Phát triển du lịch ẩm thực: Bài toán về sự khác biệt

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Mặc dù được xem là một loại hình du lịch chỉ mới xuất hiện gần đây, du lịch ẩm thực đã nhanh chóng chứng tỏ vai trò quan trọng của mình trong sự phát triển chung của ngành du lịch thế giới.

Liên tiếp được bình chọn là điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á năm 2019 và 2020 bởi World Travel Award, Việt Nam đang được xem là một trong những thiên đường ẩm thực mới dành cho du khách.

Với lợi thế về sự đa dạng, thân thiện với sức khoẻ, ẩm thực Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để trở thành yếu tố tiên phong làm động lực thu hút du khách. Tuy nhiên, để ẩm thực Việt Nam có thể trở thành một sản phẩm du lịch đích thực và có khả năng cạnh tranh với các điểm đến khác, còn rất nhiều thách thức đang chờ đợi.

Ẩm thực: Xu hướng mới của du lịch thế giới

Mặc dù được xem là một loại hình du lịch chỉ mới xuất hiện và phát triển khoảng hơn một thập niên trở lại đây, du lịch ẩm thực đã nhanh chóng chứng tỏ vai trò ngày càng quan trọng của mình trong sự phát triển chung của ngành du lịch thế giới.

Không chỉ vậy, đây còn được xem là một loại hình du lịch có thể tạo ra được nhiều giá trị tích cực cho các bên liên quan như đóng góp vào việc nâng cao chất lượng thị trường, nâng cao hiệu quả kinh tế cho toàn bộ chuỗi giá trị, tạo được lợi thế cạnh tranh độc đáo cho điểm đến và nâng cao sự quan tâm của cộng đồng địa phương.

Sự quan tâm của công chúng đối với ẩm thực trong những năm trở lại đây đã từng bước đưa du lịch ẩm thực (thuật ngữ quốc tế gọi là Food Tourism/Culinary Tourism/Gastronomie Tourism) trở thành xu hướng mới của ngành du lịch thế giới. Đặc biệt là sự quan tâm của du khách đối với du lịch ẩm thực còn được thúc đẩy nhờ vào sự phát triển của mạng xã hội – nơi cho phép công chúng dễ dàng tiếp cận với những trải nghiệm ẩm thực độc đáo ở khắp nơi trên thế giới, được chia sẻ bởi du khách.

Phát triển du lịch ẩm thực: Bài toán về sự khác biệt - 1

Sự quan tâm của du khách dành cho ẩm thực ngày một lớn, từng bước đưa du lịch ẩm thực trở thành xu hướng mới của du lịch thế giới. Ảnh: Shutterstock

Theo ước tính của Tổ chức du lịch ẩm thực thế giới World Food Tourism Association (WFTA), du khách quốc tế dành khoảng 25% ngân sách du lịch cho các khoản chi tiêu liên quan đến thực phẩm và đồ uống trong suốt hành trình du lịch của mình. Con số này có thể lên tới 35% ở những điểm đến đắt đỏ và thấp nhất là 15% ở những điểm đến có giá cả phải chăng hơn. Những du khách của du lịch ẩm thực cũng được xác nhận sẽ sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn so với mức trung bình 25% của khách du lịch thông thường.

Cũng theo WFTA, có đến 81% du khách quốc tế có nhu cầu tìm hiểu các giá trị ẩm thực địa phương một khi đặt chân đến một điểm đến mới. Cũng với tỉ lệ tương tự đó, phần đông du khách tin rằng khám phá ẩm thực địa phương là cách tốt nhất để hiểu được giá trị văn hóa bản địa. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng khách du lịch (82%) thường có xu hướng chi tiêu nhiều hơn cho ẩm thực khi đi du lịch so với khi họ ở nhà.

Nằm trong xu hướng chung của du lịch thế giới, khách du lịch Việt Nam cũng ngày càng quan tâm hơn về yếu tố ẩm thực trong hành trình du lịch của mình.

Trước khi đại dịch COVID-19 xuất hiện, một nghiên cứu của Outbox Consulting trên đối tượng khách du lịch Việt Nam đi du lịch nước ngoài vào tháng 7/2019 cho thấy có đến 84% du khách Việt Nam được hỏi mong muốn tìm kiếm các trải nghiệm ẩm thực tại các điểm đến và sẵn sàng dành khoảng 20% chi tiêu cho các trải nghiệm ẩm thực, đưa ẩm thực trở thành khoản chi tiêu lớn nhất của du khách Việt Nam khi đi du lịch nước ngoài, xếp trên cả các khoản chi tiêu cho lưu trú và mua sắm.

Ẩm thực Việt Nam đang được đánh giá rất cao bởi du khách quốc tế nhưng để du lịch ẩm thực trở thành động lực phát triển của du lịch Việt Nam và trước tiên là để có thể trở nên khác biệt so với các quốc gia trong khu vực, những nơi vốn cũng rất nổi tiếng bởi một nền ẩm thực đa dạng và đặc sắc, đòi hỏi một chiến lược rõ ràng và bài bản hơn từ các nhà quản lý.

Phát triển du lịch ẩm thực: Bài toán về sự khác biệt - 2

Ẩm thực đường phố ở Sài Gòn là một trong những “điểm sáng” quan trọng, giúp thu hút và giữ chân du khách đến tham quan thành phố. Ảnh: Shutterstock

Làm thế nào để phát triển du lịch ẩm thực hiệu quả? Ăn ngon chưa đủ!

Khác với các loại hình du lịch truyền thống khác, du lịch ẩm thực tập trung vào các trải nghiệm ẩm thực có nguồn gốc địa phương thay vì tham quan đơn thuần.

Theo Liên minh Du lịch ẩm thực Ontario (OCTA), du lịch ẩm thực đề cập đến bất kì trải nghiệm du lịch nào mà du khách có thể tìm hiểu, khám phá hoặc thưởng thức các sản phẩm ẩm thực phản ánh các giá trị văn hóa, di sản, tinh hoa nghệ thuật truyền thống của địa phương.

Khái niệm này cho phép chúng ta có thể hiểu rõ được một trong những bản chất cốt lõi của du lịch ẩm thực là gắn liền việc thưởng thức ẩm thực của du khách với các trải nghiệm văn hóa địa phương được phản ánh thông qua các giá trị ẩm thực. Điều này được xem là yếu tố hàng đầu để thu hút du khách của du lịch ẩm thực ở bất kì điểm đến nào.

Trên thực tế, khoảng cách để ẩm thực trở thành một điểm thu hút khách tại điểm đến thay vì chỉ là một dịch vụ phục vụ nhu cầu ăn uống đơn thuần hàng ngày của du khách là rất gần nhau. Nếu phát triển du lịch ẩm thực chỉ đơn thuần dừng lại ở việc giới thiệu đến du khách danh sách các nhà hàng chất lượng với những món ăn ngon mà thiếu sự đầu tư vào việc xây dựng các trải nghiệm tương tác thì sẽ không phát huy hết được tiềm năng của ẩm thực trong du lịch.

Phát triển du lịch ẩm thực: Bài toán về sự khác biệt - 3

Du khách hiện nay tìm kiếm ở du lịch ẩm thực các trải nghiệm địa phương cho phép họ có thể nắm bắt được các câu chuyện văn hóa ẩm thực bản địa. Ảnh: Shutterstock

Theo WTA, du khách hiện nay tìm kiếm ở du lịch ẩm thực các trải nghiệm địa phương cho phép họ có thể nắm bắt được các câu chuyện văn hóa ẩm thực bản địa thông qua các hoạt động đề cao tính tương tác như các lớp học nấu ăn, các chương trình tour ẩm thực chuyên sâu (food tour), tham quan các chợ địa phương, tham quan các làng nghề, nghệ nhân ẩm thực và đặc biệt du khách mong muốn việc được giới thiệu những câu chuyện hay giá trị mang tính truyền thống địa phương đằng sau mỗi món ăn.

Kinh nghiệm từ các quốc gia hay điểm đến phát triển du lịch ẩm thực trên thế giới cho thấy những món ăn ngon có thể làm du khách hài lòng về chất lượng dịch vụ của điểm đến nhưng một trải nghiệm ẩm thực hấp dẫn có thể khiến du khách sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn và lưu trú lâu hơn để tham gia vào các hoạt động trải nghiệm khám phá những câu chuyện ẩm thực tại điểm đến.

Lời kết

Mỗi quốc gia, mỗi điểm đến đều có những đặc sản đặc trưng riêng của mình, được tạo nên bởi những giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống riêng. Và do đó, ẩm thực của quốc gia, vùng miền nào là ngon hơn, là đặc sắc hơn phụ thuộc vào sở thích ẩm thực của mỗi du khách.

Phát triển du lịch ẩm thực: Bài toán về sự khác biệt - 4

Ẩm thực của quốc gia, vùng miền nào là ngon hơn, là đặc sắc hơn phụ thuộc vào sở thích ẩm thực của mỗi du khách. Ảnh: Shutterstock

Điều chúng ta có thể làm và làm tốt là kể cho du khách nghe câu chuyện phía sau mỗi một món ăn của quê hương mình để du khách có thể hiểu hết được giá trị của ẩm thực Việt Nam; để mỗi khi đến Việt Nam du khách không chỉ có thể thưởng thức món Phở mà còn có thể tham gia vào hành trình tạo nên món Phở đó. Làm được như vậy thì ẩm thực mới có thể trở thành một động lực phát triển của du lịch Việt Nam như mục tiêu đề ra.

Văn hóa và Du lịch
Văn hóa và Du lịch

Du lịch gắn liền với phát triển, với những điều mới mẻ, còn văn hóa lại đề cao việc giữ gìn bản sắc, bảo tồn...

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Outbox Consulting

CLIP HOT

'Chuẩn nghèo' của bà nội gây 'bão' mạng
'Chuẩn nghèo' của bà nội gây 'bão' mạng

Cư dân mạng đang truyền tay nhau đoạn clip ghi lại cảnh người cháu đưa tiền bà nội, nhưng bà nhất quyết không nhận vì cho rằng cháu "còn nghèo", mà theo định nghĩa của bà: "còn nghèo" là ... chưa vợ!