Khách tăng, chi tiêu giảm: Du lịch Việt “gỡ khó” ra sao?

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Chỉ trong 6 ngày nghỉ Tết Quý Mão, toàn quốc ước phục vụ 9 triệu lượt du khách. Khách tăng nhưng chi lại giảm. Vậy đâu là nguyên nhân cho sự sụt giảm này? Làm gì để kích cầu, thúc đẩy người dân mạnh tay chi tiêu khi đi du lịch?

Theo báo cáo nhanh từ Tổng cục Du lịch, trong 6 ngày nghỉ Tết Quý Mão 2023, toàn quốc ước phục vụ 9 triệu lượt khách nội địa, tăng 47,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, tổng thu từ khách du lịch chỉ đạt khoảng 17,5 nghìn tỷ đồng, giảm 30% so với cùng kỳ. Sức mua của du khách giảm, khách cũng hạn chế chi tiêu hơn khi sử dụng các dịch vụ du lịch trung và cao cấp, cho dù các lễ hội văn hoá, du lịch tâm linh đã được khôi phục lại, nhu cầu của du khách cũng được đánh giá là tăng cao.

Theo ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Chủ tịch CLB Du lịch Thủ đô, Giám đốc Công ty du lịch AZA thì nguyên nhân là do khách đi du lịch đầu năm chủ yếu là đi lễ, tham quan trong ngày cho nên dù khách đông nhưng lượng lưu trú lại giảm mạnh. Công suất phòng trung bình cả nước chỉ khoảng 40-45%. Mặt khác do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu và biến động kinh tế - xã hội trong nước nên sức mua của du khách giảm, khách hạn chế chi tiêu hơn khi sử dụng các dịch vụ du lịch trung và cao cấp. Ngoài ra thì dịp Tết năm nay, nhiều du khách đã chọn đi du lịch nước ngoài.

Khách tăng, chi tiêu giảm: Du lịch Việt “gỡ khó” ra sao? - 1

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Chủ tịch CLB Du lịch Thủ đô, Giám đốc Công ty Du lịch AZA

“Du khách cần những dịch vụ mới lạ, cao cấp hoặc là những dịch vụ khiến cho người ta hài lòng. Thế nên vào dịp Tết nhiều người ngại đi du lịch khi mà hầu hết các cửa hàng, dịch vụ đóng cửa, ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ. Ngoài ra thì trong những năm dịch Covid-19 du lịch nội địa của Việt Nam cũng bị ảnh hưởng nhiều về chất lượng, chưa đáp ứng được nhu cầu du khách nên du khách cũng ngại rút hầu bao chi tiêu cho du lịch”, ông Nguyễn Tiến Đạt lưu ý thêm.

Có thể nói Việt Nam một trong những quốc gia đi đầu trong khu vực mở cửa trở lại sau ảnh hưởng của dịch Covid-19, du lịch Việt đã dần khôi phục sau thời gian đóng băng bởi dịch bệnh. Và thực tế cho thấy du lịch đã cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ, tuy nhiên, động lực tăng trưởng chính vẫn nằm ở thị trường trong nước và du lịch nội địa vẫn là thị trường kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng. Điều quan trọng nhất là phải tạo ra được các sản phẩm du lịch thu hút du khách.

Ông Nguyễn Tiến Đạt cho rằng, dịch Covid-19 khiến cho du lịch giống như một bàn cờ đã bị xoá đi và bây giờ phải chơi lại. "Thế thì cũng cần định vị lại, nếu như trước dịch chúng ta hay chạy theo số lượng thì sau dịch là cơ hội để chúng ta xây dựng lại chiến lược du lịch, tập trung xây dựng vào chất lượng, khách ít hơn nhưng có độ chi tiêu cao và quan trọng là tạo ra doanh thu cho du lịch lớn cũng như tính bền vững cho du lịch. Những sản phẩm như là du lịch nghỉ dưỡng, du lịch văn hoá, du lịch trải nghiệm... là những sản phẩm phù hợp với du khách".

Thực tế hiện nay không ít các sản phẩm du lịch đã đáp ứng được du khách. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có những sản phẩm manh mún, nhỏ lẻ. Chính vì thế, các địa phương cũng cần phải nghiên cứu vào các tài nguyên du lịch sẵn có như là về yếu tố vật thể hay phi vật thể từ đó sáng tạo nên những sản phẩm phù hợp với du khách, theo xu hướng của du khách.

Tuy nhiên cũng phải lưu ý đến tính triển khai và một yếu tố quan trọng nữa là có sản phẩm hay, mới lạ nhưng cũng phải có sự truyền thông tốt và một yếu tố vô cùng quan trọng đó là cơ sở vật chất hạ tầng. Thực tế hiện nay ở nhiều điểm du lịch khi mà du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng thì các dịch vụ còn khá là nghèo nàn, nhiều khi du khách có muốn tiêu tiền cũng không có chỗ để mà tiêu. Theo ông Nguyễn Tiến Đạt thì minh chứng rõ ràng nhất là Hội An, trước kia Hội An chỉ là "nàng công chúa ngủ trong rừng" nhưng nhờ công tác bảo tồn tốt cộng với việc biết tận dụng các thế mạnh của địa phương để xây dựng, nâng cao dịch vụ thì hiện nay Hội An đã trở thành điểm đến hàng đầu của khách quốc tế khi đến Việt Nam. Điều đó cho thấy ở những điểm đến khác có thể cũng là những “nàng công chúa ngủ trong rừng” nhưng vấn đề là khai thác cũng như là bảo tồn như thế nào để phát huy thành nhiều Hội An khác.

Khách tăng, chi tiêu giảm: Du lịch Việt “gỡ khó” ra sao? - 2

Cần phải đầu tư xây dựng đa dạng các dịch vụ vui chơi giải trí hấp dẫn để người dân trải nghiệm

Có thể thấy, sự phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022 là cột mốc đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong phát triển du lịch của Việt Nam nói chung. Năm 2023, Du lịch Việt Nam đề ra mục tiêu đón 110 triệu lượt khách du lịch, trong đó khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế, tổng thu từ khách du lịch khoảng 650.000 tỉ đồng. Để đạt được mục tiêu này thì ông Nguyễn Tiến Đạt cho rằng du lịch Việt cần phải có một chiến lược tổng thể. Đầu tiên là khôi phục lại ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng sau dịch Covid-19, thứ hai là cũng phải có chiến lược quốc gia để thu hút khách quốc tế đến Việt Nam. "Để làm được điều này thì cần sự vào cuộc của các cấp chính quyền cần có những chính sách tạo điều kiện cho du lịch phát triển. Ngoài ra cần đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá và liên minh liên kết giữa các địa phương và các doanh nghiệp du lịch để đẩy mạnh hơn nữa các thế mạnh của tiềm năng và sức mạnh của du lịch Việt Nam".

Việt Nam rất có lợi thế về phong cảnh thiên nhiên, nhưng với cách làm du lịch chưa chuyên nghiệp, dịch vụ giải trí kém hấp dẫn, các điểm mua sắm vẫn để hàng kém chất lượng trà trộn cộng với thói quen “chặt chém” du khách khiến du khách không mạnh tay chi tiêu. Chính vì thế, cùng với các sản phẩm du lịch hấp dẫn, dịch vụ nâng cao, vui chơi giải trí mở rộng… thì cần phải hình thành các trung tâm mua sắm du lịch. Đây chính là những bước đi khởi đầu để du lịch nước ta đạt được mục tiêu đề ra trong năm nay đạt tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 650.000 tỉ đồng.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Ngọc Hà (Báo VOV)

CLIP HOT

'Chuẩn nghèo' của bà nội gây 'bão' mạng
'Chuẩn nghèo' của bà nội gây 'bão' mạng

Cư dân mạng đang truyền tay nhau đoạn clip ghi lại cảnh người cháu đưa tiền bà nội, nhưng bà nhất quyết không nhận vì cho rằng cháu "còn nghèo", mà theo định nghĩa của bà: "còn nghèo" là ... chưa vợ!