Một mùa hè khắc nghiệt của tiếp viên hàng không

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

“Hai mươi năm trước, mỗi người tiếp viên khi bước lên máy bay có nghĩa họ hoàn toàn có thể kiểm soát mọi thứ. Nhưng giờ đây, trong bối cảnh đại dịch, tiếp viên hàng không đang dần trở thành nơi trút giận của hành khách” - Sara Nelson, Chủ tịch Hiệp hội Tiếp viên hàng không chia sẻ.

"Nơi trút giận của hành khách"

Một câu chuyện xảy ra vào đêm ngày 1/8 tại sân bay San Juan ở Puerto Rico, các hành khách bị mắc kẹt do hủy chuyến của hãng Spirit Airlines đã trở nên hỗn loạn và mất kiểm soát.

Họ đập cửa và quát mắng nhân viên, thậm chí cảnh sát đã phải quây phòng cabin lại để che chắn cho các nhân viên của hãng hàng không. Một tiếp viên kể lại, họ đã phải vội vã chạy qua cây cầu máy bay phản lực đến một văn phòng an toàn trên đường băng. Tại đó, khoảng 35 nhân viên của Spirit phải thay hết đồng phục để đảm bảo an toàn. 

Mùa hè năm nay, du khách hàng không đã phải đối mặt với số lượng gián đoạn chuyến bay cao bất thường vì tình trạng thiếu hụt nhân sự phục vụ quá lớn, thời tiết xấu và các vấn đề kỹ thuật.

Theo dữ liệu từ Flight Aware, một dịch vụ theo dõi chuyến bay, gần 1/4 máy bay chở khách của Mỹ bị hoãn trong giai đoạn tháng 6 đến giữa tháng 8, trong đó, 4% chuyến bay bị hủy trong nửa đầu tháng 8. Riêng Spirit đã hủy gần 2.500 chuyến bay từ ngày 1/8 đến 15/8.

Một mùa hè khắc nghiệt của tiếp viên hàng không - 1

Các tiếp viên hàng không trên khắp nước Mỹ cho biết họ đang phải quay cuồng để đối phó không chỉ với những sự trì hoãn kéo dài này, mà còn cả sự gia tăng hành vi hung hăng của hành khách. Có gần 4.000 sự cố hành khách ngỗ ngược đã được báo cáo cho Cục Hàng không Liên bang (FAA) vào năm 2021, con số này được miêu tả là “gia tăng nhanh chóng và đáng kể”.

Hầu hết các báo cáo đó đều liên quan đến việc các tiếp viên yêu cầu thực hiện đeo khẩu trang đúng quy định đối với nhiều đối tượng hành khách, từ người bất cẩn đến người hiếu chiến, đôi khi có người còn dùng lời nói hay chân tay để lăng mạ tiếp viên. Những hình ảnh, video về cuộc ẩu đả, sỉ nhục trên máy bay giờ đây đã trở thành một chủ đề quen thuộc trên mạng xã hội.

Một mùa hè khắc nghiệt của tiếp viên hàng không - 2

Một mùa hè khắc nghiệt của tiếp viên hàng không - 3

Một tiếp viên hàng không của American Airlines cho biết kể từ tháng 6, cô đã bị cơ quan pháp luật gọi sau hai lần bị "hành hung" bằng lời nói - sau 6 năm bay mà không có bất kỳ sự cố nào tương tự. Cả hai lần ẩu đả đều liên quan đến việc thực hiện đeo khẩu trang. “Điều đau lòng thực sự là họ không hề tin tôi nói thật. Tôi thậm chí còn cảm thấy mình không được đối xử giống như một con người nữa", cô tiếp viên nói.

Sara Nelson, Chủ tịch Hiệp hội Tiếp viên hàng không nói: “Hai mươi năm trước, mỗi người tiếp viên bước lên máy bay có nghĩa họ hoàn toàn có thể kiểm soát mọi thứ. Nhưng giờ đây, tiếp viên hàng không đang dần trở thành “nơi trút giận của hành khách”.

Thiếu nhân sự và tăng giờ làm

Mùa xuân 2021, khi tỉ lệ tiêm chủng tăng lên, các trường hợp nhiễm Covid-19 giảm xuống và các hạn chế cũng được nới lỏng, nhu cầu du lịch hè tăng trở lại nhanh hơn dự kiến. Nhiều hãng hàng không đã tăng cường lịch bay và bổ sung thêm các đường bay mới. Nhưng trái ngược với sự tăng trưởng này, họ lại thiếu nhân sự để phục vụ.

Dữ liệu của Cục Thống kê Giao thông Vận tải Mỹ cho thấy, số lượng nhân viên toàn thời gian tại các hãng hàng không vào tháng 6/2021 thấp hơn gần 14% so với tháng 3/2020. Hàng chục nghìn tiếp viên đã nghỉ việc trong đại dịch. American Airlines cho biết khoảng 3.300 tiếp viên vẫn chưa trở lại sau khi nghỉ phép.

“Nhiều người đã bị cho nghỉ quá nhanh sau quyết định gia hạn nghỉ phép, nghỉ hưu sớm, nên bây giờ các hãng đang phải vật lộn để đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách”, Paul Hartshorn, tiếp viên hàng không và phát ngôn viên của Hiệp hội Tiếp viên Hàng không Chuyên nghiệp, cho biết.

Thiếu phi công, không đủ nhân sự làm việc ở cổng lên máy bay, thiếu nhân viên xử lý hành lý và tài xế giao hàng... đều có thể là những lý do khiến một chuyến bay trở nên khó khăn. Khi một cabin thiếu nhân viên, các hãng hàng không phải phụ thuộc vào tiếp viên dự bị.

Mùa hè năm nay, các hãng đã tăng số lượng tiếp viên dự bị lên mức tối đa. Tuy nhiên, khi số lượng tiếp viên dự bị này không đủ, các tiếp viên chính thức có thể đột ngột bị tăng giờ làm việc lâu hơn dự kiến, điều này đang ngày một xảy ra thường xuyên hơn và khiến họ càng thêm áp lực.

Một mùa hè khắc nghiệt của tiếp viên hàng không - 4

Jacqueline Petzel, một tiếp viên dự bị của American Airlines, cho biết trong tuần đầu tiên của tháng 8, cô bị đánh thức liên tục lúc 2 giờ sáng và chỉ có 2 tiếng để đến sân bay, sau đó làm liên tục 15 giờ đồng hồ. Cô cho biết mình có tối thiểu 10 giờ nghỉ ngơi tại khách sạn giữa các ca. Trong thời gian đó, cô phải chuẩn bị bữa tối, tắm rửa, gọi điện cho gia đình, thư giãn, ngủ, ăn sáng và sẵn sàng cho ca làm việc tiếp theo.

“Thật khó để mở mắt khi bạn phải dậy sớm như vậy, trong khi đó lại là một chuyến bay dài”, cô Petzel nói. Có những lần, cô ấy thậm chí đã ngủ luôn mà không thay đồng phục sau 15 giờ bay liên tiếp.

Một tiếp viên hàng không khác làm việc với United Airlines cho biết, cô đã phải làm việc với hai mắt đỏ hoe trong chuyến đi kéo dài 4 ngày vào tháng 7.

Một mùa hè khắc nghiệt của tiếp viên hàng không - 5

Các tiếp viên hàng không được chỉ định số giờ làm tối đa, mặc dù nhiều người nói rằng bộ phận lên lịch ngày càng gây áp lực, buộc họ phải chấp nhận nhiều ca làm dài thời gian hơn. Khi một tiếp viên vượt quá số giờ làm tối đa, điều đó còn có thể nói là hành vi “bất hợp pháp”.

Phản hồi về vấn đề này, Whitney Zastrow, phát ngôn viên của American Airlines, cho biết: "Chúng tôi đã và đang thực hiện các bước để cải thiện chất lượng làm việc của các tiếp viên hàng không, bao gồm cả việc hợp tác chặt chẽ với các đối tác khách sạn và xe limo phục vụ di chuyển”.

...Không ai lên tiếng

Nhiều tiếp viên hàng không nói rằng họ sợ bị phạt vì xin nghỉ phép, đặc biệt là trong thời điểm này. Một số hãng hàng không có chính sách chấm công dựa trên điểm chuyên cần, theo đó, nếu tiếp viên vắng mặt không có kế hoạch trước trong lịch trình làm việc (ví dụ như bị ốm), họ sẽ bị đánh dấu một điểm.

Quá nhiều điểm có thể dẫn đến một cuộc điều tra hoặc thậm chí đuổi việc. JetBlue cảnh báo các thành viên phi hành đoàn rằng họ sẽ phải nhận gấp đôi điểm chuyên cần nếu vắng mặt không báo trước vào ngày cuối tuần từ 23/7 đến 12/9.

Một tiếp viên hàng không của JetBlue nói rằng, tháng trước anh đã làm việc hơn 17 giờ/ca và chỉ được nghỉ giữa ca tối thiểu 8 tiếng. Anh đã định báo ốm một số lần nhưng lo rằng điểm chuyên cần quá nhiều và sợ sẽ phải chấm dứt hợp đồng.

Thông thường, Southwest Airlines sẽ để cho các tiếp viên bị ốm gọi điện báo mà không cần giấy khám của bác sĩ. Nhưng hiện tại, hãng đã đưa ra “quy trình gọi ốm khẩn cấp”, yêu cầu nhân viên xác minh bệnh của họ với bác sĩ của hãng. Điều này khiến cho các tiếp viên cảm thấy rất nản và "tốn công, tốn sức" chỉ để được nghỉ phép một ngày. 

Những tiếp viên cho biết họ cảm thấy không thoải mái khi gặp bác sĩ của hãng hàng không, đặc biệt nếu phải giải quyết các vấn đề về sức khỏe tinh thần. “Sức khỏe tinh thần của chúng tôi chưa bao giờ bị ảnh hưởng nhiều như lúc này”, một nữ tiếp viên 30 tuổi của Southwest cho biết. "Bạn thậm chí không thể kêu ốm cho dù bạn đang lâm vào tình trạng trầm cảm hoặc lo lắng nghiêm trọng. Với họ, đó vẫn không phải là vấn đề".

Một mùa hè khắc nghiệt của tiếp viên hàng không - 6

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Theo Huyền Châu, Ảnh: Internet (Vntravellive)

CLIP HOT

'Chuẩn nghèo' của bà nội gây 'bão' mạng
'Chuẩn nghèo' của bà nội gây 'bão' mạng

Cư dân mạng đang truyền tay nhau đoạn clip ghi lại cảnh người cháu đưa tiền bà nội, nhưng bà nhất quyết không nhận vì cho rằng cháu "còn nghèo", mà theo định nghĩa của bà: "còn nghèo" là ... chưa vợ!