Hấp dẫn du lịch cộng đồng ở “xứ trà” Thái Nguyên

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Điều khiến du lịch cộng đồng tại Thái Nguyên khác biệt so với các địa phương khác đó là hầu hết các mô hình đều gắn với văn hóa trà. Trà Thái Nguyên không chỉ là thức uống bổ dưỡng cho sức khỏe mà còn mang đậm nét văn hóa và nghệ thuật thưởng trà của người Việt.

Trải nghiệm gắn với văn hóa trà

Hoạt động du lịch cộng đồng, nông nghiệp, sinh thái gắn với văn hóa trà tại Thái Nguyên đã từng bước được đầu tư, khai thác, thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm. Một số điểm du lịch cộng đồng đã được công nhận và đưa vào khai thác phục vụ du khách như Không gian văn hóa Trà và vùng chè đặc sản Tân Cương (thành phố Thái Nguyên); Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải (thành phố Thái Nguyên); Làng Văn hóa du lịch Bản Quyên (huyện Định Hóa)...

Hấp dẫn du lịch cộng đồng ở “xứ trà” Thái Nguyên - 1

Du khách đến Tân Cương được tìm hiểu về cây chè và văn hóa trà. Nguồn: HTX Tâm Trà Thái.

Theo bà Nguyễn Thị Mai – Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên, những năm gần đây nhiều địa phương trong tỉnh đã quan tâm đầu tư, khai thác phát triển du lịch cộng đồng, nông nghiệp, sinh thái gắn với văn hóa trà như xã La Bằng (huyện Đại Từ), xã Tức Tranh (huyện Phú Lương), xã Tân Cương (thành phố Thái Nguyên), xã Bình Sơn (thành phố Sông Công), xã Phú Đình (huyện Định Hóa), xã Phú Thượng (huyện Võ Nhai)...

Tại đây, các hộ dân đã bước đầu phát triển các dịch vụ đón khách như nhà hàng ăn uống, cơ sở lưu trú homestay; một số hợp tác xã và cơ sở sản xuất chè đã xây dựng được không gian thưởng trà, trưng bày các sản phẩm trà và khu vực chế biến chè có không gian rộng rãi, có thể đón và phục vụ các đoàn khách đến tham quan, trải nghiệm. Nhiều nơi đã thành lập được hợp tác xã du lịch cộng đồng với các dịch vụ tham quan, trải nghiệm, lưu trú, ăn uống.

Điều khiến du lịch cộng đồng tại Thái Nguyên khác biệt so với các địa phương khác đó là hầu hết các mô hình du lịch cộng đồng ở Thái Nguyên đều gắn với văn hóa trà. Được mệnh danh là vùng đất “Đệ nhất danh trà”, cây chè gắn bó mật thiết với cuộc sống của người dân Thái Nguyên, ngoài việc đem lại giá trị kinh tế lớn, cây chè còn là tiềm năng phát triển du lịch cho người dân địa phương.

Trà Thái Nguyên không chỉ là thức uống bổ dưỡng cho sức khỏe mà còn mang đậm nét văn hóa trà và nghệ thuật thưởng trà của người Việt. Do có thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp, cây chè Thái Nguyên tạo nên những sản phẩm trà thơm ngon nổi tiếng, đồng thời tạo điều kiện đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng gắn với văn hóa trà. Bên cạnh việc sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm chè theo tiêu chuẩn VietGAP, hướng hữu cơ, xây dựng thương hiệu chè đạt các tiêu chí OCOP, nhiều cơ sở sản xuất chè đã đầu tư phát triển dịch vụ tham quan, trải nghiệm, lưu trú, ăn uống để thu hút ngày càng nhiều du khách đến Thái Nguyên.

Sức lan tỏa của du lịch cộng đồng

Những năm trước đây khi du lịch cộng đồng ở Thái Nguyên chưa phát triển, người dân địa phương chỉ quen với sản xuất nông nghiệp mà chưa được trang bị các kỹ năng phục vụ du lịch, chưa tận dụng hết lợi thế để thu hút khách. Thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên đã quan tâm chỉ đạo triển khai các nghị quyết, đề án, chương trình, kế hoạch cùng nhiều giải pháp đồng bộ nhằm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Đề án phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030; đang xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ thu hút các nhà đầu tư tham gia phát triển du lịch cộng đồng.

Hấp dẫn du lịch cộng đồng ở “xứ trà” Thái Nguyên - 2

Thời điểm trước dịch Covid-19, du khách nước ngoài thường xuyên đến tham quan các cơ sở chè tại Tân Cương. Nguồn: HTX Trà và Du lịch cộng đồng Tiến Yên.

Chính quyền địa phương đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân thay đổi tư duy sản xuất, tăng cường tập huấn, bồi dưỡng cho bà con về kỹ năng làm du lịch cộng đồng; đồng thời tận dụng mọi nguồn lực, khuyến khích bà con nông dân áp dụng triển khai nhiều mô hình kinh tế, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất, phát triển các dịch vụ tham quan, trải nghiệm, phát triển mô hình du lịch cộng đồng, nông nghiệp nông thôn.

Hàng năm, Sở VHTT&DL Thái Nguyên cùng Hiệp hội Du lịch Thái Nguyên và các trường, cơ sở đào tạo về du lịch tổ chức các lớp tập huấn về du lịch cộng đồng cho cán bộ xã, các hộ kinh doanh, hợp tác xã, người dân tại các khu, điểm du lịch đang hoạt động du lịch cộng đồng và tại các địa phương có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn nhằm nâng cao nhận thức và trình độ chuyên môn nghiệp vụ nguồn nhân lực tại chỗ trong phát triển du lịch. Ngoài ra, các đoàn khảo sát từ nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đã đến tham quan, trải nghiệm tại các khu, điểm du lịch phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh; qua đó xây dựng tour, tuyến và đưa du khách đến Thái Nguyên.

Nhờ đó, mô hình du lịch cộng đồng tại Thái Nguyên trong thời gian qua đã có sức lan tỏa, tạo được sự đồng thuận trong người dân tham gia làm du lịch. Không chỉ đem đến cho du khách những trải nghiệm về cuộc sống và bản sắc văn hóa của người dân Thái Nguyên, du lịch cộng đồng đã đem lại nhiều lợi ích về kinh tế, xã hội cho người dân địa phương thông qua tạo ra việc làm, cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa.

Hiệu quả của mô hình du lịch cộng đồng đó là thu hút ngày càng nhiều khách du lịch đến Thái Nguyên, doanh thu tăng lên hằng năm và nhận thức của các địa phương, cộng đồng trong việc phát triển du lịch bền vững ngày càng chuyển biến tích cực. Người dân có nhiều thay đổi trong nhận thức, hiểu được ý nghĩa của việc phát triển du lịch cộng đồng gắn với phát triển kinh tế - xã hội, là điều kiện tốt để giao lưu văn hóa, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần do đó nhiều hộ gia đình đã tích cực chủ động tham gia.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Hải Nam (Báo VOV)