Phục hồi du lịch: Thiếu thống nhất về tiêu chí an toàn chung
Dù Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành hướng dẫn việc thực hiện Nghị quyết số 128 của Chính phủ trong việc mở cửa an toàn, linh hoạt lại du lịch nhưng thực tế triển khai “vẫn lộn xộn."
Chùa Tam Chúc đón khách thời chưa dịch COVID. (Ảnh minh họa: Mai Mai/Vietnam+)
Có thể nói, Nghị quyết 128 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” và Hướng dẫn 3862 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã giúp “mở lối” du lịch Việt, tạo tâm thế mới cho các địa phương có thế mạnh điểm đến hấp dẫn cũng như doanh nghiệp bước sang giai đoạn phục hồi nền kinh tế.
Tuy nhiên, không phải cứ có “kim chỉ nam” là hành trình mở cửa du lịch sẽ thuận lợi, bởi bên cạnh những nỗ lực tích cực, thực tế triển khai còn nhiều vướng mắc.
Những “điểm sáng” nội địa
Nhiều địa phương trên cả nước hiện nay đã sẵn sàng mở cửa du lịch liên tỉnh bằng hình thức “tour khép kín” với những chính sách cởi mở nhằm thu hút khách và các đơn vị lữ hành.
Để tham gia “tour khép kín,” du khách đến từ các vùng xanh chỉ cần đã tiêm hai mũi vaccine và đi theo chương trình định sẵn. Tiên phong, ngày 15/10, tỉnh Quảng Bình đã đón đoàn khách 6 người từ Thành phố Hồ Chí Minh đến trải nghiệm các dịch vụ tại Chày Lập Farmstay, khám phá hang động Tú Làn.
Đây cũng là đoàn khách đầu tiên cả nước đi liên tỉnh tour khép kín bằng đường hàng không kể từ khi du lịch “đóng băng” vì đại dịch bùng phát trên cả nước lần thứ tư.
Á hậu Hoàng My vừa có chuyến đi khám phá Hang Tiên, Quảng Bình ngay khi tỉnh này 'mở cửa' du lịch. (Ảnh: CTV/Vienam+)
Khởi động tour du lịch ngoại tỉnh ở phía Bắc, ngày 23/10 vừa qua, lữ hành Hanoitourist đã tổ chức đoàn 17 du khách đầu tiên từ Hà Nội đi Bắc Giang theo hình thức tour trên và kịp trải nghiệm Khu du lịch tâm linh-sinh thái tây Yên Tử, chùa Vĩnh Nghiêm, Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng... trong tiết trời mùa Thu tuyệt đẹp của miền Bắc, cùng hành trình suôn sẻ.
Ông Lưu Xuân San, Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch tỉnh Bắc Giang cho biết tỉnh đang nỗ lực để tạo ra các sản phẩm mới, hấp dẫn, an toàn nhằm thu hút khách trở lại sau thời gian dài chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch.
“Bắc Giang hiện đã là ‘tỉnh xanh’ và mở cửa hoàn toàn để đón du khách cả nước. Chỉ người từ vùng cấp độ 4 cần phải xét nghiệm còn lại khách từ các địa phương khác đến đều rất thuận lợi,” ông Xuân San khẳng định.
Nối tiếp hành trình này, Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng vừa kết thúc chuyến caravan “Kết nối xanh du lịch Việt Nam” Hà Nội-Hà Giang, từ 26-30/10 cho các đơn vị lữ hành. Mặc dù Hà Giang những ngày qua xuất hiện trở lại các ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng nhưng cửa ngõ Đông Bắc hiện được đánh giá khá thông thoáng để xê dịch.
Du khách trải nghiệm vườn hoa tam giác mạch, Hà Giang. (Ảnh: Mai Mai/VIetnam+)
Ở phía Nam, hai đoàn du khách là các y, bác sỹ, lực lượng tuyến đầu chống dịch của Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã tới tham quan núi Bà Đen, Tây Ninh với hình thức tour khép kín, đi trong ngày (ngày 18/10 và 21/10).
Mọi công tác chuẩn bị được làm từ trước, du khách và nhân viên công ty du lịch xác nhận lịch trình, phương tiện, khai báo y tế, thông tin tiêm vaccine… để được cấp mã QR. Đến Tây Ninh mỗi người chỉ cần dùng mã QR trong suốt hành trình nên rất thuận tiện, vừa tiết kiệm thời gian vừa đảm bảo an toàn.
Phía địa phương cũng ưu tiên sử dụng các khu phức hợp, khu du lịch có tính biệt lập, cách xa khu dân cư để đón du khách nội địa và chuẩn bị sẵn phương án xử lý phòng sự cố y tế xảy ra...
Tuy nhiên, thực tế không phải địa phương nào cũng có được tinh thần cởi mở như Bắc Giang, Quảng Bình hay Tây Ninh…
Nhiều nơi vẫn áp dụng tiêu chí riêng
Mặc dù Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành hướng dẫn việc thực hiện Nghị quyết số 128 của Chính phủ trong việc mở cửa an toàn, linh hoạt lại du lịch nhưng thực tế triển khai “ở dưới vẫn lộn xộn” và thiếu tính tuân thủ.
Đại diện các đơn vị lữ hành phản ánh nhiều nơi vẫn rất dè dặt và áp dụng tiêu chí, điều kiện riêng chứ chưa thực sự thống nhất trong việc thực hiện Nghị quyết 128. Đáng nói là sự thiếu thống nhất về tiêu chí an toàn chung. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp ở các địa phương vẫn "mỏi mòn" chờ văn bản hướng dẫn hoạt động từ phía cơ quan quản lý sở tại (như ở Bình Định, Hải Phòng).
Du khách Hà Nội chọn du lịch ven đô những ngày mới hết giãn cách. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Trên thực tế, để mở cửa du lịch cần hai yếu tố quan trọng là: Địa phương bảo đảm độ phủ vaccine cho người dân sở tại (trong đó có nhân lực trong ngành du lịch); đã chuẩn bị kế hoạch ứng phó với các tình huống xấu xảy ra, đủ cơ sở vật chất để xử lý các ca nhiễm phát sinh từ du khách.
Thế nhưng có nhiều địa phương vẫn chủ trương phương án an toàn riêng trong việc đón du khách, cũng như điều kiện dành cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ du lịch. Điều này ảnh hưởng đến tiến trình mở cửa, phục hồi chung của nền kinh tế Việt Nam.
Đại diện Hiệp hội lữ hành cho biết hiện vẫn tồn tại tình trạng có địa phương không thừa nhận kết quả test COVID của địa phương khác, dù là “vùng xanh” nhưng nhiều tỉnh, thành phố chưa sẵn sàng mở cửa, hoặc sẵn sàng rồi nhưng chưa thể đón khách vì thiếu nguồn nhân lực phục vụ sau quãng nghỉ dài.
Điều mà lữ hành mong muốn lúc này là các địa phương lập đường dây nóng cung cấp thông tin cụ thể, để khách có thể biết sẽ được hỗ trợ ra sao, test COVID ở đâu nếu cần, được hướng dẫn cụ thể nếu xảy ra trường hợp trong đoàn có người nghi nhiễm COVID-19…, cũng như cập nhật thông tin trên cổng thông tin điện tử của tỉnh hoặc sở quản lý du lịch và đặc biệt là sự thống nhất đồng bộ giữa các địa phương trong vận hành du lịch.
Du lịch Phú Quốc sẽ sớm hồi sinh mạnh mẽ. (Ảnh minh họa: CTV/Vietnam+)
Vì thiếu hướng dẫn cụ thể như vậy nên lữ hành lúng túng khi xây dựng các sản phẩm du lịch liên tỉnh. Trong khi doanh nghiệp ở địa phương thì dè dặt trước việc có mở cửa hay không do chi phí vận hành trở lại quá tốn kém giữa bối cảnh khó khăn trăm bề.
Lại thêm mấy ngày gần đây, một số địa phương xuất hiện các ổ dịch mới trong cộng đồng khiến tâm lý e dè, cảnh giác càng lên cao và dễ quay lại áp dụng các biện pháp chống dịch cứng nhắc, gây khó khăn cho mở cửa du lịch.
Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch cho rằng trong du lịch không có khái niệm biên giới giữa các địa phương, với bối cảnh hiện tại cũng chỉ có khái niệm giữa các vùng an toàn và không an toàn. “Tôi mong là các địa phương sẽ nghĩ thoáng một chút để phát triển du lịch trở lại,” ông Bình bày tỏ.
Có thể nói, để đảm bảo Nghị quyết 128 nói chung và hướng dẫn tạm thời của các bộ, ngành nói riêng được thực thi thống nhất, xuyên suốt, cần một kế hoạch tổng thể, mạnh mẽ hơn để các địa phương bớt “bảo thủ” với các tiêu chí riêng, du lịch Việt sớm phục hồi.
Clip một góc nhìn khác về trải nghiệm Phú Quốc - địa phương đang được Chính phủ trao nhiều cơ hội phục hồi du lịch:
Việc mở cửa được tiến hành sau khi các quốc gia đã đạt được những tiến bộ nhất định trong chương trình tiêm vaccine...