Người thành thị mơ được làm… nông dân

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Giờ đây, sau một cuộc bôn ba dài để được công nhận là “cư dân thành thị”, không ít người dân thành phố lớn lại mơ sở hữu mảnh vườn, ao cá ở nông thôn.

Vì sao giấc mơ nông dân ngày càng phổ biến?

Đời sống con người như một vòng xoắn ốc, đi một vòng rồi trở về cái ban đầu, nhưng ở một vị trí, nhu cầu cao hơn. 

Việt Nam là xứ sở nông nghiệp, thống kê mới đây nhất của Cuộc Tổng điều tra dân số cho thấy, hiện chúng ta có hơn 16 triệu hộ nông thôn và trên 1 triệu hộ thành thị. Trên 1 triệu hộ thành thị ấy, lại có biết bao người vốn là gốc nông dân, hoặc hiện gia đình vẫn làm nông. 

Từ thời mở cửa cho đến những năm gần đây, người ta vẫn chứng kiến những cuộc di dân ồ ạt từ nông thôn lên thành thị. Nhiều vùng nông thôn cũng “đô thị hóa” trong mong muốn thoát nghèo, thoát vất vả. 

Thế mà, trong mấy năm gần đây, người ta lại chứng kiến một cuộc dịch chuyển ngược: Người dân từ thành thị ồ ạt tìm về nông thôn, “săn” đất, làm nhà vườn. Cái gốc gác nông dân đã từng bị rũ bỏ, nay được tìm kiếm lại, với tràn trề tự hào. Bởi thời buổi này, cư dân phố nào được làm nông dân phải dư dả và thong thả lắm. Đời sống nông thôn với mảnh vườn, cây xanh, với khí trời lộng lộng trở thành mong ước của biết bao cư dân thành thị. 

Người thành thị mơ được làm… nông dân - 1

Cảnh nông thôn tươi đẹp, đời sống dân dã đang là mơ ước của cư dân thành thị.

Nhưng tất nhiên, cái sự “trở về” không hoàn toàn mang ý nghĩa là về với xuất phát điểm. Nếu như “nông dân” ngày xưa, nghĩa là gắn với “chân lấm tay bùn”, với “đầu tắt mặt tối”, vất vả quanh năm, thì “trở về làm nông dân” trong khái niệm của người thành thị hiện đại giờ đây đang mang một tầng nghĩa mới: Đời sống nông nhàn, hưởng thụ cuộc sống, gần gũi với thiên nhiên.

Với nhiều người muốn về vườn hiện nay, bài toán kinh tế hay mưu sinh không được đặt lên hàng đầu, quan trọng nhất là tâm hồn được thảnh thơi, nâng cao được giá trị cuộc sống, tận hưởng những cái thú mà thành thị ồn ào náo nhiệt không thể đem đến cho họ. 

Ai đánh thuế giấc mơ?

Chuẩn mực mới về đời sống “làng quê” xuất phát từ sự phát triển của đời sống vật chất lẫn công nghệ, khiến con người ngày càng gánh chịu nhiều áp lực và mong muốn được “thoát ly”, được tìm về nơi bình an, trong lành, tương tác nhiều hơn với thiên nhiên.

Thời gian gần đây, trên mạng xã hội chứng kiến sự ra đời của rất nhiều hội, nhóm kín là điểm “tập kết” của những người mơ ước cuộc sống “điền viên” nơi nông thôn. Có thể kể đến hội Bỏ phố về rừng; hội Mua chung đất lập xóm, làng; Cộng đồng farmstay Việt Nam; Làng bỏ phố về quê; Từ phố về vườn…

Trong đó, có những nhóm thành lập thời gian không quá dài nhưng số lượng thành viên lên đến hàng trăm ngàn người.  Mỗi một hội nhóm có tôn chỉ, mục đích riêng, nhưng tựu trung lại, các nhóm này hướng đến việc chia sẻ kinh nghiệm về đời sống “về vườn”, những khó khăn, vất vả cũng như trải nghiệm mới mẻ, kinh nghiệm về làm nông.

Cạnh đó là “rủ rê” cùng nhau về vườn, hay chia sẻ những nông trại đẹp, những điểm đến nông thông mới mẻ để người thành thị đến tham quan. Những hội nhóm này đã góp phần “kích cầu” ước mơ của người thành thị. Và nói cho cùng, giấc mơ ấy đã giúp cho không ít người “đổi đời”. 

Người thành thị mơ được làm… nông dân - 2

 "Bỏ phố về quê" trở thành một trào lưu được ưa chuộng.

Gần đây, cộng đồng đam mê cuộc sống nông nghiệp đã chứng kiến hàng loạt cuộc “bỏ phố về quê”. Trong đó, có rất nhiều người từ giã cuộc sống thành thị, mức lương ngàn đô, trở về làm “nông dân” trong những mảnh vườn, khu trang trại của chính mình. Trong sự đánh đổi ấy, có người thành công, làm giàu với mô hình nông nghiệp sạch hoặc trang trại nghỉ dưỡng, có người sống bình yên, thanh thản với mảnh vườn nhỏ thôn quê, nhưng cũng có người trắng tay, vỡ mộng.

Dù thành công hay thất bại, đây vẫn là một xu thế rất hay, rất đẹp của con người trong hành trình sống, vươn đến chất lượng sống cao hơn, sống xanh hơn. Cứ mơ đi, vì ai đánh thuể ước mơ?

Cuộc chơi của người có tiền?

Tất nhiên, đi từ cái “mơ ước” đến hiện thực là một con đường không hề bằng phẳng. Việc ngày càng nhiều người hướng đến cuộc sống điền viên, mơ về “second home” ở miền quê đã dẫn đến một hệ lụy không nhỏ trong thời gian qua: Sự tăng giá đột biến bất động sản nông thôn. Đặc biệt là những vùng có cảnh sắc đẹp, khí hậu ôn hòa hoặc đất đai màu mỡ. Có những vùng đất nông thôn có chỉ số tăng “kinh hoàng” so với các đô thị phát triển hàng đầu. Điều này càng khiến giấc mơ “về vườn” của phần lớn cư dân đô thị trở nên xa xôi hơn.

Bài học từ nhiều người thành công trong công cuộc “về vườn cho thấy, để có được cuộc sống bình an, yên ổn nơi miền quê sau khi rời thành phố, họ đã trải qua không ít kinh nghiệm quý báu. 

Chị Nguyễn Thị Trúc Linh (Linh Nguyễn) là một người khá nổi tiếng trong cộng đồng mạng, cũng là một trong những người đầu tiên khởi xướng trào lưu “về quê làm nông trại” và hiện nay đang là chủ các nông trại có thương hiệu như Maian Farm ở Bảo Lộc, nông trại bên sông ở Long An...

Cách đây hơn 10 năm, khi trào lưu về vườn chưa phổ biến, chị Linh đã đầu tư mua đất ở những khu vực xa TP như Long An, Bảo Lộc và lên ý tưởng để hình thành những nông trại miền quê, mặc dù thời ấy, đối với nhiều người, hành động bán nhà thành phố để mua đất nông thôn bị cho là “điên rồ”.

Chị Linh Nguyễn chia sẻ: “Ban đầu mình làm với mong muốn chỗ cho con chạy đùa, hít thở không khí trong lành. Vì mình xuất thân là người nông thôn, 4 tuổi đã bắt đầu làm vườn. Nhà ở Sài Gòn mình cũng ưu tiên diện tích để làm khoảng sân có cây xanh. 

Người thành thị mơ được làm… nông dân - 3

Chị Linh Nguyễn bỏ kinh doanh về làm "nông dân" từ rất sớm.

Trước khi “về vườn” hẳn, mình có đến Bảo Lộc thăm khu vườn của hai người bạn. Họ trồng rau củ, ăn chay, sử dụng bếp củi… Mỗi tháng, họ tốn tầm 7000 đồng tiền điện. Con số ấy dường như thức tỉnh mình, khiến mình thấy hóa ra mình không cần phải cật lực lao vào kiếm tiền, tiết kiệm dành dụm thật nhiều và nhu cầu cao đến thế. Hóa ra cái mình cần rút cục cũng chỉ là một không gian thiên nhiên tươi mát, thong dong tự tại, hít thở khí trời trong lành, không còn những hệ lụy do phố phường gây ra. Và thế là mình quyết tâm “lội ngược dòng” giữa lúc bạn bè còn loay loay trong cuộc đua mua nhà ra phố.

Nếu nói vất vả, khó nhọc, mình thấy làm nông không khó, đơn giản là vì mình yêu thích nó. Tuy nhiên, với trào lưu “bỏ phố về vườn” hiện nay, mình nghĩ, mỗi người trước khi quyết định thì nên xác định cho rõ ràng.

Thứ nhất là bạn có thực sự mong muốn không, có không ngại khó và muôn vàn nỗi sợ như sợ xấu, sợ đen, sợ côn trùng, sợ bóng tối… hay không? Thứ hai, đừng lý tưởng hóa hay ôm mộng nhiều khi về vườn. Như mình, diện tích rộng làm nông dân công nghệ cao kiêm thêm farmstay và vườn organic nên thực sự cần rất nhiều tiền. Tiền bón phân, chăm tưới, tỉa cành, tiền cây giống, tiền duy trì… 

Mình nghĩ, khi dấn thân vào sự nghiệp “về vườn” với mục tiêu được sống xanh, hòa vào thiên nhiên, bạn nên có trong tay một số vốn nhất định và trang bị kiến thức cư bản về nông nghiệp. Hiện nay có rất nhiều nông trại đáp ứng nhu cầu cho khách ở ngắn hạn, dài hạn, trải nghiệm cuộc sống làm nông dân thực thụ. Cứ làm một vài phép thử, bạn sẽ thực sự hiểu mình thực sự yêu thích và thích hợp với đời sống nhà vườn hay chỉ mê mẩn nhất thời vì sự rầm rộ của trào lưu”.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Ngọc Mai (Pháp luật plus)