Khách Việt chê tour châu Âu ôm đồm, ít trải nghiệm
Chia sẻ với Zing, một độc giả nêu quan điểm về sự bất hợp lý trong việc xây dựng các tour liên tuyến đi châu Âu.
"Điểm trừ của các tour châu Âu là đi quá nhiều quốc gia, chỉ riêng thời gian ngồi xe đã chiếm khá nhiều thời lượng. Do vậy, các công ty lữ hành khi thiết kế tour chỉ nên đi 2 quốc gia đối với những nước có diện tích đáng kể (từ 90.000 km2). Tour đi nhiều nước chỉ nên áp dụng cho các quốc gia có diện tích nhỏ", độc giả Đức chia sẻ với Zing.
Ý kiến này nhận được sự tán đồng từ độc giả Hugo Moment. Người này cho biết chỉ những ai đi rồi mới hiểu bất cập trong việc làm tour châu Âu liên tuyến. Với những người chưa đi, mọi người có xu hướng thấy càng nhiều điểm càng thích. Tuy nhiên, khi đi rồi sẽ thấy tham quan chẳng được gì mà có thể còn hại sức khỏe.
Phóng viên đã trao đổi với một số công ty lữ hành lớn về vấn đề này. Đa số cho rằng có thể các độc giả đã hiểu sai về bản chất của 2 dòng sản phẩm tour châu Âu chính. Do đó, họ đã có những trải nghiệm chưa tốt.
Đi châu Âu có như "chạy show"?
Theo các công ty lữ hành giải thích, lịch trình tour châu Âu nghe thì nhiều nước nhưng thời gian di chuyển ngắn.
Ví dụ, tour phổ biến có thể kể đến như Đức - Pháp - Bỉ - Hà Lan. Thời gian từ Paris (Pháp) đến Brussels (Bỉ) cũng chỉ mất khoảng 2 giờ chạy xe. Ngoài ra, các quốc gia cũng tương đối gần nhau, đường thông suốt nên di chuyển khá dễ dàng.
"Du lịch châu Âu cứ tưởng tượng mỗi quốc gia như một tỉnh của mình, gần nhau lắm. Nếu lịch trình phải đi xa, công ty chắc chắn sẽ bố trí di chuyển bằng máy bay hoặc tàu cao tốc", ông Nguyễn Công Hoan, CEO Flamingo Redtours, chia sẻ.
Khách đi tour châu Âu thường thích đi nhiều nước mỗi lần để bù đắp chi phí, thời gian bỏ ra. Nhóm khách muốn đi sâu trải nghiệm cũng có nhưng lượng đặt khiêm tốn. Ảnh: TST tourist.
Thông thường, tour châu Âu sẽ có 3 giai đoạn cho mỗi khách. Giai đoạn đầu, khách muốn có cái nhìn tổng thể về châu Âu sẽ chọn các tour Tây Âu, Nam Âu, Bắc Âu... Hành trình tour này dài, trung bình 5 nước. Giai đoạn 2, khách muốn tìm hiểu kỹ hơn về các quốc gia là trung tâm văn hóa, lịch sử của vùng. Nhóm khách này chọn hành trình 2-3 nước. Cuối cùng là nhóm khách muốn trải nghiệm sâu giá trị từng quốc gia. Nhóm này chọn đi một nước hoặc vài điểm cụ thể.
Các công ty đa số đều có các tour liên tuyến từ 3 quốc gia hoặc các tour ngắn (dưới 2 quốc gia) cho từng nhóm khách. Tuy nhiên, trả lời Zing, đại diện Flamingo Redtours cho biết lượng tour cho nhóm cuối cùng sẽ khá ít so với 2 nhóm còn lại. Đa số khách đi vẫn muốn trải nghiệm nhiều, du lịch bõ thời gian bay, chi phí...
Bản thân các công ty lữ hành khi thiết kế tour cũng muốn du khách được trải nghiệm đầy đủ giá trị điểm đến.
Ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc Truyền thông TST tourist, chia sẻ: "Chúng tôi đặt mục tiêu du khách được tận hưởng hết những tiện ích đã trả phí, không lãng phí cơ hội tham quan. Chúng tôi cũng có những tour xây dựng theo yêu cầu của khách hàng nhưng vẫn phải đảm bảo tiện ích tối thiểu theo tiêu chuẩn sẵn có.
Một tour châu Âu phải có chất lượng châu Âu. Tức là bạn phải sử dụng dịch vụ đặc trưng và chất lượng, tận hưởng những giá trị cuộc sống của người dân châu Âu. Qua đó có thể cảm nhận về các giá trị đã được sản sinh nên từ bề dày văn minh và văn hoá đặc trưng của khu vực".
Theo khảo sát của phóng viên, các tour châu Âu cơ bản như Đức - Pháp - Bỉ - Hà Lan sẽ kéo dài khoảng 9 ngày 8 đêm. Trong 2 ngày đầu khi tới Pháp, du khách chủ yếu chỉ đi tham quan quanh Paris với khoảng 3-4 điểm đến/ngày. Những nước sau đó cũng tương tự. Trong khi đó, diện tích các thành phố trong tour cũng không quá lớn nên việc đi lại khá dễ dàng.
Đi châu Âu lúc này?
Dù câu chuyện mở cửa du lịch được nói đến nhiều, các công ty du lịch vẫn chỉ đang từng bước hoàn thiện bộ sản phẩm tour châu Âu.
Theo các công ty, bộ sản phẩm gần như họ đã làm xong và đang chờ cập nhật giá. Tuy nhiên, đưa ra giá sao cho hợp lý vẫn đang là vấn đề. Lúc này, hàng không chưa có lịch bay ổn định như trước.
Mặt khác, phía hàng không trước kia vẫn đưa ra biểu giá đoàn cho các công ty lữ hành. Hiện nay, nhiều hãng lữ hành xác nhận chưa nhận được chính sách giá tour để hoàn chỉnh bộ sản phẩm. Nếu mua được vé đoàn kiểu này, các hãng sẽ chưa cần chốt thông tin khách hàng ngay lập tức như mua vé lẻ.
Ngoài vấn đề giá vé, việc chính sách mỗi nước khác nhau thời điểm này cũng khiến họ gặp khó khi xây dựng tour liên tuyến nhiều quốc gia ở châu Âu.
Câu chuyện visa cũng khiến nhiều công ty đau đầu. Trả lời Zing, nhiều công ty lữ hành cho biết các quốc gia châu Âu chưa thực sự cởi mở với khách sử dụng visa du lịch. Ví dụ, Pháp là nước hiện được đánh giá thoáng nhất cũng chỉ chấp nhận visa du lịch multi (ra, vào nhiều lần). Hay Hà Lan cũng chưa cấp visa rộng rãi cho khách du lịch.
"Nhìn chung, mình muốn làm nhưng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố", ông Hoan cho biết.
Khách Trung Quốc chưa trở lại khiến những chuỗi dịch vụ phục vụ người châu Á ở châu Âu cũng gián đoạn. Ảnh: Jing Culture.
Chia sẻ với phóng viên, bà H., đại diện một công ty lữ hành có trụ sở tại Hà Nội, nhấn mạnh tour châu Âu còn tồn đọng nhiều vấn đề. Có một vấn đề khá nhạy cảm nhưng nhiều người ngại nói đó là khách Trung Quốc.
Theo bà H., Trung Quốc là đất nước có thị trường khách outbound lớn nhất thế giới với sức chi cũng tương đối cao. Hệ thống dịch vụ phục vụ khách Việt Nam nói riêng hay châu Á nói chung khi tới châu Âu chủ yếu theo hệ thống phục vụ khách Trung Quốc.
"Các công ty đối tác bên nước ngoài đón khách Việt cũng sẽ đón những khách châu Á khác. Trong số đó, thị trường Trung Quốc là lớn nhất. Tuy nhiên, Trung Quốc giờ vẫn chưa cho phép dân đi du lịch. Vì thế, dịch vụ để phục vụ nhóm khách chính này cũng chưa sẵn sàng.
Số lượng khách các nước châu Á khác không thấm vào đâu so với khách Trung Quốc. Đây là thực tế ít ai nói ra", bà H. cho biết.
Mới đây, nhiều thành viên đã chia sẻ lên trang mạng xã hội chuyên về du lịch Bored Panda những điểm đến ở châu Âu mà...