Bức tranh đại cảnh tô vẽ những gam màu lịch sử hào hùng của dân tộc
Trên bức tường dài hàng trăm mét trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, bức bích họa đại cảnh ghi dấu ấn lịch sử hùng hồn như chính thành phố, nơi không ngừng chuyển động, thấm đẫm nghĩa tình và không bao giờ lãng quên.
Vừa đổ dốc cầu Nguyễn Hữu Cảnh, đoạn tường dài bao quanh Thảo Cầm Viên bỗng trở nên rộn rã sắc màu cùng những gam màu nóng của cờ hoa rực rỡ.
Tái hiện một cách sinh động dòng chảy ký ức hào hùng, không ngừng tuôn chảy lịch sử đã đi qua, nhưng vẫn hiện hữu ngay tại nơi đây
Trên bức tường bích họa sống động, khoảnh khắc lễ duyệt binh lịch sử chào mừng đất nước thống nhất hiện lên đầy hùng tráng.
Bức họa không chỉ tái hiện một sự kiện vĩ đại, mà còn gợi nhắc về sức mạnh đoàn kết, ý chí quật cường và niềm tự hào bất diệt của quân và dân Việt Nam.
Giữa cái nắng chói chang của tháng Bảy, Sài Gòn như một chiếc lò lửa hầm hập nóng. Trên con đường Nguyễn Hữu Cảnh dưới chân cây cầu cùng tên, chợt bắt gặp cảnh tượng những họa sĩ miệt mài tô vẽ trên bức tường dài hàng trăm mét bao quanh Thảo Cầm Viên.
Những ngày qua, họ lặng lẽ làm việc, mặc nắng táp mưa sa để kịp hoàn thành một công trình đặc biệt trước thềm Quốc khánh 2/9 – Bức tranh đại cảnh bích họa sống động, ghi lại dấu ấn của 50 năm hòa bình sau ngày thống nhất đất nước.
Bức tranh tường dài hàng trăm mét đang dần hiện hình, không chỉ là nghệ thuật, mà còn là ký ức, là lời nhắn nhủ từ quá khứ gửi về hiện tại.
Như một cuốn phim không lời về lịch sử, bức tường bích họa rực rỡ sắc màu trải dài, đưa người xem đến một không gian tràn đầy khí thế và sức mạnh.
Không phải là những nét vẽ đơn thuần, cũng không chỉ là một công trình nghệ thuật công cộng; bức tranh tường trên đường Nguyễn Hữu Cảnh đang dần hiện hình như một sử thi bằng màu sắc, một "bảo tàng sống" ngoài trời, nơi lịch sử không nằm im trong sách vở mà hiện ra sinh động ngay giữa lòng phố thị.
Cũng không có tiếng máy móc ồn ã, không có bảng hiệu quảng cáo hay ánh đèn lung linh như những công trình thường thấy ở thành phố này. Thứ duy nhất vang lên ở đây là tiếng gió thổi qua từng mảng tường khô, tiếng trò chuyện khe khẽ của các họa sĩ, như thể đang thì thầm kể lại một khúc sử ca.
Mở đầu bức tranh panorama là hình ảnh một Sài Gòn hiện đại với những tòa cao ốc vươn mình lên trời cao, hòa lẫn trong đó là tone màu đỏ thắm rực rỡ cờ sao,
Những lá cờ đỏ sao vàng kiêu hãnh tung bay khắp không gian, hòa cùng vóc dáng của những tòa nhà hiện đại ẩn hiện phía sau, tượng trưng cho sự tiếp nối vững vàng từ quá khứ hào hùng đến hiện tại phát triển.
Bản hùng ca tổng hòa về ý chí kiên cường trong chiến đấu và khát vọng vươn lên xây dựng đất nước phồn vinh của dân tộc Việt Nam, hòa trong sắc màu đỏ thắm của lá cờ Tổ quốc tung bay phấp phới tái hiện hình ảnh Lễ kỷ niệm 50 năm Thống nhất non sông đất nước.
Bức tường bích họa sống động tái hiện hình ảnh xe tăng lịch sử, thu hút ánh nhìn khoảnh khắc nghệ thuật kể chuyện về ký ức hào hùng của dân tộc.
Trên bức tường rực rỡ sắc màu, chiếc xe tăng phiên hiệu 923 mang dấu ấn thời gian hiện lên mạnh mẽ, như một phần ký ức sống động của đất nước. Bạn trẻ đứng ngắm nhìn, dường như đang lắng nghe câu chuyện hào hùng vọng về từ quá khứ, trong không gian xanh mát của cây cỏ.
Như những con ong chăm chỉ, họ cần mẫn đầm mình giữa nắng gắt, từng nét cọ đưa lên mặt tường thô ráp, dựng nên những khung cảnh lịch sử sống động.
Đằng sau bức vẽ đại cảnh ấy là những con người thầm lặng, đứng trên giàn giáo cao, giữa cái nắng hun hút giữa trưa, các “họa sĩ đường phố” phần lớn là cựu sinh viên Đại học Mỹ thuật đang từng ngày "thổi hồn" vào từng mảng tường khô cứng.
Các họa sĩ như muốn kể lại cho thành phố nghe một câu chuyện cũ nhưng chưa bao giờ cũ: hành trình thống nhất đất nước và 50 năm sau đó.
Anh em làm việc theo hình thức "cuốn chiếu": người phác nét, người lên màu, người đi nét cuối cùng, Dinh chia sẻ.
Phạm Dinh, họa sĩ với thâm niên 7 năm trong nghề chia sẻ thật giản dị: “Bọn em xem đây là sứ mệnh. Lịch sử không thể ngủ quên trong sách, mà phải sống cùng người dân – trên đường phố, trên những bức tường như thế này.”
Dù hiện tại mới hoàn thành khoảng 1/3 khối lượng, nhưng tất cả đều đồng lòng: phải kịp tiến độ, để ngày 2/9 tới đây, người dân và du khách khi đi ngang khu vực này có thể chiêm ngưỡng một bức tranh hoàn chỉnh, lời chào trang trọng gửi về lịch sử hào hùng của dân tộc, Dinh chắc nịch nói.
Chỉ với những nét phác họa, hình ảnh những chiến sĩ đã hiện lên đầy khí thế và sinh động.
Đường nét đang tô vẽ hình ảnh lực lượng CAND trong bộ quân phục chỉnh tề trong lễ duyệt binh chào mừng thống nhất đất nước.
Dòng người tấp nập đi qua, không ít người dừng lại, chậm bước ngước nhìn. Có người già bồi hồi, có bạn trẻ háo hức hỏi cha về những chiếc xe tăng. “Tôi từng sống trong những ngày tháng ấy… Nhìn lại mà rưng rưng nước mắt,” – cô Lan, một người dân sống gần khu vực xúc động kể.
Ở góc ngã tư phía đầu bức bích họa sắc màu sống động, anh Minh Tân – tài xế xe ôm công nghệ chia sẻ trong lúc đợi khách: “Ngày nào tôi cũng đi ngang, ngắm nhìn bức vẽ đang dần hình thành mãi mà không chán. Cảm giác như có ai đó kể chuyện quê hương mình, ngay giữa phố vui đông người qua.”
Anh Mark Johnson say sưa dõi theo người họa sĩ đang cần mẫn tô điểm cho "cuốn phim" lịch sử rực rỡ sắc màu đang dần hình thành.
Cùng chung cảm tưởng, du khách đến từ xứ sở của những chú Kangaroo, anh Mark Johnson phải thốt nên lời: “Đoạn tường như như một cuốn phim không lời. Thông qua màu sắc, hình ảnh, tôi hiểu đây là câu chuyện của một dân tộc mạnh mẽ, điều này khiến tôi thấy xúc động”.
Hình ảnh chú rồng vươn mình ra biển lớn tượng trưng cho sự phát triển mạnh mẽ, sự thịnh vượng và phồn vinh của đất nước.
Có thể nói, bức tranh tường trên đường Nguyễn Hữu Cảnh như một lớp học lịch sử khổng lồ, dành cho mọi thế hệ. Không cần sách vở, không cần giảng viên. Chỉ cần lặng nhìn. Từng nét vẽ, từng biểu tượng mang theo một thông điệp: hòa bình hôm nay là cái giá rất đắt được đánh đổi bằng máu và nước mắt.
Đây cũng là một mô hình giáo dục trực quan đầy sáng tạo, để thế hệ trẻ hiểu và tự hào hơn về quá khứ của dân tộc mình. Và hơn hết, nó là minh chứng rằng nghệ thuật có thể mang lịch sử về gần với cuộc sống, bằng một cách lặng lẽ mà đầy lay động.
Những nét vẽ mô tả TP.HCM hiện đại hôm nay với nhà cao tầng, nhịp sống phồn vinh được lồng ghép tinh tế trong bố cục tổng thể.
Không chỉ làm đẹp cảnh quan, không chỉ truyền tải thông điệp, công trình này còn cho thấy một tinh thần đáng quý của thành phố: biết gìn giữ ký ức, biết nâng niu giá trị lịch sử và biết “kể lại” bằng ngôn ngữ nghệ thuật đương đại.
Khi tháng Tám đi qua và ngày 2/9 đến gần, người dân thành phố và du khách sẽ có dịp chiêm ngưỡng trọn vẹn bức bích họa đại cảnh như khúc phim lịch sử đang hiện hữu sống động, bừng cháy và ngân vang như chính tinh thần anh dũng, bất khuất của dân tộc Việt Nam.