Lệ Sơn vùng quê “đẹp thầm lặng”, chưa hiện diện trên bản đồ du lịch quốc gia, chưa có sản phẩm du lịch đặc trưng hay tuyến điểm cụ thể, nhưng chính sự "im lặng" này lại là cơ hội quý giá.
Giữa lớp lớp núi đá Trường Sơn hùng vĩ, có một ngôi làng nhỏ như viên ngọc xanh ẩn mình bên dòng Gianh huyền thoại. Lệ Sơn hiện ra không ồn ào, không phô diễn mà nhẹ nhàng như một nốt trầm ngân giữa không gian bao la của núi rừng và mây trời. Đường làng men theo triền đá núi, bờ bãi vươn ra sát mặt nước, nơi con sông vẫn ngày ngày chảy qua, đem theo phù sa và ký ức của bao thế hệ người làng sống gắn bó với đất, với đá, với con nước quê nhà.
Ngôi làng ấy, nay là xã Tuyên Hóa, trong địa giới tỉnh Quảng Trị sau sáp nhập, vẫn giữ gần như nguyên vẹn cảnh sắc tự nhiên nguyên sơ, cùng tầng sâu văn hóa làng Việt được gìn giữ qua bao thế hệ. Ở đây, thiên nhiên không phải là phông nền tĩnh lặng, mà là phần hồn của cuộc sống, nơi núi đá không chỉ là địa hình, mà còn là biểu tượng của bản lĩnh, nơi dòng sông không chỉ chảy qua, mà còn lặng lẽ nuôi dưỡng lối sống và tâm hồn người dân.
Lệ Sơn không chỉ đẹp bởi sự giao hòa giữa cảnh quan khoáng đạt và sinh hoạt thuần hậu; mà còn bởi chiều sâu tinh thần âm thầm chảy trong từng nếp nhà, từng lũy tre, từng nếp nghĩ. Đó là vẻ đẹp của một làng quê còn giữ được “chất làng”, nơi con người sống thuận theo tự nhiên, gắn bó với cộng đồng và âm thầm truyền lại những giá trị bền vững qua từng thế hệ.
Chính vì thế, Lệ Sơn là một trong số ít những miền đất còn đủ đầy điều kiện để trở thành làng du lịch cộng đồng kiểu mẫu ở Bắc Trung Bộ. Không chỉ là nơi để du khách ngắm cảnh, mà là nơi để họ dừng lại, sống chậm và lắng nghe nhịp thở của núi, của sông và nhịp sống của một cộng đồng đang lưu giữ tinh hoa của làng Việt theo cách riêng, rất nhẹ nhàng mà cũng rất sâu sắc.
Khi đá và người khắc vào đất một "phẩm chất sống"
Tựa lưng vào dãy Trường Sơn trùng điệp, Lệ Sơn được bao bọc bởi những núi đá vạm vỡ, nối tiếp nhau như một bức tường thiên nhiên kỳ vĩ, vừa che chở vừa thử thách. Đá ở đây không lạnh lùng mà đầy cảm xúc, không bất động mà thẳm sâu. Cũng chính giữa cái thâm trầm ấy, con người Lệ Sơn hiện lên rõ nét hơn bao giờ hết, sống động, kiên cường, cứng cáp mà không khô cằn, bền gan mà không khép kín.
Giữa miền đất nhiều nắng gió, con người không chọn cách chống lại đá, mà học cách sống cùng đá, gánh nước từ giếng cổ khoét sâu dưới chân núi đá, dựng nhà trên nền đá lởm chởm, trồng bắp, gieo mè trên triền đất khô, chăm hàng cau giữa những mùa gió Lào bỏng rát. Chính trong điều kiện tưởng chừng khắc nghiệt ấy, phẩm chất con người lại được mài giũa từng ngày, thành dẻo dai trong hành động, thành thủy chung trong tính cách và thành bất khuất trong tâm hồn.
Ở Lệ Sơn, đá không đơn thuần là địa chất, địa hình mà đá trở thành biểu tượng tinh thần. Đá là nơi lưu giữ bước chân cha ông mở đất, là phông nền cho đời sống thường nhật, là nhân chứng cho bao mùa bão lũ rồi lại hồi sinh.
Còn con người, với sự bền bỉ và lặng lẽ, đã viết nên một câu chuyện sinh tồn không lời nhưng đầy cảm phục, như thể chính đá cũng đã hòa vào máu thịt, thấm vào tư tưởng, để hun đúc nên một “chất đá” rất riêng trong tâm hồn người làng Lệ Sơn.
Chất đá ấy không dễ gọi tên, không thể cân đong, nhưng ai từng một lần đặt chân đến đây, nhìn thấy cách người dân nâng niu mảnh đất, gắn bó với từng triền núi, lối mòn, đều có thể cảm nhận một giá trị sống giản dị mà vững chãi, như đá giữa trời, lặng yên mà không bao giờ biến mất.
Sông Gianh - mạch chảy của ký ức, lịch sử và một hành trình chưa bắt đầu
Tựa như dải lụa trầm mặc giữa miền đá núi hoang sơ, sông Gianh lặng lẽ chảy qua làng Lệ Sơn, không gào thét như ghềnh thác, cũng chẳng phô bày vẻ huyễn hoặc, nhưng lại mang trong mình những lớp phù sa của ký ức và thời gian.
Không chỉ là nguồn nước tưới tắm ruộng đồng, dòng sông ấy từng hiện diện trong tâm thức người dân như một biểu tượng lịch sử. Đã có giai đoạn, nơi đây được xem là ranh giới tự nhiên giữa hai miền Đàng Trong với Đàng Ngoài, mang theo vết tích của một thời chia cắt đầy biến động.
Dẫu chiến cuộc đã lùi xa, nhưng sông Gianh vẫn là nhân chứng lặng thầm, nơi từng bến nước và bờ tre đều chất chứa những câu chuyện thời gian. Là nơi những chiếc thuyền nan từng vượt lũ chở nông sản về làng, là nơi ánh đèn lồng lặng lẽ chở lời thăm của gia đình cách trở hai bờ, là nơi con chắt chắt nhỏ bé được vớt lên làm nên bữa cơm quê đậm đà. Những lát cắt đời thường ấy, nếu được kể lại bằng ngôn ngữ du lịch, sẽ không chỉ tạo nên xúc cảm, mà còn gợi mở một hướng đi mới cho vùng đất chưa từng được khai phá.
Hiện nay, tuyến du lịch đường sông Gianh vẫn chưa hiện diện trên bản đồ, nhưng chính điều ấy lại trở thành lợi thế khác biệt; bởi không phục dựng lại một mô hình cũ, mà đang thắp lên một ý tưởng nguyên bản từ lòng đất, lòng người.
Một hành trình xuôi theo dòng nước qua những xóm làng đá vôi, ghé bên mái ngói rêu phong, dừng chân ở nhà vườn hay miếu thờ cổ kính… sẽ không chỉ là ngắm cảnh, mà là dịp để lắng nghe tiếng thời gian đang chảy, qua lời kể của người làng, qua những món ăn từ sản vật bản địa và qua chính nhịp chèo thong thả giữa đôi bờ ký ức.
Nếu được xây dựng đúng cách, tuyến du lịch này sẽ không đơn thuần là sản phẩm trải nghiệm mà là một không gian văn hóa sống động, nơi du khách vừa tiếp cận với cảnh quan, vừa thấm đẫm chiều sâu lịch sử và tâm hồn làng Việt. Một dòng sông không chỉ chảy qua đất, mà còn xuyên qua lòng người, đánh thức những giá trị đang ngủ quên bằng chính sự lặng lẽ của nó.
Lũy tre xanh neo giữ hồn làng
Bên những triền sông uốn lượn và cánh đồng thoang thoảng hương đất, lũy tre Lệ Sơn hiện ra như một biểu tượng xanh của ký ức làng Việt. Từng khóm tre rì rào theo gió, uốn cong theo lối nhỏ, như dang tay chở che cho xóm làng qua bao mùa mưa nắng. Tre không chỉ là một loài cây, mà là hình hài của nếp sống, là điểm tựa âm thầm của văn hóa làng quê.
Từ bao đời nay, tre đã hiện diện trong cuộc sống người dân Lệ Sơn như một người bạn thủy chung. Tre giữ đất khi lũ về, chặn gió khi đông sang, tỏa bóng mát cho người già nghỉ chân, cho lũ trẻ vui đùa cuối buổi chiều. Dưới rặng tre ấy, những câu chuyện làng xưa được kể lại, những ký ức về thời mở đất, lập làng, về nếp ăn nếp ở, về người thầy đầu tiên dạy chữ… tất cả đều như được lưu giữ qua từng thân tre thẳng đứng, từng chiếc lá khẽ lay.
Không chỉ mang giá trị sinh thái, tre ở Lệ Sơn còn gợi nhắc đến cốt cách người Việt. Mềm mà không yếu, thẳng mà không gãy, tre thể hiện một triết lý sống bền bỉ, khiêm nhường nhưng kiên định. Chính phẩm chất ấy cũng hiện rõ nơi con người nơi đây; bình dị, thủy chung, sống thuận với đất, với trời và với nhau bằng nghĩa tình sâu nặng.
Lũy tre hoàn toàn có thể trở thành điểm nhấn giàu bản sắc trong không gian du lịch cộng đồng. Một lối đi nhỏ xuyên qua hàng tre tỏa bóng, một mái hiên đón gió có tiếng tre reo hay một đêm trình diễn dân ca dưới gốc tre làng... đều có thể tạo nên trải nghiệm sâu lắng cho du khách. Bởi không chỉ là cảnh sắc, tre còn mang theo một phần hồn đất, hồn người - thứ giá trị không dễ có được.
Từ văn hóa dòng họ đến truyền thống đạo học
Lệ Sơn là một bảo tàng sống về văn hóa làng Việt; nơi từng mái ngói rêu phong, từng hàng cau rợp bóng, từng giếng cổ mạch nước trong... đều thầm thì những ký ức dài lâu của một làng quê biết lưu giữ cốt cách. Ở đây, văn hóa không chỉ là những gì để trưng bày, mà là thứ vẫn sống, vẫn thở, vẫn thấm trong từng nếp sinh hoạt hàng ngày.
Lệ Sơn tự hào là nơi các dòng họ lớn như họ Lương, họ Lê, họ Trần, họ Nguyễn... đã chung tay kiến tạo nên một hệ thống thiết chế họ tộc mang đậm tính cộng đồng. Những ngôi nhà thờ họ vừa là nơi thờ tự, vừa là nơi bảo tồn gia phả, gìn giữ sắc phong, trao truyền nghi lễ và hơn hết, là nơi khắc sâu đạo lý uống nước nhớ nguồn. Những dòng họ ấy không đơn thuần giữ vai trò nối dài huyết thống, mà chính là những “trụ cột ký ức” của làng; giúp định hình bản sắc, gìn giữ niềm tự hào và cố kết cộng đồng qua bao thế hệ.
Tiêu biểu cho chiều sâu văn hóa đặc biệt ấy, lăng thờ các vị tiến sĩ, không chỉ là một di tích đơn lẻ, mà là kết tinh của một truyền thống học vấn. Ngược về quá khứ, từ thuở lập làng, người Lệ Sơn đã sớm chọn con đường học vấn để vươn lên. Những mái vòm rêu phong, những văn bia còn lưu giữ trong nhà thờ họ, là chứng tích cho một thời “trọng chữ hơn vàng”.
Truyền thống ấy không phai nhạt theo năm tháng, mà như ngọn lửa âm ỉ cháy trong lòng bao thế hệ. Nhiều gia đình ở Lệ Sơn nối đời theo nghề giáo, nhiều dòng tộc có người làm thầy, làm quan bằng chính truyền thống chữ nghĩa mà làng đã dày công vun đắp.
Chính hệ thống nhà thờ họ, miếu thờ người khai trí, lăng tiến sĩ…là những tài nguyên văn hóa đặc sắc; nơi đạo học và ký ức họ tộc quyện vào nhau, tạo nên một không gian đậm đặc tinh thần.
Trong hành trình phát triển du lịch cộng đồng, đây không chỉ là nơi để du khách ngắm nhìn cổ vật hay kiến trúc, mà là nơi có thể chạm đến chiều sâu văn hóa; được tham dự lễ khai bút, nghe chuyện người xưa dạy chữ, chiêm ngưỡng gia phả cổ hoặc đơn giản là ngồi giữa một gian nhà gỗ lặng yên, để cảm nhận được “hơi thở” của một làng quê đã chọn tri thức làm nền, chọn đạo lý làm gốc và chọn ký ức làm vốn quý nhất để bước vào tương lai.
Đây là tài nguyên văn hóa phi vật thể quý giá, rất phù hợp để khai thác trong mô hình du lịch cộng đồng gắn với lễ nghi, ký ức họ tộc hoặc trải nghiệm văn hóa dòng họ.
Du lịch làng quê kiểu mẫu: Giấc mơ Lệ Sơn không xa
Mỗi miền quê Việt đều ẩn chứa một giấc mơ riêng; giấc mơ giữ lại hồn cốt truyền thống trong nhịp sống hiện đại, giấc mơ phát triển không phải bằng bê tông hóa mà bằng bản sắc văn hóa địa phương. Với Lệ Sơn, một làng quê nằm giữa Trường Sơn hùng vĩ và dòng Gianh trầm mặc; giấc mơ ấy không xa, chỉ là chưa được đánh thức đúng cách.
Cho đến nay, Lệ Sơn vẫn là một vùng quê “đẹp thầm lặng”, chưa hiện diện trên bản đồ du lịch quốc gia, chưa có sản phẩm du lịch đặc trưng hay tuyến điểm cụ thể. Nhưng chính sự im lặng ấy lại là cơ hội quý giá. Bởi giữa lúc nhiều làng quê đã bị thương mại hóa, đánh mất bản sắc trong cuộc đua phát triển, Lệ Sơn vẫn giữ được cảnh quan nguyên sơ, kiến trúc truyền thống, nếp sống cộng đồng và những giá trị văn hóa - lịch sử chưa bị vỡ vụn.
Tiến sĩ Tạ Duy Linh - Viện trưởng, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế và du lịch. TS Tạ Duy Linh đã tham gia nghiên cứu và triển khai nhiều mô hình du lịch ứng dung, đặc biệt là mô hình du lịch cộng Đồng tại Trà Vinh, TP.HCM, Đồng Nai...
Từ lợi thế có ga đường sắt đến cảnh sắc mộc mạc của làng quê, lũy tre, nhà rường, giếng cổ, cho đến sinh kế nông nghiệp và đặc sản bản địa như con chắt chắt sông Gianh; Lệ Sơn đang sở hữu những nguồn lực mà nhiều nơi mơ ước. Hoạt động cộng đồng như câu lạc bộ dân vũ đa thế hệ hay nghề trồng mè, trồng đậu, trồng bắp, nuôi gia súc gia cầm… nếu được kết nối khéo léo, hoàn toàn có thể trở thành sản phẩm du lịch gắn với trải nghiệm thực tế và giáo dục văn hóa, sinh thái.
Nhà báo Lương Bích Ngọc - một người con của làng Lệ Sơn
Trong bối cảnh du lịch Việt Nam đang chuyển hướng sang phát triển bền vững, du lịch nông thôn và du lịch cộng đồng được xem là xu thế chiến lược. Lệ Sơn có đầy đủ nền tảng để trở thành hình mẫu cho hướng đi này; với không gian đậm chất làng, con người mộc mạc mà kiên cường, văn hóa giàu bản sắc và cảnh quan chưa bị xâm lấn, pha tạp.
Vấn đề không nằm ở việc thiếu tài nguyên, mà ở chỗ chưa có bàn tay kiến tạo chiến lược. Cần một sự phối hợp bài bản giữa chính quyền, cộng đồng và các nhà chuyên môn để xây dựng mô hình du lịch dựa vào bản sắc, nuôi sống ký ức làng quê bằng hơi thở của kinh tế sáng tạo. Khi đó, du lịch sẽ không phá vỡ nếp làng, mà trở thành động lực để người dân giữ gìn những gì đáng quý; không đơn thuần tạo thu nhập, mà còn khơi dậy niềm tự hào về nơi chốn đã sinh ra họ.
Giấc mơ ấy không xa, bởi Lệ Sơn không cần vay mượn những thứ hào nhoáng từ bên ngoài. Điều làng quê này cần là một bước đi tỉnh táo, một chiến lược nhân văn, và một tầm nhìn bền vững. Khi đó, Lệ Sơn không chỉ hiện diện trên bản đồ du lịch Việt Nam; mà còn tỏa sáng như một biểu tượng của sự phát triển hài hòa giữa “bản sắc - sinh kế - con người” thích nghi hoàn toàn với trường tự nhiên, tạo nên du lịch cộng đồng đa giá trị.
Một làng quê kiểu mẫu không nằm trên sa bàn quy hoạch, mà hiện hữu từ chính dòng sông, mái ngói, tiếng trẻ con nô đùa sau lũy tre và lòng yêu quê của những người chưa bao giờ thôi tin vào tương lai của mảnh đất này.