Tiếp tục bảo tồn và phát triển chợ nổi Cái Răng
Ngay sau khi Văn hóa chợ nổi Cái Răng được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể vào năm 2016, Ðề án Bảo tồn và Phát triển chợ nổi Cái Răng (đề án) được UBND TP Cần Thơ phê duyệt.
Qua 5 năm, đề án đã được thực hiện tốt phần gìn giữ bảo tồn, còn nội dung phát triển vẫn cần được cân nhắc kỹ. Ðó là những vấn đề được nêu tại hội nghị tổng kết 5 năm kết quả thực hiện đề án, trong khuôn khổ Ngày hội Du lịch Văn hóa chợ nổi Cái Răng diễn ra từ ngày 9 đến 11-7.
Ðề án được UBND thành phố phê duyệt năm 2016 với 13 hạng mục chính, kinh phí thực hiện một phần từ ngân sách, phần lớn từ xã hội hóa. Qua 5 năm, hầu hết hạng mục gần như hoàn thành, chỉ còn cầu tàu, trạm dừng chân, nhà hàng nổi trên sông vẫn chưa thực hiện vì còn vướng chính sách và kinh phí.
Du khách tham quan chợ nổi Cái Răng.
Công tác được chú trọng nhất trong thời gian qua là an sinh xã hội. UBND quận Cái Răng đã xây dựng nhiều chính sách và hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần người dân chợ nổi. Quận đã tạo điều kiện để 170 hộ tiếp cận vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển các sản phẩm dịch vụ du lịch, mua bán cung cấp nông sản; tổng kinh phí hơn 8 tỉ 250 triệu đồng. Từ đó, sản phẩm, dịch vụ trên chợ nổi dần đa dạng, như có thêm 6 quầy hàng nổi trên sông (floating shop) bán trái cây, ẩm thực; 3 hộ đầu tư du thuyền bán quà lưu niệm, đặc sản địa phương. Ðịa phương còn tổ chức nhiều lớp kỹ năng hỗ trợ tiểu thương như các lớp nghiệp vụ về du lịch, tiếng Anh cho thương hồ… Mỗi năm UBND quận Cái Răng phối với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố, các doanh nghiệp trao hơn 2.000 phần quà, trị giá trên 700 triệu đồng, cho người dân chợ nổi. Các hoạt động gìn giữ, bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh trật tự… được quan tâm: tổ chức thu gom rác trên sông, xây nhà vệ sinh công cộng, cải tạo hệ thống điện trên sông, bố trí phao phân luồng đảm bảo an toàn giao thông đường thủy.
Kết quả, lượng khách đến chợ nổi Cái Răng tăng bình quân từ 12-15% mỗi năm. Sản lượng hàng hóa, nông sản tiêu thụ tại chợ nổi ổn định, với bình quân từ 250-300 ghe tàu mua bán, 8 điểm thu mua nông sản, tiêu thụ, giai đoạn cao điểm từ 1.000-2.000 tấn nông sản/tháng. Các dịch vụ ăn uống, bán quà lưu niệm, đưa đón du khách ngày càng phát triển.
Tuy nhiên, đề án cũng còn gặp nhiều khó khăn: chất lượng sản phẩm, dịch vụ chưa đảm bảo; tiểu thương vẫn còn cạnh tranh không lành mạnh; rác vẫn còn; sản phẩm và trải nghiệm trên chợ nổi đơn điệu; nhiều hạng mục của đề án chậm tiến độ và không khả thi; kè sông ảnh hưởng đến bảo tồn chợ nổi… Ông Nguyễn Khánh Tùng, Viện trưởng Viện Kinh tế - Xã hội thành phố, đặt vấn đề: “Chủ yếu khách di chuyển từ Bến Ninh Kiều hoặc do các doanh nghiệp đưa đến chợ nổi. UBND Cái Răng chưa thể nắm chính xác lưu lượng, dòng khách, cũng chưa có hoạt động thu phí; nhưng phải giải quyết nhiều vấn đề hoạt động du lịch trên chợ nổi. Ðiều này cho thấy, chưa phân rõ trách nhiệm quản lý và xử lý các vi phạm về đơn vị, bộ phận cụ thể. Một e ngại khác là Dự án Kè sông Cần Thơ sẽ gây ảnh hưởng đến thương hồ trên chợ nổi, địa phương cũng nên cân nhắc khi di dời các hộ dân bị ảnh hưởng”.
Ðồng thời, đề án gặp khó về việc kêu gọi đầu tư do vướng nhiều chính sách, không có kinh phí đầu tư. Ông Vương Công Khanh, Phó Chủ tịch HÐND quận Cái Răng, cho biết: “Khách đến chợ nổi Cái Răng nhiều hơn trước, điều này vừa đáng mừng lại vừa đáng lo. Thực tế, tàu du lịch nhiều hơn cả ghe tàu của thương hồ, tiểu thương trên chợ nổi. Sự phát triển không cân bằng này tạo nên nhiều hệ lụy, đó là cạnh tranh không lành mạnh, chất lượng các sản phẩm dịch vụ không đảm bảo. Cái khó của địa phương là khâu quản lý còn chưa rõ ràng, chồng chéo. Việc kêu gọi đầu tư cũng gặp khó khăn vì vướng cơ chế nên một số hạng mục vẫn chậm”.
Ông Nguyễn Anh Dũng, Chủ tịch Hợp tác xã Thương mại dịch vụ và du lịch Ðiểm Hẹn, có kinh doanh trên chợ nổi Cái Răng, chia sẻ: “Du khách đến chợ nổi nhiều hơn trước gấp mấy lần. Vào cuối tuần có khoảng 700-800 khách. Do đó, tôi cũng đề xuất giải phóng mặt bằng, hoàn thành xây dựng bờ kè, xây dựng các bến bãi hoặc nhà nghỉ gần điểm du lịch chợ nổi, từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch”.
Ðề án đã làm tốt khâu bảo tồn chợ nổi. Tuy nhiên lo ngại phát triển đường bộ làm hạn chế hoạt động đường thủy vẫn được địa phương phải cân nhắc, vì sẽ dễ làm người dân bỏ chợ, trong khi yếu tố con người quan trọng nhất trong bảo tồn chợ nổi. Trước thực trạng này, ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, chỉ đạo UBND Cái Răng cần xác định và tập trung vào 3 mục tiêu chính trong thời gian tới: bảo tồn di sản chợ nổi Cái Răng, làm sao để người dân bám chợ, tạo trung tâm kết nối mua bán nông sản thu hút du khách. Ðể làm được những điều này, UBND Cái Răng cần phải khảo sát, đánh giá thực trạng lần nữa và nghiên cứu giải pháp phù hợp. Từ đó tổ chức hội nghị chuyên sâu với các chuyên gia và các bên có liên quan để xây dựng đề án mới, nhằm giải quyết khâu quản lý, kêu gọi đầu tư, gìn giữ môi trường, tính liên kết vùng của chợ nổi ở ÐBSCL, các chính sách an sinh về vật chất và tinh thần cho người dân chợ nổi.