Mùa sấu về đâu…
Con phố nơi tôi ở nhiều năm về trước trồng toàn sấu, nhưng giờ đã thưa dần. Tôi cứ miên man nghĩ, rồi vài năm nữa thôi, khi những gốc sấu ít đi thì một thức quà của người dân Thủ đô liệu có mai một?.
Khu nhà tôi ở những năm trước nằm yên bình dưới gốc sấu già. Sấu được trồng thành dãy dài. Những thân cây sấu sì sì, tán rộng, lá vừa đậm vừa dày che bóng mát cho cả khu phố. Tuổi thơ tôi và đám bạn cùng trang lứa gắn bó với cây sấu, ăm ắp kỉ niệm với cây sấu.
Tôi nhớ cứ mỗi tháng tư về, khi muôn vàn cây cối đâm chồi nảy nộc, hoa xèo nở cánh lại là lúc sấu bước vào mùa thay lá. Lá rụng ào ạt như thác đổ. Cái cảm giác đi dưới thảm lá vàng ươm, nghe xào xạc dưới chân mà thấy lòng mình ngân lên một niềm vui khó tả.
Thảm lá sấu vàng gợi bao thương nhớ.
Rồi mùa sấu rụng lá qua đi rất nhanh, thoắt cái chỉ cuối tháng 5, xuyên qua những tia nắng đầu hè đã thấy chi chít những quả sấu non. Chúng tôi ngày nào cũng trông ngóng, đếm từng ngày chờ mùa sấu với niềm háo hức thơ trẻ. Tháng 6, tháng 7, những chùm sấu già sai trĩu cành xanh biêng biếc. Tháng 8, tháng 9, mùa thu gọi những trái sấu cuối mùa vàng ươm.
Sấu chín vàng ươm.
Trong kí ức của tôi, quả sấu là một thức quà không thể thiếu. Cái loại quả tròn tròn, be bé, xanh mướt hay vàng ươm khi chín làm ra được bao nhiêu là món ngon. Mùa hè, món rau muống dầm sấu dường như không thể thiếu của người dân chúng tôi. Rồi thì có sấu non nấu sườn, vịt om sấu, chân giò hầm sấu… toàn những món đưa cơm đến kỳ lạ. Khách từ phương xa đến chơi nhà, mẹ tôi thường nấu các món liên quan đến sấu như một nghi thức giới thiệu đặc sản quê hương. Món nào khách cũng tấm tắc khen.
Mẹ tôi còn làm cả sấu ngâm đường. Tôi vẫn nhớ cái cảm giác mùa hè oi nồng ngồi nhâm nhi cốc sấu đá ngọt thơm, mát lạnh. Nhà tôi mê sấu đến nỗi, cứ mùa sấu, mẹ tôi sẽ bớt lại vài cân, rửa sạch và cho vào ngăn đá tủ lạnh để ăn quanh năm… Tủ lạnh nhà tôi có thể thiếu thịt, thiếu cá, nhưng chưa bao giờ thiếu sấu. Cứ như thế, từng quả sấu, từng mùa sấu đi qua góp vào hành trang tuổi thơ tôi đầy ắp những kỷ niệm ngọt ngào.
Biết bao món ngon từ quả sấu.
Rồi tôi lớn khôn, rời xa ngôi nhà thân yêu của mình. Mỗi năm chúng tôi vội vã về thăm nhà vài lần rồi lại vội vã ra đi nên cũng chẳng có nhiều thời gian để ý đến những thứ nhỏ nhặt xung quanh. Năm nay tôi về đúng mùa sấu. Tôi thảnh thốt nhận ra, dãy sấu quanh nhà đã thưa dần.
Ngay gần nhà tôi cây sấu xòe tán rộng che mát năm xưa chẳng biết từ khi nào đã được thay bằng cây xoài. Hỏi thì bố thở dài bảo, già rồi không đủ sức quét lá sấu rụng. Vào mùa thay lá, lá rụng đầy khắp nơi, công nhân vệ sinh cũng chẳng đủ sức gom lá sấu, chiều chiều mấy ông bà già hò nhau quét lá vun thành đống rồi châm lửa đốt. Đốt mãi cũng thấy oải, mà giờ ai cho đốt nữa đâu, đốt là không ăn minh, gây ô nhiễm môi trường.
Rồi thì đến mùa sấu, người dân chăm cả năm, nhưng chỉ sau một đêm, cây sấu đang sai trĩu cành đã trơ lại toàn lá. Ngày xưa có nạn trộm chó, giờ có thêm nạn trộm sấu. Thế nên chẳng ai thiết tha cây sấu nữa, cả khu bàn nhau chặt sấu để trồng bơ, trồng xoài, những cây tán rộng, ít rụng lá lại cho trái ngọt thơm. Còn sấu, đúng là thứ quả đặc trưng mùa hạ phương Bắc, nhưng mấy ai coi nó như những loại trái cây “sang sang” như mít, bơ, xoài, vải…
Khi gốc sấu bị chặt dần, liệu một thức quà của Thủ đô có mai một.
Khách đến nhà chơi, trẩy trái xoài, trái bơ mời ăn còn được chứ ai lại đi mời mấy quả sấu. Mọi người đùa vậy để lý giải cho việt chặt sấu. Còn tôi cứ miên man nghĩ, rồi vài năm nữa thôi, khi những gốc sấu bị chặt dần thì một thức quà của người dân Thủ đô liệu có mai một đi không. Nếu không có sấu, mùa hè dường như cũng bớt đi những niềm vui nhỏ bé.