Hậu COVID-19: Phát triển bền vững du lịch MICE cách nào?
Du lịch MICE được đánh giá là sản phẩm mang lại nguồn lợi lớn cho Việt Nam và nhiều quốc gia, nhưng COVID đã tàn phá nền kinh tế xanh không thương tiếc. Trong bối cảnh đó, MICE sẽ phục hồi cách nào?
(Ảnh minh họa: Huy Hoàng/Vietnam+)
Dẫu cuộc chiến với COVID-19 chưa biết khi nào sẽ kết thúc, nền kinh tế xanh trở nên mong manh hơn bao giờ hết và đã chuyển màu xám xịt, ngành du lịch vẫn cần hoạch định cho mình một lộ trình để phục hồi và phát triển trong tương lai.
Không chỉ là câu chuyện về tấm thẻ thông hành xanh (hộ chiếu vaccine), xây dựng thương hiệu du lịch quốc gia, xác lập sản phẩm du lịch cốt lõi hay chiến lược phù hợp trong bối cảnh mới… mà cần xác định được thế mạnh để phát huy – thế mạnh có thể giúp những người làm nghề thu được nhiều ngoại tệ, sớm lấy lại “quá khứ huy hoàng.”
Vậy sản phẩm nào là một trong những nguồn lợi đáng kể nhất của các quốc gia, đặc biệt các nước phát triển? Câu trả lời đó chính là du lịch MICE - “vùng đất hứa” đầy hấp dẫn.
“Vùng đất hứa” tiềm năng
Những năm qua, nhiều quốc gia trên thế giới thu hút du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, khen thưởng, triển lãm) không chỉ nhờ vẻ đẹp cảnh quan mà còn bởi sự thuận tiện, sản phẩm đa dạng, dịch vụ phong phú…
Du lịch toàn cầu dự báo đến năm 2025, riêng ngành công nghiệp du lịch MICE sẽ thu được trên 1.400 tỷ USD, trong đó tập trung vào hai “điểm sáng” là châu Âu và châu Á-Thái Bình Dương.
Khách MICE tham quan di tích ở Ninh Bình trước thời điểm đại dịch bùng phát. (Ảnh minh họa: Mai Mai/Vietnam+)
Đặc biệt, ngay trước khi dịch bệnh bùng phát, Việt Nam nổi lên là điểm đến du lịch MICE hàng đầu khu vực. Theo tính toán của những người làm nghề, lượng khách MICE ở các công ty lữ hành trung bình 15-20%, thậm chí ở các đơn vị lớn những tháng cao điểm có thể cán mốc 60%.
Điều đáng nói, khách MICE châu Âu chiếm khoảng 20%, được xác định là dòng khách cao cấp, có mức chi tiêu 700-1.000 USD/ngày, trong khi đó khách châu Á chi tiêu hơn 400 USD/ngày.
Với mức chi tiêu này, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch), ông Nguyễn Tuấn Anh đánh giá doanh thu từ loại hình du lịch MICE có giá trị cao gấp 6 lần các loại hình du lịch khác, thời gian lưu trú của khách MICE cũng dài gấp 3-4 lần khách du lịch thông thường.
Có thể thấy, MICE là dòng khách chất lượng cao giàu tiềm năng cho du lịch nước nhà tập trung khai thác thời gian tới, khi dịch bệnh được kiểm soát – giai đoạn được đánh giá sẽ bùng nổ về du lịch, đặc biệt là MICE - loại hình du lịch kết hợp hữu hiệu giữa công vụ và nhu cầu xê dịch đang như chiếc lò xo bị nén lâu ngày.
Tiềm năng đó hoàn toàn có cơ sở khai thác mạnh bởi Việt Nam đã có kinh nghiệm tổ chức hàng loạt các sự kiện quốc tế lớn trước đây như: Hội nghị Thượng đỉnh các nước nói tiếng Pháp, Hội nghị Thượng đỉnh các nước ASEAN, Hội nghị ASEM 5, Hội nghị APEC, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều… tổ chức ở Thủ đô và Hà Nội được đánh giá là thành phố hàng đầu Việt Nam cho phát triển du lịch MICE, thể thao.
Đà Nẵng cũng là trung tâm du lịch lớn hấp dẫn khách nghỉ dưỡng. Trong khi, Cần Thơ đã sớm định vị sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch MICE, ẩm thực, văn hóa-lịch sử. Còn Kiên Giang cũng sớm xây dựng cho mình loạt sản phẩm đặc thù như du lịch nghỉ dưỡng biển đảo cao cấp, du lịch hội nghị cao cấp, tham quan công viên động vật hoang dã…
Đoàn khách tại tượng đài mẹ Suốt, Quảng Bình trước thời điểm dịch bùng phát. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 bất ngờ ập đến trong hai năm qua khiến các chuyên gia lĩnh vực này cũng như các nhà tổ chức sự kiện buộc phải thay đổi tư duy về sản phẩm và quá trình vận hành trong tương lai.
Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Singapore, ông Keith Tan nhận định đại dịch đã buộc ngành tổ chức sự kiện kinh doanh phải đổi mới và ứng biến linh hoạt. Hành trình chuyển đổi này không phải là một chặng đua nước rút, mà là đường đua marathon bền bỉ ngay cả khi đại dịch kết thúc.
Làm gì ở chặng đường mới?
Theo kết quả khảo sát Các chỉ số phục hồi sau COVID-19 của Hiệp hội Các nhà tổ chức sự kiện chuyên nghiệp (PCMA), mức độ sẵn sàng đi du lịch vẫn còn ghi nhận các ý kiến trái chiều. Song, 25% các doanh nghiệp tổ chức sự kiện và 31% các nhà cung cấp dịch vụ cho biết không ngại di chuyển đến bất cứ đâu nếu các sự kiện thật sự quan trọng và phù hợp.
Trong khi đó, chỉ số khu vực châu Á-Thái Bình Dương của PCMA cho thấy 38% các nhà tổ chức sự kiện có kế hoạch phát sóng trực tuyến các sự kiện offline đến các đối tượng tham dự online, nhiều hơn đáng kể so với các nhà tổ chức sự kiện tại Bắc Mỹ (17%).
Đặc biệt, tới gần 80% các nhà tổ chức từ khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam dự tính sẽ cho phép khán giả online tương tác với sự kiện offline (con số này tại Bắc Mỹ là 27%).
Du khách chinh phục đỉnh Fansipan. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)
Như vậy có thể thấy, du lịch MICE vẫn sẽ tiếp tục phát triển theo con đường riêng bất chấp dịch bệnh, những người làm nghề cũng đang phải tính toán để ứng dụng công nghệ số vào quá trình tổ chức các sự kiện.
Theo các chuyên gia du lịch Việt, để phát triển loại hình du lịch MICE, các địa phương và đơn vị kinh doanh du lịch cần có tầm nhìn chiến lược, đầu tư nâng cấp bài bản cơ sở vật chất, hạ tầng, nâng cấp dịch vụ một cách chuyên nghiệp hơn. Trong đó, đặc biệt chú trọng chuyển đổi số, ứng dụng các nền tảng công nghệ vào hoạt động tổ chức.
Bên cạnh đó, dẫu biết hệ thống quản lý ngành ở các cấp cũng như doanh nghiệp du lịch cả nước đang ngổn ngang khó khăn do dịch bệnh, thì vẫn cần chuẩn bị những phương án để phục hồi du lịch MICE trong giai đoạn tới.
Ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng trước tiên cần hoàn thiện đầu tư từ hạ tầng giao thông đến hạ tầng du lịch như khách sạn 5 sao, trung tâm hội nghị 5 sao để sẵn sàng đón khách, biến MICE thực sự trở thành ngành công nghiệp chính của du lịch Việt Nam theo đúng định hướng chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030.
Nguồn nhân lực du lịch là yếu tố rất quan trọng. Thực tế, muốn đào tạo lao động du lịch MICE chuyên nghiệp cần rất nhiều thời gian, bởi họ cần tích lũy và trải nghiệm. Đặc biệt, việc giữ chân được lực lượng này trong bối cảnh COVID là vô cùng khó khăn.
Rồi ngày vui sẽ sớm trở lại với ngành du lịch. (Ảnh minh họa: CTV/Vietnam+)
Du lịch Việt cần tạo ra sản phẩm du lịch MICE chất lượng, đa dạng, khác biệt và hấp dẫn vượt trội để thu hút khách, tạo lợi thế cạnh tranh với các thị trường phát triển trên thế giới.
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh việc cần ứng dụng công nghệ số vào quảng bá xúc tiến và khẳng định vai trò quan trọng của truyền thông. Khi dịch bệnh được kiểm soát, truyền thông quốc tế, xúc tiến quảng bá quốc tế là vô cùng quan trọng để tạo dựng hình ảnh thương hiệu cho du lịch Việt Nam là điểm đến hàng đầu của du lịch MICE.
Có lẽ, việc cần làm sẽ rất nhiều nhưng để có được một ngành công nghiệp MICE chuyên nghiệp, đẳng cấp và phát triển bền vững, có trách nhiệm với môi trường và xã hội, cần lắm sự chung tay của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội nghề nghiệp, doanh nghiệp và của cả cộng đồng cho ngày vui sớm trở lại với nền kinh tế xanh./.
Đó là yêu cầu của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 6/9, nhằm duy trì, thúc đẩy sản...