Gìn giữ di sản tư liệu quý hiếm được UNESCO công nhận
Những bản đúc nổi trên Cửu đỉnh vừa trở thành Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO. Sắp tới, đơn vị quản lý sẽ tiếp tục thực hiện nhiều công việc để gìn giữ, phát huy giá trị của di sản này.
Cửu đỉnh là bộ sưu tập hiện vật độc đáo và duy nhất
Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng Cung Huế (Cửu đỉnh) vừa ghi tên mình vào danh sách Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO.
Cảm xúc vỡ òa, tràn ngập niềm vui khi hồ sơ “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng Cung Huế” được ghi danh di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương, ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, nói: “Danh hiệu này là niềm tự hào của Việt Nam nói chung và của tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng, đặc biệt đối với chúng tôi là người trực tiếp quản lý và phát huy giá trị di sản. Đây là niềm vui không thể diễn tả được, từ thấp thỏm đến hồi hộp và vỡ òa. Niềm vui gấp bội khi di sản tư liệu này được ghi danh đã gia tăng thương hiệu di sản Huế, một điểm đến 8 di sản”.
Cận cảnh một số đỉnh đồng.
Việc Huế có thêm di sản được UNESCO công nhận đánh dấu sự kiện văn hóa nổi bật năm 2024, là tiền đề để khẳng định mục tiêu xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.
“Sự kiện được công nhận di sản tư liệu thế giới mở màn trước thềm khai mạc Festival 2024 là một kênh truyền thông để quốc tế và trong nước biết đến Huế”, ông Trung chia sẻ.
Theo ông Trung, những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng Cung Huế gồm 162 hình ảnh và chữ Hán được vua Minh Mạng cho đúc tại Huế vào năm 1835 và hoàn thành năm 1837. Đây là nguồn tư liệu độc đáo, quý hiếm bởi nó mang giá trị nội dung về lịch sử, văn hóa - giáo dục, địa lý, phong thủy, y dược, nghệ thuật thư pháp.
“Đáng lưu ý nhất là nghệ thuật đúc đồng và kỹ thuật của người thợ để tạo nên tác phẩm đặc sắc, độc đáo. Đặc biệt, do ảnh hưởng sâu đậm nền văn hóa phương Đông về quan niệm con số “9” và đúc chín đỉnh là bao hàm ý nghĩa tính thống nhất và trường tồn của triều đại. Những hình ảnh đúc nổi trên chín đỉnh đều mang nội dung có giá trị về lịch sử, văn hóa xã hội, địa lý, giao thương buôn bán với các nước trong khu vực và trên thế giới”, ông Trung nói.
Cửu đỉnh trải qua hàng trăm năm tồn tại cho đến nay.
Nói về Cửu đỉnh, ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết, 9 chiếc đỉnh đồng này có kích thước rất lớn, cao trung bình 2,3 mét, trọng lượng từ hơn 1,9 - 2,6 tấn.
“Trên thân mỗi đỉnh đều khắc nổi tên gọi, năm đúc, trọng lượng cùng 17 hình ảnh mang tính biểu tượng cao về núi sông, sản vật, cỏ cây hoa lá và những sản phẩm tiêu biểu do con người làm ra, phản ánh một cách độc đáo nhân sinh quan, vũ trụ quan của người Việt Nam trong thế kỷ 19, đồng thời thể hiện tài năng đặc biệt của những nghệ nhân đúc đồng nước ta hồi ấy”, ông Hải cho biết.
Theo ông Hải, Cửu đỉnh còn hàm chứa quyền lực của vương triều bao trùm lên toàn bộ lãnh thổ và thiên nhiên của đất nước (kể cả vùng trời và biển), cùng với sức mạnh bảo vệ chủ quyền sở hữu ấy. Có thể xem các hình tượng trên Cửu đỉnh là một bộ “Địa dư chí” được ghi bằng ngôn ngữ tạo hình của nước ta ở thế kỷ 19, tuy không nhiều nhưng điển hình và bao hàm rất đầy đủ.
“Có thể khẳng định, Cửu đỉnh là bộ sưu tập hiện vật độc đáo và duy nhất không chỉ của Việt Nam mà trên phạm vi toàn thế giới. Chính vì vậy, Cửu đỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định công nhận là Bảo vật quốc gia ngay trong đợt đầu tiên (ngày 1/1/2012)”, ông Hải chia sẻ thêm.
Giữ gìn, phát huy giá trị di sản
Sau khi Cửu đỉnh được công nhận là Bảo vật quốc gia, công tác giới thiệu và quảng bá hình ảnh Cửu đỉnh đến với đông đảo công chúng trong và ngoài nước được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế thực hiện bằng nhiều hình thức thông tin đại chúng trên kênh truyền hình địa phương, trung ương. Bên cạnh đó, còn tổ chức nhiều cuộc triển lãm trưng bày về hình ảnh Cửu đỉnh để quảng bá đến công chúng...
Trong dòng người tham quan Hoàng Cung Huế, nhiều người đã dành thời gian đặt chân đến trước sân Thế Miếu để chiêm ngưỡng Cửu đỉnh. Mọi người xem các bảng thông tin cũng như quét mã QR để tiếp cận thông tin về hình ảnh mỗi đỉnh đồng.
Cửu đỉnh được làm vệ sinh định kỳ.
Để gìn giữ Cửu đỉnh sạch đẹp, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cũng đã giao cho Tổ Thế Miếu làm vệ sinh định kỳ để làm sạch rêu, các chất bẩn trong Cửu đỉnh. Không chỉ vậy, mặt bên ngoài Cửu đỉnh thường xuyên được vệ sinh sạch sẽ. Tổ Thế Miếu còn phân công trực bảo vệ hiện vật, nhắc nhở du khách không được khắc, viết, vẽ bậy lên Cửu đỉnh, đón và phục vụ khách tham quan, các đoàn lãnh đạo cấp cao của Trung ương, các đoàn ngoại giao quốc tế...
Theo lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, sau khi những bản đúc nổi trên Cửu đỉnh được công nhận là di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đơn vị này sẽ tiến hành sao chụp (quay phim, chụp ảnh các hình ảnh), đo đạc toàn bộ Cửu đỉnh, hoàn thiện phông tư liệu lưu trữ. Bên cạnh đó, còn thực hiện bảo tồn hệ thống hoa văn trang trí trên Cửu đỉnh bằng phương pháp “in rập” thác bản. Tổ chức triển lãm về thác bản các hình ảnh trên Cửu đỉnh.
Những bản đúc nổi trên Cửu đỉnh trở thành Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO.
Những bản đúc nổi trên Cửu đỉnh.
Các họa tiết được chạm khắc với nhiều chủ đề khác nhau.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục quảng bá hình ảnh Cửu đỉnh trên các kênh truyền hình trong nước và quốc tế, ở các sân bay. In ấn brochure giới thiệu giá trị của Di sản Tư liệu những bản đúc nổi trên Cửu đỉnh - Hoàng cung Huế đến với đông đảo người Việt Nam và nước ngoài”, ông Trung cho biết.
Đơn vị này cũng tiến hành nghiên cứu các hình ảnh trên Cửu đỉnh để làm quà lưu niệm cũng như tiếp tục nghiên cứu kỹ thuật truyền thống đúc hình ảnh nổi để biết được kỹ thuật đúc đồng tinh xảo mới có được sản phẩm độc đáo này.
Theo ông Trung, đơn vị còn nghiên cứu các hình ảnh đúc nổi trên Cửu đỉnh thông qua các bài Ngự chế thi của vua Minh Mạng về các hình ảnh đó để thấy được ý nghĩa và giá trị của các hình ảnh đối với đất nước Việt Nam đầu thế kỷ 19...
Trải qua hàng trăm năm tồn tại, Cửu đỉnh vẫn sừng sững cùng thời gian, chứng kiến bao thăng trầm của triều đại nhà Nguyễn. Lịch sử sang trang, giờ đây Cửu đỉnh được gìn giữ, phát huy giá trị di sản để du khách thập phương chiêm ngưỡng, tìm hiểu về những giá trị quý báu mà cha ông để lại cho hậu thế.
Những bản đúc nổi trên cửu đỉnh đã lưu trữ được các giá trị về mối quan hệ giao thoa và tiếp xúc văn hóa xã hội...