Tăng thời gian miễn thị thực, gỡ khó du lịch
Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện chính sách thị thực điện tử với tất cả thị trường khách quốc tế, tăng thời gian miễn thị thực từ 15 lên 30 ngày đối với các nước đã được áp dụng chính sách miễn thị thực.
Tăng thời gian miễn thị thực tạo điều kiện cho du khách có thêm nhiều trải nghiệm. Trong ảnh: hướng dẫn viên giới thiệu những hình ảnh về Sài Gòn xưa cho khách du lịch nướcngoài tham quan trung tâm TP.HCM sáng 3-2 - Ảnh: TỰ TRUNG
Đây là nội dung dự thảo của chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ mà Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch vừa kết thúc lấy ý kiến các bộ, ngành. Dự thảo này ngay lập tức nhận được sự đồng tình của dư luận và đề nghị cần sớm thực hiện. Tuổi Trẻ ghi nhận một số ý kiến.
* Đại biểu Quốc hội BÙI HOÀI SƠN (ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội):
Cần thực hiện sớm chính sách đột phá giúp du lịch gỡ khó
Trong thời gian "hậu" COVID-19, chúng tôi đã tiến hành khảo sát một số địa phương như Đà Nẵng, Quảng Nam, Ninh Bình... thì các doanh nghiệp du lịch, địa phương đã nêu ra hai kiến nghị quan trọng. Trong đó đề nghị nới rộng thời gian miễn thị thực từ 15 lên 30 ngày, đồng thời đề nghị tăng số nước được miễn visa.
Chúng tôi thấy các kiến nghị này hoàn toàn phù hợp với nhu cầu, thực tế và tạo điều kiện thu hút khách du lịch, thúc đẩy du lịch Việt Nam phát triển. Việc này cũng phù hợp với xu thế của các nước trên thế giới.
Trong xu thế cạnh tranh thu hút khách du lịch với các quốc gia có liên quan thì việc mở rộng các nước được miễn visa và nới thêm thời gian miễn thị thực sẽ tạo thông thoáng hơn cho việc thu hút khách nước ngoài đến Việt Nam.
Năm 2022, chúng ta đặt mục tiêu đón 5 triệu khách du lịch nhưng không đạt. Năm 2023 chúng ta đặt ra mục tiêu sẽ đón khoảng 8 triệu khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam. Đây là con số không nhỏ, vì vậy cần có những giải pháp mang tính đột phá và việc tăng thời gian miễn thị thực chính là một giải pháp đó. Cùng với đó, khi đã thấy việc này đúng, phù hợp thì cần tháo gỡ sớm ở phương diện luật pháp.
Việc tăng thời gian miễn thị thực từ 15 lên 30 ngày nếu muốn thực hiện sẽ phải sửa đổi luật nhưng nếu đợi sửa luật mất nhiều thời gian do nhiều thủ tục. Do đó, trước mắt Chính phủ có thể xem xét, trình Quốc hội ban hành nghị quyết hay một văn bản nào đó phù hợp để tạo điều kiện, tháo gỡ sớm vấn đề "nóng" đang được thực tế đặt ra đối với du lịch. Sau đó sẽ tiếp tục xem xét trình sửa luật.
* Ông BÙI VĂN MẠNH (giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình):
Thu hút thêm được nhiều loại khách du lịch
Chúng tôi đã có văn bản góp ý và đồng tình với nội dung dự thảo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt nội dung đề xuất tăng thời gian miễn thị thực từ 15 lên 30 ngày với các nước đã được áp dụng chính sách miễn thị thực. Đây là mong mỏi của các điểm đến ở các địa phương.
Thực tế, qua phỏng vấn một số khách du lịch đến Việt Nam cho biết với thời gian 15 ngày họ chỉ dành được thời gian đi Hà Nội, Quảng Ninh, Ninh Bình sau đó bay vào miền Trung, miền Nam luôn. Họ chỉ đi được 3 - 4 điểm của Việt Nam trong 15 ngày.
Do vậy, nếu kéo được lên 30 ngày sẽ tăng được thời gian lưu trú của khách du lịch tại mỗi điểm đến. Đồng thời thu hút được thêm nhiều loại khách du lịch, thị trường, nhất là các khách có khả năng chi trả cao hơn.
Khách du lịch nước ngoài tham quan trung tâm TP.HCM, sáng 3-2 - Ảnh: TỰ TRUNG
* Ông PHẠM NGỌC THỦY (giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh):
Tăng thời gian miễn thị thực là cần thiết
Không chỉ Quảng Ninh mà nhiều địa phương, hiệp hội đã nhiều lần đề nghị việc cần xem xét tăng thời gian miễn thị thực đối với khách du lịch đến Việt Nam.
Nhiều đoàn khách du lịch đến Việt Nam đều muốn đi nhiều điểm nhưng thời gian có 15 ngày sẽ gây vướng cho họ. Do đó, khi tăng thời gian lên 30 ngày là cần thiết, giúp khách du lịch có thêm thời gian đi, lưu trú, sử dụng dịch vụ ở các nơi, từ đó góp phần quảng bá, thúc đẩy du lịch các địa phương phát triển.
Hiện nay có một vấn đề vướng là để tăng thời gian miễn thị thực cho du khách lên cần phải xem xét sửa luật. Do vậy các cơ quan có thẩm quyền nên đề xuất Quốc hội xem xét sửa sớm và dù có hơi chậm nhưng cũng phải làm để tạo điều kiện cho du lịch phát triển, nhất là khi năm nay, Việt Nam đặt mục tiêu đón 8 triệu khách du lịch.
* Chủ tịch HĐQT Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ:
Chính sách visa đã trở thành một công cụ điều tiết du lịch
Từ 15-3-2022, khi mở cửa sau dịch thì chúng ta vẫn "kiên trì" một chính sách nên việc mở cửa thì sớm nhưng kết thúc năm kết quả đạt kế hoạch thu hút khách du lịch lại "về muộn", nói cách khác là về mà không đạt kế hoạch. Trong khi các nước xung quanh đạt kế hoạch và vượt kế hoạch rất cao và sớm.
Qua đánh giá của nhiều doanh nghiệp du lịch Việt Nam, một trong những điều kiện để họ đạt kế hoạch sớm là do chính sách visa của họ rất linh hoạt.
Nước nào cũng có luật xuất nhập cảnh, nhiều nước quy định của họ còn rất khắt khe nhưng tùy mục đích mục tiêu trong từng giai đoạn thì họ có chính sách điều chỉnh và áp dụng chính sách đó một cách linh hoạt.
Ví dụ Thái Lan, họ làm luôn miễn thị thực 30 ngày, sau đó đến 60 ngày, rồi 90 ngày và bây giờ là 108 ngày. Indonesia cũng đã nâng lên thời gian miễn thị thực đến 180 ngày đối với những người có 100.000 USD. Các nước Hàn Quốc, Nhật Bản hay cả Mỹ cũng linh hoạt nới lỏng chính sách về visa.
Sau khủng hoảng, thị trường "xóa cờ đánh lại", không có khách hàng nào trung thành với ai hết mà họ chỉ trung thành với quyền lợi của họ. Do đó nước nào chủ động, "chạy nhanh" hơn trong việc thay đổi chính sách thu hút khách du lịch thì sẽ có ưu thế để chiếm được thị trường.
Visa đã trở thành một công cụ điều tiết về du lịch góp phần lớn trong phát triển kinh tế sau dịch. Do đó giờ này đề xuất miễn thị thực từ 15 lên 30 ngày "dù muộn vẫn còn hơn không" để gỡ được nút thắt liên quan đến chính sách visa và thu hút khách du lịch quốc tế.
Dưới góc nhìn của doanh nghiệp làm về du lịch, tôi thấy rằng chúng ta đã xuất phát chậm, đi sau các nước thì cần có những bước đi đột phá hơn nữa, có cách làm "đi tắt đón đầu" thì mới đuổi kịp được họ.
Chẳng hạn đối với một số thị trường trọng điểm có vai trò quan trọng trong đóng góp cơ cấu khách du lịch thì chủ động miễn visa cho họ trong vòng ba tháng, trong vòng sáu tháng. Sau đó chúng ta sẽ tổng kết, đánh giá lại nếu tốt, có hiệu quả thì tiếp tục miễn; còn không đạt thí rút kinh nghiệm để điều chỉnh chính sách.
Sự đột phá cần những "bước đi mạnh mẽ" chứ không thể "bước đi một cách e dè".
* Luật sư TRƯƠNG ANH TÚ:
Không thể nằm ngoài xu thế mở rộng thời hạn miễn thị thực
Đề nghị tăng thời gian miễn thị thực từ 15 lên 30 ngày đối với các nước đã được áp dụng chính sách miễn thị thực là phù hợp góp phần thu hút khách du lịch quốc tế. Chính sách này cũng bám sát xu thế bởi hiện nay các cường quốc về du lịch có những chính sách visa rất thông thoáng và thuận lợi.
Trong điều kiện một thế giới phẳng thì vấn đề về an ninh quốc gia, các nước cũng không còn nặng nề chuyện khách du lịch hay thị thực. Cho nên việc mở rộng thời hạn lưu trú của khách du lịch tại các quốc gia hiện nay là xu hướng chung và chúng ta không thể nằm ngoài xu hướng đó, đặc biệt là thu hút khách ở xa như du khách châu Âu, thường có những chuyến du lịch dài ngày.
Tất nhiên du lịch Việt Nam cần nhiều yếu tố để giữ chân du khách, nhưng cái đầu tiên chúng ta có thể làm và làm một cách dễ dàng và làm được ngay là tăng thời gian miễn thị thực.
Tạo sức cạnh tranh cho du lịch Việt Nam
Trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho biết qua khảo sát, tập hợp ý kiến, nguyện vọng của hiệp hội, công ty lữ hành, một số địa phương và khách du lịch nước ngoài đều mong muốn kéo dài thời gian lưu trú ở Việt Nam.
Theo lãnh đạo bộ này, phía Bộ Công an cũng rất đồng tình phương án này, thậm chí còn cho rằng có thể xem xét đề xuất nới rộng thêm thời hạn visa cho du khách muốn đến Việt Nam.
Lãnh đạo bộ khẳng định nếu sửa được quy định của luật, tăng thời gian miễn thị thực sẽ tác động tốt, kích cầu, thu hút khách du lịch nước ngoài, đồng thời tạo sức cạnh tranh tốt hơn của du lịch Việt Nam với các nước trong ASEAN.
Đại diện Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng nhấn mạnh việc giữ quy định chỉ miễn visa 15 ngày đối với khách du lịch là quá lạc hậu. Đại diện hiệp hội bày tỏ đồng tình với việc tăng thời gian miễn visa cho khách du lịch.
Vị này cho rằng vấn đề visa đã được đề cập từ lâu cần thay đổi chính sách visa theo chiều cởi mở hơn nhằm cạnh tranh với các nước trong khu vực để thu hút khách. Cạnh đó, cần tận dụng tối đa ngày lưu trú của khách và tạo những sản phẩm du lịch hấp dẫn, độc đáo để giữ chân khách, cho họ ở lại lâu hơn, góp phần tăng nguồn thu, cũng là cơ hội quảng bá du lịch Việt Nam.
Người dân, doanh nghiệp làm thủ tục xin thị thực cho người nước ngoài tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh ở TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Bộ Công an: Chính sách thị thực hiện rất thông thoáng và tiện lợi
Tại hội nghị thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang nhận định nguyên nhân chúng ta không đạt được mục tiêu năm 2022 đón 5 triệu khách du lịch quốc tế là do tình hình an ninh thế giới và khu vực, vấn đề về giá tăng như giá xăng, giá dầu... và ảnh hưởng từ sự phát triển kinh tế của các nước.
Nói thêm về vấn đề visa, Thứ trưởng Lương Tam Quang cho biết từ 15-3-2022, Bộ Công an đã khôi phục hoàn toàn chính sách thị thực như trước dịch và áp dụng nhiều quy định cho phù hợp với tình hình mới.
Có 80 quốc gia, vùng lãnh thổ được cấp e-visa mà không cần thông qua cơ quan, tổ chức bảo lãnh. Sau khi thực hiện thí điểm e-visa, Bộ Công an đang tiếp tục nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống visa điện tử nói riêng cũng như công tác xuất nhập cảnh nói chung.
Còn theo đại diện Cục Quản lý xuất nhập cảnh, chính sách thị thực điện tử đang vận hành ổn định, đạt kết quả tốt. Việc triển khai hệ thống tiếp nhận, giải quyết hồ sơ đề nghị xét duyệt nhân sự cho người nước ngoài qua giao dịch điện tử cũng được đẩy mạnh thực hiện.
"Thủ tục cấp thị thực ngày càng đơn giản, nhanh gọn, công khai minh bạch với nhiều hình thức cùng với chính sách đơn phương miễn thị thực đối với công dân 13 nước không phân biệt mục đích nhập cảnh đã tạo sự thông thoáng, cởi mở nhằm tạo điều kiện cho người nước ngoài vào Việt Nam du lịch, đầu tư, kinh doanh và lao động.
Đây có thể coi là giải pháp quan trọng tạo đột phá cho du lịch Việt Nam, góp phần thực hiện hiệu quả chủ trương hội nhập quốc tế", lãnh đạo Cục Quản lý xuất nhập cảnh nhận định.
Cục Quản lý xuất nhập cảnh cho rằng so với nhiều quốc gia trên thế giới, chính sách thị thực của Việt Nam đơn giản và nhanh gọn, với hình thức đa dạng theo nhu cầu của người nước ngoài khi nhập cảnh Việt Nam.
Thời gian tới cục vẫn tiếp tục thực hiện chính sách thị thực theo quy định của pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Đồng thời cơ quan này cũng chủ trì tham mưu Bộ Công an nghiên cứu, mở rộng danh sách các nước có công dân được cấp thị thực điện tử.
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, Bộ Luật pháp và Nhân quyền Indonesia vừa chính thức ra mắt ứng dụng thị thực nhập cảnh...