc nghẹn lòng

Cũng giống như Thương, những ngày qua, phóng viên Phạm An - Báo Phụ nữ TP.HCM thường xuyên có mặt tại những điểm nóng. Đại dịch được ví là kẻ thù vô hình. Giữa “trận chiến” không tiếng súng khắc nghiệt này, ai có lao vào mới ‘thấm’. Với chị và tất cả những phóng viên hiện trường, đằng sau những bản tin, bài viết thời sự là những khoảnh khắc nghẹn lòng.

“Tôi từng chứng kiến một em bé gọi cho mẹ là bác sĩ lúc nửa đêm vì quá thèm mẹ hát ru ngủ. Tôi cũng từng đọc qua những trang nhật ký của chị điều dưỡng, lúc dịch chưa quá phức tạp, sáng chị chăm các bé tại khu cách ly, chiều về đóng cửa tự "nhốt" mình trong phòng. Chị và con gái tựa lưng vào cánh cửa phòng kể đủ thứ chuyện. Có những y, bác sĩ, sau khi chăm sóc bệnh nhân, tô bún đã nguội ngắt, ổ bánh mì èo uột… Tôi viết về những câu chuyện, chỉ muốn độc giả của mình hiểu hơn về ngành y tế nước nhà. Các y, bác sĩ đã cố gắng hơn 200% sức mình để bảo vệ cho chúng ta”, chị An xúc động nói.

Phóng viên ngược vào tâm dịch, nhóm lên những 'đốm lửa' niềm tin - 3

Với nhà báo Phạm An, đằng sau những bản tin, bài viết thời sự về tình hình dịch bệnh là những khoảnh khắc... nghẹn ngào. Ảnh: NVCC

Nữ nhà báo cũng bày tỏ mong muốn, mỗi người dân sẽ là một chiến hào, là hậu phương thật vững để cùng các chiến sĩ tuyến đầu "đánh đuổi" dịch bệnh. Mỗi người chỉ cần làm tốt phương pháp 5K, hạn chế tối đa đi lại, khai báo cụ thể nhất có thể,... để ngành y tế chiến thắng dịch bệnh.

“Để các chiến sĩ của chúng ta sớm trở về, con cái họ, người yêu thương của họ đã chờ họ quá lâu rồi”- chị An chia sẻ. 

Tác phẩm ghi dấu những kỳ tích

Đối với nhà báo Hoàng Lộc, báo Tuổi Trẻ, suốt hơn 2 năm qua quả thật là khoảng thời gian vô cùng đặc biệt với rất nhiều áp lực nghề nghiệp.

Ngay từ ngày 23/​01/2020 (29 Tết), khi cả nước xuất hiện hai ca bệnh Covid-19 đầu tiên là cha con người Trung Quốc điều trị tại BV Chợ Rẫy. Đó là lúc anh cùng nhiều đồng nghiệp khác lao vào tác nghiệp cho đến bây giờ. Mỗi ngày đều ngập ngụa trong thông tin dịch bệnh.

Anh chia sẻ: “Có rất nhiều kỷ niệm nhưng dấu ấn nhớ nhất đến bây giờ có lẽ là dịp tôi cùng phóng viên ảnh Duyên Phan được vào phòng điều trị đặc biệt phỏng vấn bệnh nhân phi công người Anh, sau kỳ tích bệnh nhân được hồi sinh. Đây cũng là lần đầu tiên, duy nhất 1 tờ báo ở Việt Nam được tiếp cận phỏng vấn với bệnh nhân đặc biệt này”.

Phóng viên ngược vào tâm dịch, nhóm lên những 'đốm lửa' niềm tin - 4

Nhà báo tác nghiệp trong tâm dịch. Ảnh: Phạm An

Tác phẩm “Việt Nam giúp tôi hồi sinh” khởi đăng trên nhật báo Tuổi Trẻ ngày 19/6/2020 đã vinh dự đạt 3 giải báo chí của TP.HCM, trong đó có giải báo chí chất lượng cao của thành phố. Ngoài ta, tác phẩm cũng đạt giải ảnh báo chí do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức.

“Việt Nam giúp tôi hồi sinh, Nếu ở một nơi nào khác trên trái đất này, chắc tôi đã chết, Tuyệt diệu… Đó là những từ lần đầu tiên chúng tôi được nghe trực tiếp từ chính bệnh nhân 91. Chia sẻ của bệnh nhân trên báo Tuổi Trẻ góp phần giúp dư luận thế giới biết thêm về một Việt Nam nghĩa tình, đoàn kết, kiên cường trong cuộc chiến chống dịch cam go này”, anh Lộc nói thêm.

Theo anh, nhà báo cũng là một “chiến sĩ” trong cuộc chiến với COVID-19. “Chúng tôi mong muốn cùng với ngành y tế góp phần truyền tải, khuyến cáo người dân tuân thủ, đồng thời chia sẻ sự hy sinh của lực lượng tuyến đầu và truyền thông điệp về niềm tin đẩy lùi dịch bệnh”, nhà báo Hoàng Lộc nói.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Phương Hà

CLIP HOT