Thanh Hóa: Phục hồi ngành du lịch trong bối cảnh dịch bệnh - Thích ứng linh hoạt, kích cầu hiệu quả

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Phục hồi và phát triển ngành du lịch để thích ứng với bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay, trở thành một ”nan đề” đối với nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Đối với Thanh Hóa, để có thể ”phá băng” cho du lịch, thiết nghĩ cần phải có cơ chế chính sách thỏa đáng và cách làm phù hợp, linh hoạt, sáng tạo.

Nhìn từ những trọng điểm du lịch

Diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 đã và đang đặt ngành du lịch vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan” giữa đóng cửa và mở cửa. Trước bối cảnh ấy, Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11-10-2021 của Chính phủ về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, có thể ví như một “tấm vé thông hành” để du lịch từng bước phục hồi. Nắm bắt nhanh chóng tinh thần Nghị quyết 128, nhiều địa phương trong cả nước, đặc biệt là những trọng điểm du lịch như Phú Quốc (Kiên Giang), Khánh Hòa, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Ninh Bình... đang có nhiều động thái tích cực để mở cửa đón khách trở lại.

Thanh Hóa: Phục hồi ngành du lịch trong bối cảnh dịch bệnh - Thích ứng linh hoạt, kích cầu hiệu quả - 1

Khu du lịch Pù Luông được lựa chọn thí điểm đón khách nội địa từ tháng 10-2021. Ảnh: Lê Dung.

Điển hình nhất có thể kể đến là việc một số địa phương đã áp dụng mô hình “bong bóng du lịch”. Cụ thể, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã cho phép 4 doanh nghiệp kinh doanh khách sạn, resort gồm: Melia Hồ Tràm Resort, Bình Châu Hot Springs, The Grand Hồ Tràm Resort & Casino, Six Senses Côn Đảo Resort, được thí điểm mở cửa đón khách trở lại. Theo đó, địa phương này yêu cầu các khách sạn, resort phải có dịch vụ khép kín, có khu vực giao nhận hàng hóa riêng biệt, bố trí khu vực cách ly riêng biệt khi phát hiện ca dương tính và khu cách ly cho các F1 theo quy định của Bộ Y tế. Đồng thời, yêu cầu nhân viên phục vụ phải được tiêm 2 mũi vắc-xin hoặc ít nhất 1 mũi trong 14 ngày trước khi vào làm việc; được xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR có kết quả âm tính trong 72 giờ, xét nghiệm lặp lại sau mỗi 72 giờ... Ngoài ra, các khách sạn, resort phải thực hiện nghiêm quy định “1 cung đường 2 điểm đến”, nghĩa là từ việc đón - phục vụ - đến trả khách là trong một quy trình “khép kín”.

Trong “cái khó ló cái khôn”, nhiều tỉnh, thành cũng đã sáng tạo ra nhiều cách làm du lịch tương đối phù hợp với điều kiện thực tế và linh hoạt để ứng phó với dịch bệnh. Chẳng hạn như gần đây, UBND tỉnh Hà Giang đã tổ chức công chiếu lễ hội Hoa tam giác mạch trên nền tảng số, thông qua các kênh truyền thông của Tập đoàn FPT, các mạng xã hội của Báo điện tử VnExpress.net, Báo điện tử Vietnamnet.vn và các cơ quan báo chí của tỉnh Hà Giang. Qua đó, quảng bá một cách sinh động và ấn tượng vẻ đẹp độc đáo của vùng đất cao nguyên đá; đồng thời, tạo ra một sản phẩm - một trải nghiệm du lịch thú vị trên màn ảnh cho đông đảo du khách. Cũng là một trong những địa phương đang từng bước khôi phục hoạt động du lịch, TP Hà Nội chú trọng nâng cao chất lượng các sản phẩm, điểm đến du lịch gắn với di sản - di tích, làng nghề. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị, doanh nghiệp xây dựng các sản phẩm mới, các tour du lịch khép kín, ngắn ngày đến các điểm “du lịch xanh” của thủ đô. Cũng nằm trong kế hoạch phục hồi du lịch, trong tháng 12 này, thành phố dự kiến tổ chức một chuỗi sự kiện du lịch, ví như lễ hội quà tặng du lịch Hà Nội năm 2021 quanh hồ Hoàn Kiếm, nhằm thu hút du khách đến với thủ đô.

Là một trọng điểm du lịch của Việt Nam, bởi vậy, không ngạc nhiên khi Đà Nẵng là địa phương tích cực chuẩn bị và triển khai các phương án mở cửa ngành du lịch. Với phương châm “Chủ động - thích ứng - linh hoạt” để vừa khôi phục du lịch, vừa bảo đảm an toàn cho du khách, người lao động và cộng đồng; TP Đà Nẵng đã tích cực hướng dẫn, kiểm tra các điều kiện cơ sở vật chất phục vụ du khách của các đơn vị, doanh nghiệp; tập trung nghiên cứu, sáng tạo, hoàn thiện và nâng cao chất lượng dịch vụ. Đồng thời, xây dựng kế hoạch truyền thông du lịch bài bản, nhằm truyền tải đến du khách các thông điệp “Da Nang Now Open - Đà Nẵng đón bạn trở lại” và “Enjoy Danang - Tận hưởng Đà Nẵng”... Bên cạnh Đà Nẵng, du lịch Quảng Nam cũng đang có bước khởi động tích cực. Theo đó, TP Hội An đã mở lại các hoạt động hướng dẫn, tham quan từ ngày 15-11. Đồng thời, giảm 50% giá vé tham quan phố cổ và làng nghề truyền thống; tổ chức nhiều chương trình văn hóa văn nghệ, lễ hội hấp dẫn vào dịp Noel và Tết Dương lịch; thực hiện nghiêm “Bộ tiêu chí an toàn du lịch” hướng tới tạo dựng hình ảnh “Hội An - du lịch xanh”. Hiện, Hội An đã đón khách quốc tế trở lại, với các tour tham quan khép kín bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19.

"Kích cầu" bằng nhiều nguồn lực

Hiện nay, dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, khó lường. Trong khi đó, trải qua 2 năm đại dịch hoành hành cũng là chừng đó thời gian ngành du lịch Thanh Hóa bị “tê liệt”, khi nhiều sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch buộc phải giảm tần suất, quy mô, hoặc tạm dừng và dừng tổ chức. Các trọng điểm du lịch như Sầm Sơn, Hải Tiến, Lam Kinh, Pù Luông... có thời điểm hoàn toàn “đóng băng”, khiến lượng khách du lịch đến Thanh Hóa giảm sâu. Chưa hết, các đơn vị, doanh nghiệp du lịch sau nhiều lần gắng gượng triển khai các chương trình kích cầu du lịch, với mong muốn phục hồi hoạt động, thì giờ đang hết sức khó khăn, thậm chí không ít doanh nghiệp trở nên kiệt quệ.

Đứng trước nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có, song không thể phủ nhận sự nỗ lực và quan tâm của tỉnh Thanh Hóa, nhằm tái khởi động các hoạt động du lịch. Điển hình là gần đây nhất, tỉnh ta đã tổ chức “Hội nghị trực tuyến bàn giải pháp khôi phục du lịch Thanh Hóa trong trạng thái bình thường mới” (diễn ra hồi tháng 10-2021), nhằm tham vấn ý kiến của lãnh đạo Tổng cục Du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, các doanh nghiệp du lịch (như Vietravel, Flamingo Red tour, các hãng hàng không...) về các giải pháp khôi phục du lịch. Theo các chuyên gia du lịch, yếu tố có tính quyết định đến việc phục hồi du lịch hiện nay là bảo đảm an toàn điểm đến, thông qua “cơ chế vắc-xin”. Nghĩa là cần ưu tiên tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho người lao động tại các khu, điểm, doanh nghiệp du lịch, nhằm mở rộng “điểm đến xanh” và làm gia tăng mức độ tín nhiệm, tin cậy của điểm đến cho du khách. Cùng với đó, cần có các chính sách kích cầu mạnh mẽ cho các tháng cuối năm 2021 và cả năm 2022, nhằm tạo lực đẩy cho du lịch trước yêu cầu “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” của tinh thần Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11-10-2021 của Chính phủ.

Cùng với sự nghiêm túc và cầu thị trong việc tham vấn ý kiến chuyên gia, nhà quản lý du lịch; tỉnh Thanh Hóa cũng đã nhanh chóng xây dựng và triển khai Kế hoạch phục hồi hoạt động du lịch các tháng cuối năm 2021 và năm 2022. Theo đó, kịch bản phát triển du lịch đang được triển khai theo lộ trình: (1) từ 15-9-2021, mở cửa đón khách du lịch nội tỉnh; (2) tháng 10-2021, thí điểm đón khách nội địa tại khu nghỉ dưỡng FLC Sầm Sơn và khu du lịch Pù Luông; (3) tháng 11-2021, rà soát, chuẩn bị kỹ các điều kiện đón khách nội địa; (4) triển khai đón khách quốc tế sau khi Tổng cục Du lịch thí điểm thành công tại một số tỉnh, thành phố. Đồng thời, ưu tiên tiêm vắc-xin phòng dịch COVID-19 cho lao động ngành du lịch, để sẵn sàng mở cửa và phục hồi ngành du lịch an toàn. Xây dựng Bộ tiêu chí an toàn đối với du khách, các khu, điểm du lịch, các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, bắt đầu từ năm 2022, tỉnh sẽ kêu gọi, hướng dẫn các doanh nghiệp du lịch phối hợp xây dựng và triển khai các chiến dịch kích cầu du lịch, với phương châm “tăng tối đa chất lượng sản phẩm, giảm tối đa giá thành sản phẩm”; đồng thời, hình thành liên minh kích cầu du lịch với các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh...

Nếu ví việc khôi phục hoạt động du lịch trong bối cảnh “sống chung với dịch bệnh” như hiện nay là một cuộc đua, và một số trọng điểm du lịch của cả nước đã vượt qua chặng khởi động; thì du lịch Thanh Hóa cũng đang tích cực “bám đuổi”. Tuy nhiên, hiệu quả mang lại vẫn còn khá khiêm tốn, điều này được phản ánh thông qua một số chỉ tiêu tăng trưởng du lịch. Cụ thể, theo thống kê của ngành văn hóa, thể thao và du lịch, trong tháng 11-2021, tổng lượt khách du lịch đến Thanh Hóa ước đạt 65.300 lượt khách, giảm 77,5% so với cùng kỳ năm 2020; tổng thu du lịch ước đạt 98,3 tỷ đồng, giảm 89% so với cùng kỳ năm 2020. Kết quả trong 11 tháng năm 2021, toàn tỉnh ước đón 3.274.200 lượt khách, giảm 54,4% so với cùng kỳ năm 2020 và đạt 27,5% kế hoạch năm 2021; tổng thu du lịch ước đạt 4.814,1 tỷ đồng, giảm 33,1% so với cùng kỳ năm 2020 và đạt 21,4% kế hoạch năm 2021.

Trước thực tế đó, câu hỏi đặt ra lúc này là làm thế nào để triển khai hiệu quả Kế hoạch phục hồi hoạt động du lịch tỉnh Thanh Hóa các tháng cuối năm 2021 và năm 2022. Bởi kế hoạch đã được xây dựng tương đối công phu, bài bản, với định hướng rõ ràng và nhiều giải pháp phù hợp tình hình thực tế cũng như yêu cầu phục hồi ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Muốn vậy, thiết nghĩ trước hết tỉnh cần có cơ chế “kích cầu” bằng các nguồn lực đầu tư cho cơ sở vật chất du lịch; xây dựng sản phẩm mới và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch hiện có; chú trọng truyền thông, xúc tiến, quảng bá bằng nhiều hình thức; đẩy mạnh chương trình chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý du lịch; xây dựng và triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động ngành du lịch. Đặc biệt, cần có cơ chế để kêu gọi, thu hút nguồn lực xã hội từ các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực du lịch, dựa trên nguyên tắc “Hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro”. Đó cũng chính là những cơ sở để triển khai đồng bộ, hiệu quả chiến lược phát triển du lịch theo “công thức”: “5K + Vắc-xin + Công nghệ + Truyền thông + Chất lượng sản phẩm”.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Theo Báo Thanh Hóa