Thành phố dưới cánh chim

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Giả sử, bạn nhận được một đề tập làm văn như sau: "Hãy tưởng tượng bạn là một chiếc camera hành trình, đang ghi lại hình ảnh thành phố. Hãy kể lại...". Lúc này, bạn sẽ kể câu chuyện gì? Còn tôi, đây là câu chuyện mà tôi sẽ kể.

Tôi là một chiếc camera hành trình, được gắn trên lưng một chú chim bồ câu. Thành phố này vốn có những "sân chim" ngay giữa lòng đô thị, ví dụ như khu vực Nhà thờ Đức Bà - Bưu điện Trung tâm. Tại những không gian công cộng thoáng mở, thân thiện này, du khách thường ngẩn ngơ trước khoảnh khắc những đàn bồ câu đồng loạt tung cánh bay rợp trời xanh, như biểu tượng của một điểm đến hòa bình.

Hôm nay, chú chim bồ câu bạn tôi–người đồng hành–không nhẩn nha tắm nắng, thơ thẩn nhặt vụn bánh mì trên vỉa hè Công trường Công xã Paris như thường lệ. Chú sẽ mang theo chiếc camera nho nhỏ là tôi đây, cùng thực hiện "nhiệm vụ" thu trọn vào tầm mắt diện mạo sống động, toàn cảnh của thành phố thân yêu theo những đường chim bay (bird's-eye view).

Tôi thấy mình như được nhấc bổng lên. Đôi cánh bắt đầu sải rộng, rẽ gió lướt đi, đánh nhịp đều đặn giữa không trung, người bạn bồ câu bắt đầu di chuyển theo trục đường song song Đồng Khởi - Nguyễn Huệ, từ trụ sở Ủy ban nhân dân Thành phố, thẳng hướng Bến Bạch Đằng.

Thành phố dưới cánh chim - 1

Công viên Bến Bạch Đằng và những bến thuyền du lịch.

Trên suốt giang trình của mình, dòng sông Sài Gòn–mạch sống của vùng đất này–không ít lần uốn mình tạo nên những khúc quanh. Nhưng, duyên dáng nhất, có lẽ là đoạn chảy qua khu vực trung tâm thành phố, từ cầu Sài Gòn đến cầu Phú Mỹ.

Xuyên qua những tầng mây bồng bềnh nhìn xuống, khúc sông ấy hiện lên dáng hình chữ S độc đáo. Nhắc đến chữ S, thường vô thức, gợi chúng ta liên tưởng ngay đến bản đồ Việt Nam; đồng thời, cũng là chữ cái đầu tiên trong địa danh "Sài Gòn". Tôi đang ghi lại hình ảnh khúc sông hình chữ S ôm trọn bán đảo Thủ Thiêm phía bờ Đông, và đối diện bên kia, phía bờ Tây, là giới hạn phạm vi phường Sài Gòn "mới" của TP.HCM "mới" sau sắp xếp đơn vị hành chính và hợp nhất các địa phương.

Không quá lời khi gọi phường Sài Gòn là "phường di sản" của thành phố, bởi nơi đây tập trung mật độ cao hệ thống di tích, di sản qua nhiều thời kỳ, được xếp hạng ở những cấp độ khác nhau.

Nếu TP.HCM có bộ ADN làm nên bản sắc đô thị, như có nhà nghiên cứu đã tổng kết: đô thị sông nước và hướng biển, đô thị trung tâm kinh tế, dịch vụ, đô thị đa dạng văn hóa, đa dạng tộc người, đô thị quy hoạch hiện đại ngay từ khởi lập, thì phường Sài Gòn thể hiện rõ nét những ADN đặc trưng đó.

Chúng tôi đang bay qua Công trường Mê Linh ở phường Sài Gòn. Dưới cánh chim nhìn xuống, đó là vòng xoay giao lộ với những cánh cung rẻ quạt từ bảy ngã, sáu tuyến đường tụ lại, giữa có hồ nước hình bán nguyệt, trang trí các ô tiểu cảnh cây xanh nhỏ xinh. Tâm điểm vòng xoay là tượng Đức thánh Trần Hưng Đạo sừng sững, uy nghi tay chỉ xuống dòng sông trước mặt. Bao quanh vòng xoay là những cao ốc kiến trúc đa dạng, làm hậu cảnh. Tất cả tạo thành "cảnh quan di sản" độc nhất vô nhị của TP.HCM, không thể tìm thấy ở bất cứ đô thị nào khác trên thế giới.

Lượn xuống chầm chậm, người bạn chim hạ độ cao, đậu trên đốc kiếm của tượng vị danh tướng vĩ đại, anh hùng dân tộc. Ống kính của tôi nhanh chóng bắt trọn khung cảnh Bến tàu thủy Bạch Đằng tấp nập bên kia đường Tôn Đức Thắng, nơi đông du khách đang háo hức nối nhau xuống buýt sông, buýt hai tầng, cano để trải nghiệm du lịch đường thủy, khám phá thành phố từ trên mặt nước.

Thành phố dưới cánh chim - 2

Tượng Đức thánh Trần Hưng Đạo tại vòng xoay Công trường Mê Linh.

Chú bồ câu lúc này đang nghiêng cánh soi mình trên bề mặt những "bức tường gương" sáng loáng, ánh lên màu nắng, phản chiếu màu mây của Bitexco, để tôi ghi hình cận cảnh bãi đáp trực thăng tròn như mặt trăng, lơ lửng "gắn vào" từ tầng 52. Phía xa, có thể thấy, là Landmark 81 vươn cao.

Landmark 81 và Bitexco góp phần kiến tạo cảnh quan đường chân trời tuyệt đẹp của thành phố bên sông. Đài quan sát của hai công trình hiện đại bậc nhất này cũng là những địa điểm lý tưởng để ngắm nhìn thành phố từ góc nhìn thật khác. Landmark 81 như bó tre khổng lồ, hình khối cứng rắn, đường nét vững chãi. Bitexco như búp sen hé nở, hình khối mềm mại, đường nét uyển chuyển. Kiêu hãnh vươn mình bên sông Sài Gòn, không rõ vô tình hay hữu ý, cả hai lại tạo nên cặp đôi biểu tượng Tre - Sen trong thế đối lập nhị nguyên cân bằng âm - dương khá thú vị như vừa nói đến.

Không dòng sông nào chỉ duy nhất một bờ. Nếu như suốt hơn ba thế kỷ qua, biết bao sức người sức của đã dồn vào cho sự đi lên của "một nửa" bờ Tây thành phố, nơi những giá trị quý báu kết tinh từ thế kỷ 19-20 đến nay vẫn còn được gìn giữ và vun bồi, thì trong thế kỷ 21 này, trong kỷ nguyên vươn mình, các thế hệ người dân thành phố tiếp tục gửi gắm khát vọng, ước mơ phát triển bền vững cho "một nửa" còn lại ở bờ Đông. Có như thế, mới vẹn toàn.

Chúng tôi đang bay qua đỉnh trụ tháp hình vòm cao hơn 110m của cầu Ba Son, nghiêng cong về phía Thủ Thiêm. Hệ thống dây văng neo lấy trụ cầu đồng quy hướng thượng, từ từ tỏa rộng hạ phần, bất giác, trông như "cánh cổng tương lai" đang rộng mở. Rồi mai đây, bán đảo sẽ trở thành trung tâm tài chính quốc tế, đô thị thông minh khu vực, thành phố sáng tạo toàn cầu, tạo động lực phát triển mới cho một nơi đáng sống...

Thành phố dưới cánh chim - 3

Cầu Ba Son "biểu tượng" của TP.HCM.

Cánh chim câu nhỏ bé–bạn đồng hành của tôi đang lướt qua lá quốc kỳ tung bay no gió trên đỉnh Cột cờ Thủ Ngữ, nơi mỏm đất ngã ba sông Sài Gòn và rạch Bến Nghé. Cùng Bến Nhà Rồng, đó là chứng nhân của đô thị Sài Gòn buổi đầu với thương cảng quốc tế phồn thịnh. Trên màn hình camera tôi lúc này hiện lên hình ảnh cột cờ cao vút, kiến trúc chân đế hình bát giác thanh thoát xây dựng năm 1865, đến nay vừa tròn 160 năm, được "làm mới" với thảm cỏ xanh rì, từ trên nhìn xuống thấy rõ tạo hình một đóa sen.

Từ cờ đỏ sao vàng nơi Cột cờ Thủ Ngữ, mải miết theo 25 cây số đường chim bay, chúng tôi lướt qua lá quốc kỳ khác trên đỉnh Tháp cánh hoa dầu, cũng bên sông Sài Gòn. Công trình mô phỏng trái dầu đặc biệt này chỉ mới khánh thành gần một năm nay, trước thuộc tỉnh Bình Dương, nay là phường Thủ Dầu Một của TP.HCM mới.

Từ trên cao nhìn xuống, hai cánh hoa dầu xòe rộng chữ V, thắm màu nâu đỏ đẹp mắt. Người bạn bồ câu vỗ nhẹ cánh bay vòng quanh đỉnh tháp, để tôi thu lại hình ảnh mô phỏng tháp đồng hồ chợ Thủ Dầu Một, biểu tượng lâu đời vùng đất Thủ.

Những Lái Thiêu, Thuận An, Thủ Dầu Một, Bến Cát, Tân Uyên... ven sông Sài Gòn của Bình Dương trước, giờ thuộc địa phận hành chính TP.HCM, tiếp tục viết nên những chương mới trù phú cho xứ sở quê hương.

Chuỗi những địa điểm, công trình mang tính biểu tượng bên dòng sông di sản của TP.HCM hôm qua, hôm nay rộng mở hơn, in dấu ký ức quá khứ, hòa quyện tinh thần thời đại và gửi gắm khát vọng hướng về tương lai. Sông Sài Gòn đã và vẫn sẽ là một "trục di sản" giữ vai trò nối kết, phản ánh sinh động những biến thiên lịch sử, văn hóa, kinh tế, xã hội trong suốt quá trình hình thành và phát triển thành phố này.

Thành phố dưới cánh chim - 4

Cột cờ Thủ Ngữ vươn cao khí thế.

Từ sông ra biển, tôi lúc này đã thấy thấp thoáng màu xanh bạt ngàn của rừng ngập mặn Cần Giờ. Vậy là đã đến cuối hạ lưu sông Đồng Nai - Sài Gòn, một vùng cửa sông - vịnh biển kỳ thú của TP.HCM. Chú chim câu bạn tôi cất cánh cao hơn, mạnh mẽ rướn mình về phía trước, băng qua vịnh Gành Rái.

Nghe trong gió có vị mặn. Bán đảo Vũng Tàu ba mặt giáp Biển Đông–nay thuộc TP.HCM–hiện ra trước mắt. Những cao điểm Tương Phùng - Tao Kỳ, tức Núi Lớn - Núi Nhỏ nhấp nhô lượn sóng định nên hình thế vùng đất này. Những Nghinh Phong đón gió, Tầm Dương tìm ánh mặt trời, Thùy Vân áng mây buông xuống... vừa nghe đã thấy đầy sức gợi, chào mời du khách về đến miền biển đảo xanh trong, hào sảng và khoáng đạt.

TP.HCM mới sau hợp nhất Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu không chỉ nới rộng diện tích hơn gấp 3 lần, mà còn mở ra những chiều kích phát triển khác, xứng tầm một siêu đô thị của châu Á.

Chúng tôi, chiếc camera hành trình làm bạn đường với chú chim câu, tràn đầy phấn hứng bay qua những vùng đất vừa quen vừa lạ, vừa truyền thống vừa hiện đại của thành phố mới, say mê đặt tiêu cự ghi lại vẻ đẹp từ phố thị đến miệt vườn, làng biển ở những tầm cao.

SanDisk là thương hiệu Mỹ hàng đầu toàn cầu trong lĩnh vực giải pháp lưu trữ dữ liệu. Với hơn 30 năm kinh nghiệm, SanDisk mang đến các sản phẩm lưu trữ hiệu năng cao như thẻ nhớ, USB, ổ cứng SSD… được tin dùng bởi hàng triệu người dùng cá nhân, nhiếp ảnh gia, nhà làm phim và các chuyên gia sáng tạo trên toàn thế giới.

Dòng sản phẩm SanDisk Creator Series là lựa chọn lý tưởng dành cho các nhà sáng tạo nội dung và làm phim, kết hợp giữa tốc độ vượt trội, độ bền cao và thiết kế hiện đại, giúp bạn ghi lại mọi khoảnh khắc sáng tạo một cách mượt mà và đáng tin cậy.

Trân trọng cảm ơn thương hiệu SanDisk đã đồng hành cùng cuộc thi "Thành phố Hồ Chí Minh - Những điểm chạm tầm cao"!

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Phúc Thịnh

CLIP HOT