Phát triển du lịch sinh thái tại khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ
Những hòn đảo nhỏ ngay giữa lòng hồ Kẻ Gỗ (Hà Tĩnh) tạo thành những điểm nhấn tuyệt đẹp như bức tranh thủy mặc, nhất là vào lúc sáng sớm và hoàng hôn.
Đến đây, du khách có thể đi thuyền len lỏi qua các hòn đảo, vào sâu hàng chục km nơi đầu nguồn để ngắm cảnh, khám phá hệ động thực vật vùng lòng hồ, xem hoa phong lan, tắm và trải nghiệm đánh bắt cá thủ công, cắm trại trên đảo hoặc ven bìa rừng… Trong khu vực khu bảo tồn còn có rất nhiều khe, suối từ dãy Trường Sơn đổ về. Đặc biệt là những hang động cổ tích với vô số những tảng đá có hình thù độc đáo đứng chụm nhau bên bờ suối.
Khu Bảo tồn Thiên nhiên (BTTN) Kẻ Gỗ có tổng diện tích 35.506 ha, tính đa dạng sinh học cao, nhiều phong cảnh đẹp, gắn với một số giá trị văn hóa vùng đệm. Tại đây hội tụ rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái (DLST).
Khoảng thời gian lý tưởng để du khách tham quan, nghỉ dưỡng tại đây là dịp cuối xuân (tháng 3-5) và giữa mùa thu (tháng 9-10). Toàn bộ khu vực được hình thành bởi 7 lưu vực và hệ thống khe suối chằng chịt. Trong đó, lưu vực hồ Kẻ Gỗ là trung tâm của khu bảo tồn, với hệ thống sông suối khá dày và có nước chảy quanh năm như: Rào Cởi, Rào Len, Rào Bưởi, Rào Pheo Rào Trường… là nguồn sinh thủy chính của hồ Kẻ Gỗ.
Tại hồ Kẻ Gỗ, du khách ngoài việc tham quan, ngắm cảnh hai bên bờ hồ và các “ốc đảo xanh” bằng thuyền, còn có thể tham gia các loại hình vui chơi giải trí khác như đua thuyền, lướt ván, câu cá…
Tuy nhiên, hiện nay việc phát triển DLST tại khu bảo tồn chưa xứng với tiềm năng và giá trị sẵn có. Khách du lịch đến đây chưa nhiều, chủ yếu là khách lẻ với mục đích ngắm cảnh, mức chi tiêu còn thấp. Hệ thống cơ sở vật chất phục vụ khách du lịch còn hạn chế, xung quanh chưa có cơ sở lưu trú đạt chuẩn, cơ sở ăn uống, vui chơi giải trí chưa nhiều, chưa đủ sức hấp dẫn để thu hút du khách. Hoạt động khai thác phát triển du lịch tại khu bảo tồn còn mang tính tự phát, thiếu chuyên nghiệp và chưa mang tính ổn định lâu dài.
Theo một nghiên cứu của tác giả Nguyễn Đình Tình, Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, tuy có nhiều thuận lợi, nhưng KBTTN Kẻ Gỗ chưa phát triển đúng tầm là do người dân địa phương và khách du lịch chưa có nhận thức cao trong việc bảo vệ đa dạng sinh học; cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ DLST còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu; sản phẩm du lịch còn đơn điệu, chưa phong phú.
Bên cạnh đó, còn thiếu sự liên kết giữa các bên tham gia vào du lịch: cơ quan quản lý, chính quyền địa phương với doanh nghiệp và cộng đồng địa phương. Nguồn nhân lực phục vụ du lịch nói chung và DLST nói riêng ở đây cũng còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng, thiếu hướng dẫn viên tại khu du lịch…