Sau 10 tháng ra mắt mô hình du lịch cộng đồng, ấp đảo Thiềng Liềng đã đón hơn 2.000 khách du lịch. Hình ảnh của ấp đảo nhỏ bé, xa xôi và cách biệt đã phủ sóng trên các kênh truyền thông trong và ngoài nước. Nhưng điều quan trọng hơn, du lịch đã thay đổi diện mạo của cộng đồng địa phương nơi đây theo hướng tích cực.
I.
“Mượn” du lịch để phát triển cộng đồng
Thưa ông, vì sao Thiềng Liềng - một ấp đảo xa xôi còn nhiều khó khăn về giao thông lại thích hợp để phát triển mô hình du lịch cộng đồng?
TS. Tạ Duy Linh: Luật Du lịch năm 2017 đã định nghĩa du lịch cộng đồng là loại hình du lịch được phát triển trên cơ sở các giá trị văn hóa của cộng đồng, do cộng đồng dân cư quản lý, tổ chức khai thác và hưởng lợi. Khi nói đến du lịch cộng đồng có nghĩa là “chạm” vào các giá trị văn hóa trong cuộc sống thường ngày của người dân, vì nguyên tắc của loại hình du lịch này là phải mang tính chân thật.
Tôi thường nói rằng, loại hình du lịch này là khi du khách tới được ăn cùng, ở cùng, làm việc cùng với người dân, tức là khách du lịch được “nhập thân” vào đời sống văn hóa hằng ngày của người dân.
Từ năm 2020, Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp cùng đơn vị tư vấn là Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế và Du lịch nhằm phát triển du lịch Thiềng Liềng gắn với hệ sinh thái tự nhiên và văn hóa địa phương, đồng thời, xây dựng mạng lưới kết nối để hình thành chuỗi cung ứng du lịch cộng đồng tại Thiềng Liềng. Ngày 28/12/2022, mô hình du lịch cộng đồng Thiềng Liềng chính thức ra mắt.
Vậy tại sao lại là Thiềng Liềng - ấp đảo xa xôi nhất TP.HCM và còn nhiều khó khăn về kinh tế, giao thông đi lại? Tôi cho rằng, những khó khăn này là cơ hội và ở đây, chúng ta sẽ bán sự “thiếu thốn” này cho khách du lịch. Ở một đô thị hiện đại, sầm uất như TP.HCM vẫn còn một góc nhỏ dân dã, thôn quê, đó là một điểm thu hút sự tò mò của du khách. Khi phát triển du lịch ở đây, chúng tôi bám theo các tiêu chí:
Thứ nhất, Thiềng Liềng là một trong những vùng đệm nằm ở phía Đông Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ. Nơi đây được cô lập bởi bốn bề là rừng ngập mặn, sông nước và có hệ tài nguyên thiên nhiên, sinh học đa dạng.
Thứ hai là về văn hóa, Thiềng Liềng chứa đựng nhiều giá trị đặc trưng về văn hóa hằng ngày và văn hóa sinh kế. Người dân tại đây phần lớn là diêm dân (chiếm 85%), hạt muối được kết tinh từ trong lao động với sự kiên nhẫn bền bỉ, sáng tạo và đầy bản lĩnh của nhiều thế hệ diêm dân ở nơi “đầu sóng ngọn gió”.
Tính chất của nguồn tài nguyên này là sự hội tụ rất lớn. Bà con sinh sống trên ấp đảo không chỉ là cư dân tại chỗ mà còn là sự hội tụ của các địa phương khác. Có người từ Bến Tre, từ Long An, từ Tiền Giang, gần đây có người đến từ các tỉnh phía Bắc quần cư trên đó, tạo ra bản sắc rất riêng. Điều này thể hiện được cấu trúc sinh thái nhân văn sinh động và “rất mở” của Thiềng Liềng nói riêng và Thành phố Hồ Chí Minh nói chung.
Thứ ba, nơi đây có nhiều sinh kế rất độc đáo như sinh kế giữ rừng, sinh kế nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản và đặc biệt là sinh kế muối. Đây là một sinh kế rất tự nhiên mà chúng ta không thể xây dựng một không gian giả tạo để trình diễn được, vì đó là những gì thuận tự nhiên, dựa vào tự nhiên mà có. Muối chỉ làm tháng nắng, trong khi đó, việc thực hành du lịch thì phải được triển khai quanh năm. Vì vậy, sinh kế du lịch góp phần gia tăng giá trị kinh tế, giải quyết việc làm mùa nông nhàn, cũng như đóng góp tích cực vào việc cố kết mang lưới cộng đồng. Đồng thời, trước tác động của biến đổi khí hậu, nghề làm muối gặp nhiều trở ngại, thách thức nhất định, vì phải phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết. Từ khi du lịch xuất hiện, du lịch đã trở thành phương tiện để giúp người dân có thêm điểm tựa kinh tế nhằm duy trì thu nhập trong việc cải thiện đời sống hộ gia đình.
Khi khai thác du lịch cộng đồng Thiềng Liềng, chúng tôi tận dụng tối đa nguồn lực sẵn có của người dân. Các bạn đến với Thiềng Liềng có thể thấy là không có sự đầu tư gì mang tính kiên cố, tất cả chỉ dựa vào lối sống, nếp sống, không gian sống của người dân, vì nó phù hợp để triển khai loại hình du lịch cộng đồng.
Cho đến thời điểm hiện tại, ông đánh giá như thế nào về hiệu quả của mô hình du lịch cộng đồng ở ấp Thiềng Liềng?
TS. Tạ Duy Linh: Đến thời điểm này, sau 10 tháng, số khách đến với Thiềng Liềng vào khoảng 2.000 người, đúng như dự báo của chúng tôi. Có thể so với các nơi khác thì con số này không đáng kể, nhưng đặt trong bối cảnh của Thiềng Liềng thì chúng tôi thấy phù hợp nhằm đảm bảo được sức tải, để phục vụ du khách tốt nhất có thể.
Tôi cho rằng đó là thành công bước đầu. Đây không phải là thành công về mặt số lượng mà là thành công về thương hiệu du lịch của Thành phố Hồ Chí Minh. Chỉ trong 10 tháng, hình ảnh của Thiềng Liềng đã phủ sóng trên các kênh truyền thông trong và ngoài nước.
Mới đây, có 2 tổ chức ở Singapore đã liên hệ với tôi để hỏi về Thiềng Liềng. Như vậy, ở góc độ nhận diện, rõ ràng chúng ta đã thành công về mặt lan tỏa hình ảnh, thương hiệu của du lịch Thiềng Liềng nói riêng và Thành phố nói chung.
Điều quan trọng hơn, đời sống của bà con đã thay đổi một cách tích cực. Họ cảm thấy yêu vùng đất, yêu con người hơn. Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh rằng, việc thực hành du lịch cộng đồng là chúng ta mượn du lịch để phát triển cộng đồng, từ đó, giúp người dân nâng cao nhận thức, năng lực và nghiệp vụ chuyên môn, tôi hay nói với bà con rằng “khi giá trị bản thân của mỗi người càng tăng, cuộc sống gia đình của cô bác càng chất lượng”; và như vậy thì bà con tiệm cận với chất lượng cuộc sống mỹ mãn và vui tươi hơn từ việc tham gia du lịch. Mục tiêu lớn nhất của du lịch cộng đồng là hướng tới phát triển cộng đồng địa phương, tức là phát triển toàn diện chứ không chỉ là phát triển kinh tế, mà đầu tiên chính là phát triển con người - tôi xin nhấn mạnh điều này.
Chúng ta thấy những người dân ở đây đẹp lên, nhà cửa gọn gàng và đẹp hơn trước rất nhiều. Người ta ứng xử văn minh hơn, lịch sự hơn, ý thức được chuyện sắp xếp, dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa.
Bên cạnh đó, các giá trị văn hóa tinh thần cộng đồng nơi đây như đờn ca tài tử, tín ngưỡng thờ Bà Ngũ Hành, nghề làm muối truyền thống cũng được bảo tồn và phát huy. Du lịch cũng giúp bà con thêm tự hào về quê hương xứ sở và tăng cường sự gắn kết trong cộng đồng.
Cùng với đó là ý thức bảo vệ môi trường cũng được nâng cao. Người dân quý trọng cây xanh, tìm cách tăng mảng xanh, việc xả rác bừa bãi là không còn như trước, vì đây là nơi diễn ra các hoạt động du lịch. Tôi cho đó là những thành công bước đầu về ý thức bảo vệ môi trường.
Số lượng khách đến Thiềng Liềng trong 10 tháng thực sự chưa nhiều, người dân làm du lịch ở đây cũng kỳ vọng sẽ đón được nhiều khách hơn. Tuy nhiên, việc đi lại khó khăn có phải là điều cản trở lượng du khách đến Thiềng Liềng?
TS. Tạ Duy Linh: Thiềng Liềng nằm trên một ốc đảo, do vậy nơi đây gặp rất nhiều khó khăn về phương tiện di chuyển. Du khách đến đây bằng tàu dân sinh, vỏ lãi, ca-nô, chi phí cũng khá cao. Chưa kể khi di chuyển trên sông có thể xảy ra các rủi ro về con người, tài sản.
Kỳ vọng của người dân cũng là kỳ vọng của Sở Du lịch Thành phố, của chính quyền địa phương, trong đó có đơn vị tư vấn chúng tôi, nhưng chúng ta cần dựa vào năng lực để cung ứng sản phẩm cho phù hợp. Hiện tại, Sở Du lịch và các đơn vị cũng đánh giá, bước đầu du lịch ở Thiềng Liềng như vậy là đã thành công. Trong tương lai, chúng ta sẽ có nhiều cách thức khác nhau để khách du lịch tiếp cận được nơi này một cách thuận lợi, an toàn hơn.
Tuy vậy, theo tôi, những khó khăn này cũng là cách để chúng ta cho du khách thấy được giá trị riêng có của Thiềng Liềng, vì nếu tiếp cận nơi này dễ dàng quá thì lại “bạo phát, bạo tàn”.
Tôi vẫn bảo lưu quan điểm rằng chúng ta cần giữ tình trạng hiện tại, vì rõ ràng lượng khách đến nơi đây đang phù hợp với sức tải, khả năng phục vụ của địa phương.
Hãy tưởng tượng mà xem, nếu lượng khách đến đây tăng vọt, khoảng từ 300 đến 400 lượt khách mỗi ngày, khi ấy chúng ta cần phải nâng cao năng lực nhanh chóng, và từ đó mọi thứ sẽ mang tính chất đối phó, không phản ánh được tính chân thật của sản phẩm du lịch cộng đồng, hoặc thậm chí phải đi thu mua, gom hàng từ nơi khác về chỉ để phục vụ du khách…
Chúng ta cần làm du lịch là làm sao đón khách như đón người thân trở về, giúp cho kết nối giữa thành thị - nông thôn thêm gắn bó và chia sẻ những không gian hoài niệm của vùng nông thôn đến du khách. Bà con mong muốn được tiếp nhiều khách du lịch hơn, nhưng so với bối cảnh hiện nay thì tôi thấy như vậy là vừa đủ để bà con cảm thấy hài lòng. Yếu tố sức tải rất quan trọng vì bản thân du lịch cộng đồng là muốn được "nhập thân" văn hóa với cộng đồng dân cư chứ không phải đến đó để tham gia các hoạt động vui chơi giải trí, có như vậy mới tạo ra được giá trị, giúp người dân và khách du lịch có sự tương tác thân mật.
Mặc dù sinh kế du lịch chỉ là sinh kế cộng thêm, tuy nhiên, nếu người dân tại đây thấy tiềm năng của sinh kế này và muốn chuyển hoàn toàn sang chỉ làm du lịch thì sẽ như thế nào, thưa ông?
TS. Tạ Duy Linh: Thực tế là con người chúng ta rất dễ so sánh, khi có cái mới thì ta sẽ so sánh với cái cũ. Người dân ở Thiềng Liềng đã được đi xem các mô hình du lịch cộng đồng ở Trà Vinh, họ thấy du khách đến đây rất đông và họ kỳ vọng du khách đến địa phương của mình cũng được đông như vậy. Tuy vậy, bối cảnh của Trà Vinh và Thiềng Liềng là khác nhau.
Ở Trà Vinh, chúng tôi đã có tiến trình xây dựng 5 năm, hiện tại đã bước sang năm thứ 6. Nơi đây được đánh giá là một trong các điểm du lịch cộng đồng đặc sắc của Việt Nam. Trong khi đó, Thiềng Liềng là điểm du lịch vừa được khai trương vào tháng 12/2022, tức là tính đến nay chỉ mới khoảng 10 tháng.
Ta biết rằng, phát triển du lịch bền vững không thể thu hút khách đông ngay trong khoảng thời gian ngắn như vậy, mà chúng ta cần có khách đến, khách ở với chúng ta và chúng ta phục vụ khách trong một chừng mực chất lượng cao nhất có thể. Tức là, nếu khách cứ liên tục đến với Thiềng Liềng thì bà con sẽ bỏ quên những sinh kế chính, sẽ tập trung phát triển du lịch và rồi sẽ có những khu du lịch tự phát xuất hiện, chúng ta sẽ không kiểm soát được chất lượng, dẫn tới sự cạnh tranh không lành mạnh, đe dọa tính gắn kết vốn có của một cộng đồng.
Ở đây, chúng tôi hay ví von rằng, du lịch giống như một sân chơi của bà con, hết chơi thì mình lại về làm muối, nhưng mà cuộc chơi cũng phải chất lượng. Chúng tôi luôn tìm cách để bà con nhận thức rằng, du lịch ở đây chỉ là sinh kế cộng thêm, không có du lịch bà con vẫn sống ổn, có du lịch thì đời sống của bà con tốt hơn, vui hơn.
II.
Tôn trọng tự nhiên, giữ bản sắc văn hóa
Mô hình du lịch cộng đồng Thiềng Liềng đã kết thúc giai đoạn 1 và bước sang giai đoạn 2. Trong giai đoạn tiếp theo, dự kiến Thiềng Liềng sẽ có thêm những sản phẩm mới nào để thu hút du khách, thưa ông?
TS. Tạ Duy Linh: Trong giai đoạn thứ hai, chúng tôi có gợi ý chương trình trải nghiệm cho du khách ở lại những ngôi nhà của các hộ dân giữ rừng. Họ là những người ở sâu trong rừng, họ sống và giữ rừng, đảm bảo cây rừng không bị chặt phá để bảo vệ lá phổi xanh cho thành phố.
Cộng đồng nhỏ này sống gần gũi với nhau không có điện, không có đường đi, họ sống với nhau khoảng 7, 8 hộ ở đó trong điều kiện thiếu thốn đủ thứ. Nếu chúng ta biết sắp xếp và tổ chức, thì đó sẽ là những trải nghiệm “chưa từng có” hay nói cách khách “trải nghiệm đáng nhớ” cho du khách.
Ngoài ra, trong giai đoạn này, chúng tôi đề xuất Sở Du lịch Thành phố khai thác thêm các trải nghiệm về sinh kế đánh bắt thủy hải sản, sinh kế thu gom và buôn bán thủy hải sản, để tạo nên sự phong phú cho du lịch của Thiềng Liềng.
Hiện tại, chúng tôi vẫn tiếp tục làm việc với bà con để nâng cấp hình ảnh, thương hiệu của Thiềng Liềng. Chúng tôi tập huấn cho bà con, mà tập huấn ở đây chỉ đơn giản là chúng tôi cùng nấu ăn rồi nói chuyện với họ, chứ không phải kéo nhau lên hội trường rồi diễn thuyết, người dân họ không hiểu ngay được. Vì vậy, phương án của chúng tôi đó là “cầm tay chỉ việc” chỉ chừng nào quen thì thôi. Do vậy, các công việc cần có sự nỗ lực, các bên cùng chung tay, phát triển để phù hợp với từng hộ gia đình.
Triết lý cốt lõi khi triển khai giai đoạn 2 gắn với mục tiêu phát triển du lịch cộng đồng tại Thiền Liềng là sự chuyển tải thông điệp thích ứng với tự nhiên và vượt ngưỡng sinh tồn của người dân ấp đảo Thiềng Liềng. Chúng tôi sẽ nhấn mạnh các câu chuyện liên quan đến “hành trình đến trường”, “hành trình lập nghiệp”, “hành trình chữa lành”, “hành trình hội tụ” và “hành trình bảo tồn”.
Việc phát triển du lịch liệu có làm ảnh hưởng tới môi trường sinh thái của Thiềng Liềng hay không?
TS. Tạ Duy Linh: Chúng tôi đã có sự tính toán. Các hoạt động và các sản phẩm du lịch tại đây được chúng tôi phát triển trên tiêu chí là tôn trọng tự nhiên, chúng tôi và bà con tại đó nói không với chất thải nhựa, mà chính bà con cũng ý thức được về vấn đề môi trường.
Bên cạnh đó, chúng tôi tạo thêm điểm nhấn, trải nghiệm dựa trên những gì đã có sẵn, chứ không hô hào đầu tư để xây dựng thêm. Đối với những trải nghiệm tự nhiên, như trekking hay hiking (đi bộ đường dài) đường rừng, chúng tôi cũng đã có khảo sát để hạn chế tối đa việc tác động đến môi trường, cảnh quan tự nhiên.
Ngoài Thiềng Liềng ra thì ông thấy địa phương nào khác tại TP.HCM cũng phù hợp để phát triển du lịch cộng đồng?
TS. Tạ Duy Linh: Chúng ta có thể thấy định hướng phát triển du lịch của Chính phủ là gắn liền với nông thôn mới, sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm). TP.HCM hiện có nhiều sản phẩm OCOP, gắn liền với nông nghiệp và nông thôn, do vậy tôi thấy các vùng ngoại thành, các hướng Hóc Môn hay Củ Chi, Bình Chánh là nơi chúng ta có thể khai thác phát triển du lịch theo loại hình du lịch nông nghiệp - nông thôn. Chẳng hạn 18 thôn Vườn Trầu cũng đã đủ câu chuyện du lịch rồi, đây cũng là một chỉ dẫn địa lý nổi tiếng và thuận lợi để làm du lịch.
Hướng tiếp theo mà chúng tôi đề xuất, chính là phát triển Hóc Môn, Củ Chi và Bình Chánh. Đơn cử, khi đến TP.HCM, du khách sẽ có ưu tiên lựa chọn tham quan địa đạo Củ Chi, vì vậy việc nối các tuyến điểm này hứa hẹn sẽ tạo ra những sản phẩm du lịch hấp dẫn. Khách đến đây mà chỉ xem không gian về lịch sử thôi thì chưa “đã”, mà cần đụng chạm nhiều hơn vào đời sống của người dân địa phương.
Ngoài ra, việc phát triển các sản phẩm OCOP gắn với du lịch cộng đồng là một hướng đi rất hợp lý. Khi tham gia tư vấn cho Sở Du lịch TP.HCM, chúng tôi cũng xác định mục tiêu đưa mô hình du lịch cộng đồng Thiềng Liềng trở thành sản phẩm OCOP du lịch. Hiện mô hình đã đạt hơn một nửa các tiêu chí và trong năm tới sẽ làm hồ sơ để được công nhận là sản phẩm OCOP du lịch của TP.HCM.
Trân trọng cảm ơn ông!